Monday, February 27, 2023

Thứ Ba I Mùa Chay – Năm A –28-2-2023

Thu Ba I MC

Mát-thêu 6:7-15

7Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. 8 Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. 9 “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: ‘Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, 10triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. 11 Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; 12 xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; 13 xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.’ 14 “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. 15 Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm qua tập trung vào một trong ba thực hành quan trọng của Mùa Chay, đó là: sống bác ái với tha nhân; bài đọc hôm nay tiếp tục giúp tôi tập trung suy niệm về một thực hành khác nữa của Mùa Chay, đó là: cầu nguyện.  Nếu rừng thu năm nào cũng thay lá để chuẩn bị cho những bộ áo mới vào mùa xuân, Mùa Chay năm nào cũng trở lại cũng với một mong đợi như thế.  Mùa Chay là mùa tu đức của Kitô giáo, Giáo hội cũng mong chờ ở tôi một sự thay đổi, một sự biến đổi nội tâm, mỗi khi Mùa Chay về.  Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay mời gọi tôi, phải có một sự cải tiến trong cầu nguyện.  Cầu nguyện không nên lải nhải nhiều lời như dân ngoại, như thói quen cũ, bởi Chúa biết rõ những gì tôi cần.  Tôi có thể tự hỏi: Nếu Chúa đã biết tôi cần gì, vậy tôi có cần phải cầu nguyện nữa không?  Câu hỏi này bộc lộ rõ một suy nghĩ lệch lạc, hoặc thiếu trưởng thành về cầu nguyện.  Có lẽ, bởi một cách dạy giáo lý nào đó đã làm cho tôi luôn nghĩ rằng, cầu nguyện là phải xin; mà vì Chúa đã biết tôi cần gì rồi nên tôi không cần phải xin nữa, hoặc tôi đã có đầy đủ mọi sự rồi nên tôi không biết phải xin gì nữa, thế là hết lý do để cầu nguyện!  Có lẽ tôi cần phải trở lại với định nghĩa căn bản về cầu nguyện là gì.  Cầu nguyện, như giáo lý tôi đã được học khi xưng tội rước lễ lần đầu, đó là: nâng lòng, nâng trí lên cùng Chúa mà tôn kính, cảm tạ và cầu xin...  Như vậy, cầu nguyện trước hết là tôn kính.  Tôn kính Chúa là Thiên Chúa của tôi, là Vua trên các vua và Chúa trên các chúa, chính Ngài là Đấng đã dựng nên cả đất trời, đã sinh ra tôi, một tuyệt phẩm rất quý giá trong mắt Ngài, như Tiên tri I-sai-a (43:1-6), đã nói.  Hiểu như vậy tôi sẽ thấy, cầu nguyện đâu phải chỉ là cầu xin mà thôi, nhưng là sống lòng hiếu thảo với Thiên Chúa.  Cũng như không phải chờ đến Tết, hoặc mỗi khi cần gì, tôi mới đến thăm viếng ba má, nhưng vì lòng hiếu thảo, tôi muốn đến thăm viếng ba má bất cứ khi nào, để được ở bên chiêm ngắm và yêu thương ba má.  Tiếp đến trong định nghĩa của cầu nguyện là: tạ ơn.  Một ngày sống, tôi đón nhận được biết bao nhiêu ơn lành của Chúa ban cho tôi trực tiếp, hoặc qua người này người khác, sự kiện này, sự vật khác.  Theo phép lịch sự tối thiểu, một người nào đó cho tôi cái gì, tôi muốn cám ơn người đó ngay.  Chính vì thế, cầu nguyện không chỉ là lúc tôi cần cầu xin điều gì đó, nhưng còn là lúc tôi thể hiện lòng biết ơn, thể hiện phép lịch sự với Thiên Chúa, Đấng luôn “bao bọc tôi cả sau lẫn trước” (Tv 139:5), hay như: Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 23:6).  Như vậy, điểm chính yếu và trước nhất như định nghĩa của cầu nguyện, đó là: đi vào trong tương quan yêu thương mật thiết, mang tính cá vị với Thiên Chúa.  Mà trong tình yêu thì chẳng bao giờ đủ, nên để tôi yêu Chúa hơn, tôi cũng cần cầu nguyện nhiều hơn, chẳng bao giờ tôi có thể nói tôi đã cầu nguyện đủ rồi.  Đồng thời, yêu không cần nhiều lời, mà cần sự hiện diện.  Hơn nữa có nhiều lúc, ngôn ngữ thật què quặt, chẳng đủ để diễn tả hết được tình yêu.  Bởi thế, Chúa Giêsu căn dặn tôi, khi cầu nguyện: Đừng nhiều lời!

2.     Sau khi căn dặn các môn đệ đừng nhiều lời trong cầu nguyện, Chúa Giêsu đã dạy họ cách cầu nguyện, qua lời kinh đã trở thành quen thuộc với mọi Kitô hữu, đó là: Kinh Lạy Cha.  Cũng như định nghĩa căn bản của cầu nguyện trên, lời Kinh Lạy Cha cũng dạy tôi tập trung, trước nhất, vào tương quan mật thiết mang tính cá vị với Chúa Cha, đó là: “Lạy Cha chúng con ở trên trời.”  Trước khi cầu xin, hãy ý thức tương quan mật thiết như tình cha con, mẹ con với Thiên Chúa, Đấng yêu thương tôi vô bờ bến.  Tôi hãy xin, trước nhất, cho tình yêu vô bờ bến này, nếu như đã tràn ngập trên thiên đàng thì cũng được như nước biển đại dương trào tràn đến khắp mọi nơi và trong lòng mọi người ở dưới thế.  Sau nữa, tôi cầu xin cho mọi người cũng nhận biết tình yêu chân thật mà họ luôn khát khao và lãnh nhận ấy cũng chính là Thiên Chúa.  Như vậy, việc cầu nguyện trước hết là hướng lòng về Chúa là Thiên Chúa của tôi, Ngài là Đấng dựng nên cả đất trời và yêu thương tôi hết mực, tức không còn mực nào viết hết được tình thương của Ngài.  Sau đó, mới tập trung cầu xin cho những nhu cầu thường ngày của tôi, như: cơm ăn áo mặc, chữa lành, xóa bỏ nợ nần và hận thù, cùng thoát khỏi mọi sự dữ và mưu chước của ma quỷ.  Vậy tôi đã có đủ lý do để cầu nguyện chưa và cầu nguyện luôn luôn chưa, dù Chúa đã biết tôi cần gì và dù tôi đã có đủ, chẳng cần gì?  Tôi phủ phục và tập trung hết mình cầu nguyện với những ơn xin của Kinh Lạy Cha.         

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment