Gioan 20:2-8
2Sáng sớm ngày Phục Sinh, bà
Ma-ri-a Mác-đa-la chạy đi gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su
thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem
Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”
3Ông Phê-rô và môn đệ kia liền
đi ra mộ. 4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và
đã tới mộ trước. 5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng
vải còn ở đó, nhưng không vào. 6 Ông Si-môn Phê-rô theo
sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong
mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7và khăn che đầu Đức
Giê-su. Khăn này không để lẫn với các
băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. 8 Bấy giờ
người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.
(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh
Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi
ý cầu nguyện
1.
Bất cứ ai đọc Tin Mừng Gioan đều thấy rất rõ điểm này, đó là: mọi cảm
nghiệm về Thiên Chúa phải là những kinh nghiệm riêng tư của từng người. Chẳng hạn: Gioan dành hẳn nửa chương 3 để nói
về Chúa Giêsu gặp riêng Ni-cô-đê-mô, sau đó dành hẳn chương 4 cho kinh nghiệm
của người đàn bà bên bờ giếng gặp riêng Chúa Giêsu. Tôi cũng có thể thấy người đàn bà bị cáo là
ngoại tình ở chương 8, rồi người mù từ khi mới sinh ở chương 9, rồi câu chuyện
của La-da-rô được Chúa Giêsu cứu cho sống lại ở chương 11, câu chuyện Tô-ma gặp
Chúa Giêsu sau khi Ngài sống lại…, và câu chuyện từ bài đọc hôm nay cũng nổi
bật những nét kinh nghiệm riêng tư của các môn đệ với Chúa Giêsu. Dường như đây là chủ đích của Tin Mừng Gioan
rằng, mỗi người nếu muốn có một cảm nghiệm sâu đậm và mạnh mẽ về Chúa Giêsu, họ
phải có những kinh nghiệm riêng tư với Ngài.
Tôi đã theo Chúa Giêsu bao nhiêu năm, tôi cũng tin vào Thiên Chúa, nhưng
niềm tin của tôi như thế nào? Mạnh hay
yếu? Đầy xác tin hay mập mờ? Những giây phút tĩnh lặng và riêng tư ngồi
một mình bên Chúa mỗi ngày là những cơ hội tốt giúp đi vào trong tương quan và
kinh nghiệm mang tính cá vị với Chúa Giêsu.
Tôi muốn đi vào trong những đối thoại riêng với Chúa Giêsu ngay bây giờ.
2. Bài đọc hôm nay tường thuật về ba môn đệ: Maria, Phê-rô và môn đệ Chúa yêu, đi tìm Chúa Giêsu, một Giêsu đã chết và được chôn trong mồ. Cả ba môn đệ này đều có một điểm chung, đó là: rất yêu mến Chúa Giêsu. Theo truyền thống, Giáo hội đã cho rằng: cụm từ “môn đệ được Chúa Giêsu yêu” trong Tin Mừng Gioan, chính là nói về Thánh Gioan Tông đồ. Có lẽ vì điều này mà bài đọc hôm nay được chọn cho ngày lễ kính Thánh Gioan viết Tin Mừng. Dù họ rất giống nhau ở tình yêu mạnh mẽ dành cho Chúa Giêsu, nhưng tôi vẫn thấy được cách viết rất khéo của Gioan, đó là làm nổi bật tính riêng tư của từng nhân vật, không lẫn lộn ai với ai. Tôi đọc lại câu chuyện trên và tìm ra những nét rất riêng tư của từng nhân vật, để tôi cũng được thúc đẩy phải có những kinh nghiệm riêng tư, trực tiếp với Chúa Giêsu, để kể từ hôm nay, niềm tin của tôi không thể là “dựa hơi” hay “ăn theo” kinh nghiệm đức tin của người khác. Theo các nhà chú giải Thánh Kinh hiện nay, cụm từ “người môn đệ Chúa Giêsu yêu” trong Tin Mừng Gioan còn là cách viết mang tính biểu tượng để nói về độc giả của Tin Mừng Gioan, tức là tôi hiện nay đang đọc và cầu nguyện với Tin Mừng về Chúa Giêsu. Chính tôi là môn đệ Chúa Giêsu yêu. Chính tôi cũng có được những kinh nghiệm riêng tư và trực tiếp về Chúa Giêsu, chứ không chỉ các môn đệ ngày xưa. Tôi muốn lấy cách hiểu này mà đi vào cuộc đối thoại riêng tư và thân mật với Chúa Giêsu ngay giây phút này, và tôi muốn làm điều này mỗi ngày.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment