Sáng Thế 3:1-8
1Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài
đồng, mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà: “Có thật Thiên Chúa
bảo: ‘Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn’ không?” 2 Người
đàn bà nói với con rắn: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. 3 Còn
trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: ‘Các ngươi không được ăn, không
được động tới, kẻo phải chết’.” 4 Rắn nói với người đàn bà:
“Chẳng chết chóc gì đâu! 5 Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào
ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần
biết điều thiện điều ác.” 6 Người đàn bà thấy trái cây đó:
ăn thì phải ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh
khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả
chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn. 7 Bấy giờ mắt hai
người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân. 8 Nghe
thấy tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày,
con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Đức
Chúa là Thiên Chúa.
(Trích
Sách Sáng Thế, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay cũng lại là một bài Kinh Thánh rất nổi
tiếng nữa, không chỉ đối với những người có niềm tin độc thần như Do-thái giáo, Kitô
giáo hay Hồi giáo, mà cả những người thuộc đa thần hay vô thần cũng biết. Một câu chuyện nữa mà những người vô thần thường
dùng để chế giễu các Kitô hữu về chuyện E-và bị con rắn cám dỗ ăn trái cấm; bởi
đối với họ, chẳng có con rắn nào và cũng chẳng có trái cấm nào. Thế nhưng như bài đọc hôm qua, đây là câu
chuyện thuộc thể văn huyền thoại, nên tất cả những hình ảnh trong bài đọc hôm
nay chỉ là biểu tượng, được dùng để nói về những vấn đề rất sâu và rất lớn trong
đời sống con người. Nếu đọc kỹ tôi sẽ thấy,
câu chuyện này không có ý nói về tổ tông loài người năm xưa bị cám dỗ cho bằng,
đang nói về những cơn cám dỗ trong đời sống của tôi hôm nay. Rất gần!
Bởi vậy khi đọc Kinh Thánh, nhất là những bản văn thuộc thể văn huyền
thoại, câu hỏi tôi cần đặt ra, không phải là: Có thật sự có con rắn biết nói tiếng
người, có thật sự có cây giữa vườn, có thật sự có trái cấm, có thật sự có A-đam
và E-và đã bị con rắn lừa, có thật sự bà ấy đã ăn trước…? Đúng hơn, câu hỏi tôi cần đặt ra, đó là: Cây
giữa vườn, con rắn, trái cấm có ý nghĩa gì?
Hình ảnh trần truồng xấu hổ với Thiên Chúa, xấu hổ với chính mình và xấu
hổ với nhau sau khi sa ngã, khiến họ phải tìm lá che thân có ý nghĩa gì? Những hình ảnh trong câu chuyện nói gì với
tôi? Câu chuyện cám dỗ ở vườn địa đàng
có đang diễn ra trong tôi ngày hôm nay?
Có lẽ, chẳng có con vật nào di chuyển nhẹ nhàng, âm thầm, kín đáo, mầu sắc biến đổi tùy theo môi trường và uyển
chuyển luồn lách qua mọi ngõ ngách giỏi cho bằng
con rắn. Chính vì thế, tác giả Kinh
Thánh đã vay mượn hình ảnh con rắn, để nói về các chiến thuật rất tinh vi và xảo
quyệt của thần dữ thường hay cám dỗ con người, là rất hợp lý. Phải chăng, cây giữa vườn đó chính là tiếng
nói lương tâm của tôi, biết lành biết dữ, một khi tôi nuông chiều theo cám dỗ,
để sự dữ làm chủ lương tâm của tôi, tôi mất hết tất cả, sống mà như chết? Là một người lãnh đạo, là cha mẹ, là thầy cô,
là huynh trưởng, một khi để lòng chiều theo những cám dỗ làm những điều sai
trái, nên gương mù gương xấu cho người khác, tôi sẽ mất khả năng làm điều tốt, mất khả năng giáo dục và hướng
dẫn người khác, kể cả em bé. Phải chăng trước khi bị cám
dỗ và sau khi mắc mưu cám dỗ, là hai khung trời hoàn toàn trái ngược, như:
thiên đàng với hỏa ngục, bình an với bất an, yêu thương với chán ghét, thanh thản
với dằn vặt? Trước khi bị cám dỗ, hai ông
bà nguyên tổ vui sống trong vườn địa đàng, cả hai cùng trần truồng mà chẳng thấy
xấu hổ, tâm hồn họ tựa như vườn địa đàng; sau khi bị cám dỗ, hai người đã đánh
mất địa đàng, cảm thấy thẹn với Chúa, sượng với chính mình và xấu hổ với
nhau, nên phải trốn và tìm mọi thứ để che đậy, nhưng làm sao trốn được, chỗ
nào họ cũng nghe thấy có tiếng nói cắn rứt lương tâm, tâm hồn họ không còn là một
vườn địa đàng nữa.
2.
Tôi muốn đọc lại câu chuyện trên nhiều lần và để ý,
tôi đang bị những cám dỗ nào và đang chiến đấu ra sao? Con đường cám dỗ đến với tôi theo ngả nào và chúng dàn
trận ra sao? Nên nhớ Kinh Thánh viết,
người đàn bà trông thấy trái cây đẹp, ngon và đáng quý, cộng với tham vọng muốn
bằng Thiên Chúa, bà đã không cưỡng lại được với cám dỗ. Ma quỷ có đang dùng những kế binh như vậy tấn
công tôi? Chắc chắn, ma quỷ không bao giờ
xuất hiện rõ ràng trong dung mạo dữ tợn, kinh tởm và hung bạo để cám dỗ con người,
nhưng luôn ẩn khuất trong những lý lẽ nghe rất vui tai, hợp tình hợp lý, trong
những hình ảnh rất đẹp, hấp dẫn, ngon, mời mọc, thân thuộc, thân thiện đến mức tôi
rất khó cưỡng lại. Tôi đã chiến đấu chống
lại các cơn cám dỗ bằng cách nào? Chúa
có được chỗ đứng nào trong những lúc tôi đối diện với cám dỗ, hay tôi gạt Ngài qua một
bên? Tôi đã thành công hay thất bại những
lúc ấy? Giờ đây, tôi thành tâm xin Chúa
giúp. Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng
“Kinh Lạy Cha”, Kinh mà Chúa Giêsu đã
dạy tôi cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment