Gioan 3:1-8
1Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của
người Do-thái. 2 Ông đến gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông nói với Người: “Thưa Thầy, chúng tôi biết:
Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy
làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy.” 3 Đức Giê-su
trả lời: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu
không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.” 4 Ông
Ni-cô-đê-mô thưa: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần
thứ hai để sinh ra sao?” 5 Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật
ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần
Khí. 6 Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần
Khí sinh ra là thần khí. 7 Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã
nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. 8 Gió
muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và
thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra
thì cũng vậy.”
(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ
Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay thuộc về Chương 3, tức
là thuộc phần đầu của Phúc âm Gioan. Nếu
tôi đọc trọn Phúc âm này, tôi sẽ thấy, từ chương đầu tiên cho đến chương cuối
cùng, Gioan đã đưa ra một hướng đi rất rõ ràng về sự phát triển đức tin. Sự phát triển đức tin phải là: một sự kết
hiệp riêng tư, cá vị và mật thiết với Chúa Giêsu; đồng thời, tiến tình phát
triển đức tin ấy thường là một tiến trình tiệm tiến, tức là phát triển từng
bước một. Bài đọc hôm nay là một ví dụ
điển hình. Ni-cô-đê-mô là một người
Pha-ri-sêu, ông rất ngưỡng mộ Chúa Giêsu nên đã tìm cách gặp riêng Ngài vào ban
đêm, bởi ông còn sợ những người Pha-ri-sêu khác. Niềm tin của ông đã phát triển dần dần: Lúc
đầu, ông gặp Chúa Giêsu ban đêm (3:1-8), sau đó ông đứng ra bảo vệ cho Chúa Giêsu
cách gián tiếp (7:51), cuối cùng, ở gần cuối Phúc âm, ông xuất đầu lộ diện công
khai và mang theo một trăm cân mộc dược để liệm xác Chúa Giêsu (19:39). Tôi có thể dừng ở chi tiết này để suy niệm
trong giờ cầu nguyện này. Tôi muốn nhìn
vào đức tin của tôi: Tôi đã có một tương quan mật thiết và mang tính cá vị với
Chúa Giêsu chưa, hay niềm tin của tôi chỉ có một tương quan với một mớ giáo lý mà
tôi đã học được hồi Xưng Tội Rước Lễ Lần Đầu và Thêm Sức? Đức tin của tôi lớn mạnh như thế nào hay vẫn
chỉ ở tình trạng hạt mà chưa thành cây, đâm thành bông và kết trái? Hằng ngày tôi tìm gặp Chúa Giêsu như thế
nào? Ni-cô-đê-mô sợ bạn bè nên ông đã
tìm gặp Chúa Giêsu ban đêm, đó là nỗ lực của ông ta, thế còn nỗ lực của tôi
muốn tìm gặp Chúa Giêsu như thế nào? Vì
gia đình, bạn bè chống đối ư? Tôi đã tìm
gặp Chúa Giêsu như thế nào? Vì bận rộn
công ăn việc làm, hoặc vì sức khỏe, hay vì học vấn ư? Chúa Giêsu quan trọng và cần thiết đối với
tôi như thế nào? Giờ cầu nguyện mỗi ngày
có thể là những giây phút thân mật, riêng tư với Chúa Giêsu được không, hay tôi
chỉ làm cho qua loa hoặc cho xong bổn phận?
Tôi muốn đi vào trong tương quan mật thiết với Chúa Giêsu ngay giây phút
này.
2. Khi Ni-cô-đê-mô đến gặp Chúa Giêsu,
Ngài nói ông phải tái sinh trong Thánh Thần, tức phải mở lòng để Thánh Thần
hướng dẫn và làm chủ. Tôi thật sự dám mở
lòng cho Thánh Thần đến mức nào? Có
những gì Ngài đang mời gọi tôi phải thay đổi?
Có cái gì Ngài mời gọi tôi phải mở ra để hiểu? Có cái gì Ngài đang chờ đợi để tôi được trào
tràn sức sống, niềm vui, hạnh phúc, hy vọng và can đảm, thay vì bao lâu nay tôi
cứ sống trong sợ hãi, ủ rũ, bi quan, thành kiến, hẹp hòi, ảm đạm và buồn
tẻ? Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu hoặc
nói chuyện với Chúa Thánh Thần trong giây phút này và xin được đổi mới. Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát,
“Thánh Thần Hãy Đến,” sáng tác của
Lm. Thành Tâm, do Diệu Hiền và Phi Nguyễn trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=94LXNKVoQPE
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment