Mát-thêu 18:12-14
12Khi ấy, Đức Giê-su
nói với các môn đệ rằng: “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc,
lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? 13 Và
nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên
đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. 14 Cũng
vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ
bé mọn này phải hư mất.”
(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ
Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc
hôm nay là một dụ ngôn rất đẹp, nhưng cũng khó hiểu. Chúa Giêsu kể dụ ngôn về một vị mục tử sẵn sàng
bỏ chín mươi chín con chiên trên núi để đi tìm cho được một con chiên bị lạc. Khi đã tìm được con chiên lạc ấy, vị mục tử
đã rất vui mừng, mừng hơn cả chín mươi chín con kia không bị lạc. Rất đẹp vì nó phản ảnh đúng ý nghĩa cao đẹp của
Lễ Giáng Sinh mà giáo hội và thế giới sắp đón mừng vào 25 tháng 12. Ý nghĩa cao đẹp đó là, Thiên Chúa chính là vị
mục tử đã luôn rong ruổi đi tìm con người, suốt dòng lịch sử của nhân loại. Ngài đã nhập thể để đi tìm từng người một, trong
đó có tôi, một người vẫn cứ lạc hoài!
Khó hiểu vì câu nói của Chúa Giêsu: “Người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị
lạc.” Nghe như thể Chúa yêu những người tội lỗi hơn
người công chính? Như vậy, tôi cứ đi lạc
để được Chúa yêu hơn; tôi không cần phải sống công chính! Không phải thế. Trước mặt Chúa, chẳng ai là công chính. Chẳng ai là không đi lạc. Thiên Chúa yêu thích khi tìm thấy tôi,
bởi tôi nhận biết mình đang bị lạc và cần phải trở về hơn là, tôi, giống như
nhiều người, luôn tự hào mình là tốt, là công chính, là con nhà có đạo, là đạo
gốc, là đi lễ hàng tuần, là cầu nguyện mỗi ngày và chẳng cần phải trở về, chẳng
quan tâm chi đến những lo lắng của Chúa mãi đi kiếm tìm tôi, đến mờ cả mắt, đến
kiệt sức. Nên nhớ: Thiên Chúa không muốn
mất bất cứ ai! Tôi lấy câu này làm cái
neo cho đời sống đức tin của tôi để luôn hy vọng trở về với Thiên Chúa trong mọi
lúc.
2. Khi Chúa Giêsu kể dụ ngôn này cho các môn đệ, Ngài hỏi họ, cũng là hỏi tôi trong lúc này: Tôi nghĩ sao về tình thương của Chúa như vị mục tử trong dụ ngôn này? Trong giây phút này, tôi muốn chia sẻ suy nghĩ của tôi về dụ ngôn trên cho Chúa nghe. Tôi cảm thấy thế nào về tình thương của Chúa và tôi sẽ sống như thế nào ngay sau giờ cầu nguyện này?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment