Wednesday, February 15, 2023

Thứ Năm Tuần VI Thường Niên – Năm A –16-2-2023

Mác-cô 8:27-33

27Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ rời Bết-xai-đa để đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê.  Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” 28 Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” 29 Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”  Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô.” 30 Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người. 31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết: Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại. 32 Người nói rõ điều đó, không úp mở.  Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. 33 Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: “Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy!  Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay nếu được đọc trong bối cảnh của cả Phúc âm Mác-cô, tôi đã có thể thấy chủ đích của tác giả trong việc sắp xếp các câu chuyện, phải kể chuyện nào trước, chuyện nào sau.  Trong bối cảnh của Phúc âm Mác-cô, cho đến câu chuyện hôm nay, tôi đã có thể thấy Mác-cô muốn độc giả phải tự trả lời cho mình: Chúa Giêsu thật sự là ai, sau khi Ngài đã mở mắt cho người mù, hoặc là chính tôi, trong giờ cầu nguyện hôm qua.  Chúa Giêsu, trong bài đọc hôm nay, đã hỏi những người đang theo Ngài: Người ta bảo Ngài là ai.  Nhưng dường như Ngài không quan tâm lắm đến câu trả lời mang tính gián tiếp này của họ, Ngài hỏi lại họ lần nữa.  Câu hỏi lần này không phải là nghe ai nói về Ngài nữa, nhưng chính mỗi người đang theo Ngài, trong đó có tôi ngày hôm nay, phải trả lời cho Ngài biết, tôi nói Ngài là ai.  Như vậy, Mác-cô đã chỉ cho tôi con đường để theo Chúa Giêsu.  Đó phải là một sự khám phá mang tính cá vị, rất riêng tư và đầy xác tín về Chúa Giêsu, chứ không thể nghe qua người này hay người khác, dù đó là ai đi nữa.  Câu trả lời của tôi không phải là những kinh nghiệm của người khác, không thể là nghe lại, mà là kinh nghiệm trực tiếp với Chúa Giêsu.  Tôi là Kitô hữu đã bao nhiêu năm, gọi là đang theo Chúa Giêsu, tôi có những kinh nghiệm riêng tư nào về Ngài, tôi có được bao nhiêu, tôi trả lời với Ngài câu hỏi thứ hai, trong giây phút này?

2.   Sau khi Phê-rô đã mạnh dạn trả lời cho Chúa Giêsu câu hỏi thứ hai, Ngài đã bộc bạch những ước mơ và dự tính tương lai của Ngài cho ông, một dự tính rất lớn: cứu nhân độ thế!  Ước mơ và dự tính là những chuyện rất riêng tư.  Ước mơ càng lớn bao nhiêu, chương trình dự tính càng lớn bao nhiêu, người ta càng phải giữ kín bấy nhiêu.  Người ta không thể chia sẻ những ước mơ và dự tính lớn ấy cho bất kỳ ai, nhưng chỉ cho những người thật sự biết về họ.  Sau khi tuyên tín, Phê-rô đã được cái phúc nghe được những ước mơ và dự tính cứu nhân độ thế của Chúa Giêsu.  Giờ cầu nguyện hôm nay cũng có thể là cơ hội tôi được nghe Chúa Giêsu kể cho tôi về ước mơ của Ngài chăng?  Có thể chẳng phải là ước mơ cứu cả thế giới, ít ra cũng là ước mơ Ngài muốn cứu tôi?  Tôi hỏi Ngài xem: tôi quan trọng và đặc biệt như thế nào trong con mắt của Ngài?  Tại sao Ngài phải cứu tôi?  Tôi để ý, tôi lắng nghe, tôi suy ngẫm và tôi đáp trả.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment