Monday, April 17, 2023

Thứ Ba Tuần II Phục Sinh – Năm A –18-4-2023

Thu Ba II PS

Tông Đồ Công Vụ 4:32-37

32Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý.  Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung. 33 Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại.  Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng. 34 Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, 35đem đặt dưới chân các Tông Đồ.  Tiền ấy được phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. 36 Ông Giô-xếp, người được các Tông Đồ đặt tên là Ba-na-ba, nghĩa là người có tài yên ủi, có một thửa đất.  Ông là một thầy Lê-vi quê quán ở đảo Sýp. 37 Ông bán đất đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ.

(Trích Sách Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một trang nhật ký rất đẹp về những sinh hoạt của Giáo hội thời sơ khai.  Các Kitô hữu đã một lòng một ý và không một ai coi bất cứ cái gì mình có làm của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.  Đây là một dấu chỉ mạnh mẽ nhất về một đời sống có Chúa, một đức tin bén rễ trong Chúa Giêsu Phục Sinh.  Chính đời sống yêu thương và dấn thân cho người khác đã hấp dẫn nhiều người gia nhập Kitô giáo, ở mọi thời đại.  Nên nhớ, lúc bấy giờ chỉ là khởi đầu, Giáo hội đang hình thành nên chưa có những giáo lý và những suy tư thần học uyên thâm như ngày nay, nên việc người ta nhận biết Thiên Chúa không phải là những mớ giáo lý cao siêu hoặc học thuyết trừu tượng trên mây, nhưng là chính cuộc đời chứng nhân của các Kitô hữu tiên khởi.  Họ không nói nhiều cho bằng sống nhiều; họ không có một kho tàng kiến thức để giảng, họ giảng bằng chính đời sống yêu thương, dấn thân đến quên mình của họ.  Tôi nhìn vào đời sống đức tin của tôi xem, tôi đã dạy cho con cái và các thế hệ trẻ về một Thiên Chúa như thế nào?  Chúng ngày nay còn tin theo truyền thống đức tin mà tôi đã dạy nữa hay không?  Cái gì làm cho đời sống đức tin của chúng thờ ơ và nguội lạnh?  Có phải tôi đã không giới thiệu về Chúa Giêsu cho chúng, mà chỉ dạy giáo lý về Chúa Giêsu?  Có phải tôi đã không chia sẻ những kinh nghiệm thực của tôi về lòng nhân ái của Thiên Chúa, về tình yêu tự hủy của Chúa Giêsu, mà chỉ chia sẻ kiến thức về một Thiên Chúa xét nét, khi nào cũng rình rập con người phạm tội để phạt, hoặc một Thiên Chúa vô cảm chẳng biết gì đến những khổ đau của con người?  Tôi lấy giây phút này để xét mình. 

2.  Tôi đọc lại những dòng nhật ký rất đẹp trên của Giáo hội sơ khai và tìm xem, ngày nay tôi có thể làm được những gì, giống như các Kitô hữu tiên khởi đã làm?  Tôi có thể thực hiện những gì mà bài đọc hôm nay nói, ngay trong gia đình của tôi, trước khi tôi dấn thân cho cộng đoàn và xã hội bên ngoài?  Tôi ngồi đây nói chuyện với Chúa Giêsu Phục Sinh để có sức mạnh dám dấn thân cho những gì Ngài đang mong đợi ở tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment