Thursday, January 9, 2020

Thứ Sáu Sau Lễ Hiển Linh – Năm A – 10-1-2020


Thu Sau SLHL

Luca 5:12-16

12Khi ấy, Đức Giê-su đang ở trong một thành kia; có một người đầy phong hủi vừa thấy Người, liền sấp mặt xuống, xin Người rằng: "Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch."13 Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi." Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh.14 Rồi Người truyền anh ta không được nói với ai, và Người bảo: "Hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được sạch, thì hãy dâng của lễ như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết."15 Tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng; đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh.16 Nhưng Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện.

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hai điểm nổi bật trong bài đọc hôm nay, đó là: Lòng thương xót của Chúa Giêsu và đời sống cầu nguyện của Ngài.  Đây cũng chính là hai chủ đề xuyên suốt Phúc âm Luca.  Người ta nói, Phúc âm Luca là phúc âm của lòng Chúa xót thương.  Nhận định đó đúng, như tôi thấy trong bài đọc hôm nay về câu chuyện người phong hủi được Chúa Giêsu chữa lành.  Luca có một lối viết rất hay, có thể làm cho độc giả thấy ngay tâm trạng khốn khổ của người phong hủi.  Anh không chỉ bị phong hủi, anh bị phong hủi đầy mình.  Anh ta không chỉ cầu xin bằng lời, anh sấp mặt xuống đất mà cầu xin.  Theo luật pháp và tập tục lúc bấy giờ, người phong hủi bị xem là nhơ uế, bất cứ ai tiếp xúc và đụng chạm đến họ, không chỉ bị lây bệnh mà còn bị nhơ uế nữa.  Chúa Giêsu đã có thể chữa anh ta chỉ bằng lời của Ngài, nhưng Ngài còn đụng chạm đến anh ta, sẵn sàng trở nên nhơ uế để anh ta được sạch.  Tôi có thể học được thái độ của Chúa Giêsu đối với người phong hủi này: lòng xót thương người đến thiệt thân.  Tôi có nhận ra ai là những người đang rất cần đến tình thương của tôi, và tôi muốn thương họ không?  Tôi xin Chúa giúp tôi nhận ra những người đó và dám yêu thương họ, can đảm dám yêu họ đến thiệt thân, ngay từ giây phút này, trong mọi nơi và mọi lúc.      

2.     Phúc âm Luca còn được gọi là phúc âm của cầu nguyện.  Bởi không có phúc âm nào nói về Chúa Giêsu cầu nguyện nhiều như Phúc âm Luca; trong đó, Ngài cầu nguyện liên lỉ, ở mọi nơi, và mọi lúc.  Chỉ trong Phúc âm Luca tôi mới gặp Chúa Giêsu cầu nguyện khi trời vừa sáng, lúc chiều tà, trước và sau khi làm một điều gì, và Ngài còn cầu nguyện ngay cả khi đang bị treo trên thập giá, “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23:34).  Bài đọc hôm nay cũng nói, ngay khi danh tiếng của Chúa Giêsu đang lừng vang, dân chúng lũ lượt theo Ngài, Ngài đã trốn vào nơi hoang vắng để cầu nguyện.  Điều này nói gì với tôi về cầu nguyện?  Đời sống cầu nguyện của tôi bao lâu nay như thế nào?  Tôi đã tìm mọi dịp để gặp gỡ Thiên Chúa ở mọi nơi không?  Giờ cầu nguyện của tôi có là một sự cần thiết, quan trọng hàng đầu, hay chỉ là chuyện làm vì luật buộc, vì mong hưởng thiên đàng, làm để điền vào chỗ trống ngày sống của tôi?  Không.  Cầu nguyện không chỉ là lúc tôi tìm những ánh sao để dẫn bước cho tôi, cầu nguyện còn là sự sống, lúc tôi được tiếp sức, mà nếu không cầu nguyện tôi sẽ chết.  Tôi muốn suy nghĩ lại đời sống cầu nguyện, cách thức cũng như thái độ cầu nguyện của tôi bao lâu nay và quyết tâm sửa đổi.  Keith McClellan, OSB nói: "Cầu nguyện như thở.  Hãy làm thật sâu, bạn sẽ cảm thấy tràn đầy sức sống!"    

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment