Saturday, September 15, 2018

Chúa Nhật Tuần XXIV Thường Niên – Năm B – II – 16-9-2018


CN XXIV TN
Gia-cô-bê 2:14-18
14 Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng?15 Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày,16 mà có ai trong anh em lại nói với họ: "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no", nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?17 Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.18 Đàng khác, có người sẽ bảo: "Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin.
(Trích Thư Gia-cô-bê bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.    Lời Chúa từ Thư Gia-cô-bê hôm nay là một chỉ dẫn về “sống đạo”, thể hiện đức tin qua việc làm.  Điều này khác hẳn với suy nghĩ của nhiều người là “giữ đạo” hoặc “đạo tại tâm” là đủ.  Chẳng đủ tí nào.  Đức tin của tôi luôn phải dẫn tôi đến việc làm, không có việc làm đức tin của tôi sẽ chết, vô dụng.  Việc làm đó là gì?  Gia-cô-bê đưa ra việc làm cụ thể đó là không chỉ chúc cho ai đó bình an nhưng còn phải giúp họ những thứ vật chất cần thiết nữa.  Trong giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn xem lại từ trước đến giờ: tôi đã sống đạo hay chỉ có giữ đạo?  Tôi cần phải làm gì cụ thể sau giờ cầu nguyện này để thể hiện đức tin của tôi?
2.    Lời Chúa từ Thư Gia-cô-bê hôm nay cũng cho tôi thấy đức tin của tôi không phải là một niềm tin trừu tượng, nhưng là niềm tin đi vào đời, đi thật sát với những đau khổ, bất công và áp bức trong cuộc sống.  Đức tin của tôi không bao giờ chỉ là giới hạn trong nhà thờ, nhưng còn vương ra khỏi giới hạn của giáo đường và giờ cầu nguyện nữa.  Nếu ngày nào tôi chỉ chăm chú cầu nguyện trong nhà thờ mà làm ngơ, không đấu tranh chống lại áp bức bất công trong xã hội, Ngày đó tôi không còn là Kitô hữu nữa.  Trong giây phút này tôi muốn định hướng cho ngày sống, tuần sống, năm sống bên ngoài giờ cầu nguyện của tôi, một cách cụ thể, sao cho mọi người nhật biết đức tin của tôi thật hữu ích cho cuộc đời này.  Tôi muốn đọc lại những chỉ dẫn trên trong thư Gia-cô-bê một lần nữa.
Phạm Đức Hạnh, SJ


0 comments:

Post a Comment