Sunday, January 19, 2020

Thứ Hai Tuần II Thường Niên – Năm A – 20-1-2020


Thu Hai II TN

Mác-cô 2:18-22

18 Bấy giờ các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giê-su: "Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?"19 Đức Giê-su trả lời: "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được.20 Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó.21 Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm.22 Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!"

(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Song song với việc Chúa Giêsu chữa bệnh cho dân chúng là những lời giảng dạy của Ngài.  Bài đọc hôm nay là một ví dụ, trong đó tôi có thể nhận thấy có hai điều đáng cho tôi suy niệm trong giờ cầu nguyện hôm nay: Thứ nhất, sống đạo kiểu “đi hai hàng,” so sánh.  Phải chăng tôi đã từng so sánh: Tại sao Công giáo ăn chay kỳ quá, chỉ kiêng ăn thịt, nhưng tôm cá thì ăn thoải mái; trong khi đó Phật giáo, ăn chay là kiêng cả thịt lẫn tôm cá?  Hoặc, tại sao Công giáo khó khăn quá về luật hôn nhân gia đình, bắt người ta phải một vợ một chồng, không được ly dị, không được phá thai, không được trợ tử, trong khi đó có những tôn giáo khác thì cho đa thê, cho ly dị, cho phá thai, cho ngừa thai…  Hóa ra, lối sống đạo kiểu đi hai hàng này, hai ngàn năm qua cũng chẳng khác nhau là mấy!  Nó nói lên một lối sống đạo kiểu bề ngoài, thiếu sự kết thân với Đấng tối cao mà tôi tin thờ, và chẳng hiểu triết lý của mỗi đạo, tệ hơn nữa đó là chẳng hiểu triết lý của đạo mình.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn trở về với Thiên Chúa, Đấng tôi tin thờ để hiểu, để yêu và để theo Ngài, để từ nay không còn đứng núi này mà trông núi kia nữa.

2.    Điểm thứ hai đáng cho tôi suy niệm trong giây phút này, đó là: Niềm tin không thể áp dụng một cách mù quáng, nhưng phải biết kết hợp với lý trí.  Tựa như khi vá áo quần, phải biết chọn vải cho hợp để việc khâu vá được tốt và đẹp; như khi làm rượu phải biết dùng loại bầu da nào để giữ rượu được ngon.  Tôi có mắc phải lối diễn tả đức tin kiểu lấy vải mới vá vào áo cũ bao giờ chưa?  Giáo lý của Chúa thì không thay đổi, nhưng phải chăng tôi đã rập khuân cách diễn tả đức tin, cách sống đạo của tôi ngày xưa, áp đặt trên con cái ngày nay, trong khi hoàn cảnh xã hội và văn hóa đã thay đổi rất nhiều?  Trong giây phút này, tôi muốn ngồi với Chúa, bàn chuyện với Ngài: Đâu là những thay đổi, trước nhất là tôi, cần phải có về cách sống đạo trong gia đình và cộng đoàn để, mọi người trở nên yêu thích việc cầu nguyện chung, diễn tả đức tin chung, sao cho ngày càng thương nhau hơn, biết lắng nghe nhau hơn, xây dựng đức tin mạnh mẽ hơn, góp phần biến đổi xã hội tốt hơn, hơn là chỉ vì chuyện đức tin mà gia đình và cộng đoàn tôi chia rẽ, bất hòa, không còn nói chuyện với nhau được nữa?

Phạm Đức Hạnh, SJ

 


0 comments:

Post a Comment