Luca 5:12-16
12 Khi ấy, Đức Giê-su đang ở trong một thành kia; có một
người đầy phong hủi vừa thấy Người, liền sấp mặt xuống, xin Người rằng:
"Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch."13 Người giơ tay
đụng vào anh ta và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi." Lập tức, chứng phong
hủi biến khỏi anh.14 Rồi Người
truyền anh ta không được nói với ai, và Người bảo: "Hãy đi trình diện tư tế,
và vì anh đã được sạch, thì hãy dâng của lễ như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng
cho người ta biết."15 Tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng; đám đông lũ lượt
tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh.16 Nhưng Người
lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện.
(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng
Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1. Bài đọc hôm nay là một
trình thuật về một người mình đầy phong hủi nhưng đã được Chúa Giêsu chữa
lành. Tôi có thể thấy, dù là một bệnh
nhân thời Chúa Giêsu hay bệnh nhân thời nay, cả đông y lẫn tây y, đều có một điểm
chung đó là: để được khỏi bệnh, điều kiện đầu tiên và cần thiết nhất đó là bệnh nhân phải có lòng ước
muốn được chữa lành. Căn bệnh
thể lý đã vậy, những căn bệnh về tâm lý lẫn tâm linh cũng đều đòi hỏi lòng ước muốn được chữa lành của bệnh nhân trước nhất, từ đó quá trình chữa lành mới xảy
ra. Tôi đang có những căn bệnh nào: tâm
lý, thể lý, tâm linh? Tôi có thật sự ước
muốn Chúa cũng như những thầy thuốc chữa lành không? Tôi có thể bày tỏ lòng muốn này, một cách
chân thành với Thiên Chúa, ngay trong giờ cầu nguyện này.
2. Sau khi chữa lành người
phong hủi, danh tiếng Chúa Giêsu đã đồn ra khắp nơi và đám đông tuôn đến với
Ngài. Giữa những lúc bận rộn và nổi tiếng
như vậy, Chúa Giêsu lui vào nơi hoang vắng để cầu nguyện. Điều này nói gì về đời sống cầu nguyện của
tôi? Tôi có bận rộn đến mức không có giờ
để cầu nguyện trong ngày không? Đời sống
cầu nguyện có là quan trọng đến mức không thể thiếu trong đời sống của tôi? Chúa đang là ưu tiên như thế nào
trong đời sống của tôi? Trong giây phút
này, có thể chẳng cần xin gì, có thể chỉ kể cho Chúa nghe những gì đang xảy ra
trong đời sống của tôi, trong gia đình tôi, hoặc chỉ cần ở với Chúa trong lặng
lẽ, thế cũng đủ.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment