Saturday, September 14, 2024

Chúa Nhật Tuần XXIV Thường Niên – Năm B – 15-9-2024

 CN XXIV TN

Gia-cô-bê 2:14-18

14Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì?  Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? 15 Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, 16mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì? 17 Cũng vậy, đức tin không có hành động, thì quả là đức tin chết. 18 Đàng khác, có người sẽ bảo: “Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động.  Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin.”

(Trích Thư Gia-cô-bê, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là những lời dạy rất thiết thực cho đời sống đức tin của tôi.  Tác giả nhắc nhở tôi phải sống một niềm tin sao cho thực tế, sao cho niềm tin phải đi thật sát với cuộc sống.  Điều này không dễ chút nào.  Bởi có thể tôi thường có thói quen đóng khung đức tin trong nhà thờ và các giờ kinh nguyện mà không áp dụng vào cuộc sống cụ thể bên ngoài nhà thờ và giờ cầu nguyện.  Vì thế, tác giả Gia-cô-bê khẳng định: “Đức tin nếu không có việc làm thì đức tin chết.”  Vậy, đức tin của tôi được thể hiện với những người xung quanh bằng những cách thức thực tế như thế nào?  Giờ đây tôi có thể hình dung rằng, tôi mời Chúa Giêsu vào không gian hàng ngày của tôi, hành trình đi làm của tôi…văn phòng của tôi… hoặc con phố nơi tôi đang sống chẳng hạn.  Hãy hình dung bước đi với Chúa Giêsu quanh khu vực này…  Tôi muốn nói chuyện với Ngài về người mà tôi quan tâm.  Bây giờ hãy để Chúa Giêsu nói với tôi về những người xung quanh.  Có lẽ Ngài muốn tôi giúp đỡ ai đó bằng cách bày tỏ tình yêu một cách thiết thực.  Đây có thể là gì?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và tiếp tục ở lại với Chúa Giêsu trong không gian này.  Điều gì hoặc ai hiện lên trong đầu tôi lúc này?  Cuối cùng, hãy kết thúc thời gian cầu nguyện này với lòng biết ơn vì tình yêu và sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống hàng ngày của tôi.  Tôi có thể dang tay ra như một dấu hiệu của đức tin và sự cởi mở của tôi đối với những cách thức bất ngờ của Chúa đang tác động qua tôi ngày hôm nay.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment