Sunday, September 15, 2024

Thứ Hai - Tuần XXIV Thường Niên – Năm B – 16-9-2024

 Thu Hai XXIV TN

Luca 7:1-10

1Khi ấy, sau khi giảng dạy dân chúng, Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um. 2 Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết.  Ông ta yêu quý người ấy lắm. 3 Khi nghe đồn về Đức Giê-su, ông cho mấy kỳ mục của người Do-thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông. 4 Họ đến gặp Đức Giê-su và khẩn khoản nài xin Người rằng: “Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho. 5 Vì ông quý mến dân ta.  Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta.” 6 Đức Giê-su liền đi với họ.  Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người: “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. 7 Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài.  Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. 8 Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi.  Tôi bảo người này: ‘Đi!’ là nó đi; bảo người kia: ‘Đến!’ là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’ là nó làm.” 9 Nghe vậy, Đức Giê-su thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.” 10 Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một câu chuyện thật ấn tượng.  Ấn tượng ở niềm tin của một người ngoại đạo, đến nỗi Chúa Giêsu cũng phải khen.  Tôi có thể chú ý những hành vi, thái độ, giá trị nổi bật trong câu chuyện này.  Chẳng hạn như: Tình yêu?  Lòng trung thành?  Sự khiêm tốn?  Hoặc những điểm khác nữa trong câu chuyện.  Có điều gì làm tôi ngạc nhiên về viên đội trưởng như Chúa Giêsu đã ngạc nhiên về ông ta không?  Viên đội trưởng xin Chúa Giêsu một điều rất thật trong lòng ông, đó là, cho người đầy tớ của ông ta được khỏi bệnh, vì ông rất thương người đầy tớ ấy.  Tôi có thể xin một điều gì đó cùng Chúa Giêsu cho một ai đó đã nhờ tôi cầu nguyện cho họ không?  Câu chuyện này kết thúc thật thú vị khi, cả viên đội trưởng và Chúa Giêsu không hề gặp nhau, nhưng mỗi người đều có một cái nhìn rất chính xác về nhau.  Chúa Giêsu sẽ mô tả chính xác tôi như thế nào?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và hình dung sự khao khát sâu thẳm nơi con người này.  Cố gắng cảm nhận cảm xúc của tất cả các nhân vật có liên quan trong câu chuyện.  Hãy nói chuyện với chính Chúa Giêsu, Đấng đã đáp ứng nhu cầu của viên đội trưởng từ xa, và hãy cho Ngài biết những nhu cầu trong lòng tôi.

Phạm Đức Hạnh SJ

Saturday, September 14, 2024

Chúa Nhật Tuần XXIV Thường Niên – Năm B – 15-9-2024

 CN XXIV TN

Gia-cô-bê 2:14-18

14Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì?  Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? 15 Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, 16mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì? 17 Cũng vậy, đức tin không có hành động, thì quả là đức tin chết. 18 Đàng khác, có người sẽ bảo: “Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động.  Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin.”

(Trích Thư Gia-cô-bê, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là những lời dạy rất thiết thực cho đời sống đức tin của tôi.  Tác giả nhắc nhở tôi phải sống một niềm tin sao cho thực tế, sao cho niềm tin phải đi thật sát với cuộc sống.  Điều này không dễ chút nào.  Bởi có thể tôi thường có thói quen đóng khung đức tin trong nhà thờ và các giờ kinh nguyện mà không áp dụng vào cuộc sống cụ thể bên ngoài nhà thờ và giờ cầu nguyện.  Vì thế, tác giả Gia-cô-bê khẳng định: “Đức tin nếu không có việc làm thì đức tin chết.”  Vậy, đức tin của tôi được thể hiện với những người xung quanh bằng những cách thức thực tế như thế nào?  Giờ đây tôi có thể hình dung rằng, tôi mời Chúa Giêsu vào không gian hàng ngày của tôi, hành trình đi làm của tôi…văn phòng của tôi… hoặc con phố nơi tôi đang sống chẳng hạn.  Hãy hình dung bước đi với Chúa Giêsu quanh khu vực này…  Tôi muốn nói chuyện với Ngài về người mà tôi quan tâm.  Bây giờ hãy để Chúa Giêsu nói với tôi về những người xung quanh.  Có lẽ Ngài muốn tôi giúp đỡ ai đó bằng cách bày tỏ tình yêu một cách thiết thực.  Đây có thể là gì?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và tiếp tục ở lại với Chúa Giêsu trong không gian này.  Điều gì hoặc ai hiện lên trong đầu tôi lúc này?  Cuối cùng, hãy kết thúc thời gian cầu nguyện này với lòng biết ơn vì tình yêu và sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống hàng ngày của tôi.  Tôi có thể dang tay ra như một dấu hiệu của đức tin và sự cởi mở của tôi đối với những cách thức bất ngờ của Chúa đang tác động qua tôi ngày hôm nay.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, September 13, 2024

Thứ Bảy Tuần XXIII Thường Niên – Năm B – 14-9-2024 – Lễ Suy Tôn Thánh Giá

Thu Bay XXIII TN

Gioan 3:13-17

13Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. 14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. 16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay là Lễ Suy Tôn Thánh Giá.  Hình ảnh thập giá có thể làm tôi chỉ nghĩ đến đau khổ, bởi trên thập giá đó là hình ảnh đau khổ đến tột cùng.  Tuy nhiên nếu chỉ nhìn thấy đau khổ trên thập giá mà thôi, thì quả là một thiếu sót rất lớn.  Bởi đỉnh cao của thập giá là tình yêu.  Chính vì yêu con người mà Thiên Chúa bước vào kiếp người và cũng chính vì yêu cho đến cùng mà Ngài đã sẵn sàng chết để minh chứng cho tình yêu ấy.  Hôm nay là Lễ Suy Tôn Thánh Giá, tôi thấy gì và cảm thấy gì ở ngày lễ này?  Tôi cảm thấy gì mỗi khi ngắm nhìn thánh giá?  Thánh giá tôi đeo trên cổ có ý nghĩa gì đối với tôi?  Tôi hiểu và cảm thấy gì mỗi khi làm dấu thánh giá? 

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý đến trọng tâm của bài đọc hôm nay, chính là: Tình yêu của Thiên Chúa.  Thánh Gioan viết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.”  Có khi nào tôi đã cho ai cái gì quý nhất và duy nhất chưa?  Tôi cho đi vì lý do gì?  Tôi cảm thấy gì khi cho đi?  Thiên Chúa yêu tôi đến mức cho đi Con Một của Ngài, tức là Ngài cho đi tất cả những gì Ngài có và quý nhất.  Tôi cảm thấy thế nào trước nghĩa cử này của Thiên Chúa?  Tôi muốn nói gì và muốn làm gì để đền đáp tình yêu rất lớn này?  Tôi dành giây phút này để ngắm nhìn thập giá và cảm nghiệm thật sâu tình yêu của Thiên Chúa chết treo trên đó vì tôi, và cho tôi.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Thập Giá Ngất Cao”, sáng tác của Lm Hoàng Kim, và để cho lời bài hát này dẫn tôi đến những thập giá quanh tôi, như sự hiện thân của thập giá Chúa Kitô vẫn còn chết thay cho tôi hôm nay.  Xin bấm vào đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=F9VZfQ2Yd1I

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, September 12, 2024

Thứ Sáu Tuần XXIII Thường Niên – Năm B – 13-9-2024 – Lễ Thánh Gioan Kim Khẩu

Thu Sau XXIII TN

Luca 6:39-42

39Khi ấy, Đức Giê-su kể cho môn đệ dụ ngôn này: “Mù mà lại dắt mù được sao?  Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? 40 Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi. 41 Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? 42 Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình?  Hỡi kẻ đạo đức giả!  Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là những lời dạy rất thực tế mà tôi có thể áp dụng trong đời sống hằng ngày của tôi.  Trong đó, Chúa Giêsu dạy về việc phán xét người khác và thói đạo đức giả khi không nhận ra sự bất toàn của chính mình.  Những lời này của Chúa Giêsu tác động đến tôi như thế nào?  Tôi có thể nhớ lại lần gần đây tôi đã chỉ trích, chê bai hoặc nói xấu người khác như thế nào không? Hãy nhớ lại, trước mặt Chúa, những lời tôi đã nói hoặc những suy nghĩ tôi đã có về tha nhân.  Có một sự khác biệt lớn giữa một đốm nhỏ trong mắt người khác và một khúc gỗ trong mắt tôi.  Chúa Giêsu đang sử dụng một phép ẩn dụ sống động và có lẽ rất khôi hài, có thể làm những người nghe mắc cười.  Nhưng, có lẽ tôi có thể hình dung ra một chút khó chịu, khi họ nhận ra sự thật trong lời nói của Ngài.  Hãy dành một chút thời gian để xin Chúa giúp tôi xác định bất kỳ “rác rưởi” nào trong mắt tôi.  Có lẽ, điều gì đó trong cuộc sống đã ảnh hưởng đến cách tôi nhìn và đánh giá người khác.  Có thể có sự chai đá hoặc cay đắng trong lòng, hoặc có thể có lúc bản thân tôi bị phán xét hoặc chỉ trích một cách bất công.  Tôi xin Chúa chữa lành.

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên nhiều lần nữa, rồi, cố gắng tiếp nhận chúng như thể Chúa đang nói những lời này với chính tôi.  Hãy dành một chút thời gian để đáp lại những gì Ngài nói.  Có thể tôi xin Ngài chữa lành, “loại bỏ khúc gỗ” khỏi điều gì đó đang ảnh hưởng đến mối quan hệ của tôi với người khác.  Hôm nay, Chúa đang muốn nói gì hoặc làm gì cho tôi?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, September 11, 2024

Thứ Năm Tuần XXIII Thường Niên – Năm B – 12-9-2024

Thu Nam XXIII TN

Luca 6:27-38

27Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây, hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, 28hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. 29 Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa.  Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. 30 Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. 31 Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. 32 Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa?  Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. 33 Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa?  Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. 34 Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa?  Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. 35 Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả.  Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác. 36 Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. 37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án.  Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. 38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại.  Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em.  Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay quả là một giáo lý mới.  Những gì Chúa Giêsu dạy khác hẳn với tất cả những giá trị trần thế mà tôi đã được lớn lên.  Chúa Giêsu dạy: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét các con, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa các con, và cầu nguyện cho kẻ vu khống các con…  Các con muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.”  Chắc hẳn, khi tôi đọc những dòng chữ này của Chúa Giêsu, nó làm tôi nghĩ đến một tình huống hiện tại hoặc một mối quan hệ rắc rối nào đó.  Hãy dành một chút thời gian để tập trung suy nghĩ này và nói chuyện với Chúa Giêsu như thể Ngài đang ở bên cạnh tôi.  Tiếp tục cuộc trò chuyện với Ngài, và suy ngẫm một chút về những khó khăn trong tình huống hoặc mối quan hệ này.  Điều gì làm tôi phiền lòng nhất?  Hãy suy ngẫm về cách tôi trải qua sự xáo trộn này và tác động của nó đối với cuộc sống hàng ngày của tôi.

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý đến những chỉ dẫn của Chúa Giêsu.  Những lời của Ngài giúp ích hoặc chữa lành tình huống mà tôi đang bận tâm như thế nào.  Tôi dành cả thời gian còn lại của giờ cầu nguyện để xin một ơn nào đó mà tôi thật sự cần cho ngày hôm nay, chẳng hạn như: ân sủng tha thứ, và cảm ơn Ngài vì sự hiện diện của Ngài với tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, September 10, 2024

Thứ Tư Tuần XXIII Thường Niên – Năm B – 11-9-2024

Thu tu XXIII TN

Luca 6:20-26

20Khi ấy, Đức Giê-su dừng lại ở một chỗ đất bằng.  Nơi đây có đông đảo dân chúng tìm đến với Người.  Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. 21 Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.  Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. 22 Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. 23 Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.  Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế. 24 Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. 25 Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than. 26 Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Không chỉ Phúc âm Mát-thêu mới ghi nhận bài giảng của Chúa Giêsu về “Tám Mối Phúc Thật” (Mt 5:1-12), bài đọc hôm nay từ Phúc âm Luca cũng ghi nhận “Tám Mối Phúc Thật.”  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể bắt đầu bằng việc đọc thật chậm bài đọc trên một hoặc nhiều lần.  Tôi sẽ để ý và dừng lại ở từng Mối Phúc, suy ngẫm và để ý xem Mối Phúc ấy có liên quan gì đến đời sống hiện tại của tôi.  Tôi để ý đến sự an ủi mà Chúa dành cho tôi qua những lời của Mối Phúc ấy.  Chẳng hạn tôi đọc câu này của Chúa Giêsu: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em… Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa.  Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”

2.     Sau đó, tôi lại đọc tiếp; “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.  Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.  Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.  Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.”  Rồi, tôi nói chuyện với Chúa Giêsu về những điều tôi đã nhận thấy.  Có lẽ tôi đã gặp phải muôn vàn khó khăn, và điều này có thể đã dẫn đến sự thay đổi không?  Bây giờ hãy tiếp tục cuộc trò chuyện, nói với Chúa Giê-su rằng tôi đã tìm thấy niềm an ủi ở đâu qua những lời này.  Hãy tạ ơn và để những lời này chiếm trọn trái tim tôi ngày hôm nay.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, September 9, 2024

Thứ Ba Tuần XXIII Thường Niên – Năm B – 10-9-2024

Thu Ba XXIII TN

Luca 6:12-19

12Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. 13 Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. 14 Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, 15Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Nhiệt Thành, 16 Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.

17Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng.  Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn 18đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật.  Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. 19 Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể bắt đầu bằng việc hình dung, tôi cũng đang ở trên núi với Chúa Giêsu khi Ngài cầu nguyện cùng Chúa Cha suốt đêm.  Cảm giác của tôi thế nào khi ở bên Chúa Giêsu?  Ngài cầu nguyện như thế nào?  Tôi nghe thấy tiếng Ngài cầu nguyện không?  Hãy cảm nhận và tận hưởng giây phút ở bên Ngài.  Rồi tôi hình dung khung cảnh lúc bình minh và Ngài đứng dậy, kết thúc một đêm cầu nguyện.  Tôi cũng theo Ngài xuống núi.  Khi đến gần chân núi, tôi để ý đến các môn đệ đang chờ đợi Ngài.  Khi đến gần họ, Chúa Giêsu gọi tên mười hai người, chọn họ làm thành một nhóm riêng, Nhóm Mười Hai.  Khi ấy tôi cũng đang đứng với họ.  Hãy hình dung Chúa Giêsu cũng gọi tên tôi và Ngài muốn tôi đi theo Ngài.  Tôi cảm thấy thế nào?

2.     Giờ đây tôi hình dung tiếp phần hai của bài đọc hôm nay.  Chúa Giêsu, Nhóm Mười Hai, trong đó có tôi cùng đi tới dân chúng tại chân núi.  Dân chúng rất đông, và họ đến từ Giu-đê-a, Giê-ru-sa-lem, vùng duyên hải Tia và Xi-đôn.  Họ đến để nghe Chúa Giêsu giảng và để được chữa lành.  Tôi thấy đám đông xô lấn, chen nhau để cố làm sao đến được thần gần bên Chúa Giêsu, mong được chạm vào gấu áo của Ngài để được chữa lành.  Khi tôi nhìn thấy đám đông đang cố gắng đến gần với Chúa Giêsu, hãy quan sát khi Chúa Giêsu chạm vào họ, chữa lành họ và phục vụ tất cả những ai tìm đến với Ngài.  Tôi cảm thấy gì trước những hành động của Chúa Giêsu và niềm tin cùng sự khát khao của dân chúng?  Tôi muốn dành thời gian còn lại của giờ cầu nguyện này nói chuyện với Chúa Giêsu về tất cả những cảm nghiệm tôi có được về Chúa Giêsu khi ở trên núi, lúc Ngài chọn tôi và lúc Ngài cho tôi thấy cách Ngài phục vụ dân chúng.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, September 8, 2024

Thứ Hai Tuần XXIII Thường Niên – Năm B – 9-9-2024 – Lễ Thánh Peter Claver

 Thu Hai XXIII TN

Luca 6:6-11

6Một ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy.  Ở đó có một người bị khô bại tay phải. 7 Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo Người. 8 Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây!”  Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó. 9 Đức Giê-su nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông, ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” 10 Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra!”  Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. 11 Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể dùng phương pháp hình dung của Thánh I-nha-xi-ô khi đọc Thánh Kinh để có thể đi vào thật sâu trong những gì mà Tin Mừng đang muốn nói với tôi.  Trước hết, tôi thử hình dung, quan sát khung cảnh ngày Sabát ngày đó diễn ra như thế nào.  Hãy hình dung tôi đang lén nhìn qua ô cửa của giáo đường Do Thái.  Tôi thấy gì?  Giờ đây hãy hình dung tôi đang cùng đi với Chúa Giêsu khi Người bước vào hội đường…  Hãy thử hòa mình vào bầu không khí khi tôi nhìn xung quanh.  Tôi có thể nghe thấy gì?  Hãy để ý người đàn ông có bàn tay khô bại…  Anh ta trông như thế nào?  Hãy hình dung căn bệnh này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của anh ấy ra sao?  Bây giờ hãy xem Chúa Giêsu để ý đến anh ta.  Vẻ mặt của Ngài như thế nào khi mời anh ta “trỗi dậy và đứng giữa đám đông”.

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và tiếp tục quan sát khung cảnh diễn ra như thể tôi đang ở đó.  Chúa Giêsu mời gọi người tay bại “giơ tay ra”.  Hãy để ý anh ta làm điều này…, chú ý cánh tay được chữa lành như thế nào…, cũng hãy chú ý thái độ của anh ta thay đổi như thế nào…  Bất chấp sự giận dữ và tranh luận trong hội đường, liệu tôi có thể chia sẻ niềm vui được chữa lành này với người tay bại này không.  Hãy dành một chút thời gian khi tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay, hãy xin Chúa Giêsu ban sự chữa lành của Ngài cho cuộc sống của tôi hôm nay.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, September 7, 2024

Chúa Nhật Tuần XXIII Thường Niên – Năm B – 8-9-2024

 CN XXIII TN

I-sai-a 35:4-7a

4Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ!  Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội.  Chính Người sẽ đến cứu anh em.” 5 Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. 6 Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.  Vì có nước vọt lên trong sa mạc, khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu. 7a Miền nóng bỏng biến thành ao hồ, đất khô cằn có mạch nước trào ra.

