Sunday, March 29, 2020

Thứ Hai Tuần V Mùa Chay – Năm A – 30-3-2020

Thu Hai V MC

Gioan 8:1-11

1Khi ấy, Đức Giê-su đến núi Ô-liu.  2Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ.  Toàn dân đến với Người.  Người ngồi xuống giảng dạy họ.  3Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình.  Họ để chị ta đứng ở giữa, 4rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình.  5Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”  6Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.  Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất.  7Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.”  8Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất.  9Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi.  Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa.  10Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi?  Không ai lên án chị sao?”  11Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.”  Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu!  Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay đã là Tuần Thứ Năm của Mùa Chay, tuần cuối cùng trước khi bước vào Tuần Thánh, tưởng niệm cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu.  Bài đọc hôm nay nói về việc xử tử ném đá, một người đàn bà “bị cho là đang” ngoại tình.  Tôi có thể nghi nghờ về cuộc xét xử này; thế nên tôi có thể nói rằng, bà ta bị cho là đang ngoại tình.  Bởi, nếu bà đang ngoài tình, thì tại sao không bắt cả người đàn ông kia, mà chỉ bắt và ném đá có mình bà ta?  Hóa ra đây chỉ là một câu chuyện, đại diện cho cả trăm triệu những câu chuyện của biết bao nhiêu người nữ đã và đang bị kỳ thị, đối xử một cách bất công trong suốt mấy ngàn năm qua.  Tôi cảm thấy như thế nào khi đọc lại bài đọc hôm nay?  Lòng tôi có được thúc đẩy để phải làm một cái gì đó, xóa bỏ sự trọng nam khinh nữ trong xã hội nơi tôi làm việc, trong Giáo hội và cộng đoàn nơi tôi đặt trọn niềm tin tưởng, trong gia đình nơi tôi đang đóng vai trò ươm trồng các thế hệ tương lai?  Tôi nói gì với Chúa về tình trạng bất công mà nữ giới vẫn đang phải chịu, giữa thế giới văn minh hiện nay?  Tôi có dự định gì để cộng tác với ơn Chúa trong việc xóa bỏ những bất công cho nữ giới quanh tôi?
2.      Chúa Giêsu không đứng về phía bất công.  Ngài không ủng hộ cách xét xử của những hạng đàn ông kia.  Ngài im lặng, đặt câu hỏi, và để họ nhìn vào chính con người của họ khi muốn xét xử người khác.  Khi ấy họ đã nhận ra, chỉ Chúa là Đấng duy nhất có quyền xét xử con người, và chỉ khi nào họ nhìn vào lương tâm của họ, lúc ấy mới nghe rõ những hướng dẫn của Chúa cho họ biết phải làm gì.  Cuối cùng, không ai đã dám kết án người đàn bà này, họ đã bỏ đi hết, bắt đầu từ người lớn tuổi nhất.  Kể cả Chúa Giêsu cũng chẳng kết án bà ta.  Bà đã được cứu khỏi bị oan.  Tôi nghĩ sao về nhiều lần, tôi đã kết án người khác?  Tôi dựa vào đâu, những chứng cớ thật và khách quan, hay những chứng dối và chủ quan, khi xét xử và lên án người khác?  Lần cuối cùng tôi ném đá người khác là khi nào?  Có thể là những lần ném đá trong đời sống thường nhật, có thể là những lần ném đá bằng những lời đàm tiếu khi buôn chuyện, cũng có thể là ném đá trên mạng?  Tôi nghĩ Chúa sẽ xét xử tôi về những gì?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?  Tôi muốn đọc lại bài đọc trên, hoặc nghe bản nhạc, “Chuyện Người Đàn Bà 2000 Năm Trước,” sau đây, và để những lời của câu chuyện hôm nay thấm thật sâu trong lòng tôi, định hướng cách xét đoán của tôi đối với mọi người trong mọi ngày sống của tôi.  https://www.youtube.com/watch?v=cTW1hbtDFyc              

 Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment