Wednesday, January 30, 2019

Thứ Năm – Tuần III Thường Niên I – Năm C – 31 - 1-2019 – Lễ Thánh Gioan Bosco


Thu Nam III TN

Do-thái 10:19-24

19 Vậy, thưa anh em, nhờ máu Đức Giê-su đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh.20 Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người.21 Chúng ta lại có một vị tư tế cao trọng đứng đầu nhà Thiên Chúa.22 Vì thế, chúng ta hãy tiến lại gần Thiên Chúa với một lòng chân thành và một đức tin trọn vẹn, vì trong lòng thì đã được tẩy sạch mọi vết nhơ của lương tâm, còn ngoài xác thì đã được tắm rửa bằng nước tinh tuyền.23 Chúng ta hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, vì Đấng đã hứa là Đấng trung tín.24 Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt.

(Trích Thư Do-thái bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.     Bài đọc hôm nay nói, Đức Giêsu đã đổ máu để mở cho con người một con đường mới và sống động qua bức màn, là chính thân xác Ngài.  Bức màn này nhắc nhở đến một bức màn thực tế tại đền thờ Giê-ru-sa-lem, nơi ngăn cách giữa dân chúng và nơi cực thánh, chỉ có tư tế mới được đi qua bức màn vào nơi cực thánh dâng hương và cầu nguyện thay cho dân (Xh 30:10; Lv 16).  Như vậy trong Cựu ước, tư tế là đại diện của dân, dẫn dân đến với Thiên Chúa, cầu thay cho dân khi dân có nhu cầu.  Hôm nay thời Tân ước, Đức Giêsu, qua cái chết và phục sinh, đã xé bức màn ngăn cách ấy để mọi người có thể đến trực tiếp với Thiên Chúa mà không bị ngăn cản nào (Mt 27:50-51). Vì thế linh mục chủ tế ngày nay không còn quay lưng lại với giáo dân khi dâng lễ, nhưng quay mặt lại với giáo dân, cùng dân dâng lễ và đàm đạo với Thiên Chúa, Thiên Chúa không còn ở bên kia bức màn mà ở giữa cộng đoàn.  Tôi cảm thấy thế nào khi tôi có thể nói chuyện trực tiếp với Thiên Chúa, ngay giây phút này?  Tôi đang có tâm tình gì muốn tỏ lộ cùng Ngài?  Có thể không cần phải nói gì, chỉ cần yên lặng, cảm nghiệm lòng ao ước của Chúa luôn muốn ở gần tôi.    

2.     Với niềm vui và tự do, tác giả của Thư Do-thái mời gọi tôi hãy tiến lại gần Chúa với một tấm lòng chân thành và một niềm tin trọn vẹn; đồng thời, hãy đến với nhau, thúc đẩy nhau sống yêu thương và hy vọng.  Tôi cảm thấy gì ở lời mời gọi này?  Tôi có thể mạnh dạn đến với Chúa ngay giây phút này với cả lòng thành và xác tín của tôi không?  Tôi dám sống yêu thương và giúp người khác sống yêu thương không?  Tôi muốn đọc lại đoạn thư trên để tìm sức mạnh trong những lời rất đẹp ấy.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment