Wednesday, April 24, 2019

Thứ Năm Tuần Bát Nhật Phục Sinh – Năm C – 25-4-2019

Thu Nam PS

Luca 24:35-35

35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em! "37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.38 Nhưng Người nói: "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực?39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? "40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không? "42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng.43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.44 Rồi Người bảo: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm."45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh.

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.      Một điều tôi có thể thường gặp trong các trình thuật phục sinh đó là, không ai có thể biết trước được Chúa Giêsu xuất hiện khi nào và ở đâu, khi vô hình, khi hữu hình.  Điều này cũng lập lại trong bài đọc hôm nay.  Các môn đệ đang kể cho nhau về kinh nghiệm gặp Chúa Giêsu, Ngài bỗng dưng xuất hiện giữa họ như thể không có thân xác, làm cho họ có cảm tưởng là gặp ma, nhưng Ngài lại hỏi thức ăn và ăn trước mặt họ, như một người có thân xác.  Tôi tin Chúa Giêsu thật sự sống lại không?  Tất cả các tông đồ đều đã bị giết chỉ vì loan báo tin mừng Chúa Giêsu sống lại.  Có lẽ không ai dại chết vì tin đồn.  Bài đọc hôm nay giúp gì cho đức tin của tôi?  Tôi đọc lại trình thuật trên, và xin cho được nhạy bén trước sự hiện diện của Ngài, trong sinh hoạt hằng ngày của tôi.

2.      Điều mà Chúa Giêsu thường làm trước nhất trong các cuộc hiện ra sau phục sinh đó là, lời chúc bình an.  Giáo hội trong hai ngàn năm qua cũng duy trì lời chào này nhiều lần trong mọi Thánh lễ, và mở đầu mỗi lời nguyện chính thức của Giáo hội bên ngoài Thánh lễ, chủ tế luôn luôn chào: “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em.”  Tôi cảm thấy quý lời chào bình an này như thế nào?  Tôi đón nhận lời chào bình an này trong mỗi Thánh lễ ra sao?  Tôi đọc lại bài đọc trên, và cảm nghiệm lời chào bình an từ Chúa Giêsu dành cho tôi trong giây phút này.  Bình an đích thực chỉ đến từ Thiên Chúa mà thôi.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Con Đi Tìm Bình An,” qua đường dẫn: https://www.youtube.com/watch?v=sBVt75YcsB4

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment