Luca 18:9-14
9Khi ấy, Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là
công chính mà khinh chê người khác: 10“Có hai người lên đền thờ
cầu nguyện. Một người thuộc nhóm
Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. 11Người
Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì
con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu
thuế kia. 12Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa
một phần mười thu nhập của con.’ 13Còn người thu thuế thì đứng
đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa
rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ 14Tôi
nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công
chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn
ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên
Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý
cầu nguyện
1. Xét đoán là một thói quen khó chừa ở mọi người. Xét đoán bao giờ cũng đến từ định kiến, về
chính mình hoặc về người khác. Con đường
của xét đoán, trước hết đi từ định kiến, đến con mắt hoặc lỗ tai, và rồi đến
cái miệng của tôi. Khi xét đoán tiêu cực
một ai, tôi đã ngầm ý rằng, tôi vẫn còn tốt hơn người đó. Xét đoán trong đời thường đã là một điều xấu,
xét đoán trong đời sống tâm linh, tác hại còn lớn hơn nhiều. Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay như muốn
cảnh tỉnh tôi về thói quen khó chừa này.
Mẹ Tê-rê-xa cũng đã từng nói: “Nếu tôi xét đoán, tôi sẽ không còn giờ để
yêu thương.” Tôi nghĩ gì về điều Chúa
dạy trong bài đọc hôm nay? Tôi đã cố
gắng thay đổi thói quen xét đoán như thế nào?
Có khó không? Tôi muốn xin Chúa Giêsu
giúp tôi việc này không?
2. Cầu nguyện là một trong ba thực hành quan trọng của Mùa Chay. Chúa Giêsu đưa ra hai hình ảnh của cầu nguyện:
Một người cầu nguyện trong khiêm nhường, nương tựa vào tình thương của Chúa,
còn một người cầu nguyện trong kiêu căng, tự phụ về những việc anh ta đã làm. Tôi thuộc loại người nào, mỗi khi bước vào
cầu nguyện? Có một điều gì tôi cần phải
thay đổi trong lối cầu nguyện của tôi không?
Tôi có thường cảm thấy bình an và mời gọi biến đổi sau mỗi lần cầu nguyện
không, hay tôi chẳng cảm thấy có sự khác biệt nào trước và sau cầu nguyện, đặc
biệt cảm thấy rất an nhiên tự tại trước lời mời gọi của Chúa, hoặc trước tiếng
kêu cứu của tha nhân?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment