Monday, May 22, 2017

Thứ Ba Tuần VI Phục Sinh – 23-05-2017

Thu Ba Tuan VI PS

Tông Đồ Công Vụ 16:16-24

16 Một hôm, đang khi chúng tôi đi tới nơi cầu nguyện, một đầy tớ gái đón gặp chúng tôi; cô ta bị quỷ thần ốp, và thuật bói toán của cô làm lợi nhiều cho các chủ của cô.17 Cô lẽo đẽo theo ông Phao-lô và chúng tôi mà kêu: "Các ông này là tôi tớ Thiên Chúa Tối Cao; họ loan báo cho các người con đường cứu độ."18 Cô cứ làm thế trong nhiều ngày. Bực mình, ông Phao-lô quay lại bảo quỷ: "Nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, ta truyền cho ngươi phải xuất khỏi người này! " Ngay lúc ấy, quỷ thần liền xuất.19 Các chủ của cô thấy hy vọng kiếm lợi đã tiêu tan, liền túm lấy ông Phao-lô và ông Xi-la mà lôi đến quảng trường, đưa ra trước nhà chức trách.20 Họ điệu hai ông đến các quan toà và nói: "Những người này gây xáo trộn trong thành phố chúng ta; họ là người Do-thái,21 và họ truyền bá những tập tục mà người Rô-ma chúng ta không được phép chấp nhận và thi hành."22 Đám đông nổi lên chống hai ông. Các quan toà, sau khi đã cho lột áo hai ông, thì ra lệnh đánh đòn.23 Khi đã đánh nhừ tử, họ tống hai ông vào ngục, và truyền cho viên cai ngục phải canh giữ cẩn thận.24Được lệnh đó, người này tống hai ông vào phòng giam sâu nhất và cùm chân lại.
(Trích Tông Đồ Công Vụ bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Người ta vẫn nói: Lịch sử lập lại.  Câu nói này thật đúng bởi chẳng phải chỉ có Phao-lô và Xi-la bị oan ức chỉ vì lời giảng của các ngài mà những người xấu bị mất miếng mồi ngon của họ, trong lịch sử Giáo hội đầy dẫy những câu chuyện như vậy.  Chẳng hạn như chuyện bách hại đạo tại Việt Nam.  Trong biết bao nhiêu lý do bách hại đạo, các Kito hữu đã bị bách hại vì sự ghen tức giữa những sư sãi và những người quyền thế tại Việt Nam lúc bấy giờ, khi mà các nhà truyền giáo thu hút nhiều phật tử theo Công giáo và nhiều người có chức quyền bị lên án vì lối sống đa thê.  Tôi có kinh nghiệm tương tự bao giờ chưa?  Dù chưa phải tù đầy hay đổ máu nhưng có kinh nghiệm nào từ sự ghen tức qua lối sống đạo của tôi?

2.     Trong những lúc bị hiểu lầm và chống đối, tôi đã cư xử thế nào?  Chúa ở đâu trong những lúc khó khăn đó?  Tôi nhận ra Chúa không?  Tôi muốn nói gì hay muốn xin ơn gì trong việc đối diện với những thử thách đó?  Tôi có thể nói chuyện với Chúa trong giây phút này.  
Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment