Wednesday, March 11, 2020

Thứ Năm Tuần II Mùa Chay – Năm A – 12-3-2020

Thu Nam II MC

Luca 16:19-31

19Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Pha-ri-sêu dụ ngôn sau đây: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình.  20Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, 21thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no.  Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.  22Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham.  Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.  23“Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ.  24Bấy giờ ông ta kêu lên: ‘Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!’  25Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh.  Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.  26Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.’  27“Ông nhà giàu nói: ‘Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, 28vì con hiện còn năm người anh em nữa.  Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!’  29Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.’  30Ông nhà giàu nói: ‘Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.’  31Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.’”

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một dụ ngôn nổi tiếng trong Phúc âm Luca.  Tuy nhiên, dụ ngôn này thường bị nhiều người hiểu lầm.  Sự hiểu lầm ấy là, giầu là một cái tội và nghèo là một cái phúc.  Ở đời này, hãy cố gắng chịu đựng nghèo khổ, làm thân trâu chó, mai kia Chúa thưởng thiên đàng!  Không phải thế.  Chúa Giêsu kể dụ ngôn này không nhằm lên án sự giầu có và ca tụng sự nghèo khổ.  Ngài chỉ muốn nói đến một sự thật khủng khiếp đó là, sự dửng dưng giữa người giầu với người nghèo.  Luca có cách viết tinh tế, nêu bật sự chênh lệch rất lớn giữa người giầu và người nghèo.  Ông nhà giầu, toàn thân được trang điểm bằng lụa là gấm vóc, và ngày ngày yến tiệc linh đình; trong khi đó La-da-rô, một người nghèo, toàn thân bị bao phủ bằng ghẻ chốc, nằm ăn xin trước cổng ông nhà giầu, thèm được ăn những thứ từ bàn ăn của ông nhà giầu rớt xuống.  La-da-rô thấy mình chỉ ngang hàng với chó.  Đã vậy, Luca như thể giúp tôi hình dung rõ hơn mảnh đời mạt rệp của La-da-rô, bằng câu: “Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta!”  Thông thường chó xủa, cắn người lạ, đằng này chúng lại đến liếm những vết thương của La-da-rô.  Như vậy, không chỉ La-da-rô thấy mình ngang hàng với chó, mà chó cũng thấy ông ngang hàng với chúng, là bạn của chúng.  Việc chó đã quen thân với La-da-rô chứng tỏ, La-da-rô đã ăn xin trước cổng nhà ông nhà giầu nhiều lần, vậy mà ông nhà giầu vẫn không màng chi đến sự hiện, cùng như sự khốn cùng của La-da-rô.  Điều này cho tôi thấy, sự dửng dưng thật khủng khiếp của ông nhà giầu trước sự khốn cùng của La-da-rô.  Chính ở điểm này mà tôi cần phải suy ngẫm trong giờ cầu nguyện hôm nay.  Ai là những người nghèo, người khốn cùng quanh tôi hôm nay?  Họ có thể là chồng, vợ, con cái, hàng xóm của tôi.  Họ đang đói ăn cái gì?  Tôi đối đãi họ như thế nào?  Khinh thường, miệt thị, kỳ thị, hay tôn trọng?  Tôi quan tâm giúp đỡ họ ra sao?

2. Nên nhớ, Chúa Giêsu kể dụ ngôn này cho những người Pha-ri-sêu, tức là những người giữ luật một cách nghiêm khắc và tỉ mỉ, nhưng lại có đời sống vô cảm.  Dụ ngôn kết thúc là, cuối cùng cả hai cùng chết, nhưng La-da-rô thì được lên lòng Áp-ra-ham, còn ông nhà giầu phải vào chốn cực hình ngàn thu.  Hóa ra đến ngày phán xét, Chúa không xét hỏi tôi có giữ luật tỉ mỉ và nghiêm khắc như thế nào, nhưng Ngài xét tôi đã có lòng nhân như thế nào, tôi đã sống bác ái sao.  Tôi nghĩ tôi sẽ làm gì và sống như thế nào sau giờ cầu nguyện này?  Tôi đọc lại dụ ngôn trên để có thêm quyết tâm sống những gì Chúa mời gọi tôi, cho quãng đời còn lại của tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment