Mát-thêu 18:21-35
21Khi ấy, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em
con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” 22Đức Giê-su đáp: “Thầy
không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy. 23“Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy
tớ của mình thanh toán sổ sách. 24Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn
yến vàng. 25Y không có gì để
trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. 26Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái
lạy: ‘Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.’ 27Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng
thương, cho y về và tha luôn món nợ. 28Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y
một trăm quan tiền. Y liền túm lấy,
bóp cổ mà bảo: ‘Trả nợ cho tao!’ 29Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn
nỉ: ‘Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.’ 30Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục
cho đến khi trả xong nợ. 31Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình
bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. 32Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: ‘Tên đầy tớ độc
ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, 33thì
đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót
ngươi sao?’ 34Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả
hết nợ cho ông. 35Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối
xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho
anh em mình.”
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm
Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý
cầu nguyện
1. Một trong những việc làm bác ái quan trọng của Mùa Chay, đó là tha thứ,
cởi trói cho anh chị em xung quanh. Việc
bác ái này không dễ làm chút nào. Thông
thường, tôi có thể tha thứ cho người xa lạ khi họ xúc phạm đến tôi, nhưng không
dễ để tha thứ cho người thân cận với tôi.
Thông thường, tôi hay khuyên người khác phải tha thứ mỗi khi có xung
khắc với ai, nhưng khi tôi có xung khắc tôi lại không dám áp dụng những lời
khuyên ấy cho chính tôi. Thông thường,
tôi vẫn xin Chúa tha thứ cho tôi, nhưng ít khi xin Chúa giúp tôi tha thứ người
thân cận của tôi. Tha thứ thật khó vô
cùng. Tôi có đang giữ lòng hận thù với
ai không? Có một người nào mà tôi không
thể tha thứ bao lâu nay không? Tôi cúi
xin Chúa giúp tôi tha thứ cho họ, được không?
Tôi xin Chúa chữa lành những vết thương do họ gây nên, và cho tôi thêm
sức mạnh để từ nay tôi không để bất cứ ai làm tổn thương tôi nữa.
2. Nói về tha thứ, người Việt có một giới hạn hơi nhỏ hẹp: “Quá tam ba bận.” Phê-rô coi bộ rộng lượng hơn người Việt Nam,
ông có thể tha đến bảy lần! Tưởng vậy là
đã khoan dung lắm, ai ngờ đó vẫn chưa phải là cái ngưỡng hay chuẩn mực mà Chúa Giêsu
đòi hỏi. Ngài muốn tôi phải tha đến bảy
mươi lần bảy, tức là tha mãi mãi. Sau khi
nói với Phê-rô, Chúa Giêsu nói tiếp: “Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện
ông vua tính sổ với các con nợ,” nhưng rồi ông đã tha hết khi con nợ van xin. Hóa ra, chuyện tha thứ liên quan đến cả việc
tôi có được vào Nước Trời hay không đấy!
Điều này tương tự như lời dạy của Chúa Giêsu ở một chỗ khác dạy về người
giầu và sự thừa hưởng Nước Trời. “Thầy nói thật cho anh em: Con lạc đà chui
qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào Nước Thiên Chúa” (Mt 19:24; Mc 10:25; Lc
18:25). Như vậy, chuyện hận thù cũng
giống như chuyện tích trữ của cải, cả hai đều làm cho đời tôi nặng nề, ràng
buộc, mất tự do và làm nô lệ cho chúng.
Ngày nào tôi thật sự tự do về hai điều này, ngày ấy tôi mới siêu thoát,
nhẹ nhõm, bay bổng về với Thiên Chúa.
Tôi khao khát sự tự do, sự thanh thoát đến mức nào? Tôi xin Chúa giúp cởi trói sự hận thù trong
tôi bao lâu nay, khiến tôi lầm tưởng: hận thù là căn tính của đời tôi, làm cho
tôi cứ phải bám chặt nó mãi. Đến mức,
tôi không dám tha thứ, bởi nếu tha thứ, tôi sợ tôi không còn là tôi nữa. Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài
hát: “Hãy Tha Thứ Bảy Mươi Lần Bảy,” của
Huỳnh Minh Kỳ và Đinh Công Huỳnh, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=pLXoXqDnRe4
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment