Friday, December 17, 2021

Thứ Bảy Tuần III Mùa Vọng – Năm C –18-12-2021

Thu Bay III MV

Mát-thêu 1:18-24

18Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se.  Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” 22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: 23Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” 24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Gần đến ngày Lễ Giáng Sinh, giáo hội chuẩn bị cho tôi tập trung vào biến cố giáng sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa.  Bởi thế các bài đọc đang tập trung nhiều về thời kỳ gần lúc Chúa Giêsu sinh ra.  Bài đọc hôm qua giới thiệu về nguồn gốc gia phả của Chúa Giêsu.  Bài đọc hôm nay tiếp nối bài đọc hôm qua, tiếp tục nói về nguồn gốc gần với ngày Chúa Giêsu sinh ra, đó là Mẹ Maria và Thánh Giuse.  Phúc âm cho biết, Mẹ Maria và Thánh Giuse đã đính hôn với nhau, nhưng chưa ăn ở với nhau.  Vậy mà, Giuse đã gặp một tin lớn như xét đánh rằng, Mẹ Maria đã có thai!  Điều này khiến cho Giuse thật khó hiểu và khó xử.  Ông muốn tìm cách bỏ Maria, nhưng rồi đã không bỏ vì được thiên thần báo cho biết đó là kế hoạch của Thiên Chúa.  Giuse đã chấp nhận và đón Maria về.  Thánh Kinh không nói nhiều về những trăn trở của Giuse trong việc đón nhận Maria, chẳng hạn như: Giuse đã giằn vặt trong bao lâu?  Giuse đã nghĩ những gì?  Giuse và Maria đã đôi co, cãi qua cãi lại bao nhiêu lâu?  Maria đã phải vất vả giải thích như thế nào cho Giuse, mà rồi cũng chẳng hiểu, đến mức muốn bỏ Maria?  Giuse cuối cũng đã chấp nhận Maria nhờ mạc khải của thiên thần.  Giuse trở thành “ông thánh bất đắc dĩ”!  Có khi nào tôi cũng trong hoàn cảnh của Maria hoặc của Giuse không?  Có khi nào tôi đã “đành” phải làm một việc tốt nào đó?  Có khi nào tôi cũng đã là “thánh bất đắc dĩ” chưa?  Dù điều đến tay tôi phải làm là một việc tốt và đúng, nhưng ngoài dự định và mong muốn của mình nên vừa làm vừa bực bội, khó chịu.  Nếu có tôi có thể hiểu Giuse phần nào.  Tôi có thể nói chuyện với Giuse lúc này để hiểu Giuse hơn và yêu mến Giuse hơn.  Cũng qua Giuse tôi có thể nhờ ông dẫn mình đến gặp Chúa Giêsu chăng?   Cũng có thể nhờ Giuse giúp tôi hiểu và yêu mến Chúa Giêsu hơn. 

2.     Thiên thần báo cho Giuse đặt tên cho con trẻ sắp sinh là “Immanuel”, nghĩa là: Thiên Chúa ở cùng chúng ta.  Nếu đọc Kinh Thánh, tôi sẽ thấy “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” là một chủ đề lớn xuyên suốt Kinh Thánh, đặc biệt Phúc âm Mát-thêu.  Cụ thể, Mát-thêu đã sắp xếp tên gọi của Đấng Immanuel, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta,” ở ngay chương đầu tiên của Phúc âm và ông cũng kết thúc Phúc âm bằng câu: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20)!  Giáng Sinh là dấu chỉ hữu hình, là hiện thực cho những gì các tiên tri đã loan báo, rằng Thiên Chúa sẽ viếng thăm dân Người.  Ngài đã đến làm người ở giữa cuộc đời hôm nay và mãi mãi.  Tôi cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong ngày sống của tôi như thế nào?  Đâu là những dấu chỉ Chúa đã và đang hiện diện quanh tôi hôm nay, hoặc trong tuần lễ này?  Tôi dành giây phút này để hồi tâm, nhìn lại một ngày sống và một tuần sống, từ đầu Mùa Vọng đến giờ hoặc cả một năm qua, đâu là những lần Chúa đã hiện diện bên tôi và trong gia đình, cộng đoàn của tôi?  Tôi tự hào và giới thiệu với mọi người về sự hiện diện của Chúa như thế nào? 

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment