Friday, September 7, 2018

Thứ Bảy Tuần XXII Thường Niên – Năm B – II – 8-9-2018 – Sinh Nhật Đức Mẹ


Thu Bay XXII TN
Mát-thêu 1:18-23
18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ."22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ:23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta."
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Tôi có thể ngạc nhiên vì chuyện lớn như vậy: Thiên Chúa xuống thế làm người, vậy mà lại xảy ra trong một bối cảnh rất ư tai tiếng (scandalous)!  Tai tiếng vì cả một dòng họ đầy những con người bê bối.  Tai tiếng vì chuyện mang thai trước khi chung sống với nhau.  Tai tiếng vì Thiên Chúa sinh làm người lại ở trong một nơi hẻo lánh, hèn hạ.  Tai tiếng đến mức Giu-se không thể chấp nhận được.  Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn ở với những hình ảnh đầy tai tiếng này để hiểu hơn về những gì Chúa đang làm trong đời sống của tôi, của gia đình tôi, của xứ đạo tôi.  Chẳng có một gia đình nào là hoàn hảo trong cuộc đời này, kể cả gia đình tôi, bản thân tôi.  Ấy vậy mà Chúa lại đón nhận sự bất hảo của tôi, của gia đình tôi để bây giờ tôi có Ngài.  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?  
2.      Thiên Chúa cũng chẳng đến ở nơi một con người, trong một thời gian nhất định, nhưng Ngài đến ở trong mọi người và ở mãi mãi.  Tôi thấy Chúa ở với tôi là một niềm vui không, hay là sự phiền toái?  Tôi thấy Chúa đã làm gì và đang làm gì trong tôi?  Tôi đang cộng tác với Ngài như thế nào để tiếp tục kiến tạo tôi trở nên tốt hơn?  Tôi muốn ngắm nhìn Chúa và để Chúa ngắm nhìn tôi trong giờ cầu nguyện này. 
Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment