Mát-thêu 5:17-19
17"Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn
sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. 18Vì, Thầy bảo thật anh em, trước
khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi,
cho đến khi mọi sự được hoàn thành. 19Vậy
ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm
như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy
làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm
Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý
cầu nguyện
1.
Người
Do-thái có lòng cung kính đặc biệt đối với Kinh Thánh, tức Lề Luật Mô-sê và các
sách tiên tri. Trong mỗi buổi phụng tự
của họ, Kinh Thánh được trùm bằng một dải khăn và rước xung quanh cộng
đoàn. Khi Kinh Thánh được rước vào cộng
đoàn, mọi người đứng dậy, cúi chào và tìm cách đụng, hôn vào dải khăn che Kinh
Thánh. Vì Kinh Thánh là cực thánh, không
ai xứng đáng đụng trực tiếp mà chỉ dám đụng, hôn vào dải khăn che Kinh Thánh ấy
mà thôi. Người Công giáo ngày nay bắt
chước người Do-thái cũng cung nghinh Sách Tân Ước trước mỗi Thánh Lễ, hoặc trước
lúc công bố Phúc âm. Người Do-thái còn
khắc ghi Kinh Thánh trên cửa nhà, thêu vào trong tua áo, và viết Kinh Thánh trong
hộp nhỏ đeo trên trán của họ (ĐNL 6:4-9).
Giờ cầu nguyện mỗi ngày của tôi, thay vì đọc những kinh quen thuộc của
những vị thánh nào đó đã viết ra, tôi có thể đọc Kinh Thánh là lời Chúa nói trực
tiếp với tôi được không? Giáo hội trong
hai ngàn năm qua đã đặt Kinh Thánh là trung tâm điểm của đời sống đức tin, đặc
biệt kể từ Công Đồng Vatican II (1962-1965), Kinh Thánh đã được dịch ra tiếng
Việt, tôi đã biết và cầu nguyện với Kinh Thánh mỗi ngày như thế nào? Tôi có một quyết tâm gì về Kinh Thánh sau giờ
cầu nguyện này?
2.
Có lẽ nhân
lúc thấy người ta rước Kinh Thánh như vậy, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ, như tôi thấy trong bài đọc hôm nay: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để
bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng
là để kiện toàn…” Có thể trên tủ sách của tôi chỉ có Tân Ước, mà không có Cựu Ước. Điều này nói nhiều về sự hiểu biết và yêu mến
của tôi đối với Kinh Thánh, tôi đã chỉ thích Tân Ước mà không thích Cựu Ước! Chúa Giêsu đến không bãi bỏ Cựu Ước, nhưng
Ngài kiện toàn, làm cho những lời Kinh Thánh ấy được hoàn thiện, bằng cách,
giải thích những lời ấy theo ngôn ngữ và hình ảnh của người đương thời, sao cho
mọi người có thể hiểu và đón nhận. Tôi
đã nỗ lực hiểu Kinh Thánh như thế nào?
Tôi đã tìm tòi và ghi danh các khóa học Kinh Thánh như thế nào, hầu giúp
tôi sống lời Chúa một cách vui thích và có ảnh hưởng hơn? Tôi có thể tâm tình với Chúa Giêsu trong lúc
này và xin Ngài giúp tôi có lòng say mê học hỏi lời Chúa mỗi ngày.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment