Sáng Thế 2:18-25
18Đức Chúa là Thiên Chúa phán: “Con người ở
một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó
một trợ tá tương xứng với nó. 19 Đức Chúa là Thiên Chúa
lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con
người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là
thế. 20 Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời
và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương
xứng. 21 Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập
xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người
ra, và lắp thịt thế vào. 22 Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái
xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với
con người. 23 Con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương
tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi
là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.” 24 Bởi thế, người đàn
ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt. 25 Con
người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau.
(Trích
Sách Sáng Thế, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Trong Kinh Thánh có hai câu chuyện sáng tạo. Câu chuyện sáng tạo thứ nhất nói, bài đọc hôm qua, Thiên Chúa lấy đất tạo ra con người. Câu chuyện thứ hai, bài đọc hôm nay, Thiên Chúa tạo ra người nữ từ xương sườn của người nam. Câu chuyện sáng tạo trong Kinh Thánh là một câu chuyện rất nổi tiếng mà không chỉ những người Kitô mà cả những người ngoài Kitô giáo, như Do-thái giáo, Hồi giáo cũng biết, thậm chí cả những người không cùng ba tôn giáo trên cũng biết. Ngay cả những người vô thần cũng biết và thường lấy câu chuyện này để chế giễu những người tin vào Thiên Chúa; bởi họ tin vào thuyết tiến hóa, thuyết ấy cho rằng, con người hiện đại hôm nay là do đã trải qua một quá trình tiến hóa rất dài, bắt đầu từ một loài khỉ linh trưởng nào đó. Chính vì thế, những người vô thần phủ nhận, chẳng có một Thiên Chúa nào đã nặn ra con người từ đất sét, như bài đọc hôm nay nói. Trớ trêu thay, thuyết tiến hóa ấy đã được khởi xướng bởi Charles R. Darwin (1809-1882), một nhà tự nhiên học, địa chất học và sinh vật học người Anh, đặc biệt ông cũng là một nhà hữu thần, nên dù nói con người tiến hóa từ một loại khỉ linh trưởng nào đó, ông vẫn tin có một Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên loài khỉ linh trưởng nào đó và đặt trong chúng một quy trình tiến hóa! Thêm nữa, mỗi thể văn viết ra đều có ngôn ngữ riêng và cách hiểu riêng cho mỗi thể văn ấy. Chính vì thế, dù Kinh Thánh viết Thiên Chúa đã lấy đất sét nặn ra con người, hay lấy xương sườn A-đam làm ra người E-và, là những kiểu nói mang tính biểu tượng. Bởi, câu chuyện sáng tạo trên trong Kinh Thánh thuộc vào loại tiền lịch sử, tức thể văn huyền thoại, mà thể văn này đầy tính biểu tượng, trong đó tác giả mượn hình ảnh này để nói về cái gì khác sâu xa hơn và lớn hơn nhiều. Văn hóa nào cũng đầy những câu chuyện huyền thoại, chẳng hạn văn hóa Việt Nam có những câu chuyện huyền thoại như: “Lạc Long Quân-Âu Cơ”, “Thần Trụ Trời”, “Thánh Gióng”, “Mười Hai Bà Mụ”, “Sơn Tinh-Thủy Tinh”... Thế nhưng, có người Việt Nam nào đọc những câu chuyện huyền thoại trên mà hiểu theo nghĩa đen đâu? Nếu hiểu theo nghĩa đen, những câu chuyện huyền thoại Việt Nam này thật là phét lác, ấu trĩ, nhảm nhí, đáng quăng vào thùng rác. Ấy thế nhưng, không một ai đã dám bỏ những câu chuyện huyền thoại này ra khỏi văn học Việt Nam, bởi chúng là một kho tàng rất quý và thâm sâu của người Việt Nam, mọi thế hệ phải học. Bởi người Việt đọc và tin những câu chuyện huyền thoại này theo nghĩa biểu tượng. Cha ông Việt Nam đã dùng những câu chuyện này để dạy cho cả dân tộc những bài học rất sâu, rất thâm thúy và rất đáng quý. Cũng vậy, câu chuyện sáng tạo trong bài đọc hôm nay không có ý nói, có một Thiên Chúa đã thực sự lấy xương sườn của người đàn ông để làm ra người đàn bà. Không! Nhưng câu chuyện trên chỉ muốn nói rằng, cuộc đời này có một Đấng thượng trí siêu việt nào đó, Đấng đó người Kitô gọi là Thiên Chúa, Ngài đã dựng nên cả đất trời, trong đó có tôi. Ngài đã dựng nên con người để cộng tác với Ngài cai quản địa cầu. Trong đời sống gia đình, Kinh Thánh nói, khi hai người nam nữ yêu nhau, họ nên một với nhau, họ trở thành xương, thành thịt của nhau. Cách diễn tả này thật gần với cách diễn tả trong văn hóa Việt Nam, khi hai người nam nữ yêu nhau, họ gọi nhau bằng “mình”. Đây là chân lý không thể sai lầm mà câu chuyện trong bài đọc hôm nay muốn nói.
2.
Tôi nghĩ gì về bài đọc hôm nay khi Chúa đặt con người
vào cuộc đời này, cho con người quyền đặt tên cho từng thú vật, tức làm chủ và
cai quản vũ trụ này? Sự hiện diện của
tôi trong cuộc đời này có một mục đích cao cả, đó là: dù tôi tầm thường như đất,
mỏng giòn và yếu đuối như đất, ấy thế mà, Thiên Chúa đã cất nhắc tôi lên làm cộng
sự viên với Ngài. Tôi nghĩ gì về mục
đích sống của tôi? Tôi đã sống vai trò
làm cộng sự viên với Thiên Chúa như thế nào, làm cho cuộc đời này càng ngày
càng đẹp hơn ra sao? Hay, bao lâu nay
tôi đã chỉ phá hoại? Phá hoại trước nhất
đó là bản thân, khi tôi ăn uống say sưa, hút sách hại đến sức khỏe bản thân? Phá hoại gia đình, khi tôi không biết vun đắp
gia đình, nhưng bỏ bê, lười biếng, bạo hành trong gia đình? Phá hoại đối với môi trường, khi tôi không
gìn giữ vệ sinh chung và bảo quản môi trường xanh? Phá hoại đời sống chung, khi tôi tham lam, gian
lận, lường gạt, thủ đoạn, lừa đảo của công để mưu cầu lợi ích riêng? Trong giây phút này, tôi muốn trả lời với
Thiên Chúa về vai trò và mục đích sống của tôi bao lâu nay. Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài
hát, “Dòng Dõi Chính Nhân,” sáng tác
của Lm Bùi Ninh, do Hồng Nhung trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=jXycLLMwyXg
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment