Mát-thêu 6:1-6, 16-18
1Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ
rằng: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho
thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ
chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. 2 Vậy
khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu
diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần
thưởng rồi. 3 Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết
việc tay phải làm, 4 để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín
đáo, sẽ trả lại cho anh.
5 “Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm
như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc
ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần
thưởng rồi. 6 Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng
cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín
đáo, sẽ trả lại cho anh.
16 “Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ
rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là
chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em,
chúng đã được phần thưởng rồi. 17 Còn anh, khi ăn chay,
nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, 18để không ai thấy là
anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín
đáo, sẽ trả lại cho anh.”
(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch
của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Hôm nay Thứ Tư Lễ Tro, bắt đầu Mùa Chay Thánh. Có phải Mùa Chay năm nào cũng đến rồi đi một
cách nhịp nhàng, đều đặn, như tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ cổ treo trên tường,
buồn tẻ, thụ động và cũ kỹ? Hay, Mùa
Chay năm nào cũng đến rồi đi một cách nhịp nhàng, đều đặn, không buồn tẻ như tiếng
tích tắc của chiếc đồng hồ cổ, nhưng đẹp và ý nghĩa như rừng cây thay mầu đổi lá mỗi khi thu về,
và đua nhau thay áo mới, sinh bông kết trái mỗi độ xuân sang? Mùa Chay như thế nào là tùy ở lối sống của mỗi
người. Bao nhiêu năm nay tôi đã sống Mùa
Chay như thế nào, buồn tẻ hay sôi động, thụ động hay năng động, nhàm chán hay mới
mẻ? Tôi có quyết tâm gì trong Mùa Chay
năm nay, hay cũng để Mùa Chay trôi qua như tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ cổ trên tường? Tôi lấy giấy bút ngồi xuống trước mặt Chúa
trong lúc này và bàn với Ngài về những quyết tâm sống Mùa Chay năm nay sao cho thật tích cực, ý nghĩa.
2.
Bài đọc của Thứ Tư Lễ Tro, khai mạc Mùa Chay Thánh, đã nhắc lại chiếc kiềng
ba chân của đời sống tu đức Kitô giáo, đó là: Cầu nguyện, Ăn chay, và Sống bác
ái. Chúa Giêsu dạy rất rõ về ba thực
hành này, cần phải cầu nguyện thật chứ đừng cầu nguyện giả. Cầu nguyện giả là kinh kệ ê a, dài dòng, bằng môi miệng, là chú trọng đến những gì bề ngoài, đọc cho đủ số kinh, lật
cho đủ số trang sách, cùng lễ nghi linh đình. Trong khi đó, cầu nguyện thật như Chúa Giêsu nói đó là, vào phòng đóng cửa lại, tức là
đi vào thật sâu, nơi kín đáo nhất của cõi lòng, ở đó đang đong đầy niềm vui đến mức chẳng có lời nào diễn tả được, ở đó đang trào tràn những giọt nước mắt của cô đơn, buồn tủi, đau khổ, khó khăn, mất mát mà chẳng một ai có thể hiểu và cảm thông, dù đó là chồng, vợ,
con cái, cha mẹ hay bất cứ ai, ở đó đang nặng trĩu những vết thương, ở đó đang ấp ủ những mộng ước, mà chỉ một mình Chúa thấu tỏ. Ăn
chay cũng thế, không phải là để cho cái tôi của tôi to đùng qua việc giữ luật
chay một cách tỉ mỉ, máy móc, không sai một ly, trong khi đó lại quên mục đích chính của ăn chay là tập sống khiêm nhường, quảng đại, không ích kỷ, nhưng biết cảm
thông, trở nên nhạy bén với những đau khổ quanh tôi. Cuối cùng, sống bác ái đích thực không phải
là để phô trương, khoe khoang, nhưng phải là kín đáo, kín
như tay trái không biết gì những việc tay phải đã làm. Nói chung, Mùa Chay mời gọi tôi sống thật, thật
với Thiên Chúa, thật với tha nhân và thật với bản thân, trong khiêm nhường và yêu thương. Bao lâu nay tôi đã đến với Chúa, tha nhân và bản thân tôi bằng hàng thật hay hàng mã? Tôi trả lời với Chúa giây phút này và quyết tâm làm những gì mà Chúa
đang mời gọi tôi.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment