Tuesday, September 4, 2018

Thứ Tư Tuần XXII Thường Niên – Năm B – II – 5-9-2018


Thu Tu XXII TN
1Cor. 3:1-9
Bao lâu giữa anh em có sự ghen tương và cãi cọ, thì anh em chẳng phải là những con người sống theo tính xác thịt và theo thói người phàm sao?4 Khi người này nói: "Tôi, tôi thuộc về ông Phao-lô", và người khác: "Tôi, tôi thuộc về ông A-pô-lô", thì anh em chẳng là người phàm tục sao?5 Vậy A-pô-lô là gì? Phao-lô là gì? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban.6 Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên.7 Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể.8 Kẻ trồng người tưới đều như nhau, nhưng ai nấy sẽ được thù lao theo công khó của mình.9 Thật vậy, chúng tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên.
(Trích Thư Cô-rin-tô I bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Hôm nay tôi được đọc lại tâm thư của Phao-lô gởi các Kitô hữu tiên khởi cách đây hai ngàn năm.  Trong đó tôi bắt gặp các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã có những chia rẽ: người phe này, người phe kia.  Hóa ra hai ngàn năm câu chuyện chia rẽ vẫn không cũ chút nào, vẫn tái diễn hôm nay trong các cộng đoàn xứ đạo của tôi: người theo cha chính, người theo cha phó.  Thậm chí, chia rẽ xảy ra ngay trong chính gia đình tôi nữa.  Tôi muốn nói gì, muốn xin gì cùng Chúa trong giờ cầu nguyện này?  Có thể tôi xin Chúa giúp tôi trở nên sứ giả hòa bình.  Có thể tôi xin Chúa giúp cộng đoàn và gia đình tôi biết nỗ lực ngăn chặn mọi xung đột xảy ra khiến cho sự chia rẽ có thể làm cho cộng đoàn và gia đình tôi rỉ máu.
2.      Phao-lô nói dù ai là người trồng và người nào đó là kẻ tưới, tất cả đều là công cụ của Chúa, tất cả đều làm cho Chúa, chỉ mình Chúa mới là quan trọng, làm cho cây mọc lên.  Chỉ có Thiên Chúa mới làm cho mọi việc tôi làm trở nên ý nghĩa.  Nhìn như vậy sẽ giúp tôi có ít nhất hai thái độ: Thứ nhất, biết nương tựa vào Chúa trong mọi việc tôi làm.  Không phải nỗ lực của tôi mà thôi là có thể đem đến thành công.  Thứ hai, biết khiêm nhường trong mọi việc tôi làm.  Không phải sự thành công của mọi việc tôi làm chỉ là công của tôi, mà là công của Chúa nữa.  Tôi xem lại đời sống của tôi, gia đình của tôi, cộng đoàn của tôi, có những gì tôi cố gắng hết mình mà đã thành công và kéo dài mãi không, hay phải có bàn tay của Chúa nữa?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong vai trò là cộng sự viên của Chúa?  Tôi muốn nói gì với Chúa về những thành công trong cuộc sống của tôi? 
Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment