Monday, December 27, 2021

Thứ Ba Trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh – Năm C –28-12-2021 – Lễ Các Thánh Anh Hài

Thu Ba GS

Mát-thêu 2:13-18

13Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” 14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. 15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.

16Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. 17 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã nói: 18 Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Chỉ hai ngày trước, cả Giáo hội và thế giới đã hát mừng lễ Con Thiên Chúa Giáng Trần.  Trong ngày ấy, khắp nơi chan hòa ánh sáng với những cách bày trí thật vui tươi và hạnh phúc; đi đâu người ta cũng hát mừng, ăn uống và chúc tụng nhau.  Không hề có bóng dáng của đau khổ và chết chóc trong lễ của hai ngày trước.  Ấy vậy mà hôm nay, Giáo hội lại mừng kính các thánh anh hài, tức những trẻ thơ vô tội đã bị Vua Hê-rô-đê giết khi nghe tin Con Thiên Chúa giáng sinh, như tôi thấy trong bài đọc hôm nay.  Giáo hội thật sự muốn tôi hiểu như thế nào về cách sắp xếp các ngày lễ như vậy, vừa mừng lễ vui nhộn, nhưng sau đó là lễ kính của các vị tử đạo?  Có thể Giáo hội không muốn tôi ngủ quên với thực tế của cuộc đời chăng, đó là: vui buồn là một quy luật của cuộc sống?  Cuộc đời không bao giờ chỉ là mầu hồng.  Có thể Giáo hội muốn tôi ý thức về ơn gọi Kito hữu của tôi?  Theo Chúa bao giờ cũng là con đường hẹp, con đường của thập giá.  Vì niềm tin mà tôi sẽ gặp hết thử thách này đến thử thách khác, có khi phải đánh đổi bằng cả mạng sống.  Chúa Kito đã giáng sinh và sau đó cũng đã bị chết một cách nhục nhã trên thập giá.  Vì niềm tin, tôi sẽ không tránh khỏi những thách đố, có khi là rất lớn; tôi còn muốn theo Chúa nữa hay thôi?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong giây phút này?  Đâu là những thách đố, những khó khăn vì niềm tin mà tôi đang phải trả giá trong lúc này? 

2.      Bài đọc hôm nay có thể để lại trong tôi những hình ảnh đầy đau thương, như: tiếng kêu thét của những trẻ sơ sinh bị sát hại, tiếng khóc than gào thét của những người mẹ chứng kiến con mình bị đâm, chém, cắt, rọc ngay trước mặt mình.  Tôi cảm thấy gì từ những hình ảnh tàn độc này?  Hê-rô-đê ra lệnh giết tất cả các trẻ sơ sinh chỉ vì muốn bảo vệ ngai vàng, sự an toàn của mình.  Cuộc thảm sát trẻ sơ sinh năm xưa vẫn còn tái diễn mỗi ngày hiện nay, qua các vụ phá thai hằng ngày trên khắp thế giới.  Tôi thử đọc và suy niệm bằng con số về các thai nhi bị phá mỗi năm hiện nay theo thống kê của Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới (WHO): khoảng 1 triêu tại Mỹ và khoảng 45 triệu trên thế giới, tức là khoảng 125,000 thai nhi bị phá mỗi ngày.  Cuộc thảm sát của Hê-rô-đê có thể nói như là lời tiên tri về cuộc thảm sát thai nhi ngày nay trên thế giới, chỉ vì quyền lợi và an toàn của người lớn, có thể chỉ vì sợ mất mặt của người lớn do lỗi lầm của họ mà đánh phạt thai nhi, có thể do kinh tế an sinh của người lớn, có thể do sức khỏe của người lớn…  Ôi, tôi sẽ có đủ mọi lý do để biện hộ cho hành động giết hại người khác ngày nay, đặc biệt những người thấp cổ bé họng, những người nghèo, những người già.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi xin cho cảm được những tiếng gào thét của bao nhiêu trẻ sơ sinh đang bị giết mỗi ngày để tôi cảm thấy thương cảm và dám bảo vệ mọi mạng sống từ lúc còn trong bào thai cho đến già.  Chúa đang muốn tôi hiểu và sống thế nào trong ngày lễ kính các thánh hài nhi hôm nay?  Tôi muốn cầu nguyện và quyết tâm bảo vệ sự sống như thế nào?  Tôi nói với Chúa trong giây phút này.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment