Sunday, February 28, 2021

Thứ Hai Tuần II Mùa Chay – Năm B –1-3-2021

Thu Hai II MC 

Luca 6:36-38

36Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. 37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán.  Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án.  Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. 38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại.  Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em.  Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Vẫn là những hướng dẫn sống bác ái trong Mùa Chay.  Những lời dạy của Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay được sắp xếp thành những cặp đối xứng giữa tôi với Thiên Chúa: Hãy có lòng nhân từ như Thiên Chúa là Đấng nhân từ; đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán; đừng lên án để khỏi bị Thiên Chúa lên án; hãy tha thứ để được Thiên Chúa tha thứ; hãy cho để được Thiên Chúa cho lại.  Có điều gì lạ trong những lời dạy này không?  Chúa Giêsu không nói: hãy đối xử tốt với đồng loại để được đồng loại đối xử tốt lại, nhưng để được Thiên Chúa đối xử tốt lại cho tôi!  Chẳng lẽ, những gì tôi làm cho người khác trong cuộc đời tạm này lại có ý nghĩa đời đời như vậy sao?  Tôi lấy giây phút này, nhìn lại lối sống và thái độ sống của tôi bao lâu nay?  Có những gì tôi làm mà nhận thấy sẽ đem tôi đến sự sống hạnh phúc vĩnh cửu không?  Có những gì tôi làm mà nhận thấy sẽ đẩy tôi vào chốn hỏa ngục đời đời không?  Tôi làm một phân định và chọn lựa về lối sống và thái độ sống của tôi hiện nay.

2.      Tôi muốn chọn một trong những cặp đối xứng trên, để nhắc nhở tôi làm thế nào sống trọn vẹn lời dạy đó của Chúa Giêsu trong ngày hôm nay, chẳng hạn như: Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại.  Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em.  Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”  Tôi muốn cho đi và cho ai những gì trong ngày hôm nay?  Tôi để ý Chúa sẽ cho lại tôi những gì, có hơn những gì tôi cho đi, hay tôi sẽ bị thiệt thòi?  Chúa Giêsu nói, những gì Thiên Chúa cho lại tôi, chắc chắn sẽ nhiều hơn những gì tôi cho người khác.  Thiên Chúa sẽ dằn, lắc cho đầy tràn mà đổ vào vạt áo của tôi!  Như vậy là Chúa đang dạy khôn tôi: Hãy thả con tép để bắt được con tôm.  Tôi cảm thấy như thế nào về lời quả quyết này?  Tôi tin Chúa Giêsu nói không?  Tôi chuẩn bị vạt áo lớn cỡ nào để đón nhận những gì từ Chúa?  Coi chừng mà vạt áo tôi quá nhỏ!

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, February 27, 2021

Chúa Nhật Tuần II Mùa Chay – Năm B –28-2-2021

CN II MC

Mác-cô 9:2-10

2Khi ấy, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình.  Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao.  Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. 3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. 4 Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. 5 Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay!  Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” 6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. 7 Bỗng có một đám mây bao phủ các ông.  Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” 8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi. 9 Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. 10 Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Ba môn đệ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đã được Chúa Giêsu tỏ mình ra cho thấy thiên tính của Ngài, qua biến cố biến hình trên núi trong bài đọc hôm nay.  Cũng ba môn đệ này đã được Chúa Giêsu tỏ mình ra cho thấy nhân tính của Ngài, qua biến cố Chúa Giêsu cầu nguyện trong vườn cây dầu, trước khi chịu chết.  Như vậy qua hai biến cố trên, đủ cho tôi thấy trọn vẹn con người Chúa Giêsu bao gồm hai bản tính: Thiên Chúa và con người.  Tôi cảm thấy gần gũi với Chúa Giêsu nào hơn?  Tôi có thể nói chuyện với Chúa Giêsu ấy trong giây phút này.   

2.      Trình thuật Chúa Giêsu biến hình vẫn được hiểu là xảy ra trên Núi Tabor.  Tuy nhiên nếu đọc kỹ trình thuật này được ghi nhận trong ba Phúc âm Nhất lãm: Mc 9:2-8; Lc 9:28-36, và Mt 17:1-8, tôi sẽ chẳng thấy chỗ nào nói Chúa Giêsu đã biến hình trên Núi Tabor.  Như vậy, nói Chúa Giêsu biến hình trên Núi Tabor là một kiểu nói truyền thống, không có bằng chứng lịch sử.  Truyền thống ấy bắt nguồn có lẽ sớm nhất vào thế kỷ thứ 3 do Origen, và thế kỷ thứ 4 do Thánh Cyril và Thánh Jerome minh định.  Ngày nay, dù có nhiều giả thuyết khác nhau về nơi Chúa Giêsu biến hình, nhưng phần nhiều vẫn chấp nhận kiểu nói nơi Chúa Giêsu biến hình là Núi Tabor.  Tuy nhiên, việc Chúa Giêsu biến hình ở đâu không quan trọng, điều quan trọng hơn, đó là: tôi hiểu như thế nào về biến hình?  Đặc biệt, tôi đã được Chúa Giêsu biến hình khi nào chưa và ở đâu?  Nếu tôi hiểu câu chuyện này theo nghĩa đen, tôi sẽ chẳng bao giờ được thấy Chúa Giêsu biến hình.  Bởi nó đã quá cũ, 2000 năm rồi, và quá xa với cuộc sống của tôi hiện nay.  Nếu tôi hiểu câu chuyện này trong nghĩa biểu tượng, tôi có thể gặp Chúa Giêsu biến hình rất thường xuyên mỗi ngày trong biến cố này, sự kiện kia, hoặc trong người này, người khác.  Tôi đọc lại câu chuyện trên để quan sát, chiêm ngắm những giây phút nào Chúa đã từng và đang biến hình trước mặt tôi?  Ngài cũng mời gọi tôi biến hình trước mặt những người quanh tôi ra sao?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu đây?  Dựng lều chăng hay phải xuống núi?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, February 26, 2021

Thứ Bảy Tuần I Mùa Chay – Năm B –27-2-2021

Thu Bay I MC

Mát-thêu 5:43-48

43Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. 44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. 45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của  Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi?  Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? 47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu?  Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay tiếp nối những gì Chúa Giêsu dạy về việc sống bác ái để được vào Nước Trời.  Bài đọc hôm nay đi thẳng vào vấn đề tương quan giữa tôi với kẻ thù của tôi.  Chúa Giêsu đòi hỏi tôi phải sống khác, phải vượt lên trên những gì đạo cũ và lẽ thường của nhiều người.  Người Kitô hữu không thể chỉ sống công bằng và sòng phẳng với nhau theo kiểu, “mắt đền mắt, răng đền răng,” nhưng phải sống công chính và nhân ái nữa, tức là dám cầu nguyện cho những người bắt bớ mình và dám yêu kẻ thù của mình.  Bởi Thiên Chúa của tôi cũng là Thiên Chúa của họ nữa.  Ngài cho nắng, cho mưa, cho ân sủng trên tôi và kẻ thù của tôi bằng nhau.  Tôi cảm thấy thế nào về lời dạy của Chúa Giêsu?  Tôi có thực hiện được và dám thực hiện không?  Tôi cần Chúa Giêsu giúp gì để có thể yêu, tha thứ những người bắt bớ, hãm hại tôi và là kẻ thù của tôi?  Tôi nói chuyện với Chúa trong giây phút này và thầm đọc lời kinh tha thứ: “Xin cha tha tội cho chúng con như, chúng con cũng tha cho kẻ có lỗi với chúng con”.

2.      Bài đọc hôm nay kết thúc bằng câu: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”  Hai chữ “hoàn thiện” hay “hoàn hảo” có là làm tôi sợ chăng?  Bởi ai cũng có những lỗi lầm, yếu đuối, chẳng ai có thể hoàn thiện như Chúa Cha được.  Nếu tôi đối chiếu bài đọc hôm nay, từ Phúc âm Mát-thêu, với Phúc âm Luca 6:27-38, tôi có thể hiểu và chấp nhận dễ hơn điều Chúa Giêsu nói.  Trong Phúc âm Luca, câu nói của Chúa Giêsu được viết là: Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.  Điều này tôi có thể làm được!  Bởi tôi có thể bất toàn, tội lỗi ngập đầu, nhưng vẫn có thể rất nhân từ, bắt chước Thiên Chúa là Đấng nhân từ.  Dù tôi là ai, tôi có thể và sẽ sống lòng nhân với những ai trong ngày hôm nay?  Ai là những người đang cần và chờ đợi lòng nhân ái từ tôi?  Họ có thể là những người nhà ruột thịt của tôi, hàng xóm, người dưng của tôi, những người nghèo khổ về tinh thần hoặc vật chất, đặc biệt họ là những kẻ thù của tôi.  Tôi dám chia sẻ lòng nhân ái của tôi với họ không?  Nếu có, tôi sẽ rất giống Thiên Chúa ở điểm cao đẹp này.  Nếu không, tôi không thể vào Nước Trời, bởi tôi mới chỉ sống công bằng mà không sống công chính.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Hãy Yêu Kẻ Thù,” của Đinh Công Huỳnh và Huỳnh Minh Kỳ, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=pbVik0W_tro

Phạm Đức Hạnh, SJ

 

Thursday, February 25, 2021

Thứ Sáu Tuần I Mùa Chay – Năm B –26-2-2021

Thu Sau I MC

Mát-thêu 5:20-26

20Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

21“Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. 22 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà.  Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng.  Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. 23 Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, 24 thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. 25 Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. 26 Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.”

 (Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Một trong những thực hành của Mùa Chay là sống bác ái.  Sống bác ái không chỉ là làm phúc cho một ai đó nghèo khổ hay kém may mắn về vật chất, nhưng còn là làm cho cuộc đời này đẹp hơn về mặt tinh thần, thế giới bớt đi những chia rẽ và hận thù, mọi người có thể xích lại gần nhau hơn.  Bác ái kiểu này khó hơn nhiều, nếu không nói là rất khó.  Tôi có thể cho người này, hiến chỗ kia vài trăm hay vài nghìn đô-la dễ dàng, nhưng tha thứ, hòa giải giữa tôi với những người xung quanh khó vô cùng.  Tôi nghĩ sao về cách sống bác ái kiểu này?  Tôi có cảm thấy khó thực hành lối sống bác ái này không?  Tôi cần Chúa giúp gì để có thể thực hành điều bác ái nào mà Chúa đang mong chờ ở tôi?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu trong lúc này.

2.      Những lời dạy của Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay rất mới mẻ và nghiêm túc.  Mới mẻ ở chỗ, Chúa Giêsu không chỉ dạy tôi ăn ngay ở lành mà thôi, như Luật Mô-sê hay như luật của bất kỳ tôn giáo nào, nhưng còn đòi hỏi tôi phải đi xa hơn cả chuyện ăn ngay ở lành.  Nếu Luật Mô-sê dạy người ta không được giết người, đây mới chỉ là những cấm đoán bên ngoài, Chúa Giêsu đòi hỏi tôi không được giận, mắng, hay chửi người khác, mà phải biết tha thứ.  Như vậy, Chúa Giêsu muốn ngăn ngừa từ bên trong tâm hồn tôi, từ những suy nghĩ lệch lạc trong tim tôi, chứ không chỉ là hành động giết người ở bên ngoài.  Chính những tâm tư bệnh hoạn, thâm độc, cay cú đầy thù oán của tôi mới khiến tôi có những hành động đồi bại bên ngoài.  Nếu tôi chỉ ăn ngay ở lành, tôi mới chỉ công chính như các kinh sư và Pha-ri-sêu trong Đạo Mô-sê, hoặc mới chỉ là tín đồ của một tôn giáo nào đó, chứ chưa phải là tín đồ của Đạo Giêsu.  Chúa Giêsu nghiêm túc đòi hỏi: Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.”  Tôi đang là tín đồ và thực hành giáo lý của Đạo Giêsu, Đạo Mô-sê, hay đạo nào?  Tôi đang ở đâu và đang gặp khó khăn nào để vào Nước Trời?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu và xin Ngài giúp đỡ.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, February 24, 2021

Thứ Năm Tuần I Mùa Chay – Năm B –25-2-2021

Mát-thêu 7:7-11

7Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. 8 Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho. 9 Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? 10 Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? 11 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay thật gần với một trong những thực hành của Mùa Chay: Cầu nguyện.  Chúa Giêsu như hiểu được những khó khăn trong việc cầu nguyện của tôi khiến, nhiều khi tôi bỏ cầu nguyện vì không có giờ, nhiều khi tôi chán cầu nguyện vì thiếu lòng tin, nhiều khi tôi cầu nguyện cho qua loa vì cầu nguyện là việc làm thứ yếu nhất trong ngày sống của tôi, nhiều khi tôi không cầu nguyện vì cảm thấy mình đầy đủ và chẳng cần Chúa nữa, nhiều khi tôi tránh cầu nguyện vì sợ phải đối diện với Chúa hoặc đối diện với chính tôi…  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu, khi Ngài khuyên tôi phải kiên trì cầu nguyện?  Tôi quá bận rộn ư, hãy nói với Ngài sự bận rộn của tôi.  Tôi không có niềm tin ư, hãy cứ cầu nguyện, đức tin tôi sẽ mạnh trở lại.  Tôi coi việc cầu nguyện là chuyện mất thì giờ hoặc là điều thứ yếu trong ngày ư, cầu nguyện như dòng điện làm cho bóng đèn sáng, như nhiên liệu làm cho mọi cỗ máy hoạt động.  Tôi đang tội lỗi ư, hãy cứ cầu nguyện bởi Chúa ưa ở thật gần những tâm hồn đau thương dập nát.  Tôi thánh thiện đến mức an phận vì đã biết Chúa đủ rồi ư, hãy cầu nguyện bởi trong lịch sử nhân loại chưa có ai đã tự hào là đã tốt nghiệp cầu nguyện.  Tôi quá đầy đủ nên chẳng cần cầu nguyện vì có gì để xin Chúa đâu, hãy coi lại Chúa rút hơi thở tôi trong ngày hôm nay tôi còn tồn tại được không?  Vậy, tôi tiếp tục cầu nguyện.

2.      Chúa Giêsu nói tôi cầu nguyện như xin, tìm, gõ cửa.  Có điều gì tôi cần xin Chúa trong lúc này không?  Tôi đang tìm gì trong lúc này?  Tôi gõ cửa ở ai trong những lúc khó khăn: Chúa, hay vái tứ phương?  Trong lời dạy cầu nguyện, Chúa Giêsu nhắc nhở tôi hai điều: Khi cầu nguyện cần phải tin và kiên trì.  Tôi có được hai điều này mỗi khi cầu nguyện không?  Tôi dành giây phút này để thân thưa với Chúa Giêsu.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “ Bao La Tình Chúa,” của Giang Ân, do Trung Đông trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=wD_2nCBslzA

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, February 23, 2021

Thứ Tư Tuần I Mùa Chay – Năm B –24-2-2021

Thu Tu I MC

Thánh Vịnh 51:3-13

3 Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.
4 Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.
5 Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.

6 Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,
dám làm điều dữ trái mắt Ngài.
Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án,
liêm chính khi xét xử.

7 Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi,
đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.
8 Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật,
dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan.

9 Xin dùng cành hương thảo
rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền;
xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết.

10 Xin cho con được nghe
tiếng reo mừng hoan hỷ,
để xương cốt bị Ngài nghiền nát được nhảy múa tưng bừng.
11 Xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi
và xoá bỏ hết mọi lỗi lầm.

12 Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một
tấm lòng trong trắng,
đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.
13 Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh,
đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.  

(Trích Thánh Vịnh, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Thánh Vịnh là tập sách rất đặc biệt và quan trọng trong Bộ Kinh Thánh Do-thái Giáo và Kitô Giáo, bao gồm 150 thánh thi, được chia thành 6 thể loại chính như: ngợi khen, khôn ngoan, hoàng gia, tạ ơn, thống hối và ca thán.  Đặc biệt bởi, nếu tất cả các sách trong Bộ Kinh Thánh là những tâm tình của Thiên Chúa tỏ bày cùng con người, các thánh vịnh là tập sách duy nhất diễn tả tâm tình của con người với Thiên Chúa.  Bởi thế qua các thánh vịnh, tôi có thể đọc thấy tất cả những tâm tư và tình cảm rất người vọng lên cùng Thiên Chúa, như: hỷ, nộ, ái, ố, dục.  Thánh vịnh là tập sách nguyện dùng để cầu nguyện mỗi ngày và vì thế chúng rất quan trọng đối với Do-thái Giáo và Kitô Giáo.  Chúa Giêsu cũng thường cầu nguyện và trích dẫn thánh vịnh trong các bài giảng của Ngài.  Thánh vịnh được viết ra vào khoảng 1440-585 TCN và được cho là của nhiều tác giả, trong đó: Vua Đa-vít viết 73 thánh vịnh, Asaph viết 12, những người con của Korah viết 9, Vua Solomon viết 2, Heman, Ethan và Mô-sê mỗi người viết 1, và 51 thánh vịnh còn lại không rõ tác giả.  Thánh vịnh 51 trong bài đọc hôm nay là của Vua Đa-vít và thuộc thể loại thống hối, nói về tâm trạng thống hối ăn năn của ông với Chúa, vì ông đã ngoại tình với Bà Bát-se-va, lại còn giết luôn cả chồng của bà để phi tang.  Mùa Chay là mùa mời gọi tôi trở về cùng Thiên Chúa, từ bỏ con người tội lỗi của tôi.  Tôi có cảm thấy tội lỗi và cần trở về không?  Chúa đang chờ đợi sự trở về của tôi như thế nào?  Tôi nói với Chúa về tâm hồn của tôi lúc này và xin Ngài đón nhận tôi.

2.      Tôi đọc lại nhiều lần những lời thống hối và khẩn cầu của Vua Đa-vít trong thánh vịnh trên và xin Chúa thanh luyện, thứ tha, cùng cho tôi cơ hội được trở về với Ngài.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Giọt Lệ Ăn Năn,” của Giang Ân, do Xuân Phú trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=j0xPweoGELo

Phạm Đức Hạnh, SJ


Monday, February 22, 2021

Thứ Ba Tuần I Mùa Chay – Năm B –23-2-2021

Thu Ba I MC 

Isaia 55:10-11

10Đức Chúa phán thế này: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, 11thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.”

(Trích Sách Isaia, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Một trong những lời mời gọi thực hành của Mùa Chay là cầu nguyện.  Đời sống cầu nguyện của tôi bao lâu nay thế nào?  Tôi có cảm thấy yêu thích cầu nguyện hay chán ngán, ươn lười?  Tôi có cảm thấy những giờ cầu nguyện là những giây phút tôi đón nhận những ân sủng, được bình an, nghỉ ngơi, đặc biệt là càng ngày càng thêm lòng mến Chúa và yêu người hơn, hay tôi cảm thấy các giờ cầu nguyện thật khô khan và cầu nguyện là chuyện mất thì giờ?  Dù đời sống của tôi đang như thế nào, tôi cũng muốn cầu nguyện theo lời mời gọi của Mùa Chay.  Nếu đời sống cầu nguyện của tôi đang khô khan, hãy nhớ lời của Lm. Keith McClellan, O.S.B nói: “Khi việc cầu nguyện của bạn trở nên khô khan và nhàm chán, hãy tiếp tục.  Bởi đất khô thì cần nhiều nước”, hoặc “Nếu bạn bắt đầu cảm thấy tiến bộ và an phận trong cầu nguyện, hãy nghĩ lại.  Sự sống của Chúa hoạt động sâu hơn cảm xúc hoặc kinh nghiệm của bạn.”

2.      Tôi muốn đọc lại những lời trên của bài đọc hôm nay và để cho lời Chúa như mưa như tuyết tưới mát cuộc đời tôi và làm cho cuộc đời tôi trổ sinh hoa trái của yêu thương, lòng nhân ái, sự an bình và tình liên đới với mọi người trong mọi nơi tôi hiện diện trong ngày hôm nay.  Đâu là những góc cạnh trong đời sống của tôi đang rất khô khan, cần ơn sủng của Chúa tưới mát và vực dậy sức sống?  Hãy mở lòng và cho phép Chúa được chăm sóc tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, February 21, 2021

Thứ Hai Tuần I Mùa Chay – Năm B –22-2-2021

Thu Hai I MC

Mát-thêu 16:13-19

13Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” 14 Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” 15 Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” 16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” 17 Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. 18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay rất quan trọng vì nó giúp tôi xác tín lại Chúa Giêsu thật sự là ai đối với tôi, trước khi tôi có thể cùng với Ngài đi đến đỉnh cao của Mùa Chay là cuộc thương khó và phục sinh của Ngài.  Bài đọc nêu lên hai câu hỏi quan trọng: Thứ nhất, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ về người ta và thế giới chung quanh đang nói gì về Ngài.  Đây có thể là một câu hỏi giáo lý.  Tôi có thể nói cho Chúa Giêsu biết người ta, giáo hội, cha mẹ, thầy cô và bạn bè đã nói với tôi như thế nào về Chúa Giêsu.  Câu hỏi này rất dễ để trả lời.  Tôi chỉ việc lập lại những gì tôi đã nghe, hiểu từ thế giới quanh tôi nói về Chúa Giêsu.  Tôi chẳng cần một kinh nghiệm riêng tư nào với Chúa Giêsu để trả lời câu hỏi này.  Tôi có thể nói cho Chúa Giêsu biết câu trả lời này không?  Tôi để ý xem Ngài phản ứng như thế nào?  Ngài có thấy là mọi người đã nói đúng về Ngài không? 

2.      Thứ hai, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ về chính họ, nói như thế nào về Ngài.  Câu hỏi này quan trọng hơn và khó hơn nhiều.  Quan trọng, vì tôi không thể trả lời câu hỏi này dựa trên sách vở hay ý kiến của người khác, nhưng phải bằng chính kinh nghiệm riêng tư của tôi với Chúa Giêsu.  Khó hơn nhiều, vì trong tôi có thể có rất nhiều câu trả lời về Chúa Giêsu, trong đó phần nhiều là những câu trả lời sai, mô tả những hình ảnh lệch lạc về Ngài.  Tôi phải phân định, chọn lựa và đi đến xác tín Chúa Giêsu thật sự là ai đối với tôi.  Chúa Giêsu thích nghe câu trả lời này hơn.  Tôi trả lời với Chúa Giêsu như thế nào đây?  Chỉ khi nào tôi thật sự có câu trả lời riêng của tôi về Chúa Giêsu, khi ấy tôi mới thật sự gọi là biết Chúa Giêsu, sống hết mình vì Ngài, và yêu Ngài trên hết mọi sự.  Tôi dành phần lớn thời gian của giờ cầu nguyện này để trả lời Chúa Giêsu câu hỏi thứ hai này.   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, February 20, 2021

Chúa Nhật I Mùa Chay – Năm B –21-2-2021

CN I MC

Mác-cô 1:12-15

12 [Khi ấy Đức Giêsu được Thần Khí] đẩy vào hoang địa. 13 Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.

14Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. 15 Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.  Anh em hãy hối cải và tin vào Tin Mừng.”

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay Giáo hội đã chính thức bước vào Mùa Chay 40 ngày, giống như Chúa Giêsu đã vào hoang địa ăn chay 40 đêm ngày năm xưa.  Như vậy, việc làm ngày hôm nay của Giáo hội bắt chước việc làm của Chúa Giêsu năm xưa.  Bài đọc hôm nay tuy rất ngắn nhưng cũng đủ cho tôi những thông tin cần thiết cho việc sống Mùa Chay của tôi năm nay.  Trước hết, Chúa Giêsu không đi vào hoang địa ăn chay 40 đêm ngày một mình, nhưng có Thần Khí Chúa và các thiên thần cùng ở với Ngài.  Sau nữa, Chúa Giêsu đã không chiến đấu với những cám dỗ một mình, nhưng có sự trợ giúp của Thần Khí và các thiên thần.  Có lẽ không có ai có thể giúp tôi sống Mùa Chay và chống lại mọi cám dỗ hiệu quả bằng Thần Khí Chúa và các thiên thần.  Tôi có thể bước vào Mùa Chay năm nay với một ơn xin như vậy không?  Xin cho tôi luôn cảm nghiệm được sự hiện diện của Thần Khí Chúa và các thiên thần, đồng thời được sự trợ giúp của các ngài, giúp tôi được biến đổi và sống Mùa Chay này đúng như ý Chúa muốn.  Tôi có thể nói chuyện với Chúa Giêsu về kinh nghiệm chiến đấu với những cám dỗ, hoặc nói chuyện với Thần Khí cùng các thiên thần để xin sự giúp đỡ của các Ngài. 

2.      Sau khi Chúa Giêsu ăn chay trong hoang địa xong, Ngài bắt đầu rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.  Ngài nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.  Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng.”  Tôi có thấy việc nhận biết Thiên Chúa, Tin Mừng của Ngài thật sự là tin mừng không?  Nếu có, lời mời gọi hối cải thật cần thiết, theo nghĩa là lối sống cũ, con người cũ của tôi có lẽ không còn thích hợp, không còn lớn đủ, mới đủ để có thể đón nhận Triều Đại Thiên Chúa, tôi cần phải cập nhật và đổi mới như thế nào để đón nhận Tin Mừng của Triều Đại Thiên Chúa?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu, Đấng đang gọi tôi hoán cải.  

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, February 19, 2021

Tĩnh Tâm Mùa Chay Cuối Tuần: HÃY ĐÓNG CỬA LẠI VÀ CẦU NGUYỆN...!

Kính mời quý ông bà và anh chị em cùng tham dự Tĩnh Tâm Mùa Chay.  
Xin ghi danh qua đường dẫn sau: https://tinyurl.com/y67gn52a


 

Thứ Bảy Sau Thứ Tư Lễ Tro – Năm B –20-2-2021

 Thu Bay Sau Thu Tu Le Tro

Luca 5:27-32

Khi ấy, Chúa Giêsu trông thấy một người quan thuế tên là Lêvi đang ngồi ở bàn thu thuế, Ngài bảo ông: "Hãy đi theo Ta". Ông liền bỏ mọi sự đứng dậy theo Người. Lêvi đã dọn một bữa tiệc linh đình thết đãi Người tại nhà ông. Có đông người thu thuế và nhiều người khác cùng ngồi ăn với các ngài. Những người biệt phái và các luật sĩ của họ lẩm bẩm với các môn đệ của Người rằng: "Sao các người lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?" Chúa Giêsu trả lời họ rằng: "Những ai mạnh khoẻ không cần tới thầy thuốc, chỉ những người đau yếu mới cần thôi. Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải".

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Mùa Chay là mùa của phân định và chọn lựa cho những quyết định lớn của cuộc đời.  Bài đọc hôm nay kể về quyết định của Lêvi, một người thu thuế.  Thu thuế có gì đáng nói trong bài đọc hôm nay?  Chuyện Lêvi làm một quyết định theo Chúa Giêsu có gì liên quan đến đời sống của tôi?  Nên nhớ, vào thời Chúa Giêsu, Do-thái đang bị đô hộ bởi những người La-mã.  Người Do-thái ghét cay ghét đắng người La-mã nên cũng ghét bỏ tất cả những ai làm tay sai cho chúng.  Lêvi là một nhân viên thu thuế nên về mặt chính trị, ông là tai sai cho giặc.  Vì thế ông bị người Do-thái coi như là “kẻ thù của nhân dân”, đáng khinh bỉ và ghét bỏ.  Về mặt niềm tin và đạo đức, nghề thuế trong cái nhìn của người Do-thái là một nghề không lương thiện.  Bởi họ cắt xén tiền thuế, gian lận của công, tức là tiền của dân.  Do vậy Lêvi là một tên ăn cắp của công, và vì thế đối với nhiều người Do-thái ông là một người tội lỗi.  Tôi thử tưởng tượng, cuộc đời Lêvi luôn sống trong tình trạng mặc cảm tội lỗi, mặc cảm phản bội, đi đâu cũng bị xua đuổi, khinh bỉ và xa tránh.  Chúa Giêsu như đọc được nỗi lòng của ông, Ngài muốn giải thoát cho ông.  Ngài đã gọi ông.  Việc Chúa Giêsu gọi Lêvi có một ý nghĩa quan trọng, đó là sứ vụ của Ngài là đến với những người tội lỗi và cần lòng thương xót của Chúa.  Tôi có nhận thấy Chúa Giêsu cũng đến với tôi và đang gọi tôi không?  Tôi có nhận thấy mình là người tội lỗi và cũng cần được lòng thương xót của Chúa không?  Tôi nói gì với Chúa trong lúc này? 

2.      Lêvi, trong bài đọc hôm nay, đã làm một chọn lựa có tính quyết liệt.  Ông bỏ cái nghề béo bở thu thuế ấy và đi theo Chúa Giêsu ngay lập tức.  Đây là một sự từ bỏ lớn trong cuộc đời của Lêvi.  Ông đã bỏ lối sống tội lỗi để sống thánh thiện hơn.  Ông đã bỏ lối sống tốt để chọn lối sống tốt nhất.  Ông đã bỏ những bám vúi lệch lạc để chọn lối sống tự do và thanh thoát nhất.  Đâu là sự từ bỏ quyết lệt trong Mùa Chay này của tôi?  Hy vọng đó không phải chỉ là kiêng ăn thịt, chocolate hay bất cứ những thứ gì bề ngoài, nhưng là những chọn lựa có tính chiều sâu tâm linh.  Tôi đã và đang sống quyết tâm ấy như thế nào? 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, February 18, 2021

Thứ Sáu Sau Thứ Tư Lễ Tro – Năm B –19-2-2021

Thu Sau Sau Thu Tu Le Tro

Isaia 58:1-9a

1Đức Chúa là Thiên Chúa phán như sau: “Cứ lấy hết gân cổ mà kêu lên, đừng kìm hãm, kêu lớn tiếng lên như tù và, báo cho dân Ta hay tội ác của chúng, cho nhà Gia-cóp biết những lỗi lầm đã phạm. 2 Ngày lại ngày chúng kiếm tìm Ta, chúng ao ước biết đường lối của Ta, như thể một dân tộc vẫn thực hành sự công chính và không bỏ luật pháp của Thiên Chúa mình.  Chúng xin Ta ban những điều luật công minh, chúng ước ao được đến gần Thiên Chúa. 3 Chúng nói: ‘Chúng tôi ăn chay, sao Ngài không thấy, chúng tôi hãm mình, sao Ngài chẳng hay?’  Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. 4 Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn.  Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm, thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách. 5 Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế?  Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Đức Chúa? 6 Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? 7 Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? 8 Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành.  Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi. 9a Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: ‘Có Ta đây!’”

(Trích Sách Isaia, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Những lời Isaia nói trong bài đọc hôm nay thật mạnh mẽ.  Ông đã dám nói thẳng và nói thật không sợ mích lòng ai.  Lời ông quả là của một tiên tri.  Ông tố cáo lối đạo đức giả, kiểu giữ đạo mà không sống đạo, lối sống đạo kiểu “lộng kiếng,” miệng nói tin Chúa và thờ Chúa đó nhưng lòng lại xa Chúa.  Đối với lối sống đạo kiểu đó chỉ đáng liệng cống!  Tôi có cảm thấy lời này của Isaia, dù đã gần ba ngàn năm, nhưng cũng vẫn là những lời đang nói cho tôi hôm nay?  Đời sống đức tin của tôi như thế nào?  Tôi sống đạo hay chỉ giữ đạo thôi?  Tôi nhìn vào tôi và ngước nhìn lên Chúa để trả lời cho Ngài câu hỏi này. 

2.      Ăn chay là một thực hành đã có từ rất lâu cho các tôn giáo.  Nó giúp cho người ta trở nên ý thức hơn để tạo một sự biến đổi tận căn về tương quan giữa tôi với Thiên Chúa, giữa tôi với mọi người xung quanh, giữa tôi với môi trường sống cùng các sinh vật, và giữa tôi và đời sống nội tâm của tôi.  Bài đọc hôm nay, Isaia chỉ cho tôi cách phải ăn chay như thế nào.  Tôi muốn đọc lại những chỉ dẫn của ông và cũng là ý Chúa đang mong chờ ở tôi: Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm?  Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?”  Tôi đã ăn chay kiểu này bao giờ chưa?  Tôi ước muốn ăn chay kiểu này không?  Tôi áp dụng cách ăn chay kiểu này trong Mùa Chay này được không?  Tôi để ý ai đang bị xiềng xích, mất tự do vì lòng hận thù trong tôi?  Ai là những người đang đói, xa lạ trong gia đình, cộng đoàn và xã hội tôi cần được chăm sóc và tiếp rước?  Tôi trả lời với Chúa trong lúc này và xin cho được quyết tâm thực hành những gì Chúa đang chờ ở tôi.    

 Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, February 17, 2021

Thứ Năm Sau Thứ Tư Lễ Tro – Năm B –17-2-2021

Thu Nam Sau Le Tro 

Luca 9:23-25

23Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. 24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.       Một trong những lý do, có lẽ không phải là lý do chính, khiến nhiều người không muốn theo Công giáo, hoặc không còn muốn theo Công giáo nữa, đó là: Công giáo khi nào cũng kêu gọi người ta phải từ bỏ, phải chừa bỏ tội lỗi.  Bởi đây là những thú vui, những đam mê, thậm chí là những lợi lộc đã bén rễ rất sâu trong lòng của đại đa số, nếu không muốn nói là của mọi người.  Chính vì thế, việc từ bỏ bao giờ cũng là một điều khó vô cùng, nên ai cũng ngại, cũng sợ.  Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ vào cốt lõi giáo lý của các tôn giáo thì có tôn giáo nào mà không kêu gọi người ta từ bỏ.  Đối với nhiều người Công giáo, mỗi khi Mùa Chay về, âm lượng của lời mời gọi từ bỏ lại như được khuếch đại lên đến trăm ngàn lần, khiến đi đâu và làm cái gì cũng vẫn nghe thấy lời mời gọi từ bỏ, từ bỏ, từ bỏ...  Bởi thế, nhiều người cảm thấy ngao ngán và sợ Mùa Chay.  Họ đi qua Mùa Chay bằng những bước lê.  Thật đáng tiếc, từ bỏ như vậy không phải là ý nghĩa của Mùa Chay.  Mùa Chay không phải là mùa kêu gọi tôi từ bỏ những điều vui thích và đam mê.  Mùa Chay, có thể nói, là mùa của phân định, mùa của làm lại những chọn lựa có tính trung tâm của đời sống: giữa tôi và Thiên Chúa, giữa tôi với anh chị em xung quanh, giữa đời sống trần thế này và cuộc sống vĩnh cửu.  Như vậy, lời mời gọi từ bỏ của Mùa Chay hay của Kitô giáo, là từ bỏ những gì xấu để chọn cái tốt hơn và bỏ những cái tốt hơn để chọn cái tốt nhất.  Tôi đã có kinh nghiệm từ bỏ như thế này bao giờ chưa?  Sự từ bỏ và chọn lựa ấy đã đem lại cho tôi sự tự do, sức sống và bình an như thế nào?  Có những điều gì tôi cần phải chọn lựa lại trong Mùa Chay này và như là một Kitô hữu không?  Tôi ngồi bên Chúa trong lúc này và xin Ngài soi sáng, chỉ dẫn cho việc phân định và lựa chọn của tôi.  Tôi cũng xin Ngài giúp tôi biết can đảm để thực hiện những chọn lựa mà Chúa mong muốn ở tôi.   

2.       Tôi muốn lấy lời của Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay và suy niệm, hầu giúp tôi biết phân định và chọn lựa một cách sáng suốt hơn: Người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?”  Điều Chúa Giêsu nói “mất chính mình,” hay “thiệt thân” ở đây là có ý nói đến cái mất mát của sự sống đời, mất mát sự sống làm con cái Thiên Chúa.  Hôm nay và Mùa Chay này, cũng như từ nay trở đi, tôi sẽ sống, sẽ làm gì và chọn lựa ra sao để được sự sống đời đời, để được ơn nghĩa cùng Chúa luôn?

Phạm Đức Hạnh, SJ