Wednesday, February 1, 2023

Thứ Năm Tuần IV Thường Niên – Năm A –2-2-2023 – Lễ Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thờ

Thu Nam IV TN

Luca 2:22-40

22Khi đã đủ thời gian, đến ngày các ngài phải được thanh tẩy theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, 23như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến, dành riêng cho Chúa”. 24 Ông bà cũng lên để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. 25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn.  Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. 26 Ông đã được Thánh Thần linh báo là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. 27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ.  Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để làm điều người ta quen làm theo luật dạy, 28thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: 29“Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. 30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ 31Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: 32Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.” 33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những điều người ta nói về Người. 34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên.  Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. 35 Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà. Như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.” 36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ là bà An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se.  Bà đã nhiều tuổi lắm.  Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi.  Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa. 38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem. 39 Khi hai ông bà đã hoàn tất mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về thành của mình là Na-da-rét, miền Ga-li-lê. 40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay là Lễ Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thờ, một tập tục bắt nguồn từ Lề Luật Do-thái giáo: Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến, dành riêng cho Chúa”.  Nếu nhìn đây là một điều luật, tôi sẽ cảm thấy việc dâng con vào đền thờ thật nặng nề, và có thể tôi còn trách móc Thiên Chúa nữa: Sao mà Chúa ích kỷ, đòi người ta phải dâng hết cái này đến cái nọ, kể cả đứa con đầu lòng!  Tâm hồn nặng nề và lời trách móc này cũng giống như một số người Công giáo ngày nay cảm thấy khó chịu: Tại sao lại phải rửa tội cho con khi chúng còn bé, chúng có tội gì đâu mà phải rửa, sao không chờ đến khi chúng lớn, khi ấy chúng có đủ trí khôn để chọn lựa muốn được rửa tội hay không là tùy ở chúng?  Lý luận như vậy nghe có vẻ đúng, nhưng lại chẳng hợp lý tí nào.  Chẳng hợp lý vì niềm tin Kitô giáo dạy cho tôi rằng, cuộc sống này thật quý, có được sự sống là món quà quý hóa biết bao, mà món quà này sẽ đẹp hơn khi tôi được Chúa chúc lành, chở che và giữ gìn.  Có ai đợi con có trí khôn rồi mới tiêm chủng ngừa đủ mọi thứ bệnh không?  Chủng ngừa là một điều tốt và cần thiết để bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi những chứng bệnh hiểm nghèo, nên dù chúng chưa có trí khôn và dù chúng không muốn, tôi vẫn đè chúng ra tiêm chủng!  Hoặc, có ai đợi con già đầu mới cho đi học không?  Ngày hôm nay, ai cũng biết việc học là rất tốt và cần thiết, giúp trẻ có một tương lai tươi sáng, nên dù chúng mới năm hay sáu tuổi, sáng sớm đã dựng cổ chúng dậy bắt chúng phải đi học!  Lễ rửa tội không chỉ là thanh tẩy khỏi tội nguyên tổ, nguồn gốc của mọi cái ác cái xấu trong cuộc đời, nhưng còn là dâng cuộc đời của con cái cho Thiên Chúa, xin Ngài chúc phúc và giữ gìn chúng.  Cuộc đời này vốn dĩ đã chẳng dạy tôi, “Xem mặt gởi vàng” đó sao?  Tôi quý con cái như vàng, bởi vậy tôi gởi gắm con cho Chúa giữ gìn chẳng phải là bảo đảm nhất sao?  Như vậy việc mọi con trai đầu lòng đều phải dâng cho Chúa, theo tập tục Do-thái và mọi con cái vừa sinh ra cần được rửa tội, theo tập tục Kitô giáo, không chỉ là một tập tục cổ truyền, nhưng còn là một việc làm rất đẹp diễn tả lòng biết ơn Thiên Chúa đã cho tôi có con.  Tựa như lần đầu tiên trong đời đi làm và được lãnh lương, tôi dành tiền lương đầu tiên đó mua quà dâng biếu cha mẹ, hoặc may cho cha mẹ một tấm áo mới, đây là một việc làm đẹp vô cùng và đầy tính nhân bản trưởng thành.  Việt Nam cũng có thói quen dâng hoa quả đầu mùa cho trời đất và tổ tiên, đây là một việc làm của con tim và của lòng tin.  Đẹp!  Đẹp vô cùng!  Mặt khác khi yêu ai, tôi cũng muốn dâng tất cả những gì quý giá nhất cho người tôi yêu.  Tôi yêu Chúa không và yêu đến mức nào?  Tôi muốn bắt chước gia đình Thánh Gia, dâng những giây phút đầu ngày lên Chúa, xin Ngài gìn giữ tôi và người thân của tôi trong ngày hôm nay.  Xin Chúa giúp tôi sống đẹp lòng Chúa và đẹp lòng mọi người trong ngày hôm nay.  Tôi thành tâm và cầu xin những ơn này!

2.     Bài đọc hôm nay thật thích hợp cho tôi dùng phương pháp cầu nguyện hình dung của Thánh Inhaxio để cầu nguyện.  Tôi đọc lại bài đọc trên thật chậm và bao nhiêu lần có thể, hầu có thể giúp tôi đi vào thật sâu tâm tình của từng tâm hồn rất đẹp và rất yêu mến Thiên Chúa cách nồng nàn, như: Mẹ Maria, Thánh Giuse, Chúa Giêsu, Tiên tri Si-mê-on, Tiên tri An-na.  Tôi có thể nói chuyện với Mẹ Maria, Thánh Giuse, Tiên tri Si-mê-on hoặc Tiên tri An-na, nhờ họ dẫn tôi đến với Chúa Giêsu.  Tôi có thể nhờ Chúa Giêsu dẫn tôi đến với Thiên Chúa Cha.  Tôi cũng có thể như Thánh Giuse và Đức Mẹ ẵm Chúa Giêsu vào đền thờ.  Tôi có thể như Si-mê-on ẵm Chúa trên tay, cưng nựng Ngài.  Tôi có thể như An-na nói chuyện với Chúa Giêsu.  Vậy tôi sẽ nói gì với Chúa Giêsu, khi Ngài đang trên tay tôi?           

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment