1 Cô-rin-tô 9:16-19, 22-23
16Thưa anh em, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự
hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! 17 Tôi
mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý,
thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. 18 Vậy đâu là
phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng
Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho
tôi.
19Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở
thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. 22 Tôi
đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng
mọi cách cứu được một số người. 23 Vì Tin Mừng, tôi làm
tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.
(Trích Cô-rin-tô I, bản dịch của Nhóm
Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Hôm nay là lễ kính Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê, một nhà truyền giáo lớn
trong Giáo hội. Có lẽ chỉ sau Thánh
Phao-lô, Thánh Phan-xi-cô là người đã nhiệt tình đến không mệt mỏi cho sứ vụ
loan báo Tin Mừng, đã tiên phong đến nhiều miền của Á Châu và giúp cho rất
nhiều người nhận biết Chúa Kitô. Dù đã
làm việc không biết mệt mỏi, ấy thế mà cho đến cuối đời, Thánh Phan-xi-cô vẫn
chưa cảm thấy đã làm đủ. Trước khi trút
hơi thở cuối cùng, Thánh Phan-xi-cô đã thì thầm với Chúa: “Lạy Chúa, còn nữa không?”
Tôi muốn cám ơn thánh nhân, vì nhờ ngài mà đã có biết bao nhiêu các vị
thừa sai khác lên đường loan báo Tin Mừng tại mọi hang cùng ngõ hẻm của thế
giới. Cũng nhờ các ngài mà tôi được đón
nhận niềm tin vào Chúa Kitô. Tôi cũng muốn
trở thành một nhà truyền giáo như Phan-xi-cô hay Phao-lô? Có lẽ mảnh đất truyền giáo mà tôi có thể loan
báo Tin Mừng, trước nhất đó là: gia đình tôi, cộng đoàn tôi, rồi thế giới. Tôi ngồi bên Chúa Giêsu, bên Thánh Phao-lô,
bên Thánh Phan-xi-cô, những vĩ nhân truyền giáo của nhiều thế kỷ để hiểu, để
được truyền cảm hứng và để được sai đi cùng một sứ mạng mà Chúa Giêsu đã làm và
đã sai các môn đệ đi.
2.
Tôi có thể đọc lại những lời trên của Thánh Phao-lô, để được bừng cháy
lửa mến yêu việc loan báo Tin Mừng ở mọi nơi tôi hiện diện và mọi người mà tôi
gặp mỗi ngày. Đồng thời, để thấy sứ vụ
truyền giáo là của mọi người, chứ không phải chỉ dành cho những tu sĩ truyền
giáo, hay của các bậc lãnh đạo trong Giáo hội.
Cuối cùng, truyền giáo là một việc làm tự nhiên, diễn tả một tâm hồn
trào dâng yêu mến Chúa Giêsu và được tình yêu ấy biến đổi, thôi thúc tôi chia
sẻ những điều cao đẹp, đầy yêu thương mà tôi đã nhận được từ lòng yêu mến
Ngài. Như ĐGH Phan-xi-cô đã khuyên nhủ
mọi Kitô hữu, “Tôi kêu mời mọi Kitô hữu
ở khắp nơi, ngay lúc này, đi vào một cuộc gặp gỡ mới mẻ với Đức Giêsu Kitô, hay
ít là mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình; tôi xin tất cả anh chị em không
ngừng làm điều này mỗi ngày. Không ai
được nghĩ rằng lời mời gọi này không phải dành cho mình, vì không một ai bị
loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến”. Chúa không làm thất vọng những ai chấp nhận sự
liều lĩnh này; mỗi khi chúng ta bước một bước đến gần Chúa Giêsu, chúng ta hiểu
ra rằng Người đã đang ở đó, đang mở rộng vòng tay chờ đón chúng ta. Bây giờ là lúc để nói với Chúa Giêsu: “Chúa
ơi, con đã để mình bị lừa; con đã trốn tránh tình yêu của Chúa bằng muôn ngàn
cách, nhưng một lần nữa con lại đến đây, để canh tân giao ước của con với Chúa.
Con cần Chúa. Xin cứu con một lần nữa, Lạy Chúa, xin đưa con
vào lại vòng tay cứu độ của Chúa một lần nữa” (ĐGH Phan-xi-cô, “Niềm Vui Tin
Mừng”, #3).
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment