Thursday, August 31, 2023

Thứ Sáu Tuần XXI Thường Niên – Năm A – 1-9-2023

Thu Sau XXI TN

Mát-thêu 25:1-13

1Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. 2 Trong mười cô đó, có năm cô dại và năm cô khôn. 3 Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. 4 Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. 5 Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. 6 Nửa đêm, có tiếng la lên: ‘Chú rể kia rồi, ra đón đi!’ 7 Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. 8 Các cô dại nói với các cô khôn rằng: ‘Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em sắp tắt rồi!’ 9 Các cô khôn đáp: ‘Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn.’ 10 Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới.  Rồi người ta đóng cửa lại. 11 Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: ‘Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với!’ 12 Nhưng Người đáp: ‘Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!’ 13 Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Chương 24 và 25 của Phúc âm Mát-thêu đều có chung một chủ đề, đó là: Cánh chung, tức là đề cập đến những vấn đề cuối cùng của đời người như sự chết, sự sống lại, sự phán xét, thiên đàng và hỏa ngục.  Mà nói đến cánh chung là nói đến hạn chót, không còn thời gian gia hạn nào nữa.  Bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu kể dụ ngôn của mười cô trinh nữ đốt đèn chờ đón chàng rể.  Tôi sẽ có thể cảm thấy khó hiểu và thắc mắc: Tại sao chàng rể lại đến vào ban đêm, mà không đến ban ngày?  Nên nhớ, Chúa Giêsu kể dụ ngôn này ở đất Do-thái, một vùng đất nóng như sa mạc.  Bởi thế, người Do-thái không thể tổ chức tiệc tùng vào ban ngày mà thường phải tổ chức vào ban đêm.  Tựa như Las Vegas, thành phố ăn chơi nổi tiếng của Mỹ, nhiệt độ ban ngày mùa hè thường là 110 độ F (44 độ C), vì thế rất ít người đi bộ ngoài đường ban ngày, nhưng đêm đến, người ta chen lấn, đi bộ đến ngập đường.  Trở lại với dụ ngôn các cô trinh nữ chờ chàng rể.  Tôi có thể dừng ở động từ “chờ” để suy niệm và cầu nguyện trong lúc này.  Tôi có kinh nghiệm chờ đợi bao giờ chưa?  Chờ đợi bao giờ cũng làm cho người ta thấp thỏm, nhưng chờ đợi vào ban đêm sẽ nhọc nhằn hơn vì ai cũng mệt và buồn ngủ.  Chúa Giêsu dùng dụ ngôn này để mời gọi tôi phải chờ đợi, nhưng phải chờ đợi trong sự tỉnh thức.  Điều này thật khó.  Tôi có cảm thấy tôi vẫn thức chờ đợi Chúa mỗi ngày?  Ngày hôm nay Chúa đã đến với tôi vào lúc nào, trong hình thức nào và hoàn cảnh nào?  Tôi có nhận ra không?  Tôi muốn nói với Chúa về thái độ của tôi chờ đợi Chúa như thế nào.

2.  Tôi đọc lại bài đọc trên và để ý đến những khó khăn của năm cô khờ dại.  Lưu ý, đây không phải là dụ ngôn dạy về đức bác ái, nhưng dạy tôi về sự sẵn sàng và tỉnh thức.  Mỗi người ai cũng được chia rất bằng nhau về thời gian sống, 24 tiếng mỗi ngày, 7 ngày trong tuần, 365 ngày trong năm.  Tôi đã sống 24 tiếng qua, 7 ngày qua và 365 ngày qua như thế nào?  Tôi đã tận dụng và sống hết mình với thời gian Chúa cho tôi mỗi ngày, hay tôi sẽ bị trễ khi kim giây của giờ phút cuối cùng trong ngày dịch chuyển?  Tôi nói với Chúa về lối sống và thời giờ mỗi ngày của tôi và để ý Chúa sẽ nói gì với tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, August 30, 2023

Thứ Năm Tuần XXI Thường Niên – Năm A – 31-8-2023

Thu Nam XXI TN

Mát-thêu 24:42-51

42Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến. 43 Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông phải canh thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. 44 Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến. 45 Vậy thì ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc? 46 Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy. 47 Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. 48 Nhưng nếu tên đầy tớ xấu xa ấy nghĩ bụng : ‘Còn lâu chủ ta mới về’, 49thế rồi hắn bắt đầu đánh đập các đồng bạn, và chè chén với những bọn say sưa, 50chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không chờ, vào giờ hắn không biết, 51và ông sẽ loại trừ hắn ra, bắt chung số phận với những tên đạo đức giả: ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Tôi cảm thấy thế nào về bài đọc hôm nay?  Có lẽ khó chịu, sợ hãi.  “Hãy tỉnh táo!” "Hãy sẵn sàng!" Lời gọi khẩn cấp này gợi lên trong tôi phản ứng gì?  Câu trả lời “trung thành và khôn ngoan” có thể như thế nào theo thuật ngữ hiện đại?  Tôi cần phải làm gì tốt nhất để Chúa Giê-su có thể “tìm thấy chúng tôi đang làm việc” khi ngài trở lại? Tôi đang cố gắng hoàn thành mọi việc đúng đắn hay đang loay hoay giải quyết cùng với những người khác?  Điều gì sẽ xảy ra, nếu sẵn sàng chỉ đơn giản là duy trì sự đáp ứng của tôi đối với tình yêu của Chúa?  Hãy để Thiên Chúa đồng hành cùng tôi trên từng bước hành trình, hành trình phục vụ của tôi, với tất cả những thăng trầm của nó.

2.     Khi tôi đọc lại bài đọc trên, hãy hình dung Chúa Giêsu đang nói những lời đó trực tiếp với tôi.  Khi thời gian cầu nguyện này kết thúc, hãy nói với Chúa, như bạn với bạn, về ý nghĩa của việc sẵn sàng đối với tôi. Hãy xin Chúa đáp lời.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, August 29, 2023

Thứ Tư Tuần XXI Thường Niên – Năm A – 30-8-2023

 Thu Tu XXI TN

1 Thê-xa-lô-ni-ca 2:9-13

9Thưa anh em, hẳn anh em còn nhớ nỗi khó nhọc vất vả của chúng tôi: đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em, suốt thời gian chúng tôi loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em. 10 Anh em làm chứng, và Thiên Chúa cũng chứng giám, rằng với anh em là những tín hữu, chúng tôi đã cư xử một cách thánh thiện, công minh, không chê trách được. 11 Anh em biết: chúng tôi đã cư xử với mỗi người trong anh em như cha với con; 12chúng tôi đã khuyên nhủ, khích lệ, van nài anh em sống xứng đáng với Thiên Chúa, Đấng kêu gọi anh em vào Nước của Người và chia sẻ vinh quang với Người. 13 Bởi thế, về phần chúng tôi, chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, vì khi chúng tôi nói cho anh em nghe lời Thiên Chúa, anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy.  Lời đó tác động nơi anh em là những tín hữu.

(Trích Thư Thê-xa-lô-ni-ca 1, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay cho tôi cái nhìn lướt qua về đời sống khiêm nhường và phục vụ của Phao-lô.  Phao-lô hành động “như cha của các con mình”, giáo hội trẻ ở Thessalonica, thúc giục và khích lệ. Phao-lô biết ơn, thừa nhận thành quả lao động của mình vì Phúc âm.  Đây có phải là mẫu người mà tôi có thể tôn trọng, người mà tôi có thể muốn lắng nghe?  Làm việc “ngày đêm”.  Có lẽ tôi đã trải qua những giây phút mệt mỏi như Phao-lô.  Có thể tôi là bậc cha mẹ đang làm việc ngày đêm cho gia đình.  Có thể tôi đang khao khát tìm kiếm công việc.  Tôi cảm thấy thế nào về công việc tôi đang làm?  Hãy nhớ rằng chính Chúa Giêsu biết thực tế công việc ở nhiều cấp độ.

2.     Khi đọc lại bài đọc trên, hãy để ý xem điều gì còn đọng lại trong tôi.  Khi thời gian suy niệm và cầu nguyện này sắp kết thúc, hãy nói chuyện với Chúa, như bạn với bạn, như đồng nghiệp với đồng nghiệp, hoặc như vợ chồng với nhau.  Hãy thưa với Chúa tất cả những gì đang ở trong lòng tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, August 28, 2023

Thứ Ba Tuần XXI Thường Niên – Năm A – 29-8-2023 – Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả Bị Trảm Quyết

Thu Ba XXI TN

Mác-cô 6:17-29

17Khi ấy, vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục.  Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê, 18mà ông Gio-an lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!” 19 Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được. 20 Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông.  Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe. 21 Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê. 22 Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích.  Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” 23 Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” 24 Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây?”  Mẹ cô nói: “Đầu Gio-an Tẩy Giả.” 25 Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm.” 26 Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. 27 Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới.  Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, 28bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. 29 Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một câu chuyện đầy bi thương về chính vị thánh mà tôi mừng lễ hôm nay, Thánh Gioan Tẩy Giả.  Ông là một vị thánh mẫu mực về nếp sống công chính và là một sứ giả đích thực của Chúa, cả cuộc đời ông đã dành trọn để sống cho Thiên Chúa và rao giảng đức công chính của Ngài, không chỉ bằng lời nói nhưng còn bằng chính cuộc đời của ông.  Ông đã bị bỏ tù và bị chết vì những lời rao giảng về sự công chính của Thiên Chúa.  Hôm nay mừng lễ của Gioan, tôi có thể nhìn vào những đức tính của Gioan để bắt chước, để thăng tiến đời sống đạo đức và đức tin của tôi chăng?  Những đức tính chẳng hạn như: khiêm nhường, thánh thiện, công chính, niềm tin vững vàng.  Tôi có thể nói chuyện với Gioan trong giờ cầu nguyện này và xin ngài giúp tôi tìm ra con đường yêu mến và phục vụ Thiên Chúa bằng chính đời sống thường ngày của tôi. 

2.     Tôi có thể đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa, và để ý đến đường lối của sự dữ rất tinh vi, quá mạnh mẽ và bạo tàn đến mức, làm cho lòng người ra chai đá trước sự công chính, sự thật, tình bác ái, và đặc biệt trước sự hiện diện của Thiên Chúa.  Tôi để ý sự dữ đã len lỏi vào và điều khiển tâm hồn của Hê-rô-đê, Hê-rô-đi-a, các quan cận thần và con gái của Hê-rô-đi-a như thế nào?  Nó mạnh đến mức làm mờ lí trí và làm bất lực trước mọi gian dối.  Sau khi tìm hiểu sự dữ hoàn hành trong tâm hồn của Hê-rô-đê, Hê-rô-đi-a, vũ công và cận thần, tôi cũng tìm hiểu sự dữ đã len lỏi và hoành hành tronh tâm hồn của tôi bao lâu nay như thế nào?  Ma quỷ đã đi lại trong từng thớ thịt, làn da và tâm hồn tôi đến mức đã thành một lối mòn ra sao?  Tôi muốn nói gì cùng Chúa và xin Ngài giúp gì tôi trong lúc này?    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, August 27, 2023

Thứ Hai Tuần XXI Thường Niên – Năm A – 28-8-2023 – Lễ Thánh Augustine, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh

 Thu Hai XXI TN

Mát-thêu 23:13, 15-22

13Khi ấy, Đức Giê-su nói với các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rằng: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu đạo đức giả!  Các người khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào!  Chính các người không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào…15Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu đạo đức giả!  Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người. 16 Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng!  Các người bảo: ‘Ai chỉ Đền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Đền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc.’ 17 Đồ ngu si mù quáng!  Thế thì vàng hay Đền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn? 18 Các người còn nói: ‘Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không; nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề, thì bị ràng buộc.’ 19 Đồ mù quáng!  Thế thì lễ vật hay bàn thờ là nơi làm cho lễ vật nên của thánh, cái nào trọng hơn? 20 Vậy ai chỉ bàn thờ mà thề, là chỉ bàn thờ và mọi sự trên bàn thờ mà thề. 21 Và ai chỉ Đền Thờ mà thề, là chỉ Đền Thờ và Đấng ngự ở đó mà thề. 22 Và ai chỉ trời mà thề, là chỉ ngai Thiên Chúa và cả Thiên Chúa ngự trên đó mà thề.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay tôi đã bắt gặp một Chúa Giêsu rất nghiêm khắc.  Ngài nói rõ ràng và thẳng thừng với những kinh sư và người Pharisêu về việc đặt ra những tiêu chuẩn cao không thể tưởng tượng nổi; họ tự cho mình là người vượt trội hơn những người bình thường và vì thói đạo đức giả của họ.  Và khi làm như vậy, Ngài nói với họ: “Các ngươi khóa cửa Thiên Đàng không cho người ta vào.”  Hãy dành một chút thời gian để hình dung cái “khóa cửa” đó.  “Chính các ngươi không muốn vào.”  Vì vậy, có vẻ như họ không biết Vương quốc Thiên đàng là gì. Hoặc có lẽ họ biết, và những lời Chúa Giêsu giảng khiến họ cảm thấy vô cùng khó chịu!  Chúa Giêsu đưa ra cái nhìn nào về Vương quốc Thiên đàng mà những người Pharisêu thi hành luật pháp không muốn vào?  Có lẽ là một nơi nào đó sẵn sàng chào đón những thiếu sót và yếu đuối?  Một nơi nào đó mà sẵn sàng đón nhận cả những sai lầm yếu đuối?  Một nơi của lòng thương xót và sự chấp nhận?  Hãy hình dung tôi đang lang thang khắp Vương quốc Thiên đường ấy.  Hãy để cổng vào được chính Chúa Kitô mở rộng.

2.     Khi tôi đọc lại bài đọc trên, hãy lưu ý rằng Chúa Giêsu đã mô tả không dưới ba lần những người lãnh đạo bắt lỗi, chỉ trích là “mù”.  Nếu kiểu lãnh đạo này mù quáng thì làm sao một nhà lãnh đạo thực sự có tầm nhìn có thể làm việc được?  Và nhân tiện, thị lực tâm linh của tôi thế nào?  Có điểm mù nào trong cuộc sống của tôi không?  Tôi có thể cầu xin Chúa mở mắt cho tôi.  Trước khi kết thúc giờ cầu nguyện, tôi muốn thân thưa với Chúa, Đấng nắm giữ tất cả con người tôi - kể cả những lỗi lầm của tôi và những gì trong lòng tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, August 26, 2023

Chúa Nhật Tuần XXI Thường Niên – Năm A – 27-8-2023

CN XXI TN

Rô-ma 11:33-36

33Thưa anh em, sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào!  Quyết định của Người, ai dò cho thấu!  Đường lối của Người, ai theo dõi được! 34 Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa?  Ai đã làm cố vấn cho Người? 35 Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau? 36 Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời!  A-men.

(Trích Thư Rô-ma, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Những lời của Phao-lô trong bài đọc có làm tôi giật mình và phải nghĩ lại?  Ngài nói: “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào!  Quyết định của Người, ai dò cho thấu!  Đường lối của Người, ai theo dõi được!  Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa?  Ai đã làm cố vấn cho Người?”  Tôi có nghĩ như Phao-lô về Thiên Chúa, Ngài dò thấu và biết rõ lòng tôi?  Có khi nào tôi đến với Chúa, nhưng lại không thành thật với Ngài?  Có khi nào tôi giấu kín những yếu đuối khuyết điểm của tôi, như thể Ngài sẽ chẳng biết?  Tôi cảm thấy như thế nào mỗi khi không thành thật với Chúa?  Tôi cảm thấy thế nào mỗi khi tôi thành thật, bộc bạch tất cả với Chúa?  Tôi muốn bộc bạch tất cả với Ngài trong lúc này và để ý lòng tôi cảm thấy như thế nào. 

2.     Hoặc, có khi nào tôi kể công với Chúa chưa?  Tôi đọc bằng này kinh, đi bằng này lễ, xin bằng này lễ cho người quá cố, dâng cúng bằng kia tiền cho những người nghèo…, và đòi Chúa phải ghi sổ để trả công Nước Thiên Đàng cho tôi?  Có cái gì thực sự là của tôi không?  Chẳng có cái gì, ngoại trừ tội.  Giờ cầu nguyện này chỉ có thể là cơ hội để tôi khiêm hạ, mở lòng tri ân và ca tụng Thiên Chúa.  Tôi cúi mình phủ phục thánh nhan Chúa và chúc tụng Ngài trong giây phút này.

Phạm Đức Hạnh, SJ     

Friday, August 25, 2023

Thứ Bảy Tuần XX Thường Niên – Năm A – 26-8-2023

Thu Bay XX TN

Mát-thêu 23:1-12

1Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: 2 “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. 3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. 4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. 5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy.  Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. 6 Họ ưa ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, 7thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được người ta gọi là thầy. 8 Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. 9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. 10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đấng Ki-tô. 11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. 12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay rất dễ để tôi hiểu ra ngay, Chúa Giêsu đang nói về cái gì đó sai trái trong thời đại của Ngài: Thái độ giáo sĩ trị.  Nhưng, thái độ giáo sĩ trị đâu chỉ xuất hiện thời Chúa Giêsu và trong đạo Do-thái, nhưng có cả trong Giáo hội Công giáo của tôi ngày nay nữa.  Thái độ giáo sĩ trị là điều rất đáng lên án; nó là kẻ thù luôn gây chia rẽ Giáo hội và là ký sinh trùng giết chết các Kitô hữu.  ĐGH Phanxico, từ khi làm giáo hoàng cho đến nay, ngài không ngừng lên án thái độ giáo sĩ trị, và có lần trong một bài giảng, ngài nói: ”[Giáo sĩ trị,] một điều thực kinh khủng, một phiên bản mới của sự dữ xưa”.  Nhưng, những điều Chúa Giêsu nói đâu chỉ là cho những lãnh đạo Do-thái, nhưng những lời dạy của Ngài còn là cái gì đó thâm căn cố đế, nằm rất sâu và xuất hiện từ rất lâu trong tất cả mọi người, mọi văn hóa, mọi tôn giáo, mọi tổ chức con người ở mọi thời đại, đó là: thái độ kẻ cả, thái độ cha thiên hạ, thái độ phô trương, hống hách, dạy đời, kiêu ngạo ở mỗi người, trong đó có tôi.  Như vậy, bài đọc hôm nay là những lời dạy rất xác thực và gần gũi với mọi người thuộc mọi văn hóa, mọi niềm tin, mọi thời đại.  Tôi có những thái độ này bao giờ chưa?  Tôi thường thích thể hiện những thái độ này khi nào và ở những chốn nào?  Có khi nào tôi nói, dạy người khác, bắt người khác làm điều gì đó, nhưng chính tôi lại không làm, không sống những gì tôi dạy?  Tôi có những phản ứng gì về những lời dạy của Chúa Giêsu?  Tôi nói với Ngài tất cả những cảm xúc ấy, ngay trong giây phút này và để ý Ngài sẽ nói gì với tôi.

2.  Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và dừng lại ở bất cứ chỗ nào đánh động tôi nhất.  Tôi suy ngẫm và tôi nói chuyện với Chúa về những cảm xúc, cùng suy tư ấy.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, August 24, 2023

Thứ Sáu Tuần XX Thường Niên – Năm A – 25-8-2023

Thu Sau XX TN

Rút 1:1, 3-6, 14b-16, 22

1Vào thời các thủ lãnh cai trị, một nạn đói xảy ra trong xứ.  Có một người tên là Ê-li-me-léc, cùng với vợ là Na-o-mi và hai con trai bỏ Bê-lem miền Giu-đa đến lập cư trong cánh đồng Mô-áp… 3 Sau đó người chồng chết đi, còn lại bà vợ và hai người con. 4 Hai người này lấy vợ Mô-áp, một cô tên là Oóc-pa, cô kia tên là Rút.  Họ ở lại đó chừng mười năm. 5 Một thời gian sau, cả hai người con trai đều chết, còn lại bà Na-o-mi mất chồng, mất con. 6 Bà lên đường cùng với hai người con dâu, bỏ cánh đồng Mô-áp mà trở về quê hương, vì tại cánh đồng Mô-áp, bà nghe nói là Đức Chúa đã viếng thăm dân Người và cho họ có bánh ăn…14b Oóc-pa ôm hôn từ giã mẹ chồng, còn Rút thì cứ khắng khít theo bà. 15 Bà Na-o-mi nói: “Kìa chị dâu con trở về với dân tộc của nó và các thần của nó.  Con cũng vậy, hãy theo chị dâu con mà về đi!” 16 Rút đáp: “Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ mà trở về, không theo mẹ nữa, vì mẹ đi đâu, con đi đó, mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con”… 22 Thế là từ cánh đồng Mô-áp, bà Na-o-mi trở về cùng với con dâu người Mô-áp là Rút. Họ đến Bê-lem vào đầu mùa gặt lúa mạch.

(Trích Sách Bà Rút, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay mang một cảm giác quen thuộc và thật gần gũi với đời sống quanh tôi.  Nó bắt đầu như một câu chuyện buồn, đầy bất hạnh.  Thiên tai, gia đình khó khăn, tan vỡ, và xa xứ.  Ngày nào đọc tin tức tôi cũng đều có thể cảm thấy những cảnh bất hạnh này trải trên những trang báo.  Có lẽ tôi chẳng hề muốn đọc những tin bất hạnh?  Ở Ruth có một tiếng gọi, một sự sẵn sàng buông bỏ mọi thứ để trở thành một phần của cuộc sống mà Naomi hình dung.  Tôi có thể tưởng tượng một lúc nào đó tôi cảm thấy được Chúa kêu gọi, đi theo một con đường khác và có thể là con đường đầy khó khăn không?  Phản ứng của tôi có thể là gì?  Tôi có cảm thấy sẵn sàng đáp lại khi Chúa kêu gọi không?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên, để ý đến kinh nghiệm về những gì mà nhóm gia đình nhỏ trên đang trải qua và những quyết định được đưa ra.  Tôi để ý đến câu nói của Bà Rút: “Dân của mẹ sẽ là dân của con, và Thiên Chúa của mẹ sẽ là Thiên Chúa của con.”  Bà Rút sau này đã có tên trong cây phả hệ của Chúa Giêsu.  Ai đã đưa ra lời tiên tri đó?  Những người nữ trở về Bethlehem khi bắt đầu vụ thu hoạch.  Một hình ảnh về một thời điểm đầy hứa hẹn và hy vọng.  Khi suy ngẫm về câu chuyện trên, tôi cũng muốn chia sẻ cảm xúc của tôi với Chúa.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, August 23, 2023

Thứ Năm Tuần XX Thường Niên – Năm A – 24-8-2023 – Lễ Thánh Ba-tô-lô-mê-ô, Tông Đồ

Thu Nam XX TN

Gioan 1:45-51

45Khi ấy, ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.” 46 Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?”  Ông Phi-líp-phê trả lời: “Cứ đến mà xem!” 47 Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” 48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?”  Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” 49 Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!” 50 Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin!  Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” 51 Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một cuộc đối thoại rất thú vị.  Cầu nguyện là nói chuyện, trao đổi với Chúa về tất cả những gì tôi ưu tư quan tâm đến trong cuộc đời này.  Tôi có thể đi vào từng câu trao đổi trong câu chuyện trên để suy niệm và cầu nguyện trong lúc này.  Trước hết, tôi để ý đến Phi-líp-phê giới thiều với Na-tha-na-en (Ba-tô-lô-mê-ô) về Chúa Giêsu:  “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.”  Tôi có thể đặt câu hỏi với chính mình: Ai là người đã dẫn tôi đến với Phép rửa để rồi, tôi có thể ngồi đây trong lúc này, gặp gỡ và nói chuyện với Chúa Giêsu?  Tôi quý trọng việc tôi được biết Chúa Giêsu như thế nào?  Người đã dẫn tôi đến với Phép rửa, bây giờ họ ở đâu?  Với lòng biết ơn, tôi cầu nguyện cho người đó ngay trong giây phút này.

2.     Sau khi Na-tha-na-en gặp Chúa Giêsu, ông đã ngỡ ngàng khi nghe Ngài nói về ông, chỉ nói về những điều hay và cái đẹp ở ông ta.  Trong giây phút này tôi cũng hỏi và để ý xem, Chúa nghĩ gì về tôi, nói gì về tôi?  Tôi để ý thật kỹ những điều Chúa nói về tôi, tôi đón nhận ra sao và đáp trả với Ngài như thế nào?    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, August 22, 2023

Thứ Tư Tuần XX Thường Niên – Năm A – 23-8-2023 – Lễ Thánh Rosa Lima

Thu Tu XX TN

Mát-thêu 20:1-16a

1Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện chủ nhà kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. 2 Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. 3 Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. 4 Ông cũng bảo họ: ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.’ 5 Họ liền đi.  Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. 6 Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: ‘Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?’ 7 Họ đáp: ‘Vì không ai mướn chúng tôi.’  Ông bảo họ: ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!’ 8 Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: ‘Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.’ 9 Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. 10 Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. 11 Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn chủ nhà: 12 ‘Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.’ 13 Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: ‘Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn.  Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? 14 Cầm lấy phần của bạn mà đi đi.  Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. 15 Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?’ 16a Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Việc đọc Kinh Thánh sẽ dễ hơn nếu tôi đã có mặt ngay tại chỗ và tại lúc Chúa Giêsu giảng để quan sát.  Nhưng hôm nay tôi đang sống ở thế kỷ 21, cách bối cảnh của bài đọc quá xa về cả thời gian lẫn không gian, văn hóa.  Tuy nhiên nhờ trí tưởng tượng, tôi vẫn có thể cảm nhận trọn vẹn những gì Chúa Giêsu đã giảng tại nước Do-thái, cách đây 21 thế kỷ.  Dụ ngôn trong bài đọc hôm nay rất thích hợp để tôi áp dụng phương pháp cầu nguyện hình dung này.  Chẳng hạn, phản ứng ngay lập tức của tôi khi nghe dụ ngôn này là gì?  Tôi có phải là người cam kết đi làm từ sáng sớm?  Sẵn sàng làm việc, ký hợp đồng tại chỗ, biết những gì được mong đợi?  Có ai biết được, tại sao lại có những người khác vẫn chờ đợi ở chợ?  Giờ cầu nguyện của tôi có thể sống động hơn và mạnh mẽ hơn nếu tôi cầu nguyện ngay ở chợ gần nhà tôi, nơi có những người đã chờ từ tờ mờ sáng đến chiều, mong có một ai đó sẽ mướn họ.  Ở không, không có nghĩa là lười biếng.  Có thể người ta ở không là do quá già, quá trẻ, quá yếu, ốm yếu, hoặc không có công việc phù hợp với họ?  Khoảnh khắc đáng nói là, khi có cơ hội - họ làm việc; có thể làm việc hết mình để thể hiện những gì họ có thể làm. Tôi đã bao giờ ở trong một tình huống mà tôi không phù hợp công việc và đã phải cố gắng rất nhiều để chứng tỏ bản thân chưa?  Cảm giác đó như thế nào?  Tôi muốn cầu nguyện cho những người luôn phải đứng ở những ngã tư chợ để xin việc mỗi ngày.   

2.     "Hay bạn ghen tị vì tôi hào phóng?"  Câu hỏi làm khó chịu những người tự cho mình là đúng.  Trong giờ cầu nguyện này, hãy chia sẻ bất cứ điều gì phát sinh từ dụ ngôn này với Chúa Giêsu.  Đồng thời, tôi chiêm ngưỡng lòng nhân từ của Chúa, lòng nhân từ mà có thể đưa tôi vào Nước Trời, dù tôi là người đi làm từ mấy giờ, chứ không phải do sự công chính của tôi. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, August 21, 2023

Thứ Ba Tuần XX Thường Niên – Năm A – 22-8-2023 – Lễ Kính Đức Maria Nữ Vương

Thu Ba XX TN

Mát-thêu 19:23-30

23Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. 24 Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” 25 Nghe nói vậy, các môn đệ vô cùng sửng sốt và nói: “Thế thì ai có thể được cứu?” 26 Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được.” 27 Bấy giờ ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy.  Vậy chúng con sẽ được gì?” 28 Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en. 29 Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp. 30 Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay Lễ Đức Maria Nữ Vương.  Đối với Giáo hội Công giáo, việc có một ngày lễ riêng để mừng Mẹ Maria không có ý đề cao hay tôn vinh con người của Mẹ, cho bằng, việc làm này nhằm công nhận vai trò của Mẹ - hướng mọi người về Chúa Giêsu - như một vai trò tiếp diễn liên tục dưới Đất cũng như trên Trời.  Mỗi người sẽ có những cách diễn tả lòng sùng kính Mẹ Maria theo những cách khác nhau.  Vậy, Mẹ Maria ở đâu trong đời sống đức tin của tôi? 

2.     Bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu nói về người giàu và Ngài mượn hình ảnh con lạc đà rất ấn tượng và rất rõ để diễn tả về điều kiện để vào được Nước Trời.  Tôi nghe thấy gì trong cách giảng của Chúa Giêsu: lên án, lo lắng hay điều gì khác về những gì tôi đang có hoặc sở hữu khi tôi cũng muốn vào Nước Trời?  Chúa Giêsu hứa hẹn, hơn cả những gì tôi mong đợi.  Ngài lặp lại lời đảm bảo mà Thiên thần Gabriel đã nói với Mẹ Maria trong Lễ Truyền tin, “vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể”.  Tôi có để ý điều này không?  Phản ứng của tôi là gì?  Khi tôi đọc lại bài đọc trên, hãy lưu ý, Chúa Giêsu không chỉ trấn an các môn đệ của Ngài mà thôi, nhưng còn trấn an tất cả mọi người… Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.”  Một trong những thuộc tính của Mẹ Maria là khả năng suy ngẫm, giữ những suy nghĩ và kinh nghiệm trong lòng.  Vào ngày lễ của Mẹ, hãy dành thời gian suy ngẫm – hãy khiêm nhường là người rốt hết để được vào Nước Trời.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, August 20, 2023

Thứ Hai Tuần XX Thường Niên – Năm A – 21-8-2023

 Thu Hai XX TN

Mát-thêu 19:16-22

16Khi ấy, có một người đến thưa Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?” 17 Đức Giê-su đáp: “Sao anh hỏi tôi về điều tốt?  Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi.  Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn.” 18 Người ấy hỏi: “Điều răn nào?”  Đức Giê-su đáp: “Ngươi không được giết người.  Ngươi không được ngoại tình.  Ngươi không được trộm cắp.  Ngươi không được làm chứng gian. 19 Ngươi phải thờ cha kính mẹ”, và “Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình.” 20 Người thanh niên ấy nói: “Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa không?” 21 Đức Giê-su đáp: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ có được một kho tàng trên trời.  Rồi hãy đến theo tôi.” 22 Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một câu chuyện nổi tiếng về một anh thanh niên giàu có đến hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?”  Câu hỏi này thể hiện rõ cái khôn, cái ao ước của anh ta.  Anh ta dù đã giàu có, nhưng anh ta vẫn nhận thấy sự giàu có của anh ta mới chỉ cho anh ta sự sung túc và thoải mái ở đời này, mà chưa thể cho anh ta sự sống đời đời.  Ao ước của tôi là gì?  Tôi có thể bắt chước cái khôn, cái tham của anh thanh niên giàu có trong bài đọc để hỏi Chúa Giêsu, chỉ cho tôi cách thức và con đường dẫn đến sự sống đời đời không, hay tôi chỉ xin cho những cái cho cuộc sống ở đời này mà thôi, như: khỏe mạnh, công ăn việc làm, con cái ngoan ngoãn, gia đình êm thắm?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu trong giây phút này.

2.     Sau khi Chúa Giêsu chỉ cho anh thanh niêm cách thức và con đường dẫn đến sự sống đời đời, anh ta lại buồn rầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải.  Đâu là sự giàu có trong tôi lúc này, khiến tôi dám đánh đổi cả sự sống đời đời và thiên đàng để giữ lấy nó?  Hận thù, tham lam, gian trá, độc ác, tiền bạc, danh vọng, tội lỗi… chăng?  Tôi muốn ngồi tĩnh lặng trong giây phút này để tìm sự bình an, thanh thoát, buông lỏng, thư giãn từ cơ thể đến tâm hồn để cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn và nếm cảm những điều thiện hảo, sự tha thứ, tính bao dung, lòng nhân ái, tâm hồn tự do… là những dấu chỉ của Nước thiên đàng và sự vĩnh hằng, cùng sự hiện diện của Chúa ngay tại thế này.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, August 19, 2023

Chúa Nhật Tuần XX Thường Niên – Năm A – 20-8-2023

CN XX TN

I-sai-a 56:1, 6-7

1Đức Chúa phán như sau: Hãy tuân giữ điều chính trực, thực hành điều công minh, vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới, và đức công chính của Ta sắp được biểu lộ… 6 Người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh, cùng trở nên tôi tớ của Người, hết những ai giữ ngày sa-bát mà không vi phạm, cùng những ai tuân thủ giao ước của Ta, 7đều được Ta dẫn lên núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta.  Trên bàn thờ của Ta, Ta sẽ ưng nhận những lễ toàn thiêu và hy lễ chúng dâng, vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân.

(Trích Sách I-sai-a, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay mở đầu bằng một chỉ dẫn rõ ràng: “Duy trì công lý và làm điều đúng”.  Phản ứng đầu tiên của tôi khi nghe điều này là gì?  Tiếp theo là lời hứa cho tất cả những ai yêu mến Chúa và phục vụ Ngài.  Thiên Chúa muốn “làm cho mọi người được hoan hỷ trong nhà cầu nguyện của Người”.  Tôi nghe như thế nào?

2.     Hãy tưởng tượng, khi đoạn văn này được đọc lại, nó sẽ như thế nào nếu những lời hứa ở đây được thực hiện đầy đủ.  Hãy nói với Chúa về vai trò mà tôi có thể phải đảm nhận trong việc mang lại một thế giới mà Chúa đang ban tặng ở đây.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, August 18, 2023

Thứ Bảy Tuần XIX Thường Niên – Năm A – 19-8-2023

Thu Bay XIX TN

Mát-thêu 19:13-15

13Khi ấy, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng. 14 Nhưng Đức Giê-su nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.” 15 Người đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi đó.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hình ảnh nổi bật trong bài đọc hôm nay, đó là: trẻ em.  Nói đến trẻ em là nói đến sự đơn sơ, hồn nhiên, trong sáng và luôn tin tưởng ở những người yêu thương chúng.  Chúa Giêsu nói Nước Trời là của những ai giống như chúng.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể hình dung về những ngày tuổi thơ của tôi, hoặc đặt mình vào tâm hồn của những trẻ thơ trước mặt Chúa.  Tôi có được những đặc tính nào của tuổi thơ?  Tôi có thể thấy Chúa Giêsu hài lòng với tôi ở điểm trẻ thơ nào trong tôi?  Dù tôi có là ai và lớn cỡ nào, tôi cũng muốn lấy những lời dạy của Chúa Giêsu để làm cho tôi được thật nhỏ bé đến nỗi, có thể lọt tỏm trong cung lòng của Ngài trong lúc này.  Tôi cố gắng cảm nghiệm sự yêu thương, trìu mến và che chở của Chúa đang dành cho tôi, và tôi muốn tín thác cuộc sống của tôi cho Ngài, đặc biệt những cái đang làm cho tôi rất lo lắng trong lúc này.

2.     Trẻ em cũng là lớp người rất mỏng giòn yếu đuối.  Vì sự non dại, yếu đuối và dễ tin của các em mà chúng bị những người lớn lạm dụng, điều khiển và hủy hoại đủ đường như: bị đánh đập, bị bỏ đói, bị bỏ rơi, bị buôn bán như đồ vật, bị cưỡng bức lao động, bị cưỡng bức về tình dục, bị nhục mạ, bị khủng bố tinh thần…  Tôi muốn dành giây phút này nghĩ đến và cầu nguyện xin ơn chữa lành cho những tổn thương thời thơ ấu mà tôi đã phải chịu, và chữa lành cho tất cả những em bé đang bị lạm dụng về thể lý, tâm lý, sinh lý trong gia đình, cộng đoàn, Giáo hội và xã hội quanh tôi.  Sau khi tĩnh lặng và cầu nguyện, tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng lời nguyện sau: Lạy Cha nhân ái, từ trời cao, xin Cha nhìn xuống những gia đình sống trên mặt đất trong những khu ổ chuột tồi tàn hay biệt thự sang trọng.  Xin thương nhìn đến những gia đình thiếu vắng tình yêu hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu, những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.  Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.  Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới, những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán, những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường, những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.  Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất, từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.  Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình; nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ hạnh phúc luôn ở trong tầm tay của từng người chúng con.  Amen.”

Phạm Đức Hạnh, SJ