Thursday, January 31, 2019

Thứ Sáu – Tuần III Thường Niên I – Năm C – 1 -2-2019


Thu Sau III TN

Mác-cô 4:26-32

26 Người [Đức Giêsu] nói: "Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất.27 Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết.28 Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt.29 Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa."30 Rồi Người lại nói: "Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được?31 Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất.32 Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng."

(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.     Bài đọc hôm nay là một tiếp nối của một loạt dụ ngôn mà Chúa Giêsu đã dùng để giảng về Nước Thiên Chúa.  Cái hay và khôn ngoan của Chúa Giêsu đó là, dùng những hình ảnh rất tầm thường và gần gũi quanh cuộc sống để nói về Nước Thiên Chúa, một ý niệm rất cao siêu và trừu tượng.  Dụ ngôn thứ nhất trong bài đọc hôm nay được ví từ một công việc rất gần gũi đối với mọi người đó là, gieo giống.  Chúa Giêsu khẳng định, Nước Thiên Chúa một khi được gieo dù là ở đâu, thời điểm nào, người ta có ý thức hay không, Nước ấy chắc chắn sẽ vẫn nẩy mầm, rồi thành cây và trổ hạt.  Giờ cầu nguyện hôm nay có thể là lúc tôi xem lại chính tôi, đâu là những dấu chỉ Nước Thiên Chúa đã được gieo vào lòng tôi: Một cử chỉ nhân ái của một ai đó, một sự tha thứ mà tôi đã nhận được khi tôi yếu đuối lỗi lầm, một thái độ cảm thông, bao dung của một ai đó khi tôi lạc lõng bơ vơ…?  Có phải những nghĩa cử cao đẹp ấy vẫn còn ở mãi trong tôi, cho tôi những cảm giác êm đềm, ấm áp, bình an, yêu thương và hạnh phúc?  Đặc biệt hơn cả, chúng thúc đẩy tôi cũng làm những nghĩa cử cao đẹp cho những người khác quanh tôi nữa, phải không?  Tôi ở lại với những niềm vui vì Nước Thiên Chúa đã được gieo trong tôi từ bao giờ mà tôi chẳng hay.

2.     Dụ ngôn thứ hai cũng lại liên quan đến gieo giống, nhưng tập trung vào một khía cạnh khác, sự phát triển của Nước Thiên Chúa mạnh đến không ngờ được.  Mới đầu Nước ấy nhỏ bé và tầm thường đến không ai để ý đến, nhưng rồi lớn dần và thành cây lớn đến nỗi trở thành nơi nương náu của chim trời.  Điều này, tôi có thể nhìn thấy nhãn tiền ở sự phát triển của Giáo hội ngày nay.  Mới đầu từ 12 người thất học, tại một vùng quê hẻo lánh chẳng ai cần quan tâm, nhưng nay Giáo hội đã phát triển khắp năm châu, là một tôn giáo lớn nhất thế giới, và hai ngàn năm qua đã rủ bóng trên biết bao nhiêu những con người bất hạnh, cơ bần, bệnh tật nan y, nghèo khổ, cùi hủi, đồng thời là nơi phát sinh những tinh hoa của nhân loại về mọi lãnh vực: khoa học, nghệ thuật, y tế, thiên văn, luật pháp và văn chương.  Trong giây phút này tôi muốn chiêm ngắm Nước Thiên Chúa mà tôi là một phần trong đó.  Tôi muốn nói gì cùng Thiên Chúa, Đấng tự ban đầu đã rất lạc quan gieo Nước ấy trong cuộc đời này và giao cho tôi quyền chăm sóc?

Phạm Đức Hạnh, SJ          


Wednesday, January 30, 2019

Thứ Năm – Tuần III Thường Niên I – Năm C – 31 - 1-2019 – Lễ Thánh Gioan Bosco


Thu Nam III TN

Do-thái 10:19-24

19 Vậy, thưa anh em, nhờ máu Đức Giê-su đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh.20 Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người.21 Chúng ta lại có một vị tư tế cao trọng đứng đầu nhà Thiên Chúa.22 Vì thế, chúng ta hãy tiến lại gần Thiên Chúa với một lòng chân thành và một đức tin trọn vẹn, vì trong lòng thì đã được tẩy sạch mọi vết nhơ của lương tâm, còn ngoài xác thì đã được tắm rửa bằng nước tinh tuyền.23 Chúng ta hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, vì Đấng đã hứa là Đấng trung tín.24 Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt.

(Trích Thư Do-thái bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.     Bài đọc hôm nay nói, Đức Giêsu đã đổ máu để mở cho con người một con đường mới và sống động qua bức màn, là chính thân xác Ngài.  Bức màn này nhắc nhở đến một bức màn thực tế tại đền thờ Giê-ru-sa-lem, nơi ngăn cách giữa dân chúng và nơi cực thánh, chỉ có tư tế mới được đi qua bức màn vào nơi cực thánh dâng hương và cầu nguyện thay cho dân (Xh 30:10; Lv 16).  Như vậy trong Cựu ước, tư tế là đại diện của dân, dẫn dân đến với Thiên Chúa, cầu thay cho dân khi dân có nhu cầu.  Hôm nay thời Tân ước, Đức Giêsu, qua cái chết và phục sinh, đã xé bức màn ngăn cách ấy để mọi người có thể đến trực tiếp với Thiên Chúa mà không bị ngăn cản nào (Mt 27:50-51). Vì thế linh mục chủ tế ngày nay không còn quay lưng lại với giáo dân khi dâng lễ, nhưng quay mặt lại với giáo dân, cùng dân dâng lễ và đàm đạo với Thiên Chúa, Thiên Chúa không còn ở bên kia bức màn mà ở giữa cộng đoàn.  Tôi cảm thấy thế nào khi tôi có thể nói chuyện trực tiếp với Thiên Chúa, ngay giây phút này?  Tôi đang có tâm tình gì muốn tỏ lộ cùng Ngài?  Có thể không cần phải nói gì, chỉ cần yên lặng, cảm nghiệm lòng ao ước của Chúa luôn muốn ở gần tôi.    

2.     Với niềm vui và tự do, tác giả của Thư Do-thái mời gọi tôi hãy tiến lại gần Chúa với một tấm lòng chân thành và một niềm tin trọn vẹn; đồng thời, hãy đến với nhau, thúc đẩy nhau sống yêu thương và hy vọng.  Tôi cảm thấy gì ở lời mời gọi này?  Tôi có thể mạnh dạn đến với Chúa ngay giây phút này với cả lòng thành và xác tín của tôi không?  Tôi dám sống yêu thương và giúp người khác sống yêu thương không?  Tôi muốn đọc lại đoạn thư trên để tìm sức mạnh trong những lời rất đẹp ấy.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, January 29, 2019

Thứ Tư – Tuần III Thường Niên I – Năm C – 30 - 1-2019


Thu Tu III TN

Mác-cô 4:1-9

1 Đức Giê-su lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám người rất đông tụ họp chung quanh Người, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi dưới biển, còn toàn thể đám đông thì ở trên bờ.2 Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều. Trong lúc giảng dạy, Người nói với họ:3 "Các người nghe đây! Người gieo giống đi ra gieo giống.4 Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất.5 Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu;6 nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô.7 Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả.8 Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm."9 Rồi Người nói: "Ai có tai nghe thì nghe!"

(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.  Bài đọc hôm nay nói, những người đi nghe Chúa Giêsu giảng đông lắm, đến nỗi Ngài phải xuống thuyền mà giảng.  Ngài phải xuống thuyền có lẽ vì hai lý do: thứ nhất, để khỏi bị chen lấn; thứ hai trong cái nhìn từ kinh nghiệm sống và khoa học người ta cho rằng, khi nói từ biển hồ thì âm thanh sẽ vang xa hơn, nhiều người sẽ nghe được.  Rất thông minh, khi mà thời buổi ấy chưa có điện và hệ thống âm thanh như ngày nay!  Trong giờ cầu nguyện này, có lẽ tôi muốn để ý, tôi có trong đám đông đang chen lấn để nghe cho được những lời giảng của Chúa Giêsu không?  Lòng tôi có háo hức và tìm mọi cách để được nghe lời Chúa như đám đông này không?  Tôi cố gắng nghe Ngài đang nói gì với tôi trong lúc này. 

2.   Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để nói với dân chúng.  Thiên Chúa chính là Người gieo.  Hạt giống chính là Con Một của Ngài.  Ngài gieo một cách “rộng lượng”, chỗ nào Ngài cũng gieo: vệ đường, sỏi đá, bụi gai và đất tốt.  Ngài gieo một cách lạc quan, tin rằng tất cả những gì Ngài gieo sẽ nảy mầm.  Vấn đề là mảnh đất được hạt gieo vào sẽ là quyết định tuổi thọ của cây và sản lượng thu hoạch.  Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn chiêm ngắm sự lạc quan và rộng lượng của Thiên Chúa cho cuộc đời này, đặc biệt cho chính tôi.  Con Một của Ngài chính là tình yêu, sự cao đẹp, sự thật, sự thiện và tính công bằng trong cuộc đời này.  Dù tôi là mảnh đất nào, Thiên Chúa vẫn gieo Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô.  Tôi thấy vui và hạnh phúc không khi Đức Giêsu Kitô đến trong cuộc đời của tôi?  Tôi sẽ dọn mảnh vườn tôi như thế nào để Đức Giêsu Kitô được lớn và tạo hiệu ứng trong cuộc đời này qua tôi?  Ở đâu có sự hiện diện Con Một của Thiên Chúa, ở đó có sự đổi thay, có sự sống.  Tôi nói với Chúa chuyện này, trong giây phút này.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, January 28, 2019

Thứ Ba – Tuần III Thường Niên I – Năm C – 29 - 1-2019


Thu Ba III TN

Mác-cô 3:22-30

31 Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra.32 Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!"33Nhưng Người đáp lại: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?"34 Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.35 Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi."

(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.     Chúa Giêsu qua bài đọc hôm nay mở cho tôi một cái nhìn mới về, những thành viên gia đình của Ngài, không chỉ là những người cùng chung máu mủ ruột thịt, nhưng bao gồm tất cả những ai biết lắng nghe và thi hành ý muốn của Thiên Chúa.  Đây là một tin vui, một sự hãnh diện cho tôi, dù không cùng dòng máu tôi cũng có thể là người thân trong gia đình của Ngài.  Vấn đề không còn là Chúa muốn tôi, nhưng là tôi có muốn trở thành người thân của Ngài hay không mà thôi.  Tôi có thấy tôi muốn và sẵn sàng để trở thành người nhà của Chúa Giêsu chưa?  Tôi có lòng ao ước lắng nghe và thi hành ý muốn của Thiên Chúa như thế nào?  Đâu là những thánh ý Chúa đang mong đợi tôi thi hành mỗi ngày?

2.     Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn hình dung, tôi là một thành viên trong gia đình của Chúa Giêsu.  Tôi muốn nói chuyện với Chúa như một người trong nhà, ngay lúc này.  Tôi để ý xem tôi sẽ kể gì cho Chúa nghe về một ngày sống của tôi, tại bàn ăn của gia đình, mà tôi và Chúa đều là thành viên?  Tôi để ý xem tôi, Chúa Giêsu và những thành viên khác của gia đình đang ngồi ở vị trí nào trong bàn ăn?  Mọi người đang đóng góp những câu chuyện gì trong bàn ăn?  Có thể cả bàn ăn đang nhộn nhịp tiếng nói cười, những khuân mặt tươi vui bởi những câu chuyện rất sống động và thức ăn rất hấp dẫn.  Trong bàn ăn đông như vậy, tôi để ý xem Chúa lắng nghe chuyện của tôi như thế nào?  Ngài đang có những tâm tình nào dành cho tôi?  Tôi đang lắng nghe Ngài nói chuyện với tôi ra sao?  Ngài có cười và có pha trò tếu trong những gì Ngài nói không?  Tôi để ý sự thoải mái và gần gũi giữa tôi và Chúa ra sao.  Tôi muốn ở lại, đóng góp những tiếng cười và những câu chuyện của tôi và cùng ăn với Chúa Giêsu đến cuối bữa tiệc.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, January 27, 2019

Thứ Hai – Tuần III Thường Niên I – Năm C – 28 - 1-2019 - Lễ Thánh Tô-ma Aquinas


Thu Hai III TN

Mác-cô 3:22-30

22 Còn các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.24 Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: "Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền;25 nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững.26 Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số.27 Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.28 "Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha.29 Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời".30 Đó là vì họ đã nói "ông ấy bị thần ô uế ám."

(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

Lời dụ ngôn Chúa Giêsu dùng trong bài đọc hôm nay có thể làm tôi suy nghĩ, nhìn lại gia đình tôi, cộng đoàn tôi?  “Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững.”  Hôm nay, trong những ngày cuối năm chuẩn bị đón mừng Xuân Mới, tôi muốn xem lại trong gia đình tôi, cộng đoàn tôi đâu là bộ mặt thật của kẻ thù, của sự dữ đang chia rẽ gia đình và cộng đoàn tôi?  Biết đâu sự chia rẽ này đến từ chính tôi!  Sự chia sẽ, mất hòa hợp, mất hợp tác đang là cửa ngỏ rất lớn cho ma quỷ đi vào lòng tôi mỗi ngày lại đến từ, lòng ích kỷ, tâm tự ti mặc cảm, thói ganh tị, óc suy nghĩ chật hẹp và tật thù dai của tôi.  Tôi muốn nói chuyện với Chúa Giêsu về những điểm yếu này, xin Ngài biến đổi tôi để sau giờ cầu nguyện này, tôi sẽ tìm mọi nỗ lực để đem gia đình lại với nhau, cộng đoàn lại với nhau đầy yêu thương, trong Năm Mới sắp đến.

Bài đọc hôm nay nhắc đến một câu của Chúa Giêsu đã trở thành nổi tiếng trong những thắc mắc của người Công giáo: “Tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì chẳng bao giờ được tha.”  Trước khi Chúa Giêsu nói đến tội phạm Chúa Thánh Thần, Ngài thấy các kinh sư cứng lòng tin trước việc làm nhãn tiền của Ngài.  Trước các kinh sư trong đoạn này, Ngài thấy những người thân của Ngài, trong đoạn văn trước bài đọc hôm nay, cũng không tin Ngài.  Các kinh sư cho rằng Chúa Giêsu thờ tướng quỷ Bê-en-dê-bun, trong khi đó các người nhà của Chúa Giêsu cho rằng Ngài đã điên.  Cả hai nhóm người này đều cứng lòng trước những việc chữa lành và giảng dạy của Chúa Giêsu, và đây chính là điều họ đã phạm đến Chúa Thánh Thần.  Chỉ có sự cứng lòng tin, sự cố chấp của con người, Thiên Chúa đành bó tay, bất lực.  Nhìn lại đời sống của tôi: thân xác không khuyết tật bẩm sinh, sự thông minh, óc sáng tạo, sức khỏe cường tráng, nét đẹp thân xác, sự mến mộ của nhiều người, con cái khôi ngô, có một cái gì là do tôi mà chẳng phải là của Chúa ban không?  Tôi còn tin và cám ơn Chúa không, hay tôi vẫn cứng lòng tin?    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, January 26, 2019

Chúa Nhật III Thường Niên I – Năm C – 27 - 1-2019


CN III TN

Luca 4:14-22

14 Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận.15 Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.16 Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh.17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:18 Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức,19 công bố một năm hồng ân của Chúa.20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người.21 Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe."22Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.     Ví như các hãng xưởng hay các tổ chức trần thế ngày nay đều có: Tôn chỉ và Mục đích (Mission Statement), hướng dẫn cả công ty làm việc và phát triển trong hướng đi của Tôn chỉ và Mục đích ấy.  Trong đời sống tâm linh, Thánh Inhaxio cũng mời gọi mọi người cầu nguyện về Nguyên Lý Nền Tảng và Mục Tiêu Cuộc Đời (NLNT&MTCĐ), trước khi bước vào Tuần I của Linh Thao.  Có thể nói bài đọc hôm nay là Nguyên Lý Nền Tảng và Mục Tiêu công cuộc mục vụ của Chúa Giêsu.  Bởi kể từ sau biến cố vào hội đường ở Na-za-rét, Chúa Giêsu đã làm y như những gì Ngài đã công bố trong hội đường: Chữa người què, cùi, mù, câm, điếc và đủ mọi chứng bệnh khác, cùng giải thoát cho những người bị quỷ ám và bênh đỡ mọi kẻ bị loại ra bên lề của xã hội.  Vậy NLNT&MTCĐ của tôi là gì?  Có thể tôi đọc lại những lời trên của Luca để giống như Chúa Giêsu tôi sẽ viết riêng cho tôi một NLNT&MTCĐ, chính nguyên lý này sẽ giúp tôi sống ơn gọi Tin Mừng như thế nào.  Tôi có thể bàn chuyện này với Chúa Giêsu, trước khi tôi viết NLNT&MTCĐ cho tôi.  

2.     Tôi muốn đọc lại nhiều lần đoạn trích từ Sách Isaia mà Chúa Giêsu đã đọc trong hội đường của Ngài: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”  Xin Thần Khí Chúa ngự trên tôi khi tôi viết NLNT&MTCĐ cho tôi.  Xin cho cả cuộc đời còn lại của tôi sẽ làm giống như những gì Chúa Giêsu đã làm cho mọi người thấp cổ bé họng, hoặc làm giống như những gì tôi bàn chuyện với Chúa Giêsu hôm nay.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, January 25, 2019

Thứ Bảy – Tuần II Thường Niên I – Năm C – 26 - 1-2019 – Lễ Thánh Ti-mô-thê và Ti-tô


2Tm1:1-8

Thu Bay II TN1 Tôi là Phao-lô, Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su, do ý muốn của Thiên Chúa, chiếu theo lời Thiên Chúa hứa ban sự sống vốn có trong Đức Ki-tô Giê-su,2 gửi anh Ti-mô-thê, người con yêu dấu. Xin Thiên Chúa là Cha và xin Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh được ân sủng, lòng thương xót và sự bình an.3 Tôi tạ ơn Thiên Chúa, Đấng tôi phụng thờ với lương tâm trong sạch, theo gót tổ tiên; tôi tạ ơn Người khi tôi không ngừng nhắc nhở đến anh, trong các lời cầu nguyện của tôi, đêm cũng như ngày.4 Nhớ đến những giọt nước mắt của anh, tôi ước ao gặp lại anh để được chan chứa niềm vui.5 Tôi hồi tưởng lại lòng tin không giả hình của anh, lòng tin đã có nơi cụ Lô-ít, bà ngoại anh, nơi bà Êu-ni-kê, mẹ anh, cũng như chính nơi anh, tôi xác tín như vậy.6 Vì lý do đó, tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh.7 Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ.8 Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.

(Trích Thư Ti-mô-thê 2 bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.     Phao-lô quả là một vị mục tử đáng kính.  Nhờ ngài luôn viết thư thăm hỏi, khuyên nhủ và dạy dỗ các đoàn chiên của ngài mà Giáo hội ngày nay có một kho tàng rất quý trong Kinh Thánh Tân Ước.  Số các thư của ngài (13 cuốn) chiếm đến hơn một phần ba tổng số sách trong Tân ước (27 cuốn).  Bài đọc hôm nay là một trích đoạn của một trong những lá thư của ngài.  Tôi muốn đọc lại đoạn trích trên và muốn học ở Phao-lô tâm tình của ngài có với những người có niềm tin.  Tôi có thể bắt chước ngài mỗi khi viết thư cho ai, cần mang tâm tình đây yêu thương, quan tâm và có Chúa trong đó.

2.     Phao-lô nhắc nhở Ti-mô-thê phải khơi dậy đặc sủng đầy sức mạnh, đầy tình thương và biết tự chủ mà Thiên Chúa đã ban.  Điều này có thể là một lời nhắc nhở đối với tôi chăng?  Kể từ nay tôi không bao giờ hổ thẹn làm chứng cho Chúa Kitô khi sống yêu thương, khi chia sẻ với những người đau khổ, khi phải lên tiếng trước những bất công.  Tôi muốn nói chuyện với Phao-lô trong lúc này, bởi nhờ đâu ông có lòng nhiệt huyết và tâm huyết cho Chân lý, Công bằng và Bác ái đến như vậy.  Đó chính là sứ điệp Nước Trời.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, January 24, 2019

Thứ Sáu – Tuần II Thường Niên I – Năm C – 25 - 1-2019 – Lễ Phao-lô Trở Lại


Thu Sau II TN

TĐCV 22:1-11

1 "Thưa quý vị là những bậc cha anh, xin nghe những lời biện bạch tôi nói với quý vị bây giờ đây."2 Khi nghe thấy ông nói với họ bằng tiếng Híp-ri, họ càng yên lặng hơn. Ông nói tiếp:3 "Tôi là người Do-thái, sinh ở Tác-xô miền Ki-li-ki-a, nhưng tôi đã được nuôi dưỡng tại thành này; dưới chân ông Ga-ma-li-ên, tôi đã được giáo dục để giữ Luật cha ông một cách nghiêm ngặt. Tôi cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay.4 Tôi đã bắt bớ Đạo này, không ngần ngại giết kẻ theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà,5 như cả vị thượng tế lẫn toàn thể hội đồng kỳ mục có thể làm chứng cho tôi. Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em ở Đa-mát, và tôi đi để bắt trói những người ở đó, giải về Giê-ru-sa-lem trừng trị.6 "Đang khi tôi đi đường và đến gần Đa-mát, thì vào khoảng trưa, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi.7 Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi: "Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?8 Tôi đáp: "Thưa Ngài, Ngài là ai? Người nói với tôi: "Ta là Giê-su Na-da-rét mà ngươi đang bắt bớ.9 Những người cùng đi với tôi trông thấy có ánh sáng, nhưng không nghe thấy tiếng Đấng đang nói với tôi.10 Tôi nói: "Lạy Chúa, con phải làm gì?” Chúa bảo tôi: "Hãy đứng dậy, đi vào Đa-mát, ở đó người ta sẽ nói cho anh biết tất cả những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho anh phải làm.”11 Vì ánh sáng chói loà kia làm cho tôi không còn trông thấy nữa, nên tôi đã được các bạn đồng hành cầm tay dắt vào Đa-mát.

(Trích Tông Đồ Công Vụ bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.     Hôm nay là Lễ Thánh Phao-lô Trở Lại, một vị tông đồ cột trụ của Giáo hội.  Nhờ lòng nhiệt thành và đời sống quên mình vì Tin Mừng mà Giáo hội lớn mạnh như ngày nay.  Tuy nhiên, Phao-lô là ai?  Như ngài đã kể trong bài đọc hôm nay: Ngài là một người trí thức Do-thái, thông thạo nhiều ngôn ngữ, đồng thời có một nền giáo dục đức tin và truyền thống văn hóa rất tốt.  Có thể nói những gì ngài đã được nuôi dạy là một thành trì vững chắc để an tâm sống mãi mãi với Thiên Chúa.  Chính sự xác tín này đã cho ông sự nhiệt thành bắt bớ những ai chống lại niềm tin của ông.  Dẫu vậy, thành trì ấy đã tan vỡ từ một cuộc gặp gỡ với Chúa Giesu.  Trong giờ cầu nguyện hôm nay, tôi cũng muốn xem đâu là tính cố hữu, bảo thủ mà tôi đã thủ đắc qua bao năm tháng đã trở nên thành trì vững chắc đến nỗi Chúa cũng chẳng vào được?  Tôi muốn mở toang cánh cổng này để Thiên Chúa và anh chị em có thể đi lại với tôi, kể từ giây phút này.

2.     Sự té ngã của Phao-lô trong bài đọc hôm nay có thể là một biến cố lịch sử của đời ông, nhưng có thể đây là một kiểu nói mang tính biểu tượng để nói về sự té ngã cái tôi trong ông.  Sự té ngã tâm hồn này mới là quan trọng.  Biết bao nhiêu cuộc trở về của các thánh đều đã bắt đầu từ những sự té ngã trong tâm hồn.  Hay có thể nói té ngã tâm hồn là điều cần thiết của mọi của trở về với Thiên Chúa.  Tôi phải dám bỏ đi cái tôi, tính kiêu căng, sự ngạo mạn, tính tự đắc mà đã trở thành thần tượng trong tôi, và tôi đã tôn thờ chúng bao lâu nay.  Hôm nay, tôi muốn đập vỡ những ngẫu tượng này để chỉ còn một mình Chúa trong tôi mà thôi.  Lạy Chúa xin cho con can đảm.  Xin cho con biết mau mắt quay về với Chúa, Đấng công chính duy nhất mà con cần phải tôn thờ.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, January 23, 2019

Thứ Năm – Tuần II Thường Niên I – Năm C – 24 - 1-2019


Thu Nam II TN

Mác-cô 3:7-12

7Đức Giê-su cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Ga-li-lê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giu-đê,8 từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm.9 Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn.10 Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người.11 Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: "Ông là Con Thiên Chúa! "12 Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.

(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Bài đọc hôm nay kể rằng người ta đến với Chúa Giêsu quá nhiều, dù Ngài và các môn đệ đã tìm cách lánh về phía biển hồ do các Pha-ri-sêu đang tìm cách giết Ngài. Tuy nhiên, Ngài cũng không trốn được, dân chúng vẫn lũ lượt kéo đến.  Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi có thể nhắm mắt hình dung cảnh đám đông đang từ tứ phía, ồn ào, la hét, chen lấn, có thể có cả tiếng trẻ em khóc vì đói vì đau, có tiếng rên của người lớn vì đau, có cả tiếng gào thét của những người bị quỷ ám, tất cả bằng mọi nỗ lực đang tìm cách đến với Chúa Giêsu để mong được Ngài cứu chữa.  Tôi để ý trong đám đông này có tôi không?  Tôi có những chứng bệnh gì cần được Chúa Giêsu quan tâm cứu chữa không?  Tôi có la hét, khóc lóc và chen lấn để bằng mọi cách phải được sự chú ý của Chúa không?  Điều gì khiến tôi không muốn cố gắng gặp Chúa?  Tôi để ý xem Chúa Giêsu có để ý đến tôi và đang muốn nói gì với tôi qua ánh mắt của Ngài?
2.      Điểm rất lạ trong bài đọc hôm nay đó là, những thần ô uế nhận ra danh tính Chúa Giêsu, trong khi đó đám đông thì không.  Tôi có nhận ra Chúa Giêsu và sụp lạy Ngài không?  Điều gì khiến tôi không nhận ra Ngài? Điều gì khiến tôi chưa thật sự tha thiết kiếm gặp Ngài?  “Lạy Chúa, xin cho con được nhận biết Chúa hiện diện và quan tâm đến con ở mọi nơi, mọi lúc.  Khi con bận rộn, khi con đau yếu, khi con tội lỗi, khi con thánh thiện và đặc biệt khi con đang cầu nguyện, như lúc này!” 
Phạm Đức Hạnh, SJ


Tuesday, January 22, 2019

Thứ Tư – Tuần II Thường Niên I – Năm C – 23 - 1-2019

Thu Tu II TN
Mác-cô 3:1-6
1 Đức Giê-su lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay.2 Họ [Những người Pha-ri-sêu] rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy ngày sa-bát không, để tố cáo Người.3 Đức Giê-su bảo người bại tay: "Anh trỗi dậy, ra giữa đây!"4 Rồi Người nói với họ: "Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?" Nhưng họ làm thinh.5 Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: "Anh giơ tay ra!" Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường.6 Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su.   
(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Có một điều nổi bật trong các phúc âm đó là, sự xuất hiện của những người Pha-ri-sêu rất thường xuyên và nhiều, như muỗi vậy!  Dường như họ xuất hiện trong mọi biến cố mục vụ của Chúa Giêsu!  Họ luôn có những suy nghĩ trái chiều và bắt bẻ Chúa Giêsu đủ điều.  Họ có một lối giữ lề luật một cách máy móc, thiếu tình người.  Bài đọc hôm nay nói, Chúa Giêsu giận dữ, đau buồn vì thái độ vô cảm của họ.  Tuy nhiên, trong giờ cầu nguyện này tôi cũng phải hỏi lòng tôi: Liệu có tính Pha-ri-sêu trong tôi không, mỗi khi tôi cứng ngắc với sách vở và quy tắc, thiếu uyển chuyển, thiếu tình thương và sự thông cảm với từng hoàn cảnh?  Hóa ra, khi phúc âm nhắc đến những người Pha-ri-sêu, không chỉ nói đến một nhóm hành đạo đầy khắc kỷ ngày xưa nhưng còn nói đến tôi ngày hôm nay nữa.  Tôi muốn nói gì với Chúa mỗi khi tôi trở nên khắt khe, chỉ trích người khác, thiếu tình người và thiếu cảm thông trong lời nói của tôi?  Liệu Chúa Giêsu có giận dữ và buồn lòng về thái độ thích chỉ trích, gièm pha của tôi? 

2.      Có lẽ tôi muốn lấy câu hỏi của Chúa Giêsu: "Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?" để hướng dẫn mọi suy tính của tôi khi phải phân vân giữa giữ luật và cứu người.  Tôi xin Chúa cho tôi sự khôn ngoan để dám ra khỏi những gì là thoải mái và yên lòng trong cách nghĩ của tôi để phục vụ tha nhân.  Kể từ hôm nay, phương châm sống của tôi phải là: “Lề luật vì con người, chứ không phải con người vì lề luật.”
Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, January 21, 2019

Thứ Ba – Tuần II Thường Niên I – Năm C – 22 - 1-2019 - Ngày Cầu Nguyện Bảo Vệ Sự Sống Cho Các Thai Nhi


Thu Ba II TN

Do-thái 6:10-18

10 Quả thế, Thiên Chúa không bất công đến nỗi quên việc anh em đã làm và lòng yêu mến anh em đã tỏ ra đối với danh Người, khi trước đấy anh em phục vụ các người trong dân thánh, và hiện nay vẫn còn đang phục vụ.11 Nhưng chúng tôi ao ước cho mỗi người trong anh em cũng tỏ ra nhiệt thành như thế, để niềm hy vọng của anh em được thực hiện đầy đủ cho đến cùng.12 Anh em đừng trở nên uể oải, nhưng hãy bắt chước những người nhờ có đức tin và lòng kiên nhẫn mà được thừa hưởng các lời hứa.13 Quả thế, khi Thiên Chúa hứa với ông Áp-ra-ham, Người đã không thể lấy danh ai cao trọng hơn mình mà thề, nên đã lấy chính danh mình mà thề14 rằng: Ta sẽ ban phúc dư dật cho ngươi và sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông vô số.15 Như thế, vì nhẫn nại đợi chờ, ông Áp-ra-ham đã nhận được lời hứa.16 Người ta thường lấy danh một người cao trọng hơn mình mà thề, và lời thề là một bảo đảm chấm dứt mọi tranh chấp giữa người ta với nhau.17 Do đó, vì Thiên Chúa muốn chứng minh rõ hơn cho những người thừa hưởng lời hứa được biết về ý định bất di bất dịch của Người, nên Người đã dùng lời thề mà bảo đảm điều Người đã hứa.18 Như vậy, cả lời hứa lẫn lời thề đều bất di bất dịch, và khi thề hứa, Thiên Chúa không thể nói dối được. Do đó, chúng ta là những kẻ ẩn náu bên Thiên Chúa, chúng ta được mạnh mẽ khuyến khích nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta.
(Trích Thư Do-thái bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Bài đọc hôm nay có làm cho tôi vui hơn, bình an hơn, và vững tin hơn ở Chúa chăng?  Tác giả của Thư Do-thái quả quyết với tôi: Thiên Chúa không bao giờ quên những nghĩa cử yêu thương mà tôi đã làm cho tha nhân; đồng thời, Ngài cũng không quên lời chúc phúc cho tôi mỗi khi tôi đối xử nhân nghĩa với mọi người.  Giờ cầu nguyện hôm nay có thể là lúc tôi kể cho Chúa nghe về những gì tôi đã hoặc sẽ làm cho tha nhân trong ngày hôm nay.  Tôi để ý Chúa mỉm cười và hài lòng về tôi ra sao.  Giờ cầu nguyện này cũng có thể là lúc, tôi lắng nghe Chúa kể cho tôi những điều cao đẹp mà người khác nói với Ngài về tôi.  Rồi, tôi để ý đến lòng tôi khi, niềm vui như đang được nhân đôi và nỗi buồn của tha nhân đang vơi dần, đang thúc đẩy tôi làm thêm những điều cao đẹp nào nữa sau giờ cầu nguyện này.  Tôi xin Chúa chúc lành cho những điều cao đẹp mà tôi sẽ làm trong những ngày giờ kế tiếp.
2.     Tác giả của Thư Do-thái khẳng định: Thiên Chúa là chỗ dựa chắc chắn nhất, như chiếc neo được cắm sâu vào lòng biển, cho những gì tôi dấn thân và trao gởi cho Ngài.  Lời này có làm cho tôi hy vọng hơn?  Tin tưởng hơn? Tiếp tục dấn thân?  Nếu có một nghi ngờ hay thất vọng nào về Chúa, tôi có thể nói chuyện trực tiếp với Ngài trong lúc này, và rồi tôi lắng nghe Ngài phân giải với tôi ra sao.    
Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, January 20, 2019

Thứ Hai – Tuần II Thường Niên I – Năm C – 21 - 1-2019


Thu Hai II TN

Mác-cô 2:18-22

18 Bấy giờ các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giê-su: "Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ôsng lại không ăn chay?"19 Đức Giê-su trả lời: "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được.20 Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó.21 Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm.22 Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!"
(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Thời buổi nào và văn hóa nào Giáo hội cũng gặp phải lối thực hành đức tin kiểu so sánh và phân bì: Tại sao nhóm kia làm thế này mà nhóm của tôi lại không?  Nhóm của tôi đã đi sai truyền thống rồi, và nhóm kia mới là chính thống!  Bài đọc hôm nay cũng ghi nhận một sự so sánh thời xưa giữa các đồ đệ của Gioan và các đồ đệ của Chúa Giêsu.  Ngày hôm nay kiểu so sánh như vậy cũng vẫn lập lại; chẳng hạn, giữa những người rước lễ bằng miệng và những người rước lễ bằng tay—nhóm này chê nhóm kia không kính Chúa đủ.  Hoặc, một số người đòi rằng Thánh lễ phải được cử hành bằng tiếng La-tinh, trong khi đó những người khác cổ võ Thánh lễ phải cử hành bằng tiếng địa phương!  Dù thực hành đạo bằng cách nào đi nữa, khi so sánh như vậy tôi đã đánh mất một điều: tương quan mật thiết với Thiên Chúa.  Một khi tôi đi vào trong tương quan mật thiết mang tính cá vị với Thiên Chúa, mọi thứ khác đều chỉ là hình thức bề ngoài.  Cụ thể, trong giây phút này: tôi đang đến với Chúa bằng thái độ nào?  Tôi cầu nguyện vì muốn ở với Chúa hay để tỏ ra đạo đức, hoặc để tôi yên tâm vì đã làm xong bổn phận?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?       
2.     Bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu kết thúc bằng một lời khuyên: Rượu mới phải đổ vào bầu da mới; vải mới không nên vá vào áo cũ.  Tôi có đang gặp khó khăn trong việc giáo dục đức tin cho con cái chăng?  Tôi muốn nói chuyện với Chúa xem tôi có đang lấy vải cũ vá vào áo mới chăng, tức dùng tiêu chuẩn cổ xưa của tôi để áp đặt lên lối sống con cái tôi ngày nay?  Tôi có đang gặp khó khăn với những người có lối thực hành đức tin khác tôi chăng?  Tôi muốn nói chuyện với Chúa xem, tôi có đang đổ rượu mới và bầu da cũ?  Tôi muốn kết thúc giờ cầu nguyện này bằng lời nguyện quen thuộc: “Lạy Chúa xin cho con sự CAN ĐẢM dám thay đổi những điều có thể thay đổi, một TÂM HỒN BÌNH AN dám chấp nhận những điều không thể thay đổi, và SỰ KHÔN NGOAN để biết phân biệt điều nào có thể và điều nào không thể thay đổi!”   
Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, January 19, 2019

Chúa Nhật – Tuần II Thường Niên I – Năm C – 20 - 1-2019


CN II TN

1Cor. 12:4-11

4 Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí.5 Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa.6 Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người.7 Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.8 Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày.9 Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh.10 Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ.11 Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người.
(Trích Thư Corintô I bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Giờ cầu nguyện hôm nay có thể dễ hơn nếu tôi dùng bài cầu nguyện này trước một vườn hoa đa sắc, ở đó mỗi hoa mỗi sắc mầu và bông nào cũng cố hết sức chia sẻ sắc mầu tuyệt đẹp của nó cho cuộc đời.  Đời sống của tôi giữa gia đình, cộng đoàn và thế giới cũng như một vười hoa đa sắc.  Giờ cầu nguyện này có thể là lúc tôi nhìn vào chính tôi để thấy đâu là những tài năng và sự phong phú trong tôi.  Tôi đã sử dụng hoặc phát triển những món quà tài năng này hết mức chưa?  Phao-lô nói là tất cả những tài năng của mỗi người trong cộng đoàn cùng phát xuất từ một Thần Khí và nhằm mưu cầu lợi ích chung.  Tôi đã sử dụng những tài năng Chúa ban tặng để giúp đỡ người khác chưa, hay tôi đã chôn dấu những tài năng đó, hoặc chỉ phục vụ chính tôi? 
2.      Mỗi người đều có cách thức riêng để trở nên con người đẹp nhất, tài năng nhất và hữu ích nhất.  Tôi muốn làm những gì để đóng góp cho gia đình tôi, cộng đoàn của tôi và xã hội tôi hôm nay?  Tôi muốn bàn với Chúa một chương trình cụ thể và sẽ thực hiện ngay sau giờ cầu nguyện này.    
Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, January 18, 2019

Thứ Bảy – Tuần I Thường Niên I – Năm C – 19 - 1-2019


Thu Bay I TN

Do-thái 4:12-13

12 Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.13 Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.
(Trích Thư Do-thái bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Mỗi khi nói đến lời Chúa và có người còn nói con người có thể nghe được tiếng của Ngài, điều này nghe có vẻ xa lạ và không thể nào tôi có thể tiếp cận được với Ngài.  Nhưng không phải thế.  Lời Chúa hôm nay thật sống động, hiện hữu tận nơi thẳm sâu nhất của lòng tôi và rất nhạy bén trước những việc làm đúng sai của tôi.  Lời Chúa ấy chính là tiếng nói lương tâm trong tôi ngay lúc này.  Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn để ý có một tiếng nói nào đang làm tôi ray rứt, bất an về một hành vi, lời nói hay thái độ của tôi có với người xunh quanh?  Tôi muốn để ý xem tiếng lương tâm đang bảo tôi phải làm gì để được bình an hơn, để được tự tin gặp Chúa và gần gũi với mọi người hơn.  Tôi xin Chúa giúp tôi can đảm dám đối diện chính tôi trong lúc này.
2.     Tôi muốn đọc lại những lời trên nhiều lần như thể đây là cơ hội tôi mài dao lương tâm của tôi cho sắc bén hơn, nhờ đó nó sẽ là kim chỉ nam giúp tôi đến được bình an thật sự và bền lâu.  
Phạm Đức Hạnh, SJ 

Thursday, January 17, 2019

Thứ Sáu – Tuần I Thường Niên I – Năm C – 18 - 1-2019


Thu Sau I TN

Mác-cô 2:1-12

1Vài ngày sau, Đức Giê-su trở lại thành Ca-phác-na-um. Hay tin Người ở nhà,2 dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết. Người giảng lời cho họ.3 Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng.4 Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống.5 Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: "Này con, con đã được tha tội rồi."6 Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng:7 "Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?"8 Tâm trí Đức Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: "Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy?9 Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: "Con đã được tha tội rồi", hai là bảo: "Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi", điều nào dễ hơn?10 Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, -Đức Giê-su bảo người bại liệt,-11 Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!"12 Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: "Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!"
(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể tập trung vào hình ảnh người bại liệt cũng như bốn người khiêng người bại liệt, trong bài đọc trên.  Mác-cô kể, người ta đến với Chúa Giêsu đông đến nỗi ngoài sân không còn chỗ đứng.  Vì thế, bốn người giúp người bại liệt đã phải trèo lên mái nhà, dỡ mái nhà, thả người bại liệt xuống là điều rất có lý và là giải pháp duy nhất.  Tuy nhiên để làm được điều này, họ phải vất vả biết chừng nào để chen qua đám đông.  Chưa hết, phải trèo lên mái nhà, dỡ mái nhà của nhà người ta, một hành động thật táo bạo, nhưng đầy sáng tạo.  Tất cả những điều này chứng tỏ lòng tin rất lớn của người bại liệt đối với Chúa Giêsu, và tình thương của những người khiêng dành cho người bại liệt cũng rất lớn.  Có bao giờ tôi khát khao gặp Chúa như người bại liệt này, anh ta đã tìm mọi cách, rất táo bạo và đầy sáng tạo, để được gặp Chúa Giêsu?  Có bao giờ tôi giúp người khác gặp Chúa Giêsu một cách tận tình như bốn người khiêng giúp anh bại liệt này?  Trong giây phút này, tôi muốn suy ngẫm về tương quan niềm tin giữa tôi với Chúa Giêsu, và tương quan yêu thương giữa tôi với những người đang cần sự giúp đỡ của tôi.
2.     Kế tiếp tôi cũng muốn để ý đến những sự ngạc nhiên trong bài đọc trên: 1) Ngạc nhiên của dân chúng khi họ thấy từ trên mái nhà có những người đang thòng xuống một cái giường trên đó có một người bại liệt; 2) ngạc nhiên của Chúa Giêsu về niềm tin của người bại liệt; 3) ngạc nhiên của các kinh sư về câu nói đầy phạm thượng của Chúa Giêsu, và 4) ngạc nhiên của người bại liệt về sự lành bệnh nhờ Chúa Giêsu.  Tôi chú ý nhất ở sự ngạc nhiên nào?  Tôi nói với Chúa Giêsu về sự ngạc nhiên ấy.          
Phạm Đức Hạnh, SJ