Monday, January 27, 2020

Thứ Ba Tuần III Thường Niên – Năm A – 28-1-2020 – Lễ Thánh Thomas Aquinas


Thu Ba III TN
Mác-cô 3:31-35
31Khi ấy, mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho mời Người ra.32 Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!”33 Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”34 Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 35 Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”

(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Câu chuyện gia đình Chúa Giêsu đi tìm Ngài được ghi nhận trong Phúc âm Mác-cô, thật thú vị cho tôi suy ngẫm trong giờ cầu nguyện hôm nay.  Trước hết, cần phải nhớ rằng phúc âm là tập sách đức tin, không phải là tập sách về phong tục tập quán gia đình, chính vì thế những câu chuyện được viết trong phúc âm là để dạy tôi về đức tin.  Bởi vậy, tôi không nên bận tâm hay để lòng bị chia trí về cách Chúa Giêsu trả lời, như thể phủ nhận gia đình của Ngài.  Không phải.  Nhưng trong cách trả lời của Chúa Giêsu nhấn mạnh việc vâng lời và làm theo thánh ý Chúa Cha phải là ưu tiên hàng đầu, trên cả gia đình trần thế này.  Điều này không có nghĩa Chúa Giêsu chê bác những điều cao đẹp của gia đình trần thế, nhưng là một khi tôi làm theo thánh ý Chúa Cha, tôi cũng sẽ chu toàn tốt bổn phận với gia đình trần thế.  Hoặc là, một khi tôi vâng theo thánh ý Chúa Cha, sẽ giúp tôi chu toàn bổn phận với gia đình trần thế tốt hơn.  Tôi dành giây phút này để ở bên Chúa Cha, lắng nghe Ngài dạy bảo tôi phải sống và làm gì trong ngày hôm nay, trước nhất cho gia đình tôi và rồi cộng đoàn, xã hội quanh tôi.           
2.      Một khi tôi làm theo thánh ý Chúa Cha, tôi trở thành thành viên gia đình của Chúa, tôi trở thành cha mẹ, anh em của Chúa Giêsu.  Tôi hãnh diện về đặc quyền này không?  Tôi sống như thế nào, qua cách ăn nói, ứng xử và tương quan với mọi người, cho xứng với đặc quyền này? 
Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment