Sunday, December 12, 2021

Thứ Hai Tuần III Mùa Vọng – Năm C –13-12-2021 – Lễ Thánh Lu-xi-a, Trinh Nữ, Tử Đạo

Thu Hai III MV

Mát-thêu 25:1-13

1Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. 2 Trong mười cô đó, có năm cô dại và năm cô khôn. 3 Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. 4 Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. 5 Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. 6 Nửa đêm, có tiếng la lên: ‘Chú rể kia rồi, ra đón đi!’ 7 Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. 8 Các cô dại nói với các cô khôn rằng: ‘Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em sắp tắt rồi!’ 9 Các cô khôn đáp: ‘Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn.’ 10 Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới.  Rồi người ta đóng cửa lại. 11 Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: ‘Thưa Ngài, thưa Ngài!  Mở cửa cho chúng tôi với!’ 12 Nhưng Người đáp: ‘Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!’ 13 Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.”

 (Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay dù là cho ngày lễ kính Thánh Lu-xi-a, nhưng cũng rất gần với ý nghĩa của Mùa Vọng, mùa mà cả giáo hội đang sống với tất cả hy vọng và đợi chờ Chúa Giêsu đến lần thứ hai.  Trong bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu đã ví Nước Trời như chuyện của mười cô trinh nữ đốt đèn chờ đợi chú rể đến.  Một vài chi tiết có thể giúp giờ cầu nguyện của tôi tốt hơn.  Thứ nhất, Chúa Giêsu kể dụ ngôn này tại đất Do-thái, vùng trung đông, một nơi gần sa mạc; bởi thế, ban ngày rất nóng nên, người ta thường tổ chức những tiệc tùng và đám cưới ban đêm, lúc trời mát mẻ dễ chịu hơn.  Thứ hai, đám cưới là cơ hội cho cả làng và dòng họ sum họp đông đủ, kéo dài cả tuần lễ.  Bởi thế, đây là cơ hội để các thanh nữ được “ra mắt” với cả làng.  Họ mong sao được chọn làm phù dâu, phù rể để được đi trước trong các đám rước, như thế sẽ được các thanh niên trong làng chú ý mà kết bạn.  Thứ ba, chủ đích của dụ ngôn Chúa Giêsu muốn nói đến sự sẵn sàng chợ đợi chàng rể, tức là Chúa Giêsu đến, là một việc làm của tự do và đầy ý thức của mỗi cá nhân, mỗi người phải tự lo, không ai làm thế được.  Dụ ngôn không có ý dạy tôi vấn đề luân lý về tình tương thân tương ái.  Vì thế, tôi không nên chú ý hay trách móc các cô khôn ngoan đã ích kỷ, mang đủ dầu đèn nhưng lại không biết giúp đỡ các cô khờ dại mang đèn mà quên mang dầu.  Cuối cùng, hình ảnh cánh cửa đóng lại phân biệt giữa những người dự tiệc trong nhà và những người ngoài, ám chỉ về ngày cánh chung, khi Chúa Giêsu đến lần thứ hai, cuộc phán xét toàn nhân loại xảy ra, ai là những cây đèn cháy sáng mới được vào, còn không sẽ bị loại ra bên ngoài.

2.      Như vậy điều quan trọng trong đời sống này và giờ cầu nguyện này, đó là tôi cần phải tự hỏi chính mình: Đèn của tôi còn sáng hay đã tắt rồi?  Tôi đã chuẩn bị dầu cho đèn tôi như thế nào?  Có đủ cho đến ngày Chúa Giêsu trở lại?  Mỗi một Ktiô hữu là một ngọn đèn và ngọn đèn ấy có thể cháy sáng và chiếu sáng là nhờ ở dầu trong đèn, tức những công việc tốt lành mà tôi làm mỗi ngày.  Khi Chúa Giêsu đến, Ngài sẽ đón nhận tôi hay không tùy thuộc ở cuộc đời tôi đã tích góp với những việc lành phúc đức như thế nào, khiến cho đèn tôi tiếp tục cháy sáng, chứ không phải có nhiều của cải vật chất và danh vọng.  Hôm nay đã là tuần thứ ba của Mùa Vọng.  Tôi sẽ làm gì để đèn của tôi tiếp tục cháy sáng, có thể đón mừng lễ Chúa Giáng Sinh, và đặc biệt đón Chúa đến trong giấy phút cuối đời của tôi?  Tôi ngồi bên ngọn đèn của Chúa Giêsu mà xét mình và phải chuẩn bị dầu cho đèn của tôi trong tương lai ra sao.   

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment