Tuesday, March 31, 2020

Thứ Tư Tuần V Mùa Chay – Năm A –1-4-2020


Thu Tu V MC

Gioan 8:31-42

31Khi ấy, Đức Giê-su nói với những người Do-thái đã tin Người rằng: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; 32các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.”  33Họ đáp: “Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham.  Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ.  Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?”  34Đức Giê-su trả lời: “Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội.  35Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi.  36Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do.  37Tôi biết các ông là dòng dõi ông Áp-ra-ham, nhưng các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông.  38Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói.”  39Họ đáp: “Cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham.”  Đức Giê-su nói: “Giả như các ông là con cái ông Áp-ra-ham, hẳn các ông phải làm những việc ông Áp-ra-ham đã làm.  40Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa.  Điều đó, ông Áp-ra-ham đã không làm.  41Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông làm.”  Họ mới nói: “Chúng tôi đâu phải là con hoang. Chúng tôi chỉ có một Cha: đó là Thiên Chúa!”  42Đức Giê-su bảo họ: “Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến.  Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi.”

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Tự do chính là hoa quả quý nhất của đời sống môn đệ của Chúa Giêsu.  Tôi chỉ thật sự có được tự do khi tôi ở lại trong lời dạy của Chúa Giêsu, bởi chỉ có lời của Ngài mới có sức giải thoát tôi.  Những người Do-thái dù đã tin Chúa Giêsu, nhưng họ đã không ở lại trong lời của Ngài, bởi vậy lời của Ngài đã không thể đem họ đến sự tự do đích thực.  Tôi cũng là người tin Chúa Giêsu, tôi đã chọn ở lại trong lời của Chúa Giêsu, tức trong chân lý và sự thật như thế nào?  Nếu có, tôi sẽ hiểu được những lời của Chúa Giêsu nói trong bài đọc hôm nay.  Tôi muốn ở lại trong những lời của Chúa Giêsu của giờ cầu nguyện này không?  Tôi có thể đọc lại những lời trên.  Tôi cũng có thể nói chuyện trực tiếp với Chúa Giêsu ngay bây giờ. 

2.     Những người Do-thái dù tin vào Chúa Giêsu, nhưng rồi họ đã tìm cách giết Ngài bởi vì họ đang là nô lệ cho tội, và không có lòng yêu mến Chúa Giêsu.  Như vậy, tin chưa nói lên được một tương quan với Chúa Giêsu, bởi ma quỷ và Giuđa cũng tin và biết Chúa Giêsu, nhưng không bao giờ yêu mến Ngài, và rồi cuối cùng đã giết Ngài.  Tôi cũng tin Chúa Giêsu vậy, nhưng tôi có một tương quan thân mật giữa tôi với Chúa Giêsu không?  Tôi có quyết tâm gì và dấn thân nào để diễn tả tương quan mật thiết giữa tôi với Chúa Giêsu, đặc biệt khi tôi chuẩn bị bước vào Tuần Thánh sắp tới?        

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, March 30, 2020

Thứ Ba Tuần V Mùa Chay – Năm A – 31-3-2020


Thu Ba V MC

Gioan 8:21-30

21Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Tôi ra đi, các ông sẽ tìm tôi, và các ông sẽ mang tội mình mà chết.  Nơi tôi đi, các ông không thể đến được.”  22Người Do-thái mới nói: “Ông ấy sẽ tự tử hay sao mà lại nói: ‘Nơi tôi đi, các ông không thể đến được’?”  23Người bảo họ: “Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới.  Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này.  24Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.  Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.”  25Họ liền hỏi Người: “Ông là ai?” Đức Giê-su đáp: “Hoàn toàn đúng như tôi vừa nói với các ông đó.  26Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông.  Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói.”  27Họ không hiểu là Đức Giê-su nói với họ về Chúa Cha.  28Người bảo họ: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy.  29Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người.”  30Khi Đức Giê-su nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người.

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Càng đến gần Tuần Thánh, tôi càng nghe nhiều hơn về sự mạc khải của Chúa Giêsu thực sự là ai, và Ngài đến trong cuộc đời này để làm gì.  Bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu mạc khải cho người Do-thái biết rằng Ngài là Đấng Hằng Hữu, và Ngài đến trong cuộc đời này là do Chúa Cha, Ngài không thuộc về thế gian.  Tuy nhiên, những người Do-thái là những người có niềm tin vào Chúa nhưng chẳng hiểu Ngài nói gì.  Tôi cũng là người có niềm tin, tôi tin ở những lời Ngài nói không, tôi hiểu không?  Tôi nói gì và xin gì cùng Chúa Giêsu để giúp tôi hiểu hơn và yêu mến Ngài hơn?

2.     Chúa Giêsu nói khi Ngài bị giương cao, nhiều người Do-thái sẽ hiểu và tin Ngài thật sự là Đấng Hằng Hữu.  Tuần tới cả Giáo hội sẽ tưởng niệm và suy tôn Chúa Giêsu thật sự đã bị giương cao, chắc tôi cũng đã tưởng niệm và suy tôn cuộc tử nạn của Chúa Giêsu nhiều lần, tôi có nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Hằng Hữu không?  Tôi chuẩn bị như thế nào cho biến cố suy tôn cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu sắp tới?  Niềm tin của tôi vào Chúa Giêsu là Đấng Hằng Hữu giúp gì cho đời sống hằng ngày của tôi?      

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, March 29, 2020

Thứ Hai Tuần V Mùa Chay – Năm A – 30-3-2020

Thu Hai V MC

Gioan 8:1-11

1Khi ấy, Đức Giê-su đến núi Ô-liu.  2Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ.  Toàn dân đến với Người.  Người ngồi xuống giảng dạy họ.  3Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình.  Họ để chị ta đứng ở giữa, 4rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình.  5Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”  6Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.  Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất.  7Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.”  8Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất.  9Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi.  Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa.  10Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi?  Không ai lên án chị sao?”  11Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.”  Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu!  Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay đã là Tuần Thứ Năm của Mùa Chay, tuần cuối cùng trước khi bước vào Tuần Thánh, tưởng niệm cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu.  Bài đọc hôm nay nói về việc xử tử ném đá, một người đàn bà “bị cho là đang” ngoại tình.  Tôi có thể nghi nghờ về cuộc xét xử này; thế nên tôi có thể nói rằng, bà ta bị cho là đang ngoại tình.  Bởi, nếu bà đang ngoài tình, thì tại sao không bắt cả người đàn ông kia, mà chỉ bắt và ném đá có mình bà ta?  Hóa ra đây chỉ là một câu chuyện, đại diện cho cả trăm triệu những câu chuyện của biết bao nhiêu người nữ đã và đang bị kỳ thị, đối xử một cách bất công trong suốt mấy ngàn năm qua.  Tôi cảm thấy như thế nào khi đọc lại bài đọc hôm nay?  Lòng tôi có được thúc đẩy để phải làm một cái gì đó, xóa bỏ sự trọng nam khinh nữ trong xã hội nơi tôi làm việc, trong Giáo hội và cộng đoàn nơi tôi đặt trọn niềm tin tưởng, trong gia đình nơi tôi đang đóng vai trò ươm trồng các thế hệ tương lai?  Tôi nói gì với Chúa về tình trạng bất công mà nữ giới vẫn đang phải chịu, giữa thế giới văn minh hiện nay?  Tôi có dự định gì để cộng tác với ơn Chúa trong việc xóa bỏ những bất công cho nữ giới quanh tôi?
2.      Chúa Giêsu không đứng về phía bất công.  Ngài không ủng hộ cách xét xử của những hạng đàn ông kia.  Ngài im lặng, đặt câu hỏi, và để họ nhìn vào chính con người của họ khi muốn xét xử người khác.  Khi ấy họ đã nhận ra, chỉ Chúa là Đấng duy nhất có quyền xét xử con người, và chỉ khi nào họ nhìn vào lương tâm của họ, lúc ấy mới nghe rõ những hướng dẫn của Chúa cho họ biết phải làm gì.  Cuối cùng, không ai đã dám kết án người đàn bà này, họ đã bỏ đi hết, bắt đầu từ người lớn tuổi nhất.  Kể cả Chúa Giêsu cũng chẳng kết án bà ta.  Bà đã được cứu khỏi bị oan.  Tôi nghĩ sao về nhiều lần, tôi đã kết án người khác?  Tôi dựa vào đâu, những chứng cớ thật và khách quan, hay những chứng dối và chủ quan, khi xét xử và lên án người khác?  Lần cuối cùng tôi ném đá người khác là khi nào?  Có thể là những lần ném đá trong đời sống thường nhật, có thể là những lần ném đá bằng những lời đàm tiếu khi buôn chuyện, cũng có thể là ném đá trên mạng?  Tôi nghĩ Chúa sẽ xét xử tôi về những gì?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?  Tôi muốn đọc lại bài đọc trên, hoặc nghe bản nhạc, “Chuyện Người Đàn Bà 2000 Năm Trước,” sau đây, và để những lời của câu chuyện hôm nay thấm thật sâu trong lòng tôi, định hướng cách xét đoán của tôi đối với mọi người trong mọi ngày sống của tôi.  https://www.youtube.com/watch?v=cTW1hbtDFyc              

 Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, March 28, 2020

Chúa Nhật Tuần V Mùa Chay – Năm A – 29-3-2020


CN V MC

Gioan 11:1-45

1Khi ấy, có một người bị đau nặng, tên là La-da-rô, quê ở Bê-ta-ni-a, làng của hai chị em cô Mác-ta và Ma-ri-a.  2Cô Ma-ri-a là người sau này sẽ xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người.  Anh La-da-rô, người bị đau nặng, là em của cô.  3Hai cô cho người đến nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng.”  4Nghe vậy, Đức Giê-su bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh.”  5Đức Giê-su quý mến cô Mác-ta, cùng hai người em là cô Ma-ri-a và anh La-da-rô.  6Tuy nhiên, sau khi được tin anh La-da-rô lâm bệnh, Người còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở.  7Rồi sau đó, Người nói với các môn đệ: “Nào chúng ta cùng trở lại miền Giu-đê!”  8Các môn đệ nói: “Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao?”  9Đức Giê-su trả lời: “Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao?  Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng mặt trời.  10Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình!”  11Nói những lời này xong, Người bảo họ: “La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây.”  12Các môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khoẻ lại.”  13Đức Giê-su nói về cái chết của anh La-da-rô, còn họ tưởng Người nói về giấc ngủ thường.  14Bấy giờ Người mới nói rõ: “La-da-rô đã chết.  15Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin.  Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy.”  16Ông Tô-ma, gọi là Đi-đy-mô, nói với các bạn đồng môn: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!”  17Khi đến nơi, Đức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi.  18Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây số.  19Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời.  20Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người.  Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà.  21Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết.  22Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.”  23Đức Giê-su nói: “Em chị sẽ sống lại!”  24Cô Mác-ta thưa: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.”  25Đức Giê-su liền phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.  Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.  26Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết.  Chị có tin thế không?”  27Cô Mác-ta đáp: “Thưa Thầy, có.  Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”  28Nói xong, cô đi gọi em là Ma-ri-a, và nói nhỏ: “Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy!”  29Nghe vậy, cô Ma-ri-a vội đứng lên và đến với Đức Giê-su.  30Lúc đó, Người chưa vào làng, nhưng vẫn còn ở chỗ cô Mác-ta đã ra đón Người.  31Những người Do-thái đang ở trong nhà với cô Ma-ri-a để chia buồn, thấy cô vội vã đứng dậy đi ra, liền đi theo, tưởng rằng cô ra mộ khóc em.  32Khi đến gần Đức Giê-su, cô Ma-ri-a vừa thấy Người, liền phủ phục dưới chân và nói: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết.”  33Thấy cô khóc, và những người Do-thái đi với cô cũng khóc, Đức Giê-su thổn thức trong lòng và xao xuyến.  34Người hỏi: “Các người để xác anh ấy ở đâu?”  Họ trả lời: “Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem.”  35Đức Giê-su liền khóc.  36Người Do-thái mới nói: “Kìa xem! Ông ta thương anh La-da-rô biết mấy!”  37Có vài người trong nhóm họ nói: “Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư?”  38Đức Giê-su lại thổn thức trong lòng.  Người đi tới mộ.  Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại.  39Đức Giê-su nói: “Đem phiến đá này đi.”  Cô Mác-ta là chị người chết liền nói: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày.”  40Đức Giê-su bảo: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?”  41Rồi người ta đem phiến đá đi.  Đức Giê-su ngước mắt lên và nói: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con.  42Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con.”  43Nói xong, Người kêu lớn tiếng: “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ!”  44Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn.  Đức Giê-su bảo: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi.”  45Trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người.

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay tôi được đọc câu chuyện cuối cùng trong ba câu chuyện mà từ Giáo hội sơ khai đã rất coi trọng, muốn dùng câu chuyện này trong mọi Mùa Chay, bất cứ khi nào có người dự tòng.  Trong câu chuyện Chúa Giêsu chữa cho La-da-rô sống lại của bài đọc hôm nay, tôi có thể bắt gặp sự tương phản rõ rệt: Gia đình La-da-rô và những người hàng xóm đau buồn, khóc lóc và xuống tinh thần vì cái chết của người thân.  Điều này thể hiện rõ trên môi miệng của hai chị em Mác-ta và Maria: “Thưa Thầy, nếu Thầy có ở đây, em con đã không chết.”  Trong khi đó, Chúa Giêsu lại rất bình tĩnh và làm chủ tình thế.  Chúa Giêsu đã không đi ngay khi nghe tin La-da-rô, bạn của Ngài đau nặng; mãi hai ngày sau, Ngài mới đi “đánh thức” anh ta dậy.  Khi đến nơi, Chúa Giêsu như ngạc nhiên về sự đau buồn và xuống tinh thần của những người thân của La-da-rô.  Trước khi cho La-da-rô sống lại, Chúa Giêsu hỏi Mác-ta: “Chị có tin không?”  Bài đọc hôm nay có làm cho tôi vững tin ở Chúa Giêsu không hay nghi ngờ, xuống tinh thần, bi quan và buông xuôi, như Mác-ta đã nói, em chị ta đã chết nặng mùi rồi; như tôi xem báo chí mỗi ngày, người ta đang chết như rạ vì đại dịch?  Tôi nghĩ Mác-ta đã cảm thấy thế nào khi Chúa Giêsu nói: “Em chị sẽ sống lại!”?  Tôi cảm thấy thế nào khi Chúa Giêsu cũng nói với tôi trong giờ cầu nguyện này: “Cơn đại dịch này sẽ chấm dứt!”?  Tôi tin và tôi cầu nguyện cho đại dịch lúc này như thế nào? 
2.     Nhìn vào chính cuộc sống của tôi: Có một góc cạnh nào đó trong đời sống của tôi cũng đã chết nặng mùi rồi chăng?  Cái gì đang trói buộc tôi, khiến tôi không thể sống, không thể đi lại như một con người của tự do đích thực?  Tôi có cần phục sinh nó, cắt bỏ những sợi dây đang trói buộc tôi không?  Tôi có tin rằng Chúa Giêsu sẽ phục sinh nó không, dù đã ở trong mồ đến nặng mùi?  Tôi nghĩ sao và tin như thế nào, khi Chúa Giêsu nói: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.  Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.  Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”?  Gioan nói là Chúa Giêsu yêu La-da-rô và đã làm cho La-da-rô sống lại.  Điều này nói lên một điều rất thật trong cuộc sống, đó là: Khi yêu ai, tôi không bao giờ muốn người ấy chết.  Tôi có tin rằng, Chúa Giêsu rất yêu tôi và Ngài không bao giờ muốn tôi chết?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này?       
Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, March 27, 2020

Thứ Bảy Tuần IV Mùa Chay – Năm A – 28-3-2020


Thu Bay IV MC

Gioan 7:40-53

40Khi ấy, Đức Giê-su giảng dạy tại đền thờ Giê-ru-sa-lem.  Trong dân chúng, có những người nghe các lời của Đức Giê-su thì nói: “Ông này thật là vị ngôn sứ.”  41Kẻ khác rằng: “Ông này là Đấng Ki-tô.”  Nhưng có kẻ lại nói: “Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao?  42Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao?”  43Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ.  44Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt.  45Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pha-ri-sêu.  Họ liền hỏi chúng: “Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây?”  46Các vệ binh trả lời: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!”  47Người Pha-ri-sêu liền nói với chúng: “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao?  48Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu?  49Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!”  50Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, trước đây đã đến gặp Đức Giê-su; ông nói với họ: 51“Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?”  52Họ đáp: “Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả.”  53Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay tiếp nối bài đọc hôm qua trình thuật về sự xung khắc giữa những người Do-thái với Chúa Giêsu, gay cấn đến mức họ muốn giết Ngài.  Sự bắt bớ để giết Chúa Giêsu đã thực sự xảy ra trong bài đọc hôm nay.  Thế nhưng Chúa Giêsu vẫn chưa bị bắt vì những lời rao giảng sự thật và lối sống của Ngài đã gây chia rẽ trong dân chúng cũng như giới chức Do-thái.  Điều này nhắc nhớ tôi về Phao-lô có lần nói: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4:12).  Đồng thời sự kiên định của Chúa Giêsu dù có bị dọa giết, có thể nhắc nhớ tôi về một câu nói quen thuộc của người Việt Nam: “Cây ngay không sợ chết đứng.”  Có bao giờ tôi có kinh nghiệm sống theo sự thật bao giờ chưa?  Tôi đã cảm nghiệm sự tự do như thế nào khi tôi sống và làm theo sự thật?  Tôi đã bị chống đối ra sao?  Điều gì đã dẫn tôi dấn thân vào con đường sự thật?  Tôi cảm thấy gần Thiên Chúa như thế nào khi sống theo sự thật? 

2.     Ở cuối bài đọc hôm nay, câu nói của Ni-cô-đê-mô có thể giúp tôi tập tìm hiểu và sống theo sự thật hơn: “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?”  Điều này tưởng đơn giản, nhưng ngay cả hôm nay nhiều chế độ độc tài, những tông đồ buôn chuyện người vẫn sợ hoặc chưa dám thực hiện.  Người ta sẵn sáng tìm đủ mọi cách bóp méo sự thật và bịt miệng sự thật để bêu xấu và kết ngán người khác, một cách vô tội vạ.  Điều này có thức tỉnh tôi, mỗi khi xét đoán hay kết án ai mà chưa trực tiếp tìm hiểu câu chuyện và sự thật từ đương sự không?  Tôi quyết tâm nói và sống theo sự thật như Chúa Giêsu, trở thành môn đệ của sự thật như thế nào?  Được như vậy, cuộc đời này chắc chắn bớt đi rất nhiều phiền toái.          

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, March 26, 2020

Thứ Sáu Tuần IV Mùa Chay – Năm A – 27-3-2020


Thu Sau IV MC

Gioan 7:1-2, 10, 25-30

1Khi ấy, Đức Giê-su thường đi lại trong miền Ga-li-lê; thật vậy, Người không muốn đi lại trong miền Giu-đê, vì người Do-thái tìm giết Người.  2Lễ Lều của người Do-thái gần tới.  10khi anh em Người đã lên dự lễ, thì chính Người cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật.  25Bấy giờ có những người ở Giê-ru-sa-lem nói: “Ông này không phải là người họ đang tìm giết đó sao?  26Kìa, ông ta ăn nói công khai mà họ chẳng bảo gì cả.  Phải chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông là Đấng Ki-tô?  27Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả.”  28Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su nói lớn tiếng rằng: “Các ông biết tôi ư?  Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư?  Tôi đâu có tự mình mà đến.  Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật.  Các ông, các ông không biết Người.  29Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.”  30Bấy giờ họ tìm cách bắt Người; nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Chỉ còn hơn một tuần nữa cả Giáo hội sẽ bước vào Tuần Thánh, đỉnh cao của Năm Phụng Vụ, kỷ niệm cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu.  Vì thế, càng gần đến Tuần Thánh, các bài đọc đang mang dần bầu khí nặng nề nhằm dẫn mọi người bước dần vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu.  Bài đọc hôm nay, tôi có thể cảm thấy bóng tối của sự ác bắt đầu vây chiếm Chúa Giêsu, người ta bắt đầu tìm cách giết Ngài, khiến Ngài phải ẩn mình đi.  Dù thế, Chúa Giêsu không bỏ cuộc, Ngài vẫn lên Giê-ru-sa-lem, nơi Ngài sẽ bị giết.  Dĩ nhiên Chúa Giêsu không đi tìm cái chết, Ngài tận dụng mọi cơ hội và mọi phương cách để thi hành thánh ý Chúa Cha, loan báo tin mừng cho mọi người, và vì tin mừng thì dù sự chết cũng không làm Ngài chùn bước.  Tiếp theo sau Chúa Giêsu, các môn đệ và hàng hàng lớp lớp các  Kitô hữu khắp nơi trên thế giới trong suốt hai mươi thế kỷ qua cũng đang bắt chước Ngài, đi đến tất cả mọi hang cùng ngõ hẻm của thế giới như thành lập các trại cùi, trung tâm HIV, viện mồ côi, viện hưu dưỡng, viện tế bần, nhà thương, trường học…, và bây giờ là chăm sóc sức khỏe cho những người bị nhiễm Covid-19, bất chấp bắt bớ, tù đầy, nguy hiểm đến mạng sống, chỉ để đem tin vui đến cho mọi người đau khổ.  Tôi học được gì từ bài đọc hôm nay?  Tôi nghe được lời mời gọi gì từ bài đọc hôm nay?  Tôi dám lên đường, tôi dám tiếp tục hành trình loan báo tin mừng không? 
2.      Cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người Do-thái, Chúa Giêsu nói họ biết Ngài, nhưng thật sự họ chỉ biết những gì là bề ngoài như những người thân thuộc của Ngài là ai, Ngài sinh ra và lớn lên ở đâu, còn những gì sâu kín và thật sự về Ngài thì họ không biết.  Có thể nào tôi cũng giống những người Do-thái không?  Tôi có thể nói về Chúa Giêsu rành rọt theo kiểu trả bài giáo lý, còn tôi thật sự biết Ngài không?  Biết theo kiểu có một tương quan mang tính cá vị, biết theo kiểu có một kinh nghiệm riêng tư, biết theo kiểu nên một với Ngài, tôi có không?  Nếu không tôi không khác những người Do-thái ngày xưa mấy, để rồi hôm nay tôi theo Ngài, và ngày mai tôi sẵn sàng bỏ Ngài, thậm chí giết Ngài.  Nếu có tôi có thể cảm thấy được nâng đỡ, thúc đẩy dấn thân và tiếp tục hành trình loan báo tin mừng, trong mọi hoàn cảnh.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, March 25, 2020

Thứ Năm Tuần IV Mùa Chay – Năm A – 26-3-2020


Thu Nam IV MC

Gioan 5:31-47

31Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Nếu tôi làm chứng về chính mình, thì lời chứng của tôi không thật.  32Có Đấng khác làm chứng về tôi, và tôi biết: lời Người làm chứng về tôi là lời chứng thật.  33Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gio-an, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật.  34Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ.  35Ông Gio-an là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian.  36Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi.  37Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người.  38Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến.  39Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời.  Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi.  40Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống.  41“Tôi không cần người đời tôn vinh.  42Nhưng tôi biết: các ông không có lòng yêu mến Thiên Chúa.  43Tôi đã đến nhân danh Cha tôi, nhưng các ông không đón nhận.  Nếu có ai khác nhân danh mình mà đến, thì các ông lại đón nhận.  44Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?  45“Các ông đừng tưởng là tôi sẽ tố cáo các ông với Chúa Cha.  Kẻ tố cáo các ông chính là ông Mô-sê, người mà các ông tin cậy.  46Vì nếu các ông tin ông Mô-sê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi.  47Nhưng nếu điều ông ấy viết mà các ông không tin, thì làm sao tin được lời tôi nói?”

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Đọc toàn bộ Phúc âm Gioan, ai cũng có thể thấy được cách cấu trúc mà Gioan sắp đặt trong phúc âm của ngài đó là sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối, sự thật và thế gian.  Điều đó tôi có thể thấy trong bài đọc hôm nay, trong đó là sự đối chất giữa Chúa Giêsu và những người chống đối Ngài, là hình ảnh đại diện của thế gian.  Dù những người chống đối Ngài rất đông và rất mạnh, Ngài vẫn không chịu thua và nhất mực làm chứng cho chân lý và sự thật.  Có bao giờ tôi ở trong hoàn cảnh này không, khi phải sống theo chân lý và sự thật và gặp những cám dỗ và chống đối của cuộc đời?  Tôi đang đối diện, đã chống trả và đã phản ứng như thế nào? 

2.      Những người chống đối Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay không phải là những người xa lạ, họ là những lãnh đạo tôn giáo, họ là con cái Abraham, họ là những người theo Mô-sê, tức là những người có niềm tin, ấy vậy mà họ lại chống đối Chúa Giêsu.  Ở gần cuối bài đọc Chúa Giêsu nói những người có niềm tin bằng câu: Nhưng tôi biết, các ông không có lòng yêu mến Thiên Chúa.”  Câu nói này có phải cũng nói cho tôi, là người có niềm tin, là người Công giáo?  Trong giờ cầu nguyện này, liệu Chúa Giêsu có nói với tôi, dù tôi cầu nguyện mỗi ngày và đang cầu nguyện trong lúc này, tôi chẳng có yêu mến gì Thiên Chúa!  Tôi sẽ phản ứng thế nào, trả lời ra sao với Chúa và làm gì để thay thăng tiến đời sống đức tin của tôi? 

Phạm Đức Hạnh, SJ

 


Tuesday, March 24, 2020

Thứ Tư Tuần IV Mùa Chay – Năm A – 25-3-2020 – Lễ Thiên Thần Truyền Tin Cho Đức Mẹ


Thu Tu IV MC

Luca 1:26-38

26Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.  28Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”  29Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.  30Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa.  31Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.  32Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao.  Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.  33Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”  34Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”  35Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.  36Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”  38Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay là Lễ Thiên Thần Truyền Tin Cho Đức Mẹ, khởi đầu công cuộc cứu chuộc nhân loại.  Nhân loại đang lần bước trong u tối, nay Đấng Cứu Thế đến sinh hạ giữa loài người để cứu chuộc muôn người.  Quả thật, đây là một tin vui động địa, lớn hơn cả nhân loại ngày nay đang chờ một kháng sinh để chống lại đại dịch Covid-19!  Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi có thể đi vào niềm vui của Mẹ Maria khi được truyền tin.  Không thể chối cãi được, Mẹ Maria phải vui lắm, không thể giấu được niềm vui trong lòng nên đã lên đường ngay, chia sẻ niềm vui này cho Ê-li-sa-bét.  Mẹ ngạc nhiên thế nào, ngỡ ngàng ra sao, bàng hoàng thế nào?  Tôi muốn sống lại những giây phút đầu tiên của lịch sử cứu độ, để rồi tôi sẽ nói gì với Chúa, chia sẻ tâm tình nào với Chúa?

2.      Thiên thần được sai đem tin vui cho nhân loại.  Chuyện này xảy ra xưa lắm rồi.  Tôi có nghĩ nhân loại hôm nay cần một tin vui không, đặc biệt trong mùa đại dịch này, tin vui ấy là tin gì?  Tôi có thể xin tin vui ấy trong lúc này cho cả nhân loại được không?  Tôi có tin rằng vì lời cầu nguyện của tôi mà Chúa sẽ hoặc có thể ban tặng cho nhân loại tin vui ấy không?  Nên nhớ câu nói của thiên thần với Đức Mẹ: Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”  Tôi tin không?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong giây phút này, trong ngày Lễ Truyền Tin này, và trong cơn đại dịch của thế giới này?      

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, March 23, 2020

Thứ Ba Tuần IV Mùa Chay – Năm A – 24-3-2020


Thu Ba IV MC

Gioan 5:1-3a, 5-16

1Nhân một dịp lễ của người Do-thái, Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem.  2Tại Giê-ru-sa-lem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Híp-ri gọi là Bết-da-tha.  Hồ này có năm hành lang.  3aNhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt…  5Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm.  6Đức Giê-su thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: “Anh có muốn khỏi bệnh không?”  7Bệnh nhân đáp: “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ.  Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!”  8Đức Giê-su bảo: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi!”  9Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được.  Hôm đó lại là ngày sa-bát.  10Người Do-thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: “Hôm nay là ngày sa-bát, anh không được phép vác chõng!”  11Nhưng anh đáp: “Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi: ‘Anh hãy vác chõng mà đi!’”  12Họ hỏi anh: “Ai là người đã bảo anh: ‘Vác chõng mà đi’?”  13Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai.  Quả thế, Đức Giê-su đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy.  14Sau đó, Đức Giê-su gặp người ấy trong Đền Thờ và nói: “Này, anh đã được khỏi bệnh.  Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!”  15Anh ta đi nói với người Do-thái: Đức Giê-su là người đã chữa anh khỏi bệnh.  16Do đó, người Do-thái chống đối Đức Giê-su, vì Người hay chữa bệnh ngày sa-bát.

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Trong những ngày đại dịch covid-19 đang đe dọa toàn cầu này, Tổng thống Mỹ, ngày 13 tháng 3, 2020, đã tuyên bố tình trạng Khẩn Cấp Quốc Gia (National Emergency); tiếp sau đó, một số Thống đốc tại một số tiểu bang của Mỹ cũng tuyến bố tình trạng Khấn Cấp Tiểu Bang (State Emergency).  Lời tuyên bố khẩn cấp như vậy có ý nghĩa gì?  Lời tuyên bố khẩn cấp cho một địa hạt nào đó, không có nghĩa là nơi đó bị đặt trong tình trạng giới nghiêm kiểu thiết quân luật, nội bất xuất ngoại bất nhập, cho bằng đặt hoàn cảnh khó khăn của địa hạt đó vào tình trạng ưu tiên hàng đầu, để cho tất cả mọi suy nghĩ và lo lắng của địa hạt tập trung cao độ vào việc giải quyết khó khăn của địa hạt lúc ấy.  Khi ấy mọi luật lệ và thủ tục rườm rà trước kia sẽ bị loại bỏ; đồng thời, vị nguyên thủ ấy có nhiều quyền hơn để có thể trích ra những ngân sách và đưa ra luật lệ mới, nhằm hướng giúp cả địa hạt ấy tập trung giải quyết vấn đề khó khăn ưu tiên hàng đầu lúc ấy.  Tôi có thể thấy việc Ngôi Hai giáng trần là một hình thức Thiên Chúa tuyên bố tình trạng Khẩn Cấp Toàn Cầu (Global Emergency), qua đó Thiên Chúa đặt vấn đề cứu vớt nhân loại là ưu tiên hàng đầu.  Tôi có thể thấy toàn bộ Kinh Thánh là một bản luật mới, đưa ra những cái nhìn mới, đúng đắn hơn về Thiên Chúa, Ngài là Đấng từ bi và nhân hậu, chậm giận và giầu tình thương, không thích những của lễ toàn thiêu, nhưng là tình thương.  Cụ thể, hơn tôi có thể thấy qua hình ảnh Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ khỏi những người đổi tiền, tức những nghi lễ rườm rà, những luật lệ phức tạp, khiến người ta không thể đến gần Thiên Chúa.  Ngài cũng thường chữa bệnh trong cả ngày Sa-bát, bởi cứu người là ưu tiên hàng đầu, như trong bài đọc hôm nay.  Thiên Chúa đã đặt cả thế giới vào tình trạng khẩn cấp, là một công dân của Chúa, tôi đang nỗ lực như thế nào cho những ưu tiên của Chúa, hay tôi đang đặt ra những lễ nghi, những rào cản khiến người ta không thể đến gần với Chúa hoặc không được tự do, hoặc cản ngăn Chúa làm những việc cứu người?  Tôi muốn làm gì, kể từ nay trở đi, cộng tác với Chúa trong tình trạng khẩn cấp toàn cầu này?

2.      Ngày Sa-bát Chúa Giêsu đã đến bên hồ nước Bết-dê-tha, nơi có rất nhiều bệnh nhân.  Chúa Giêsu đi thăm bệnh nhân vào những ngày nghỉ.  Tôi làm gì trong những ngày nghỉ của tôi?  Chúa động lòng thương vì người bại liệt đã ba-mươi-tám năm, một thời gian đau bệnh quá dài.  Ngài đã không chịu chờ cho đến hết ngày Sa-bát mới chữa cho anh ta, nhưng muốn chữa ngay, dù có phải phạm luật.  Tôi có đặt việc cứu người, giải thoát con người là ưu tiên hàng đầu trong đời sống, dù có phải thiệt thân, dù có phải phạm luật?  Ai là những người tôi cảm thấy cần được giải thoát, cần được cứu, cần được chữa lành trong lúc này?  Tôi xin Chúa cho tôi được nhạy bén nhận ra họ, một lòng can đảm dám vươn ra với họ, và một sự kiên nhẫn trong việc giúp họ.       

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, March 22, 2020

Thứ Hai Tuần IV Mùa Chay – Năm A – 23-3-2020


Thu Hai IV MC

Gioan 4:43-54

46Vậy Đức Giê-su trở lại Ca-na miền Ga-li-lê, là nơi Người đã làm cho nước hoá thành rượu. Bấy giờ có một sĩ quan cận vệ của nhà vua có đứa con trai đang bị bệnh tại Ca-phác-na-um.  47Khi nghe tin Đức Giê-su từ Giu-đê đến Ga-li-lê, ông tới gặp và xin Người xuống chữa con ông vì nó sắp chết.  48Đức Giê-su nói với ông: “Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu!”  49Viên sĩ quan nói: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất!”  50Đức Giê-su bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.”  Ông tin vào lời Đức Giê-su nói với mình, và ra về.  51Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi.  52Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào.  Họ đáp: “Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt.”  53Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giê-su đã nói với mình: “Con ông sống”, nên ông và cả nhà đều tin.  54Đó là dấu lạ thứ hai Đức Giê-su đã làm, khi Người từ miền Giu-đê đến miền Ga-li-lê.

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay dường như đang nói về tình trạng của thế giới hiện nay.  Trong bài đọc, viên sĩ quan đang rơi vào tình trạng tuyệt vọng vì đứa con trai của ông ta sắp chết.  Tình trạng của cả thế giới hiện nay dường như cũng đang như vậy, con số người chết vì cúm thay đổi mỗi ngày, đến hoảng loạn.  Người Kitô hữu ở khắp nơi đang tổ chức những buổi cầu nguyện, những thánh lễ để cầu nguyện cho cả thế giới sớm đi qua đại dịch này.  Tôi đọc lại thật chậm bài đọc hôm nay, đặt tôi vào tâm trạng của viên sĩ quan đang lo lắng cho con mình, cũng như đặt mình vào tâm trạng của cả thế giới trong lúc này, đang hết mình lo lắng cho mọi người sớm qua cơn đại dịch ra sao.  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc đại dịch này?  Tôi cầu nguyện cho thế giới này và đặc biệt cầu nguyện cho các y, bác sĩ đang ở tuyến đầu đài của chiến dịch chống đại dịch lúc này.

2.      Toàn bộ câu chuyện được tóm gọn trong một chữ “TIN”.  Để con viên sĩ quan được khỏi bệnh, Chúa Giêsu đòi hỏi cha của đứa trẻ phải tin.  Để cả thế giới và những người thân của tôi thoát khỏi đại dịch, tôi cũng cần phải tin, Giáo hội cũng cần phải tin ở Chúa Giêsu.  Tôi tin không?  Tôi cầu nguyện bằng tất cả xác tín không?  Chỉ có đức tin mới giúp cả thế giới làm việc chung với nhau, tìm ra những phương thuốc sớm nhất cho đại dịch, giúp nhau đi qua cuộc khủng hoảng này.  Tôi bắt đầu cầu nguyện cho cuộc chiến chống đại dịch này như thế nào?  Chắc không chỉ hôm nay, mà mỗi ngày chứ? 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, March 21, 2020

Chúa Nhật Tuần IV Mùa Chay – Năm A – 22-3-2020


CN IV MC

Gioan 9:1-41

1Khi ấy, ra khỏi Đền Thờ, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh.  2Các môn đệ hỏi Người: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?”  3Đức Giê-su trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội.  Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.  4Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được.  5Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian.”
6Nói xong, Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, 7rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa” (Si-lô-ác có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được.
8Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói: “Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao?”  9Có người nói: “Chính hắn đó!” Kẻ khác lại rằng: “Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi!” Còn anh ta thì quả quyết: “Chính tôi đây!”  10Người ta liền hỏi anh: “Vậy, làm sao mắt anh lại mở ra được như thế?”  11Anh ta trả lời: “Người tên là Giê-su đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: ‘Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa.’  Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy.”  12Họ lại hỏi anh: “Ông ấy ở đâu?”  Anh ta đáp: “Tôi không biết.”
13Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pha-ri-sêu.  14Nhưng ngày Đức Giê-su trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày sa-bát.  15Vậy, các người Pha-ri-sêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được.  Anh trả lời: “Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy.”  16Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì nói: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát”; kẻ thì bảo: “Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?”  Thế là họ đâm ra chia rẽ.  17Họ lại hỏi người mù: “Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?” Anh đáp: “Người là một vị ngôn sứ!”
18Người Do-thái không tin là trước đây anh bị mù mà nay nhìn thấy được, nên đã gọi cha mẹ anh ta đến.  19Họ hỏi: “Anh này có phải là con ông bà không? Ông bà nói là anh bị mù từ khi mới sinh, vậy sao bây giờ anh lại nhìn thấy được?”  20Cha mẹ anh đáp: “Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh.  21Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay.  Xin các ông cứ hỏi nó; nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được.”  22Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Do-thái.  Thật vậy, người Do-thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô.  23Vì thế, cha mẹ anh mới nói: “Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó.”
24Một lần nữa, họ gọi người trước đây bị mù đến và bảo: “Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa.  Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi.”  25Anh ta đáp: “Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được!”  26Họ mới nói với anh: “Ông ấy đã làm gì cho anh?  Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào?”  27Anh trả lời: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông vẫn không chịu nghe. Tại sao các ông còn muốn nghe lại chuyện đó nữa?  Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng?”  28Họ liền mắng nhiếc anh: “Có mày mới là môn đệ của ông ấy; còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê.  29Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê; nhưng chúng ta không biết ông Giê-su ấy bởi đâu mà đến.”  30Anh đáp: “Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi!  31Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy.  32Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh.  33Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì.”  34Họ đối lại: “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?”  Rồi họ trục xuất anh.
35Đức Giê-su nghe nói họ đã trục xuất anh.  Khi gặp lại anh, Người hỏi: “Anh có tin vào Con Người không?”  36Anh đáp: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?”  37Đức Giê-su trả lời: “Anh đã thấy Người.  Chính Người đang nói với anh đây.”  38Anh nói: “Thưa Ngài, tôi tin.”  Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.  39Đức Giê-su nói: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!”
40Những người Pha-ri-sêu đang ở đó với Đức Giê-su nghe vậy, liền lên tiếng: “Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?”  41Đức Giê-su bảo họ: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: ‘Chúng tôi thấy’, nên tội các ông vẫn còn!”

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay thật dài, nhưng xin đừng bỏ qua, hay đọc một cách vội vã.  Bài đọc này thật đẹp và thật ý nghĩa.  Thật đẹp, vì từ ban đầu Giáo hội sơ khai đã nhận thấy bài đọc này rất quan trọng vì nó diễn tả một tiến trình của đức tin, trong đó người mù, nhận biết mình mù bẩm sinh, mỗi lúc mỗi nhận ra rõ hơn Chúa Giêsu là ai; trong khi đó những người Pha-ri-sêu, tự cho mình là sáng mắt, mỗi lúc lại mỗi mù tối, không nhận ra Chúa Giêsu là ai.  Thật ý nghĩa, vì câu chuyện này không phải chỉ là câu chuyện của anh mù hai ngàn năm trước, mà còn là câu chuyện đức tin của tôi ngày hôm nay nữa.  Tôi đọc lại câu chuyện trên thật chậm để nhận biết con đường của đức tin như thế nào.  Rất gian nan và cô độc!  Chỉ vì có liên hệ với Chúa Giêsu mà anh mù bị chất vấn đủ điều, bị những người đồng đạo trục xuất khỏi hội đường, và bị chính cha mẹ ruột xa lánh, không muốn hệ lụy.  Trong đời sống đức tin của tôi, có bao giờ tôi cảm thấy gian nan và cô độc như vậy không?  Dù gian nan, cô độc và dù thế nào đi nữa, anh mù vẫn kiên quyết tin theo Chúa Giêsu, vì chỉ có Ngài và nhờ Ngài mà anh được “sáng mắt,” món quà quý vô cùng.  Tôi theo Chúa bao nhiêu năm, tôi có thấy càng ngày càng “sáng mắt” hơn không, hay tôi vẫn mù lòa tăm tối?  Tôi hỏi Chúa Giêsu xem, và có điều gì tôi muốn nói với Ngài?    
2.      Bài đọc hôm nay cũng thật đúng thời điểm của dịch cúm toàn cầu.  Các môn đệ vừa thấy anh mù từ thuở mới sinh, họ đã hỏi Chúa Giêsu ngay: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?”  Phải chăng trong những ngày đại dịch này, tôi đã từng đặt câu hỏi như vậy?  Bao nhiêu những bản tin tôi nhận và truyền trên mạng, nào là: Dịch cúm Vũ Hán là dấu chỉ Chúa phạt Trung Quốc, vì họ cấm đạo!  Giờ đây, dịch cúm không chỉ hoành hành ở Trung Quốc nữa mà đang làm đảo điên cả thế giới, cụ thể là nước Ý.  Những người chống Đức Giáo Hoàng lại nói: Tại Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô quá cấp tiến, đang phá Giáo hội, nên Chúa cho dịch cúm tàn phá nước Ý…!  Đường nào họ cũng nói được, miễn sao thỏa mãn cái nhìn bi quan yếm thế của họ là được.  Con người của họ là bi quan, tiêu cực nên giải thích mọi sự đầy tiêu cực và thù hận.  Không biết rồi đây khi dịch cúm xảy đến với đất nước của họ, gia đình của họ và chính bản thân họ, họ sẽ đổ lỗi cho ai nữa đây?  Một niềm tin đầy bi quan và chia rẽ là một niềm tin không đáng tin, bởi nó là một niềm tin phản Kitô.  Niềm tin Kitô đích thực là niềm tin đem đến sự hoan lạc, hạnh phúc, bình an, yêu thương và sức sống (Galat 5:22-23).  Hơn bao giờ hết tôi phải cẩn thận với những nhà “tiên tri Youtube,” “tiên tri Facebook” ngày nay, chỉ tin vào một mình Chúa Giêsu mà thôi, chỉ qua Ngài tôi mới gặp được câu trả lời đúng nhất.  Ngài trả lời với các môn đệ và cũng là với tôi như thế này: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội.  Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.”  Công trình ấy là gì qua đại dịch toàn cầu này?  Đó chính là sự nhận ra con người thật nhỏ bé và yếu đuối.  Với bao nhiêu phát triển về khoa học, nhiều khi nhân loại tự hào rằng đã làm chủ thế giới, làm chủ cuộc đời, chẳng cần Thiên Chúa nữa, ấy vậy mà một con vi trùng, bé đến mức không thể thấy bằng mắt thường, lại hoành hành cả nhân loại, làm cả thế giới điên đảo.  Phải nương tựa vào Chúa thôi!  Công trình ấy còn là, thế giới trông có vẻ rộng bao la, vậy mà cơn đại dịch đã làm cho cả thế giới nhỏ bé như một ngôi làng đến nỗi, chỉ một tiếng hắt hơi ở bên trời Á mà cả trời Tây cũng biết, cũng sợ.  Qua đó, đại dịch như đang giúp con người xích lại gần với nhau hơn, tỏ tình tương thân tương ái với nhau hơn.  Phải nương tựa vào nhau thôi!  Công trình ấy còn là, bên cạnh những tấm lòng nhân ái muốn vươn ra chữa lành vết thương của nhân loại, lại cũng có nhiều bộ mặt thật về con người đang tỏ lộ qua sự ích kỷ, làm giầu trên đau khổ của nhân loại; óc hẹp hòi, thành kiến và thù oán thổ lộ qua sự kỳ thị và chia rẽ.  Công trình ấy còn là, khắp nơi trên thế giới đang ngăn cấm cử hành các Thánh lễ, kể cả Tuần Thánh, bỗng dưng đâu đâu cũng nói đến khát khao đi lễ, nhiều sáng kiến đang nảy sinh giúp con người tìm gặp Chúa trong mọi sự, nhiều chương trình cầu nguyện khắp nơi đang nở rộ, kéo mọi người liên kết với nhau qua những phương tiện khoa học hiện đại.  Tôi có gì muốn nói với Chúa trong lúc này không?  Tôi tin nhận Chúa Giêsu đến mức nào?  Tôi có dám như anh mù, không để dư luận của bất cứ ai làm cho tôi sống trong sợ hãi, hẹp hòi, ích kỷ, hiềm khích và thiếu niềm tin vào Chúa Giêsu không?  
Phạm Đức Hạnh, SJ