Sáng Thế Ký 3:1-8
1 Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài
đồng, mà ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà: "Có
thật Thiên Chúa bảo: "Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn
không?2 Người đàn bà nói với con rắn: "Trái các cây trong
vườn, thì chúng tôi được ăn.3 Còn trái trên
cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: "Các ngươi không được ăn, không được
động tới, kẻo phải chết."4 Rắn nói với
người đàn bà: "Chẳng chết chóc gì đâu!5 Nhưng Thiên
Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên
như những vị thần biết điều thiện điều ác."6 Người đàn bà
thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình
được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với
mình; ông cũng ăn.7 Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần
truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân.8 Nghe thấy
tiếng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con
người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt ĐỨC CHÚA là
Thiên Chúa.
(Trích Sách Sáng Thế Ký bản dịch của
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.
Hôm nay Giáo hội lại mời gọi tôi đọc một câu chuyện khác có tính huyền
thoại, trong đó những ngôn từ và hình ảnh đầy tính biểu tượng. Chính vì thế tôi không thể dựa vào lời kể của
câu chuyện để khẳng định rằng có một con rắn đã cám dỗ thủy tổ loài người. Câu chuyện thuộc loại tiền lịch sử nên, văn
hóa khi ấy cũng hoàn toàn khác với văn hóa của tôi hôm nay. Chính vì thế tôi không thể dựa vào lời kể của
câu chuyện để đổ lỗi cho đàn bà đã cám dỗ đàn ông, một cách rất thiên vị về
giới tính. Vấn đề tôi cần hỏi đó là, câu
chuyện muốn nói gì về một cái rất thực trong cuộc sống của tôi hôm nay? Phải chăng những cơn cám dỗ bao giờ cũng bắt
đầu bằng những gì rất âm thầm kín đáo, như ranh mãnh, như con rắn, có thể giết
chết tôi? Phải chăng, cám dỗ bao giờ
cũng xuất hiện từ những gì rất thân thiện, gần gũi, hấp dẫn đến mức tôi khó
nhận ra mặt trái của nó, đến nỗi tôi không thể cưỡng lại sức mạnh của nó? Có một yếu đuối nào trong tôi mà nó đã trở
thành thói quen từ một điều tôi không ngờ?
Tôi đang chiến đấu với những yếu đuối này như thế nào? Tôi gặp Chúa để nói với Ngài về yếu đuối này
và xin giúp đỡ chăng?
2.
Trước khi phạm tội, chắc chắn hai ông bà thủy tổ loài người vẫn trần như
nhộng, không mảnh vải che thân, vậy mà không xấu hổ. Thế nhưng họ trở nên xấu hổ sau khi phạm
tội. Phải chăng câu chuyện nói về sự
trần truồng thể xác? Chắc chắn không
phải. Phải chăng câu chuyện nói về sự
xấu hổ do trần truồng của ông bà thủy tổ khi biết Chúa đang đi tìm họ? Chắc chắn không phải. Câu chuyện nói về tiếng nói của Chúa trong
lương tâm của mỗi người trong cuộc đời này.
Trước tiếng nói lương tâm, con người ta cảm thấy xấu hổ vì lòng dạ xấu xa
và yếu đuối của mình. Có phải không,
nhiều việc làm tôi đã cảm thấy rất an tâm, có lý và vui vẻ lúc suy tính, nhưng khi
thực hiện xong, tôi cảm thấy rất bất an, bối rối và xấu hổ? Những khi ấy tôi nghe như thấy Thiên Chúa đi
dạo trong lương tâm của tôi. Sự hiện
diện của Ngài mạnh mẽ quá, lời và sự hiện diện của Ngài khi ấy như “lưỡi gương
rọc vào tận xương tủy” (Dt 4:12) của
tôi, vào những gì sâu kín nhất trong tôi?
Tôi muốn nói gì với Chúa lúc này?
Xin một lương tâm được chữa lành ư?
Xin một sức mạnh và khôn ngoan để chống lại cám dỗ ư? Tôi sẽ dựa vào ai trong những lần bị cám dỗ
trong tương lai, Thiên Chúa hay chính mình?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment