Sáng Thế 1:26-31
1/26Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy làm ra
con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ
cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới
đất."
27Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh
mình,
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,
Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.
28Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy
sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá
chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất." 29Thiên Chúa phán: "Đây Ta
ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây
có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi. 30Còn đối với mọi dã thú, chim
trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ
xanh tươi để làm lương thực. Liền có như vậy." 31Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã
làm ra quả là rất tốt đẹp! Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ
sáu.
(Trích Sách Sáng Thế bản dịch của Nhóm Phiên
Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý
cầu nguyện
1.
Năm 1955, để thúc đẩy lòng sùng kính sâu sắc
đối với Thánh Giuse, và để đối lại Ngày Lễ Lao Động, mồng 1 tháng Năm, trong
thế giới Cộng sản, Đức Giáo hoàng Pius XII đã chọn Thánh Giuse làm đấng bảo hộ
cho giới cần lao và thiết lập ngày lễ kính Thánh Giuse Thợ, nhằm đề cao những giá
trị lao động và bênh vực quyền lợi của mọi công nhân. Đức Giáo hoàng Gioan Phao-lô II sau này cũng
nhắc lại mục đích của ngày lễ, ngài nói: “Giáo
hội coi nhiệm vụ của mình là luôn luôn chú ý đến phẩm giá và quyền của mọi công
nhân, lên án những tình huống mà nhân phẩm và những quyền đó bị vi phạm, đồng
thời giúp hướng dẫn những thay đổi [xã hội] để đảm bảo tiến bộ đích thực của
con người và xã hội.” Chẳng phải chờ
đến năm 1955, giá trị lao động của mọi công nhân mới được nhìn nhận, nhưng từ
ban đầu, Thiên Chúa đã đặt để con người giữ gìn và phát triển công trình sáng tạo
của Ngài. Như vậy, phẩm giá của mọi công
nhân, không chỉ là những người mang hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng còn mỗi khi lao
động, họ trở thành cộng sự viên của Ngài, tiếp tục sáng tạo và làm cho thế giới
này đẹp hơn. Ngày nào tôi ươn lười, ngày
đó tôi đánh mất ơn gọi của tôi. Nên nhớ,
một câu Kinh Thánh khác cũng khiển trách tôi, “Ai không làm thì đừng có ăn!”(I Tx 3:10). Bài đọc hôm nay kết thúc công việc của Chúa bằng
câu, “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm
ra quả là rất tốt đẹp!” Trong giây
phút này hoặc cuối mỗi ngày, tôi cũng có thể nói như vậy về những việc làm của
tôi trong ngày không? Thế giới có đang
được tận hưởng những thành quả lao động của tôi không? Tôi có thấy Chúa cũng rất hài lòng về những
việc làm bao lâu nay của tôi không?
2.
Bài đọc hôm nay không nhắc gì đến Thánh Giuse, nhưng chỉ nói về
công việc. Trong đó, tôi nhận thấy Chúa
làm việc và cũng mời gọi con người cùng làm việc cộng tác với Ngài. Chứng tỏ Chúa yêu quý công việc, Ngài cũng
trân quý sự lao công của con người. Tôi
muốn cầu nguyện cho tất cả mọi công nhân, mọi người đang làm việc vất vả ngày đêm
cho công ích xã hội, đặc biệt các bác sĩ, y tá, những người lao công quét dọn vệ
sinh trong các bệnh viện giữa cơn đại dịch Covid-19 này, họ là những người đang
mạo hiểm cả tính mạng của họ để bảo vệ và giữ gìn cho thế giới khỏi nhiễm bệnh. Tôi cầu nguyện cho mọi công nhân, dù ở ngành
nghề nào đi nữa, luôn biết dùng quyền lợi và nghĩa vụ của họ góp phần xây dựng
xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Tôi cầu
nguyện cho tất cả những người bị thất nghiệp trong đại dịch Covid-19 này, khiến
gia đình họ trở nên điêu đứng vì không có tiền để sống. Tôi cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo khắp nơi trên
thế giới biết tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của mọi công nhân, đặc biệt những
người nghèo và thấp kém trong xã hội.
Phạm Đức Hạnh, SJ