I-sai-a 50: 4-9a
4Đức Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi
biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức.
Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như
một người môn đệ. 5 Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi,
tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. 6 Tôi đã đưa lưng cho
người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ
nhổ. 7 Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không
hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi
biết mình sẽ không phải thẹn thùng. 8 Đấng tuyên bố rằng tôi công
chính, Người ở kề bên. Ai tranh tụng với
tôi? Cùng nhau ta hầu toà! Ai muốn kiện cáo tôi? Cứ thử đến đây coi! 9 Này, có Đức
Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội?
(Trích Sách I-sai-a, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ
Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Mỗi năm cứ vào Tuần Thánh, tôi được Giáo hội mời gọi
suy niệm về bài đọc hôm nay. Đây là một
trong bốn bài đọc nổi tiếng của Sách I-sai-a, có tựa đề: Người Tôi Trung của
Chúa. Bài đọc hôm nay là Bài thứ ba về
Người Tôi Trung của Chúa. Đây là bài ca
rất độc đáo, bởi đây cũng là lời tuyên bố của vị ngôn sứ đang bị địch thủ chống
đối kịch liệt. Nếu tôi đọc từ câu 1-3,
trước bài đọc hôm nay, tôi sẽ thấy rất giống với bài đọc hôm nay bởi vì, Thiên
Chúa và người được Thiên Chúa sai đi cũng chỉ là một. Chính vì thế, đây không hẳn chỉ là lời tuyên
bố của Tiên tri I-sai-a về chính đời sống của ông đang bị bách hại, nhưng Giáo
hội từ hai ngàn năm qua cũng thấy, những lời trên cũng tiên tri về cuộc đời của
Chúa Giêsu Kitô, Ngài cũng bị bách hại, nhưng vẫn trung thành với Chúa Cha, bởi
Ngài biết Chúa Cha hằng ở bên Ngài.
2. Trong giờ cầu nguyện hôm nay, tôi có thể đọc thật
chậm những lời trên, ngẫm thật kỹ từng chữ một để xem, có thấy những gì I-sai-a
nói về ông năm trăm năm trước Công nguyên, cũng đã trở thành hiện thực nơi Chúa
Giêsu Kitô như thế nào. Tôi cảm thấy thế
nào khi Chúa Giêsu Kitô đã phải trải qua những nhục hình và đau khổ? Ngài vẫn còn bị đối xử đầy bất công và nhẫn
tâm như thế nào trong thế giới hôm nay của tôi?
Tôi sẽ sống như thế nào khi nhận ra tình yêu của Chúa Giêsu Kitô thật lớn
lao đã chết vì tôi và cho tôi? Trong
giây phút này, tôi muốn chiêm ngắm tình yêu ấy của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment