Thursday, April 13, 2023

Thứ Sáu Bát Nhật Phục Sinh – Năm A –14-4-2023

Thu Sau PS

Gioan 21:1-14

1Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a.  Người tỏ mình ra như thế này. 2 Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. 3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: "Tôi đi đánh cá đây."  Các ông đáp: "Chúng tôi cùng đi với anh."  Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả. 4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. 5 Người nói với các ông: "Này các chú, không có gì ăn ư?"  Các ông trả lời: "Thưa không." 6 Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá."  Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. 7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: "Chúa đó!"  Vừa nghe nói "Chúa đó!", ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. 8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước. 9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. 10 Đức Giê-su bảo các ông: "Đem ít cá mới bắt được tới đây!" 11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ.  Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con.  Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. 12 Đức Giê-su nói: "Anh em đến mà ăn!"  Không ai trong các môn đệ dám hỏi "Ông là ai?", vì các ông biết rằng đó là Chúa. 13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. 14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.   

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Có ít là hai điểm đáng cho tôi suy niệm trong giờ cầu nguyện hôm nay.  Thứ nhất, tôi để ý đến cách thức Chúa Giêsu tỏ mình ra với mọi người sau khi phục sinh, rất đa dạng.  Bởi có lần, Chúa Giêsu đến với người ta trong dung mạo là một người cụ thể bằng xương bằng thịt như tôi, cũng ăn uống như tôi; nhưng cũng có lần, Ngài xuất hiện không có thân xác như mọi người, cùng một lúc Ngài hiện ra ở nhiều nơi và mặc dù phòng đã đóng cửa kín, Ngài bỗng dưng xuất hiện trước mặt mọi người.  Sư việc Chúa Giêsu Phục Sinh không còn lệ thuộc vào không gian và thời gian như muốn nói với tôi rằng, chẳng có gì có quyền trên Ngài nữa.  Đồng thời, kinh nghiệm về Chúa Giêsu Phục Sinh là một kinh nghiệm cá vị và rất riêng tư, không ai giống ai.  Tôi hiểu thế nào về Chúa Giêsu phục sinh?  Tôi kinh nghiệm như thế nào về sự phục sinh của Chúa Giêsu?  Kinh nghiệm về Chúa Giêsu Phục Sinh đã giúp cho đời sống tôi như thế nào và ảnh hưởng đến đời sống của tôi ra sao?

2.     Điểm đáng chú ý thứ hai đó là, hình ảnh chiếc thuyền đánh cá.  Trong Kinh Thánh và truyền thống giáo hội, hình ảnh chiếc thuyền thường được dùng để chỉ về giáo hội.  Như vậy, câu chuyện đánh cá trong bài đọc hôm nay nói gì về giáo hội?  Hình ảnh các môn đệ đánh cá cả đêm mà chẳng bắt được gì, mãi cho đến khi gặp được Chúa Giêsu Phục Sinh và được Ngài giúp, họ mới bắt được nhiều cá, nhiều đến mức thuyền gần chìm, dầu vậy lưới vẫn không bị rách.  Giáo hội cũng như thế, nếu không có Chúa Giêsu Phục Sinh hiện diện và giúp đỡ, mọi nỗ lực của giáo hội đều chẳng đi đến đâu.  Mà chẳng phải chỉ giáo hội, đời sống của tôi cũng như thế.  Nếu không có ơn Chúa giúp, mọi việc tôi làm và mọi nỗ lực của tôi chỉ là công cốc.  Tôi cứ nhìn vào những thất bại, hụt hẫng và trống vắng trong cuộc sống thường ngày và đời sống đức tin của tôi sẽ thấy.  Phải chăng trong tất cả những thất bại, hụt hẫng và trống vắng đều có một nguyên nhân chính, đó là: vắng bóng Thiên Chúa?  Vắng bóng Thiên Chúa không phải vì Ngài không hiện diện và giúp đỡ tôi cho bằng, Ngài không được chọn là tâm điểm trong mọi việc và đời sống của tôi.  Ngài luôn luôn bị lãng quên hoặc bị loại ra bên ngoài cuộc đời của tôi.  Tôi đọc lại bài đọc trên và nói chuyện với Chúa Giêsu Phục Sinh về những thất bại và hụt hẫng trong đời sống.  Tôi có thể hỏi, Ngài đã ở đâu trong những lúc tôi gặp những khó khăn ấy?  Tôi cũng có thể tự hỏi, Ngài có được nhớ đến hoặc là trung tâm điểm đời sống của tôi?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng việc, xin được chọn Chúa làm trung tâm đời sống ngày hôm nay của tôi, qua lời kinh, “Lạy Cha,” để Chúa Cha luôn trung tâm trong mọi việc làm và cuộc sống của tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment