Wednesday, January 15, 2020

Thứ Năm Tuần I Thường Niên – Năm A – 16-1-2020


Thu Nam I TN

Mác-cô 1:40-45

40Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch."41 Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi!"42 Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.43 Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay,44 và bảo anh: "Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết."45 Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.

(Trích Phúc âm Mác- cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay ghi nhận việc Chúa Giêsu chữa một anh bị phong hủi, một trong những phép lạ chữa bệnh đầu tiên của Chúa Giêsu.  Đây là một trong những phép lạ rất ấn tượng được ghi nhận, không chỉ có trong Phúc âm Mác-cô, bài đọc hôm nay, mà còn có cả trong Phúc âm Luca (5:12-16), bài đọc thứ Sáu tuần trước, và Phúc âm Mát-thêu (8:1-4).  Cả ba ghi nhận đều có ba điểm giống nhau: 1) Anh bị phong hủi đến trước mặt Chúa Giêsu và sấp mình van xin cho được chữa lành.  2) Chúa Giêsu chạnh lòng thương, đụng vào anh ta và làm cho anh ta lành.  3) Chúa Giêsu nghiêm cấm anh ta không được nói cho ai về việc đã được chữa lành, nhưng phải trình diện với các tư tế theo luật Mô-sê.  Một điểm hơi khó nghe trong bài đọc hôm nay: “Nhưng Người [Chúa Giêsu] nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh: ‘Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế!’”  Tại sao Chúa Giêsu lại làm như vậy?  Luật Do-thái lúc bấy giờ, người bị phong hủi bị xem là nhơ uế và bị loại ra khỏi cộng đoàn, bất cứ ai đụng đến họ đều sẽ bị nhơ uế.  Chúa Giêsu đã đụng đến anh ta khi chữa cho anh ta, nên Ngài đã bị nhơ uế.  Ngài phải đuổi anh ta đi ngay (dịch một cách nhẹ nhàng hơn có thể là “giục anh ta đi ngay), và cấm không được tung tin này, như vậy Ngài có thể tiếp tục vào các thành giảng dạy và chữa lành cho những người khác nữa.  Nhưng anh ta đã không kín miệng, nên Chúa Giêsu đã phải ở lại nơi hoang vắng, tức những nơi dành cho những người nhơ uế.  Vì yêu thương, Chúa Giêsu sẵn sàng trở nên nhơ uế để người khác được sạch.  Điều này nói gì với tôi mỗi khi tôi muốn thương giúp một ai?  Tôi có dám thương người đến thiệt thân không?  Trong giây phút này, tôi muốn ngắm nhìn chân dung Chúa Giêsu yêu thương anh bị phong hủi đến thiệt thân, không được vào thành như Ngài mong muốn.

2.     Tôi cũng muốn ngắm nhìn anh bị phong hủi được Chúa Giêsu chữa lành.  Anh ta không kín miệng được vì chỉ một điều, anh đã được chữa lành, được phục hồi nhân phẩm, được trở lại cộng đoàn.  Niềm vui được chữa lành này lớn lắm, trào tràn trong lòng, khiến anh ta không thể không nói cho mọi người biết.  Tôi có cảm nghiệm được Chúa cũng luôn thương và ban muôn ơn cho tôi mỗi ngày không?  Tôi đã làm gì sau đó?  Sáng tối tôi có luôn dành giờ ra để cảm ơn Chúa?  Tôi có chạy làng trên xóm dưới, thao thao bất tuyệt nói với mọi người Chúa đã làm cho tôi điều này điều kia, hay tôi vẫn chỉ càm ràm, trách móc Chúa, thậm chí đi đâu tôi cũng nói xấu Ngài, nào là: Chúa khắt khe, Ngài như cảnh sát luôn rình rập đánh phạt con người?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này? 

Phạm Đức Hạnh, SJ

 


0 comments:

Post a Comment