Thursday, January 3, 2019

Thứ Sáu - Tuần I Mùa Giáng Sinh – Năm C – 4 - 1-2019


Thu Sau I GS

Gioan 1:35-39

35 Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông.36 Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa."37 Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su.38 Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: "Các anh tìm gì thế?" Họ đáp: "Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?"39 Người bảo họ: "Đến mà xem." Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.
(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Bài đọc hôm nay nêu lên hai câu hỏi thật quan trọng trong mọi giờ cầu nguyện: Thứ nhất, “Các bạn tìm gì?”  Điều này cũng có nghĩa là, “Các bạn muốn gì?”  Tôi thật sự tìm gì, hay muốn gì mỗi khi bước vào giờ cầu nguyện, cụ thể là giờ cầu nguyện này?  Nếu Chúa Giêsu hỏi tôi ngay lúc này những câu hỏi này, tôi sẽ trả lời với Ngài như thế nào?  Tôi dành đôi phút để trả lời với Ngài hai câu hỏi trên. 
2.     Thứ hai, “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”  Sau khi được Chúa Giêsu mời, họ đã đến và ở với Chúa Giêsu hôm ấy.  Đây có thể là một kinh nghiệm đẹp, khiến họ, dù sau bao nhiêu năm khi nhắc lại biến cố ấy, vẫn nhớ rõ thời gian của cuộc viếng thăm ấy.  Đây cũng chính là điều quan trọng thứ hai trong cầu nguyện.  Cầu nguyện là ở với Thiên Chúa, kinh nghiệm trực tiếp với Thiên Chúa.  Tôi thấy sao về các giờ cầu nguyện của tôi, cụ thể là giờ cầu nguyện này?  Tôi có thật sự muốn ở với Chúa không, hay xác tôi ngồi đây mà lòng trí tôi đã ở những nơi đâu rất xa.  Điều này chứng tỏ không phải là yêu thực sự.  Nếu tôi thực sự yêu Chúa, tôi sẽ làm, ít là, giống hai người yêu nhau.  Họ luôn muốn ở bên nhau, ở trong nhau, trong mọi suy nghĩ và toan tính.  Tôi muốn được ngồi đây bên Chúa và kể cho Chúa nghe những khó khăn, ưu tư và niềm vui trong cuộc sống cho Ngài.  Tôi để ý Ngài quan tâm đến đời sống của tôi như thế nào.     
Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment