Wednesday, April 26, 2023

Thứ Năm Tuần III Phục Sinh – Năm A –27-4-2023

Thu Nam III PS

Công Vụ Tông Đồ 8:26-40

26Thiên sứ của Chúa nói với ông Phi-líp-phê: "Đứng lên, đi về hướng nam, theo con đường từ Giê-ru-sa-lem xuống Ga-da; con đường này vắng."27 Ông đứng lên đi.  Khi ấy có một viên thái giám người Ê-thi-óp, làm quan lớn trong triều của bà Can-đa-kê, nữ hoàng nước Ê-thi-óp.  Ông này làm tổng quản kho bạc của bà.  Ông đã lên Giê-ru-sa-lem hành hương28 và bấy giờ đang trên đường về.  Ngồi trên xe nhà, ông đọc sách ngôn sứ I-sai-a. 29 Thần Khí nói với ông Phi-líp-phê: "Tiến lên, đuổi kịp xe đó." 30 Ông Phi-líp-phê chạy lại, nghe thấy ông kia đọc sách ngôn sứ I-sai-a, thì hỏi: "Ngài có hiểu điều ngài đọc không?" 31 Ông quan đáp: "Mà làm sao tôi hiểu được, nếu không có người dẫn giải?"  Rồi ông mời ông Phi-líp-phê lên ngồi với mình. 32 Đoạn Kinh Thánh ông đang đọc là đoạn này: Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng mở miệng kêu ca. 33 Bởi Người bị hạ xuống, nên bản án của Người đã được huỷ bỏ.  Dòng dõi Người, ai sẽ kể lại, vì cuộc sống của Người trên trần gian đã bị chấm dứt. 34 Viên thái giám ngỏ lời với ông Phi-líp-phê, "Xin ông cho biết: vị ngôn sứ nói thế về ai?  Về chính mình hay về một ai khác?" 35 Ông Phi-líp-phê lên tiếng, và khởi từ đoạn Kinh Thánh ấy mà loan báo Tin Mừng Đức Giê-su cho ông. 36 Dọc đường, các ông tới một chỗ có nước, viên thái giám mới nói: "Sẵn nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không?" 37 Ông Phi-líp-phê đáp: "Nếu ngài tin hết lòng, thì được."  Viên thái giám thưa: "Tôi tin Đức Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa." 38 Ông truyền dừng xe lại.  Ông Phi-líp-phê và viên thái giám, cả hai cùng xuống chỗ có nước, và ông Phi-líp-phê làm phép rửa cho ông quan. 39 Khi hai ông lên khỏi nước, Thần Khí Chúa đem ông Phi-líp-phê đi mất, và viên thái giám không còn thấy ông nữa.  Nhưng ông tiếp tục cuộc hành trình, lòng đầy hoan hỷ. 40 Còn ông Phi-líp-phê thì người ta gặp thấy ở Át-đốt.  Ông loan báo Tin Mừng cho mọi thành thị ông đi qua, cho tới khi đến Xê-da-rê.

(Trích Sách Công Vụ Tông Đồ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay lại là một trang nhật ký rất đẹp nữa có thể giúp tôi có những giây phút thật đẹp và những cuộc trao đổi rất sâu với Chúa trong giờ phút này.  Trước hết, tôi để ý đến sự nhạy bén của Phi-líp-phê trước sự thúc đẩy của sứ thần Chúa, thúc ông lên đường đi theo hướng nam về Ga-da.  Không ngờ khi lên đường, ông đã gặp viên thái giám đang có những thắc mắc về Kinh Thánh và ông đã giải thích cho viên thái giám hiểu.  Nhờ đó viên thái giám đã nhận được phép rửa.  Phi-líp-phê sẽ chẳng thể nào biết được Chúa nói trong ông, nếu ông không có một tấm lòng yêu mến Chúa và tiếp xúc với Ngài thường xuyên.  Bởi, có một sự thật là, khi yêu người ta thường trở nên rất nhạy bén trước tiếng nói và nhu cầu của người mình yêu, dù đó là một lời nói rất nhỏ, hoặc một việc làm rất nhẹ nhàng và kín đáo của người mình yêu.  Tôi yêu Chúa đến mức nào?  Tôi có nhạy bén trước những gì Chúa vẫn nói trong tôi?  Kinh nghiệm nghe được tiếng Chúa thì thầm trong tôi gần đây nhất là khi nào?  Tôi đáp trả như thế nào trước những tiếng nói ấy?  Tôi muốn ngồi trong thinh lặng để nghe rõ hơn những gì Chúa đang nói với tôi ngay lúc này.

2.     Điểm thứ hai rất đẹp trong trang nhật ký ở bài đọc hôm nay đó là, sau khi Phi-líp-phê được thần khí Chúa cất đi, viên thái giám tiếp tục hành trình mà lòng đầy hoan hỷ vui mừng.  Chi tiết này có thể nhắc tôi đến một chi tiết trong bài đọc của Chúa Nhật III, ba hôm trước, khi hai môn đệ trên đường Emmau gặp Chúa Giêsu Phục Sinh, lòng họ khấp khởi mừng trở về Giê-ru-sa-lem ngay trong đêm tối, báo cho các môn đệ khác biết những gì mà họ đã gặp và nghe từ Chúa Giêsu Phục Sinh.  Dấu hiệu rõ ràng nhất của những người gặp Chúa là họ trở nên một con người mới, mang một sức sống mới, đầy lạc quan, hy vọng và yêu đời và họ không thể ngồi yên nhưng muốn chia sẻ với mọi người về những biến đổi trong họ.  Tôi có thể nhìn vào đời sống của tôi: Sau mỗi lần đi tham dự Thánh lễ, mỗi lần tĩnh tâm, mỗi lần cầu nguyện, tôi có thấy tôi là một con người mới, có đầy sức sống và hy vọng, lạc quan, yêu đời?  Tôi có đứng ngồi không yên vì chỉ muốn chia sẻ với mọi người về những gì Chúa đã làm cho tôi?  Nếu tôi đã gặp được Chúa Giêsu Phục Sinh, tôi muốn nói gì với Ngài trong giây phút này?  Một tâm tình biết ơn chăng?  Nếu tôi chưa gặp Ngài, tại sao vậy?  Tôi hỏi chính mình và mở lòng, xin Chúa Giêsu Phục Sinh cho tôi được gặp Ngài.      

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment