2Tm1:1-8
1 Tôi là Phao-lô, Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su,
do ý muốn của Thiên Chúa, chiếu theo lời Thiên Chúa hứa ban sự sống vốn có
trong Đức Ki-tô Giê-su,2 gửi anh Ti-mô-thê, người con yêu dấu.
Xin Thiên Chúa là Cha và xin Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh được
ân sủng, lòng thương xót và sự bình an.3 Tôi tạ ơn Thiên Chúa,
Đấng tôi phụng thờ với lương tâm trong sạch, theo gót tổ tiên; tôi tạ ơn Người
khi tôi không ngừng nhắc nhở đến anh, trong các lời cầu nguyện của tôi, đêm
cũng như ngày.4 Nhớ đến những giọt nước mắt của anh, tôi ước ao
gặp lại anh để được chan chứa niềm vui.5 Tôi hồi tưởng lại lòng
tin không giả hình của anh, lòng tin đã có nơi cụ Lô-ít, bà ngoại anh, nơi bà
Êu-ni-kê, mẹ anh, cũng như chính nơi anh, tôi xác tín như vậy.6 Vì
lý do đó, tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã
nhận được khi tôi đặt tay trên anh.7 Vì Thiên Chúa đã chẳng ban
cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần
Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ.8 Vậy
anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi,
người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng
khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.
(Trích Thư Ti-mô-thê 2 bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh
Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý
cầu nguyện:
1. Phao-lô quả là một vị
mục tử đáng kính. Nhờ ngài luôn viết thư
thăm hỏi, khuyên nhủ và dạy dỗ các đoàn chiên của ngài mà Giáo hội ngày nay có
một kho tàng rất quý trong Kinh Thánh Tân Ước. Số các thư của ngài (13 cuốn) chiếm đến hơn
một phần ba tổng số sách trong Tân ước (27 cuốn). Bài đọc hôm nay là một trích đoạn của một
trong những lá thư của ngài. Tôi muốn
đọc lại đoạn trích trên và muốn học ở Phao-lô tâm tình của ngài có với những
người có niềm tin. Tôi có thể bắt chước
ngài mỗi khi viết thư cho ai, cần mang tâm tình đây yêu thương, quan tâm và có
Chúa trong đó.
2. Phao-lô nhắc nhở
Ti-mô-thê phải khơi dậy đặc sủng đầy sức mạnh, đầy tình thương và biết tự chủ
mà Thiên Chúa đã ban. Điều này có thể là
một lời nhắc nhở đối với tôi chăng? Kể
từ nay tôi không bao giờ hổ thẹn làm chứng cho Chúa Kitô khi sống yêu thương,
khi chia sẻ với những người đau khổ, khi phải lên tiếng trước những bất công. Tôi muốn nói chuyện với Phao-lô trong lúc
này, bởi nhờ đâu ông có lòng nhiệt huyết và tâm huyết cho Chân lý, Công bằng và
Bác ái đến như vậy. Đó chính là sứ điệp
Nước Trời.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment