Wednesday, January 22, 2020

Thứ Năm Tuần II Thường Niên – Năm A – 23-1-2020


Thu Nam II TN

1 Samuen 18:6-9; 19:1-3

18 6 Ngày ấy, khi ông Đa-vít hạ được tên Phi-li-tinh trở về, thì phụ nữ từ hết mọi thành của Ít-ra-en kéo ra, ca hát múa nhảy, đón vua Sa-un, với trống con, với tiếng reo mừng và tiếng não bạt. 7 Phụ nữ vui đùa ca hát rằng: “Vua Sa-un hạ được hàng ngàn, ông Đa-vít hàng vạn.”8 Vua Sa-un giận lắm, và bực mình vì lời ấy. Vua nói: “Người ta cho Đa-vít hàng vạn, còn ta thì họ cho hàng ngàn. Nó chỉ còn thiếu ngôi vua nữa thôi!” 9 Từ ngày đó về sau, vua Sa-un nhìn Đa-vít với con mắt ghen tị.
19 1 Vua Sa-un nói với ông Giô-na-than, con vua, và với toàn thể triều thần về ý định giết ông Đa-vít. Nhưng ông Giô-na-than, con vua Sa-un, lại rất có cảm tình với ông Đa-vít. 2 Ông Giô-na-than báo cho ông Đa-vít rằng: “Vua Sa-un, cha tôi, đang tìm cách giết anh. Vậy sáng mai anh hãy coi chừng, hãy ở nơi kín đáo và ẩn mình đi. 3 Phần tôi, tôi sẽ đi ra, sẽ đứng cạnh cha tôi trong cánh đồng, nơi anh đang trốn, tôi sẽ nói với cha tôi về anh. Thấy thế nào, tôi sẽ báo cho anh.”

(Trích Sách Samuel I bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay nêu bật hai điều đáng cho tôi suy ngẫm trong giờ cầu nguyện này.  Thứ nhất, sự ghen tương đố kỵ của Vua Sa-un đối với Đa-vít, mạnh mẽ đến mức Sa-un muốn tìm cách giết Đa-vít.  Ghen tương đố kỵ là một nỗi khổ tâm mà bất kể ai, già trẻ, sang hèn, đều mang trong mình, không ít thì nhiều.  Các nhà tâm lý ngày nay cho rằng, có hai loại ghen tương đố kỵ: Ghen tương độc hại và ghen tương lành tính.  Ghen tương độc hại thể hiện một tâm hồn đố kỵ đến mù quáng và bệnh hoạn nhằm hãm hại người khác; trong khi đó, ghen tương lành tính thể hiện một nội lực tích cực, thúc đẩy bản thân khao khát, vươn lên cho bằng người ta.  Ghen tương của Sa-un là ghen tương độc hại.  Ghen tương này đánh mất tương quan vua-tôi, giữa ông với Đa-vít; tệ hơn cả, khi Sa-un ghen tương, ông đã tự xây nhà tù để tự nhốt hãm chính ông.  William Penn nói, “Sự ghen tương thường gây rắc rối cho người khác, nhưng là một cực hình với chính mình.”  Tôi đang sở hữu sự ghen tương đố kỵ nào?  Độc hại hay lành tính?  Trong giây phút này, tôi muốn ngồi bên Chúa, bởi Ngài là sức mạnh, là ý nghĩa và là sức sống của tôi.  Ở bên Ngài tôi sẽ không còn sợ hãi, tôi sẽ trở nên tự tin, giúp tôi vượt thắng những ghen tương trong tôi, giúp tôi được tự do.
2.      Thứ hai, lòng tốt của Giô-na-than, con của Sa-un, đối với Đa-vít.  Ông đã tìm cách bảo vệ cho Đa-vít, một người vô tội, thoát khỏi sự ghen tương đầy ác độc từ cha của ông.  Có bao giờ tôi đã dám đứng lên, dám bênh vực những người công chính, những người vô tội quanh tôi không?  Điều gì đã khiến tôi nhút nhát trước bạo quyền, trước sự ác, sẵn sàng hy sinh người vô tội?  Phải chăng là sự ích kỷ, chỉ tìm an toàn cho bản thân?  Tôi muốn nói gì với Chúa về những thiếu sót, ích kỷ và hèn nhát trong tôi?     
Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment