Monday, February 18, 2019

Thứ Ba - Tuần VI Thường Niên I – Năm C – 19-2-2019


Thu Ba VI TN

Sáng Thế 7:1-6

1 ĐỨC CHÚA phán bảo ông Nô-ê: "Ngươi hãy vào tàu, ngươi và cả nhà ngươi, vì Ta chỉ thấy ngươi là người công chính trước nhan Ta trong thế hệ này.2 Trong mọi loài vật thanh sạch, ngươi sẽ lấy bảy đôi, con đực và con cái, còn trong các loài vật không thanh sạch, thì một đôi, con đực và con cái,3 trong các loài chim trời cũng lấy bảy đôi, trống và mái, để giữ giống trên khắp mặt đất.4 Vì bảy ngày nữa Ta sẽ đổ mưa xuống đất trong vòng bốn mươi ngày bốn mươi đêm, và Ta sẽ xoá bỏ khỏi mặt đất mọi loài Ta đã làm ra."5 Ông Nô-ê làm đúng như ĐỨC CHÚA đã truyền.6 Ông Nô-ê được sáu trăm tuổi khi hồng thuỷ, nghĩa là nước lụt, xảy đến trên mặt đất.
(Trích Sách Sáng Thế bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Đối với người Do-thái, số “7” và số “40” là những con số hoàn hảo và viên mãn.  Bài đọc hôm nay là một ví dụ rất cụ thể để nói về những con số đầy tính biểu tượng này.  Vì thế Câu chuyện Lụt Hồng Thủy và chiếc tầu Nô-ê phải hiểu theo nghĩa biểu tượng chứ không thể hiểu theo nghĩa đen, không thể hiểu đây là một câu chuyện có thật.  Câu chuyện này chỉ nhằm nói đến một điều khác và rất thật đó là, Thiên Chúa yêu thương người công chính và đứng về phía họ trong những lúc gian truân.  Nô-ê là hình ảnh của người công chính, đối lập với thế giới quanh ông, đầy tội lỗi.  Chính vì thế, ông và những gì thuộc về ông đã được Chúa cứu khỏi lũ lụt.  Chính số tuổi 600 của ông cũng là một con số biểu tượng để nói rằng, người công chính được Chúa cho trường thọ.  Trong giờ cầu nguyện này có lẽ tôi muốn hỏi chính mình:  Nếu có một cuộc trừng phạt lụt hồng thủy ngày nay, liệu tôi có phải là người công chính và sẽ được Chúa thương yêu cứu vớt?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này? 
2.     Bài đọc hôm nay cũng là một câu chuyện cụ thể để nói về niềm tin của một số người luôn đến với Chúa chỉ vì thưởng phạt, chứ không phải vì yêu.  Đối với họ Thiên Chúa như là một quan tòa, luôn xét đoán, thưởng phạt một cách nghiêm khắc.  Tôi nghĩ sao về một hình ảnh Thiên Chúa như vậy?  Thiên Chúa tôi thờ có phải là một vị quan tòa, hay là một Đấng giầu lòng xót thương, luôn cảm thông, yêu thương và lo lắng cho tôi, trước cả khi tôi cầu xin?  Câu trả lời của tôi sẽ chính xác hơn nếu tôi liên tưởng, hoặc ngồi trước Thánh Thể trong lúc này.
Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment