Mát-thêu 1:16, 18-21, 24a
16Ông Gia-cóp sinh ông Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su
cũng gọi là Đấng Ki-tô…18Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn
với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do
quyền năng Chúa Thánh Thần. 19Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên
mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng
cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại
đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh
Thần.
21Bà sẽ sinh con trai
và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội
lỗi của họ”… 24aKhi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần
Chúa dạy.
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm
Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý
cầu nguyện
1.
Dù Thánh
I-nha-xi-ô là người viết ra Linh Thao, một tập sách bao gồm những bài tập phân
định thiêng liêng. Tuy nhiên, không phải
chỉ Thánh I-nha-xi-ô mới biết phân định thiêng liêng, hay đã làm phân định
thiêng liêng, mà phân định thiêng liêng là một nét đặc biệt trong linh đạo Kitô
giáo, bắt đầu từ Kinh Thánh, cụ thể là bài đọc hôm nay mà Thánh Giuse, có thể
nói, là một nhà phân định nổi tiếng nhất trong Kinh Thánh. Trong Tân Ước, chỉ có Phúc âm Mát-thêu mới nói
đến Giuse nhiều nhất, và bất cứ khi nào nhắc đến Giuse, cũng là lúc ngài đang
chìm vào trong phân định ý Chúa. Ý Chúa mà
ngài đang đi tìm ở đây là gì? Con đường
công chính. Giuse ban đầu, đi tìm con
đường công bằng, nhưng rồi ngài đã chuyển qua con đường công chính. Con đường công bằng, đó là có qua có lại, “hòn
đá ném đi, hòn chì ném lại,” đó là con đường sòng phẳng. Giuse “lý luận,” ngài đâu phải là tác giả của cái
thai trong bụng Maria, nên không muốn có trách nhiệm gì với cái thai đó. Người nào ăn ốc, người đó đổ vỏ, dù đó là
Chúa Thánh Thần! Tuy nhiên, trong sự công
bằng và sòng phẳng này, Giuse chỉ thấy có ý của mình mà không thấy có ý của
Chúa. Cuối cùng, ngài đã chọn con đường công
chính, trong đó không chỉ có ý của ngài mà có cả ý của Chúa nữa. Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn đọc lại
bài đọc trên để đi vào cách thức phân định của Giuse. Tôi muốn quan sát Giuse đã trải qua những tâm
trạng bối rối, hoang mang, dằn vặt như thế nào, để rồi cuối cùng ngài đã có thể
bình tâm nghe được tiếng thiên thần báo, giúp ngài có sự sự bình an nội tâm, và
rồi ngài đã chọn lựa theo thánh ý Chúa.
2.
Tâm điểm ơn
gọi của mọi Kitô hữu là làm theo thánh ý Chúa.
Nhưng ý Chúa thì không chỉ nhiệm mầu khó hiểu, mà còn khó thực hiện nữa. Khó hiểu và khó thực hiện như bài đọc hôm nay
khi mà, Giuse bị đặt vào một tình thế rất khó, để phải chọn lựa không phải là
đúng ý của ngài, mà là đúng ý của Chúa.
Đây chính là con đường của phân định thiêng liêng. Thường thì, trong ý Chúa luôn có ý tôi, nhưng
trong ý tôi chưa chắc đã có ý Chúa. Vì
thế trong phân định, là tôi không đi tìm ý tôi, mà đi tìm ý Chúa, tức là đi tìm
sự chọn lựa nào mà cả Chúa và tôi cùng cảm thấy có thể cộng tác chung và làm
cho cuộc đời tôi nở hoa, tràn ngập niềm vui và sự sống. Không có một phân định thiêng liêng nào đúng,
nếu không cầu nguyện. Không có một phân
định thiêng liêng nào đúng, nếu tôi làm phân định một mình, cho ích lợi riêng
của tôi và vì tôi mà thôi. Một phân định
thiêng liêng đúng khi tôi bỏ giờ ra để cầu nguyện, bàn hỏi với linh hướng, và đặt
mình trong tương quan của tập thể như: Giáo hội, xã hội, cộng đoàn và gia đình. Tôi đã có kinh nghiệm phân định thiêng liêng
bao giờ chưa? Có một điều gì mà tôi đang
phải phân định không? Tôi xin cho có lòng ước muốn làm theo
thánh ý Chúa, chứ không chỉ muốn làm theo ý tôi.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment