Gioan 20:11-18
11Khi ấy, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong
mộ, 12thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt
thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. 13 Thiên
thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà
thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở
đâu!” 14 Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó,
nhưng bà không biết là Đức Giê-su. 15 Đức Giê-su nói với
bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm
ai?” Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn,
liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để
Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” 16 Đức Giê-su gọi bà:
“Ma-ri-a!” Bà quay lại và nói bằng tiếng
Híp-ri: “Ráp-bu-ni!” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’). 17 Đức Giê-su
bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy
lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy,
cũng là Thiên Chúa của anh em’.” 18 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la
đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói
với bà.
(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ
Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay thật thú vị nếu tôi
dùng phương pháp cầu nguyện hình dung của Thánh I-nha-xi-ô. Với phương pháp này, tôi có thể đi vào được
bối cảnh cùng tâm trạng của Maria; qua đó, tôi có thể hiểu được tương quan yêu
thương giữa bà với Chúa. Tôi có thể bắt
đầu bằng việc hình dung bối cảnh lúc bấy giờ: trời tờ mờ sáng, không khí còn
trong lành nhưng cũng lạnh lẽo, vắng vẻ, bởi đó là nghĩa trang. Chẳng ai ra nghĩa trang một mình vào buổi sớm
như vậy. Điều này chứng tỏ, Maria đã
mong mỏi, ngủ không yên, chỉ mong sao cho trời mau sáng để bà còn đi ra mộ của
Chúa Giêsu, vị Thầy mà bà rất yêu mến.
Nếu không phải vì bạo gan, cũng vì tình yêu mà bà đã liều làm một việc đầy
quả cảm này. Điều bà lo sợ là, một mình
bà làm sao có thể lăn tảng đá khỏi cửa mộ được, để bà có thể vào làm công việc
tẩm liệm xác cho Chúa Giêsu, một việc làm mà mọi người đã làm thật vội vàng
trong đêm trước ngày sa-bát. May thay,
tảng đá đã được lăn ra khỏi cửa mộ; nhưng cũng buồn thay, xác của Chúa Giêsu không
còn nữa! Bà sợ, và chắc chắn có biết bao
nhiêu câu hỏi đã đến với bà lúc ấy. Trong
biết bao nhiêu câu hỏi, chắc chắn không có câu hỏi: Liệu Thầy đã sống lại? Nhưng là: Ai đã lăn tảng đá ra? Xác Thầy không còn nữa, vậy ai đã trộm xác
Thầy? Có lẽ nào thú dữ đã ăn thịt xác
Thầy? Thế rồi, bà khóc! Bà lo!
Bà sợ! Bà buồn! Bà khổ tâm!
Vừa khóc vừa nhìn vào trong mộ; bất chợt, bà thấy hai bóng trắng toát,
một ở phía đàng đầu một phía đàng chân, nơi bà vẫn còn nhớ bà và mọi người đã
để xác Chúa Giêsu ở đó, vậy mà bây giờ không thấy xác Ngài đâu! Trong lúc tờ mờ sáng và vắng vẻ nơi mồ mả như
vậy, mà lại gặp hai bóng trắng trong mộ, và hai bóng trắng ấy lại nói chuyện
với bà, không chạy, không la lối và run sợ đến co rúm người sao, mà lại còn nói
chuyện với hai bóng trắng ấy? Chưa hết,
bà quay lại, lại thấy có một bóng người thứ ba sau lưng bà, hỏi chuyện bà! Bà có sợ không? Bà cũng bắt chuyện với cả bóng lạ ấy! Mãi đến lúc người ấy gọi tên bà, bà mới nhận
ra đó là Chúa Giêsu. Khi yêu ai, người
ta thường trở nên rất nhạy bén về cách người ta gọi tên nhau, nói chuyện với
nhau. Bởi thế, không lạ gì khi người ấy
gọi tên của bà, bà đã nhận ra ngay người gọi chính là Chúa Giêsu. Dù cách gọi tên nghe rất quen đối với bà, khiến
bà nhận ra đó là Chúa Giêsu, nhưng bà cũng không chắc lắm. Bởi Chúa Giêsu thì đã chết, chính bà là người
đã có mặt khi người ta tháo xác Ngài xuống khỏi thập giá. Cũng chính bà đã giúp tẩm liệm xác Ngài cách
vội vàng, vì đó là chiều tối trước ngày sa-bát.
Nói chung, Maria biết rõ, Chúa Giêsu đã chết, vậy mà bây giờ Ngài đang
sống, đang đứng bên cạnh bà và gọi tên bà.
Nếu là tôi, tôi sẽ có những câu hỏi gì, những suy nghĩ gì và những phản
ứng gì? Có những điều rất thật về tình
yêu, đó là: khi yêu ai, người ta không chỉ nhạy bén trước cách gọi nhau, người
ta còn tin ở sự trường tồn của người họ yêu; người họ yêu sẽ không bao giờ chết. Tôi có những điều này về Chúa Giêsu? Tình yêu của tôi đối với Chúa Giêsu có mạnh
đủ, để trở nên rất nhạy bén trước tiếng gọi và sự hiện diện của Ngài? Tình yêu của tôi đối với Chúa Giêsu có mạnh
đủ, để thấy Ngài vẫn sống và sống mạnh mẽ trong tôi?
2. Sau khi gặp được Chúa Giêsu, kinh
nghiệm trực tiếp rằng đã sống lại, Maria đã ra đi kể cho mọi người biết, chính bà
đã được gặp lại Chúa Giêsu. Tôi có kinh
nghiệm về Chúa Giêsu Phục Sinh chưa? Tôi
có dám mạnh dạn nói với mọi người về Chúa Giêsu đã sống lại? Những lời nói của tôi có đầy xác tín, hay đầy
ngờ vực? Niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh
đã ảnh hưởng và biến đổi cuộc đời tôi ra sao?
Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu trong giây phút này. Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát,
“Khải Hoàn Ca,” sáng tác của Lm.
Nguyễn Duy, do Nguyễn Kiều Oanh trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=vLdbhomUFm4
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment