Sunday, December 31, 2023

Thứ Hai Tuần Bát Nhật Giáng Sinh – Năm B – 1-1-2024 – Tết Dương Lịch - Lễ Đức Mẹ Là Mẹ Thiên Chúa

Me Thien Chua 

Ga-lát 4:4-7

4Thưa anh em, khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, 5để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. 6 Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Áp-ba, Cha ơi!” 7 Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.

(Trích Thư Ga-lát, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Chúc mừng Năm Mới!  Một năm mới đã bắt đầu và bài đọc hôm nay nhắc nhở tôi về sự kỳ diệu của niềm tin Kitô giáo.  Thánh Phao-lô nói điều đó với người Ga-lát, những người muốn quay trở lại với việc chú trọng đến việc tuân giữ các luật lệ và quy định tôn giáo để được cứu.  Thánh Phao-lô đưa ra thông điệp một cách rõ ràng: Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài đến để mọi người nhờ tin ở Ngài mà được cứu chuộc, chứ không phải lề luật!  “….Thiên Chúa đã sai Con của Ngài…”  Tôi tự hỏi: điều gì đã khiến Thiên Chúa sai Con của Ngài đến?  “Abba” - một biểu hiện của sự thân mật và vâng phục của con đối với cha.  Những lời cầu nguyện của tôi phản ánh sự thân mật với Thiên Chúa như thế nào, một sự đáp trả vâng phục trước tình yêu của Thiên Chúa?  Tôi để ý cách một đứa trẻ nhìn cha mẹ yêu thương một cách cởi mở, hết mình, không ngại ngùng sợ hãi đặt câu hỏi với cha mẹ của chúng - câu hỏi “tại sao?” là một câu hỏi các em thường xuyên hỏi nhất!  Những lời cầu nguyện của tôi với Chúa có thể cởi mở và chân thành như vậy chăng?  “Nếu là con thì cũng là người thừa kế.”  Tôi cảm thấy thế nào?  Cơ nghiệp nào từ Thiên Chúa sẽ đến?  Bây giờ tôi được thừa hưởng gì ở đây?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần.  Tôi cân nhắc mối quan hệ tôi có với Chúa và tôi muốn nó phát triển như thế nào trong năm nay.  Tôi muốn dành cả thời gian còn lại của giờ cầu nguyện này, nói chuyện với Chúa một cách cởi mở và chân thành về những gì tôi có thể mong muốn cho hành trình đức tin của mình trong năm nay.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Mary, Mẹ Có Biết?”, nguyên tác Mark Lowry, lời Việt do Đăng Quang, với sự trình bày của Ngọc Sang – Kim Ngân, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=j01XQAHklrc

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, December 30, 2023

Chúa Nhật Lễ Thánh Gia Thất – Năm B – 31-12-2023

CN Thanh Gia That

Luca 2:22-40

22Khi đã đủ thời gian, đến ngày các ngài phải được thanh tẩy theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, 23như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến, dành riêng cho Chúa”. 24 Ông bà cũng lên để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. 25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn.  Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. 26 Ông đã được Thánh Thần linh báo là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. 27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ.  Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để làm điều người ta quen làm theo luật dạy, 28thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

29“Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
30Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
31Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
32Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”

33Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những điều người ta nói về Người. 34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. 35 Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà. Như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.”

36Lại cũng có một nữ ngôn sứ là bà An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se.  Bà đã nhiều tuổi lắm.  Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi.  Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa. 38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

39Khi hai ông bà đã hoàn tất mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về thành của mình là Na-da-rét, miền Ga-li-lê. 40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Câu chuyện Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thờ tiếp tục với lời chứng của tiên tri Anna. Chúa Giêsu là câu trả lời của Thiên Chúa cho đời sống trung thành cầu nguyện của bà ta. Chúa Giêsu có phải là câu trả lời cho bất cứ điều gì trong cuộc sống của tôi hay Ngài là nguồn gốc của những câu hỏi khúc mắc nhất của tôi?  Tôi muốn nói gì với Ngài khi bước vào bối cảnh của bài đọc này?  Sau khi chu toàn bổn phận tại đền thờ, gia đình Thánh Gia đã trở lại cuộc sống bình thường hàng ngày tại Na-da-rét.  Chính kinh nghiệm thường ngày của con người đã giúp Chúa Giêsu lớn lên trong sức mạnh và sự khôn ngoan.  Cuộc sống đã dạy cho tôi sức mạnh và sự khôn ngoan nào?  Tôi kinh nghiệm ân huệ của Chúa trong đời sống của tôi ra sao?

2.  Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần và để ý phần nào hấp dẫn tôi cách đặc biệt nhất? Hãy chú ý đến những gì còn đọng lại trong tôi và cho phép ân sủng từ những cảm nhận ấy, dù rõ ràng hay ẩn giấu, lớn lên trong trái tim và tâm trí tôi.  Khi Tuần Bát Nhật Giáng Sinh sắp kết thúc và một năm cũng sắp qua đi, tôi thấy mình mong muốn sức mạnh và sự khôn ngoan nào trong cuộc sống?  Thiên Chúa đã ban cho tôi những ân sủng nào khi tôi lắng nghe câu chuyện Ngôi Lời Nhập Thể?  Hãy nói chuyện với Chúa, Ngài đang ngự tại nơi sâu nhất của tâm hồn tôi và cầu xin bất cứ điều gì tôi cần.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, December 29, 2023

Thứ Bảy Bát Nhật Giáng Sinh – Năm B – 30-12-2023

Thu Bay SBGS

Luca 2:36-40

36Khi ấy, có một nữ ngôn sứ là bà An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se.  Bà đã nhiều tuổi lắm.  Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi.  Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa. 38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem. 39 Khi hai ông bà đã hoàn tất mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về thành của mình là Na-da-rét, miền Ga-li-lê. 40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay nối tiếp câu chuyện gia đình Thánh Gia lên đền thờ làm phép cắt bì cho Chúa Giêsu.  Khi ấy Bà An-na đang ở trong đền thờ và được gặp gia đình Thánh Gia, đặc biệt gặp Chúa Giêsu.  Bà rất vui mừng và nói tiên tri về Chúa Giêsu.  Tôi có thể hình dung cảnh đền thờ lúc bấy giờ, đông người hay không tôi không biết, nhưng cách viết của Luca mô tả như một bức chân dung, mà các nhân vật chính trong bức chân dung đều lộ rõ từng nét, không một chi tiết rườm rà có thể làm tôi mất tập trung vào các nhân vật này.  Điều này thật tốt cho giờ cầu nguyện của tôi.  Tôi có thể chiêm ngắm thật gần và thật kỹ hình ảnh gia đình Thánh Gia và Tiên tri An-na.  Tôi để ý niềm vui của Tiên tri An-na như thế nào, khiến bà nói tiên tri về Chúa Giêsu.  Tôi cố gắng lắng nghe thật kỹ những lời của An-na và để ý những phản ứng của Đức Mẹ và Thánh Giuse.  Tôi cũng đang hiện diện trước bối cảnh này, tôi muốn nói gì về Chúa Giêsu và với Chúa Giêsu?  Nên nhớ, Chúa Giêsu mới sinh được tám ngày, Đức Mẹ vẫn còn ẵm bế và nâng niu Ngài rất cẩn thận.  Giờ cầu nguyện này, tôi không muốn đứng thật xa hoặc thụ động nhìn vào bức tranh gia đình Thánh Gia tại đền thờ, nhưng tôi muốn đến gần bên Chúa Giêsu, trở thành một trong những người của bức tranh Luca để được nựng, nhéo cưng, và hôn Ngài, hoặc xin Mẹ Maria cho tôi được ẵm bế Ngài.  Tôi tự hỏi, có khi nào tôi đang ẵm bế một Thiên Chúa?  Tay tôi, cả người tôi đã được chạm vào da thịt của Thiên Chúa.  Tôi ở lại với những cảm nghiệm về Thiên Chúa làm người trong vòng tay của tôi ngay giây phút này. 

2.  Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý đến những từ ngữ, câu, hình ảnh nào đánh động tôi nhiều nhất.  Tôi để ý chúng đang dẫn tôi kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa ra sao.  Giống như Tiên tri An-na, tôi muốn nói gì về Thiên Chúa cho mọi người xung quanh tôi, hoặc nói gì với Thiên Chúa trong giây phút này?  Tôi tiếp tục chiêm ngắm, ẵm bế, cưng nựng và hỏi chuyện Chúa Giêsu, như tôi từng làm với các bé sơ sinh.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, December 28, 2023

Thứ Sáu Bát Nhật Giáng Sinh – Năm B – 29-12-2023

Thu Sau SBNGS

1 Gioan 2:3-11

3Anh em thân mến,
căn cứ vào điều này,
chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa:
đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người.
4Ai nói rằng mình biết Người
mà không tuân giữ các điều răn của Người,
đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy.
5Còn hễ ai giữ lời Người dạy,
nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo.
Căn cứ vào đó,
chúng ta biết được mình đang ở trong Thiên Chúa.
6Ai nói rằng mình ở lại trong Người,
thì phải đi trên con đường Đức Giê-su đã đi.
7Anh em thân mến,
đây không phải là một điều răn mới
tôi viết cho anh em, nhưng là một điều răn cũ
mà anh em đã có ngay từ lúc khởi đầu.
Điều răn cũ ấy là lời mà anh em đã nghe.
8Nhưng đó cũng là một điều răn mới
tôi viết cho anh em, -điều ấy thật là thế
nơi Đức Giê-su và nơi anh em-,
bởi vì bóng tối đang qua đi và ánh sáng thật đã tỏ rạng.
9Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng
mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối.
10Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng,
và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm.
11Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối
và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu,
vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù quáng.

(Trích Thư Gioan I, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Chỉ còn ba ngày nữa cả thế giới sẽ bước qua một năm mới, bài đọc hôm nay trích từ thư của Gioan mời gọi tôi suy ngẫm về bóng tối và ánh sáng.  “Điều răn mới” Chúa Giêsu ban cho mọi người là hãy yêu thương nhau.  Bóng tối nằm ở chỗ tôi không chịu hòa giải với người khác.  Suy nghĩ của tôi đưa tôi đến đâu khi tôi nghe bài đọc này?  Tôi được mời gọi xem xét lại khoảng cách có thể có giữa những tuyên xưng của tôi là một Kitô hữu và cách cư xử của tôi với mọi người xung quanh.  Thật dễ dàng để phán xét và lên án - việc duy trì thiện chí đối với những người mà tôi cảm thấy khó chịu còn khó hơn nhiều.  Có người hay tình huống nào hiện lên trong đầu tôi khi tôi suy ngẫm về điều này không?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa, và hãy xem những từ nào còn đọng lại trong tôi, chúng mang lại ánh sáng hay bộc lộ bóng tối trong tôi và xung quanh tôi.  Tôi đang muốn cầu xin Chúa những ân sủng nào ngay trong giây phút này?  Tôi được cho biết rằng, “Ánh sáng đích thực đã chiếu sáng rồi”.  Khi tôi tiếp tục đọc bài này, hãy để ánh sáng của Chúa giúp tôi nói chuyện với Chúa từ tấm lòng, bày tỏ những suy nghĩ và cảm xúc của tôi cũng như cầu xin bất cứ điều gì tôi cần trong lúc này.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, December 27, 2023

Thứ Năm Bát Nhật Giáng Sinh – Năm B – 28-12-2023 – Lễ Thánh Các Thánh Anh Hài

Thu Nam BNGS

Mát-thêu 2:13-18

13Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” 14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. 15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập. 16 Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. 17 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã nói, 18ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.    Hôm nay là lễ kính các Thánh Anh Hài.  Ý nghĩa của ngày lễ hôm nay làm cho tôi phải đối diện với một bối cảnh khó khăn khác, một cảnh bạo lực và chết chóc.  Vì Chúa Giêsu sinh ra khiến Vua Hê-rô-đê cảm thấy ghen tức nên đã ra lệnh giết Ngài, bằng cách giết tất cả các trẻ sơ sinh từ hai tuổi trở xuống, theo kiểu, “thà giết lầm còn hơn bỏ xót”.  Chính vì thế mà Con Thiên Chúa nhập thể đã phải sống kiếp đời tị nạn ngay từ khi mới sinh.  Hình ảnh tị nạn là một hình ảnh rất quen thuộc với thời đại của tôi hôm nay, và rất gần với dân tộc Việt Nam.  Bởi một chi tiết khá thú vị được tìm thấy trong những bức khảm cổ về cảnh gia đình Thánh Gia vượt biên lúc bấy giờ.  Đó là, gia đình Thánh Gia đã vượt biên qua Ai-cập bằng tàu.  Hóa ra, Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse cũng là những thuyền nhân như hàng triệu thuyền nhân Việt Nam của tôi.  Khi tôi đọc thấy thảm kịch các trẻ sơ sinh bị Hê-rô-đê giết, tôi cảm thấy gì và phản ứng thế nào?  Ra-khen khóc thương những đứa con của bà đã bị giết là một hình ảnh có thể giúp tôi liên tưởng đến biết bao nhiêu người mẹ trong suốt dòng lịch sử và kể cả trong thời đại của tôi ngày nay cũng khóc thương do con của họ bị giết bằng nhiều hình thức.  Thiên Chúa đi vào tận cùng nỗi đau buồn tồi tệ nhất của con người.  Một lần nữa, đây là một cảnh đau đớn.  Tôi có thể chịu đựng được việc ở lại với cảnh tang thương của bài đọc và tiếp xúc với những gì mà bài đọc nói với tôi không?  Nếu không, tôi muốn đi đâu và làm gì với bài đọc này?

2.    Tôi đọc lại bài đọc một hoặc nhiều lần nữa và để ý những lời của Bà Ra-khen dường như tràn ngập sự tuyệt vọng, nhưng những câu tiếp theo cho thấy lời tiên tri tràn ngập niềm hy vọng kiên quyết.  Có ánh sáng chiếu rọi ngay cả trong bóng tối khủng khiếp này.  Tôi có thể tìm thấy một tia sáng khi để những lời nói của tiên tri nói với tôi không?  Đây là một cảnh khó để đối diện, để suy niệm.  Dù điều đó có tác động đến tôi thế nào đi nữa, hãy dành thời gian để nói chuyện với Chúa, chia sẻ bất cứ điều gì trong tâm trí và trái tim tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, December 26, 2023

Thứ Tư Bát Nhật Giáng Sinh – Năm B – 27-12-2023 – Lễ Thánh Gioan Tông Đồ, Thánh Sử

Thu Tu BNGS 

1 Gioan 1:1-4

1Anh em thân mến,
điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu,
điều chúng tôi đã nghe,
điều chúng tôi đã thấy tận mắt,
điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng,
và tay chúng tôi đã chạm đến,
đó là Lời sự sống.
2Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày,
chúng tôi đã thấy và làm chứng,
chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời:
sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha
và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi.
3Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe,
chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa,
để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi,
mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha
và với Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người.
4Những điều này, chúng tôi viết ra
để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn.

(Trích Thư Gioan I, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay, có thể nói, Thánh Gioan muốn chia sẻ niềm vui của mình với mọi người bằng cách làm chứng cho thực tại cụ thể mà ngài đã sống: Thiên Chúa vĩnh cửu, bất khả tri đã trở thành con người, có thật và hữu hình, và nói những lời có thể nghe rõ ràng.  Suy nghĩ này tác động đến tôi như thế nào?  Việc truyền đạt Tin Mừng của Chúa Giêsu tạo ra một cộng đồng hiệp thông với các tín hữu khác qua không gian và thời gian.  Khi tôi nghĩ về điều này, tôi cảm thấy thế nào khi trở thành một phần của cộng đồng đó?  Có ai đã mang Tin Mừng đến gần tôi một cách đặc biệt không?  Tôi muốn nói gì với họ?

2.    Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần và để những gì Gioan viết về lời sự sống vang vọng trong tôi.  Những từ nào nảy sinh trong trái tim tôi phản chiếu những gì bài đọc diễn tả?  Biểu tượng Chúa Ba Ngôi nổi tiếng của Andrei Rublev mô tả Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một tương quan mang tính cộng đồng.  Thư của Thánh Gioan nói với tôi rằng tôi là một phần của cộng đồng đó, trong Thiên Chúa và với mọi người.  Tôi thấy bản thân muốn đáp lại sự mời gọi của Thiên Chúa bước vào vòng tròn yêu thương này như thế nào?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, December 25, 2023

Thứ Ba Bát Nhật Giáng Sinh – Năm B – 26-12-2023 – Lễ Thánh Stephen, Phó tế, Tử đạo

Thu Ba GS

Công vụ Tông đồ 6:8-10; 7:54-60

6/8Thời đó, ông Tê-pha-nô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân. 9 Có những người thuộc hội đường gọi là hội đường của nhóm nô lệ được giải phóng, gốc Ky-rê-nê và A-lê-xan-ri-a, cùng với một số người gốc Ki-li-ki-a và A-xi-a, đứng lên tranh luận với ông Tê-pha-nô. 10 Nhưng họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông.

7/54Khi nghe những lời ông nói, họ giận điên lên, và nghiến răng căm thù ông Tê-pha-nô. 55 Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giê-su đứng bên hữu Thiên Chúa. 56 Ông nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.” 57 Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông 58 rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Sao-lô. 59 Họ ném đá ông Tê-pha-nô, đang lúc ông cầu xin rằng: “Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con.” 60 Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.”  Nói thế rồi, ông an nghỉ.

(Trích Công vụ Tông đồ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.    Mới ngày hôm qua cả Giáo hội hân hoan mừng lễ Chúa giáng sinh, hôm nay Giáo hội đã tưởng niệm ngay cái chết của Thánh Stê-pha-nô, chứng nhân tử đạo đầu tiên vì Chúa Giêsu.  Con Thiên Chúa nhập thể, hiện diện trong cuộc đời mỗi người từ lúc sinh ra cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.  Không bao giờ Ngài thôi là “Chúa ở cùng chúng ta”.  Tôi cảm thấy thế nào khi biết điều này trong cuộc sống của chính mình?  Cái chết của Thánh Stê-pha-nô trở thành một sự kiện biến đổi hành trình đức tin của Thánh Phaolô.  Có người nào trong lịch sử hoặc trong cuộc sống cá nhân của tôi đã giúp xây dựng đức tin của tôi không?  Hãy dành chút thời gian để nghĩ và cầu nguyện về hành trình đức tin của chính tôi và những người mà tôi biết ơn trên suốt chặng đường đức tin.

2.    Tôi đọc lại câu chuyện tử đạo của Thánh Stê-pha-nô và để cho cảnh tượng ấy chạm đến tôi, đồng thời hãy để bất cứ điều gì gây ấn tượng cho tôi nói với tôi và dẫn tôi vào lời cầu nguyện.  Đây là một cảnh tượng gây sốc nhưng cũng là một chứng nhân sáng ngời cho niềm tin và hy vọng trước cái chết.  Tôi thấy mình muốn nói gì với Chúa về điều đó?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, December 24, 2023

Thứ Hai - Đại Lễ Giáng Sinh – Năm B – 25-12-2023

DLGS

Gioan 1:1-18

1Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
2Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.
3Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.
Điều đã được tạo thành 4 ở nơi Người là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.
5Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,
và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.
6Có một người được Thiên Chúa sai đến,
tên là Gio-an.
7Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,
để mọi người nhờ ông mà tin.
8Ông không phải là ánh sáng,
nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.
9Ngôi Lời là ánh sáng thật,
ánh sáng đến thế gian
và chiếu soi mọi người.
10Người ở giữa thế gian,
và thế gian đã nhờ Người mà có,
nhưng lại không nhận biết Người.
11Người đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.
12Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người,
thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.
13Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,
cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,
hoặc do ước muốn của người đàn ông,
nhưng do bởi Thiên Chúa.
14Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta.
Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.
15Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố:
“Đây là Đấng mà tôi đã nói:
Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.”
16Từ nguồn sung mãn của Người,
tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.
17Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê,
còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.
18Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả;
nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa
và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,
chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bên dưới tất cả sự hào nhoáng của Lễ Giáng Sinh là sự nghiệt ngã của cuộc sống con người: nỗi đau và nỗi sợ hãi, sự hoang mang, hy vọng và khả năng yêu thương.  Giữa tất cả những giới hạn của con người, Con Thiên Chúa Hài Đồng ban cho mọi người sức mạnh trở nên con cái Thiên Chúa.  Tôi cảm thấy thế nào khi nghĩ mình là con của Chúa?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một lần nữa và để ý những từ, cụm từ hoặc hình ảnh nào thu hút sự chú ý của tôi và đọng lại trong lòng tôi.  Điều gì làm cho chúng quan trọng với tôi ngày hôm nay?  Khi tôi tiếp tục nhẩm đi nghĩ lại bài đọc hôm nay, tôi có thấy mình muốn nói điều gì với Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên muôn loài hoặc với Con Thiên Chúa mới giáng sinh không?  Hãy nói từ trái tim khi lời Chúa nhập thể trở thành hiện thực đối với tôi.  Tôi muốn cầu nguyện cho mọi người trên toàn thế giới để họ được trải nghiệm niềm vui trọn vẹn khi mừng lễ Giáng Sinh năm nay.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Noel Đầu Tiên,” nguyên tác: The First Noel, sáng tác của William Sandys, do Triệu Yến trình bày lời Việt, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=be0X2IeVEpU

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, December 23, 2023

Chúa Nhật Tuần IV Mùa Vọng – Năm B – 24-12-2023 – Vọng Lễ Giáng Sinh

CN IV MV

Luca 1:26-38

26Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. 28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. 30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao.  Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” 34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” 35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” 38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.”  Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay là Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Vọng, và đêm nay sẽ là Đêm Vọng Giáng Sinh.  Tôi đã đến thật gần với Đại lễ Giáng Sinh!  Ngọn nến Thứ Tư của Mùa Vọng tượng trưng cho Tình yêu, tình yêu tuyệt đối và vô điều kiện của Thiên Chúa.  Ngài đã sai Con Một của Ngài đến với con người, trong đó có tôi, nên ngọn nến này được gọi là “Ngọn Nến Thiên Thần”.  Ngọn nến Thứ Tư của Mùa Vọng được thắp sáng vào Chúa nhật trước Đại lễ Giáng Sinh, và nó có màu tím, hướng tôi cùng háo hức với cả Giáo hội chờ đợi Vương quốc mới của Thiên Chúa trên trái đất.

2.     Chúa Giêsu, Đấng được gọi là “Con Thiên Chúa” đã gần đến.  Ngài đang chờ đợi để bước vào thế giới.  Mẹ Maria đã sinh ra Ngài và chẳng bao lâu nữa Mẹ sẽ sinh ra Ngài cho cả thế giới.  Chẳng phải tôi cũng được kêu gọi làm việc này sao? . . .  Tôi có nghe thấy thiên thần cũng hỏi tôi có muốn cưu mang Chúa Giêsu vào thế giới không? . . .  Tôi có thể giống Mẹ Maria, cũng bối rối và tự hỏi: Làm sao điều này có thể xảy ra với tôi được?  Khi tôi chỉ tầm thường, thậm chí có đạo đức thánh thiện gì đâu!  Tôi chỉ là tôi!  Hãy lặng yên.  Hãy để Thánh Thần của Thiên Chúa bao phủ lấy tôi. . .  Tôi cảm nghiệm ơn Chúa tuôn trào và bao bọc tôi lúc này, chuẩn bị cho tôi sứ mạng đem Chúa đến trong cuộc đời hằng ngày của tôi.

3.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa.  Tôi để ý cuộc gặp gỡ đã biến đổi lịch sử nhân loại và để ý đến phản ứng can đảm của Mẹ Maria. . .  Phần nào của Chúa Giêsu mà tôi được mời gọi đặc biệt để mang vào thế giới hôm nay? . . .  Bây giờ tôi muốn hội thoại với thiên thần bằng lời nói của chính tôi. . .

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, December 22, 2023

Thứ Bảy Tuần III Mùa Vọng – Năm B – 23-12-2023

Thu Bay III MV
Luca 1:57-66

57Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. 58 Nghe biết Chúa đã rộng lòng thương xót bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà. 59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. 60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không được!  Phải đặt tên cháu là Gio-an.” 61 Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.” 62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em là gì. 63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an.”  Ai nấy đều bỡ ngỡ. 64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ.  Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. 66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?”  Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Tôi có thể hình dung niềm vui tràn ngập lòng Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét như thế nào, đặc biệt là bà Ê-li-sa-bét.  Bởi đối với người đàn bà Do-thái có gia đình, chẳng nỗi tủi nhục nào lớn bằng nỗi tủi nhục do không có con.  Đến với họ hàng, đến với hàng xóm ai ai chắc cũng hỏi hoặc xì xầm với nhau về chuyện hiếm muộn của bà.  Hôm nay Chúa đã cho ông bà được một người con trai, nỗi tủi nhục được cất khỏi cuộc đời ông bà.  Chắc chắn ông bà tràn ngập niềm vui và không ngừng khoe với mọi người, không ngớt ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa.  Chuyện này có từng xảy ra với chính tôi, hay có khi nào tôi đã gặp ai đó cũng có kinh nghiệm hiếm muộn và được Chúa ban cho có con?  Niềm vui này không chỉ kéo dài trong ngày hoặc trong tuần, nhưng có thể cả cuộc đời.  Bắt chước những người hàng xóm của Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét, tôi cũng ở bên cặp vợ chồng già hiếm muộn này để cảm nghiệm được lòng biết ơn Chúa, niềm vui luôn lộ rõ trên khuôn mặt của họ.

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần và để ý chữ nào, hay câu nào đánh động tôi nhất.  Thiên Chúa luôn làm những chuyện lạ lùng và vượt trên mọi hiểu biết và suy tính của tôi.  Tôi nhìn lại cuộc sống của tôi và cuộc sống quanh tôi, đâu là những kinh nghiệm rất ngạc nhiên mà Chúa đã làm và tôi muốn cám ơn Chúa.  Tôi có thể kết thúc giờ cầu nguyện này bằng cách dâng lên Chúa lời ngợi ca từ bài kinh Magnificat của Đức Mẹ, bắt chước Mẹ tạ ơn Chúa vì muôn phúc lành của Ngài

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, December 21, 2023

Thứ Sáu Tuần III Mùa Vọng – Năm B – 22-12-2023

Thu Sau III MV

Luca 1:46-56

46Khi ấy, bà Ma-ri-a nói:

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
47thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
48Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
49Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
50Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
51Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
54Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
55như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời.”

56 Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay là ngày Đông chí ở Bắc bán cầu.  Đó là ngày ngắn nhất và đen tối nhất trong năm.  Vào lúc này, tôi có thể khao khát ánh sáng hơn bao giờ hết.  Cho dù tôi đang ở bán cầu nào, hôm nay tôi khao khát ánh sáng theo cách nào?  Bài ca ngợi khen của Đức Mẹ, có thể rất quen thuộc đối với tôi, nhắc nhở tôi về bóng tối của sự bất công trên thế giới. Mẹ khẳng định rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa công bằng, Đấng muốn nâng đỡ những người thấp hèn và đổ đầy những điều tốt lành vào lòng những người đói khát. . .  Tôi có thể ở lại với suy nghĩ này về Thiên Chúa trong giây lát không?  Hình ảnh phổ biến của Đức Mẹ là khiêm tốn, hiền lành, dịu dàng…  Tôi thấy điều gì khác nữa ở Mẹ Maria?  Hãy lắng nghe cung giọng của Mẹ khi Mẹ xướng lên lời Kinh Magnificat. . .

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần và suy ngẫm: Chúa mang ánh sáng và hy vọng vào thế giới của tôi như thế nào?. . .  Chúa muốn tôi trở thành ánh sáng và niềm hy vọng cho người khác ra sao?. . .  Hãy nói chuyện với Chúa, hoặc có lẽ, hãy nói chuyện với Đức Mẹ về điều này. . .

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, December 20, 2023

Thứ Năm Tuần III Mùa Vọng – Năm B – 21-12-2023

Thu Nam III MV

Diễm Ca 2:8-14

8Tiếng người tôi yêu văng vẳng đâu đây, kìa chàng đang tới,
nhảy nhót trên đồi, tung tăng trên núi.
9Người yêu của tôi chẳng khác gì linh dương,
tựa hồ chú nai nhỏ.
Kìa chàng đang đứng sau bức tường nhà,
nhìn qua cửa sổ, rình qua chấn song.
10Người yêu của tôi lên tiếng bảo:
“Dậy đi em, bạn tình của anh,
người đẹp của anh, hãy ra đây nào!
11Tiết đông giá lạnh đã qua,
mùa mưa đã dứt, đã xa lắm rồi.
12Sơn hà nở rộ hoa tươi
và mùa ca hát vang trời về đây.
Tiếng chim gáy văng vẳng trên khắp đồng quê ta.
13Vả kia đã kết trái non,
vườn nho hoa nở hương thơm ngạt ngào.
Dậy đi em, bạn tình của anh,
người đẹp của anh, hãy ra đây nào!
14Bồ câu của anh ơi,
em ẩn trong hốc đá, trong vách núi cheo leo.
Nào, cho anh thấy mặt, nào, cho anh nghe tiếng,
vì tiếng em ngọt ngào và mặt em duyên dáng.”

(Trích Sách Diễm Ca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hầu hết mỗi người đều có nhiều hình ảnh khác nhau về Thiên Chúa.  Một số hình ảnh về Thiên Chúa của tôi là gì? . . .  Mỗi hình ảnh gợi lên một điều gì đó về mối quan hệ của tôi với Thiên Chúa, chẳng hạn như: Cha, Mẹ, Bạn, Mục Tử. . .  Tôi tự hỏi, tôi phản ứng thế nào trước câu hỏi này: Tôi có bao giờ nghĩ Thiên Chúa là Người Yêu của tôi không? . . .  Điều này có thể khiến tôi cảm thấy khá khó chịu hoặc có thể khiến tôi cảm thấy rất thích thú. . .  Có thể nào Chúa thực sự yêu tôi không? . . .

2.     Tôi đọc lại bài đọc này một hoặc nhiều lần, và tự hỏi:  Làm thế nào Chúa có thể nói chuyện trực tiếp với tôi, ở đây và bây giờ. . .?  Hãy để ý, tôi có thấy điều này khó không, và tạo ra một không gian để điều này có thể xảy ra dễ dàng hơn…  Hãy để ý Thiên Chúa rất mực yêu thương tôi, trong lúc này Ngài đang nhìn tôi như thế nào? . . .  Hãy nói với Chúa tất cả những cảm xúc đang diễn ra trong tôi lúc này…

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, December 19, 2023

Thứ Tư Tuần III Mùa Vọng – Năm B – 20-12-2023

Thu Tu III MV

I-sai-a 7:10-14

10Khi ấy, Đức Chúa sai ngôn sứ I-sai-a nói với vua A-khát rằng:

11“Ngươi cứ xin Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi
ban cho ngươi một dấu
dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh.”
12Vua A-khát trả lời:
“Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Đức Chúa.”
13Ông I-sai-a bèn nói: “Nghe đây, hỡi nhà Đa-vít,
các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao,
mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa?
14Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu:
Này đây người trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai,
và đặt tên là Em-ma-nu-en.”

(Trích Sách I-sai-a, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Trẻ em thường “nóng lòng” mong cho đến ngày Giáng sinh: “Sao lâu thế?  Tôi muốn có quà!”  Đối với các Kitô hữu, đoạn văn này của ngôn sứ I-sai-a cho thấy một Thiên Chúa như đang muốn kéo dài cuộc chơi!  Tôi thấy loại kiên nhẫn nào ở vị Chúa này? . . .  Ngài cứ như bước một bước – rồi lại lùi hai bước.  Hãy xem xét những thời đại đã qua trước khi Đấng Kitô đến. . .  Trong hơn 13 tỷ năm, Thiên Chúa vẫn có thể chờ đợi Cuộc Tái Lâm.  Hãy để ý Thiên Chúa này . . .  Thời điểm Chúa Kitô đến sẽ như thế nào đối với Thiên Chúa? . . .  Thiên Chúa, vĩnh cửu và bên ngoài thời gian; Chúa bên trong và kiên nhẫn theo thời gian. . . Hãy lắng nghe lại, nhận thức được góc nhìn của vị Thiên Chúa huyền bí này. . .

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý những từ hay câu nào đánh động tôi nhất.  Hãy để những cảm xúc ấy dẫn tôi đến gần bên Chúa, Đấng rất yêu thương tôi.  Hãy biết rằng Thiên Chúa này nhìn thấy mọi sự: bức tranh toàn cảnh cuối cùng. . .  Chúa muốn chia sẻ điều gì với tôi? . ..

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, December 18, 2023

Thứ Ba Tuần III Mùa Vọng – Năm B – 19-12-2023

Thu Ba III MV
Luca 1:5-25

5Thời vua Hê-rô-đê cai trị miền Giu-đê, có một vị tư tế thuộc nhóm A-vi-gia, tên là Da-ca-ri-a; vợ ông tên là Ê-li-sa-bét cũng thuộc dòng tộc tư tế A-ha-ron. 6 Hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì. 7 Nhưng họ lại không có con, vì bà Ê-li-sa-bét là người hiếm hoi, và cả hai đều đã cao niên.

8Vậy một ngày kia ông Da-ca-ri-a đang lo việc tế tự trước nhan Thiên Chúa khi đến phiên của nhóm ông. 9 Theo tục lệ của hàng tư tế, ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong Đền Thờ của Đức Chúa. 10 Trong giờ dâng hương đó, toàn thể dân chúng cầu nguyện ở bên ngoài.

11Bấy giờ một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án. 12 Thấy vậy, ông Da-ca-ri-a bối rối, và phát sợ. 13 Nhưng sứ thần bảo ông: “Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an. 14 Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan vì con trẻ chào đời. 15 Vì em sẽ nên cao cả trước mặt Chúa.  Em sẽ không uống rượu và thức có men.  Em sẽ được đầy Thánh Thần ngay khi còn trong lòng mẹ. 16 Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. 17 Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để đưa tâm hồn cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa.” 18 Ông Da-ca-ri-a thưa với sứ thần: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy?  Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã cao niên.” 19 Sứ thần đáp: “Tôi là Gáp-ri-en, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông. 20 Này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi.” 21 Dân chúng đợi ông Da-ca-ri-a, và lấy làm lạ sao ông ở lại trong cung thánh lâu như thế. 22 Lúc đi ra, ông không nói với họ được, và họ biết là ông đã thấy một thị kiến trong cung thánh.  Còn ông, ông chỉ làm hiệu cho họ và vẫn bị câm.

23Khi thời gian phục vụ đã mãn, ông trở về nhà. 24 Ít lâu sau, bà Ê-li-sa-bét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng. 25 Bà tự nhủ: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người đoái thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay được trích từ Tin Mừng Luca.  Hôm nay tôi được đọc một bài dài về sự ra đời của Thánh Gioan Tẩy Giả.  Hãy chú ý tới sự quan phòng của Thiên Chúa đang hành động: từ từ, kiên nhẫn, chuẩn bị đường cho sự xuất hiện của Thánh Gioan và Chúa Giêsu. . .  Từ góc nhìn của mình, tôi có thể thấy Chúa đang hành động trong cuộc đời của Ê-li-sa-bét và Da-ca-ri-a.  Tuy nhiên, hãy xem xét những năm tháng dài họ bị xã hội kỳ thị - vì không có con.  Điều đó đã diễn ra với họ như thế nào? . . .  Sau đó, vượt xa những gì họ có thể tưởng tượng, cuối cùng họ cũng được thụ thai.  Da-ca-ri-a bị câm.  Tôi tưởng tượng điều gì đã xảy ra với họ trong tất cả những điều này? . . .  Hãy để ý những trải nghiệm của chính tôi về những lần tôi cầu nguyện mà cảm thấy không được đáp trả, về những thời điểm cằn cỗi, về sự hoang mang trước những điều đôi khi xảy ra trong cuộc sống. . .  

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để hình ảnh của Ê-li-sa-bét và Da-ca-ri-a đến với tôi và ở bên tôi về những lần tôi gặp khó khăn nhất trong đời, về những lần tôi cầu nguyện mà cảm thấy chẳng được Chúa lắng nghe và đáp lời. . .  Họ muốn tôi nhận biết điều gì?  Thiên Chúa muốn tôi chú ý đến hy vọng nào trong tôi?  Hy vọng nằm ở đâu trong con người tôi?  Hãy dùng tay chạm vào nơi đó và dành cho nó sự quan tâm yêu thương. . .

Phạm Đức Hạnh, SJ