(Trích Sách I-sai-a, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Trong cuộc sống, đôi khi, tôi bắt gặp những kiểu nói đầy thách đố mà người ta hay gán cho đó là từ Chúa.  Chẳng hạn thiên hạ vẫn nói: “Trời phạt!”  “Ông Trời có mắt!”  Để nói, Thiên Chúa thật nghiêm khắc, không có lòng nhân.  Những kiểu nói này đi cả vào trong Kinh Thánh, chẳng hạn như: Thiên Chúa ghen tương; Ngài đánh phạt người ta đến ba bốn đời…!  Mỗi khi gặp những hình ảnh như vậy trong Kinh Thánh, tôi có đặt câu hỏi về bối cảnh văn hóa và thần học: tại sao người ta có cái nhìn như thế về Thiên Chúa?  Tôi có phân tích, suy ngẫm những kiểu nói đó, xem có đúng hay sai như thế nào không?  Thiên Chúa có thật như thiên hạ vẫn “đổ thừa” cho Ngài không?  Tôi hiểu những hình ảnh tiêu cực về Thiên Chúa như thế nào?  Bài đọc hôm nay cho tôi thấy những hình ảnh rất tích cực về Thiên chúa.  Bài đọc như tiên báo về sứ vụ tương lai của Chúa Giêsu: mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc sẽ được nghe.  Chúa Giêsu đã nghe tất cả những câu Kinh Thánh này và Ngài đã sống, rao giảng, và diễn tả cho mọi người có được những cảm nghiệm thân thiện về một Thiên Chúa ở giữa con người, yêu thương và chết cho mọi người.

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và hãy hình dung Chúa Giêsu đang nghe những lời này từ I-sai-a và Ngài đã sống, diễn tả đúng những hình ảnh tích cực về Thiên Chúa.  Ngài muốn tôi biết gì về Thiên Chúa hôm nay như thế nào?  Hãy thưa chuyện với Chúa Giêsu về bất cứ điều gì nảy sinh trong tôi từ đầu giờ cầu nguyện đến giờ và lắng nghe Người muốn nói gì với tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, September 6, 2024

Thứ Bảy Tuần XXII Thường Niên – Năm B – 7-9-2024

 Thu Bay XXII TN

Luca 6:1-5

1Vào một ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn. 2 Nhưng có mấy người Pha-ri-sêu nói: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát?” 3 Đức Giê-su trả lời: “Ông Đa-vít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng? 4 Ông vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn.  Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi.  Câu chuyện ấy, các ông chưa đọc sao?” 5 Rồi Người nói: “Con Người làm chủ ngày sa-bát.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay có cùng một chủ đề với bài đọc hôm qua, trong đó Chúa Giêsu cố gắng giải thoát người ta khỏi những truyền thống ngột ngạt, đủ mọi thức áp đặt đến mức người ta chỉ nghĩ đến lề luật mà quên luật làm ra vì con người chứ không phải con người vì lề luật.  Tôi cảm thấy thế nào trước những hạch họe của những người Pha-ri-sêu và cách trả lời của Chúa Giêsu?  Có một lối nghĩ, một khía cạnh sống nào mà tôi đang cảm thấy ngột ngạt, hoặc tôi đang làm cho người khác ngột ngạt?  Tôi nói chuyện với Chúa và hỏi Ngài xem tôi phải làm gì.

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý những ngôn từ hoặc hình ảnh nào đánh động tôi nhất.  Tôi nói chuyện với Chúa về những cái đó. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, September 5, 2024

Thứ Sáu Tuần XXII Thường Niên – Năm B – 6-9-2024

Thu Sau XXII TN

Luca 5:33-39

33Khi ấy, các người Pha-ri-sêu và các kinh sư nói với Đức Giê-su rằng: “Môn đệ ông Gio-an năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pha-ri-sêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!” 34 Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? 35 Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay.” 36 Đức Giê-su còn kể cho họ nghe dụ ngôn này: “Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ. 37 Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư. 38 Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới. 39 Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới.  Vì người ta nói: ‘Rượu cũ ngon hơn’.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Tôi có thể thấy trong bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu không muốn các môn đệ của Ngài bị trói buộc bởi xiềng xích của một truyền thống ngột ngạt.  Tôi có nghĩ Chúa Giêsu cũng muốn như vậy đối với tôi?  Tôi đang bị ngột ngạt ở những khía cạnh nào trong đời sống đức tin của tôi?  Tôi nghe thấy Ngài đang muốn tôi phải làm gì để được thanh thoát và tự do?  Chúa Giêsu có thể mời gọi tôi suy nghĩ theo những cách mới và làm những điều mới như thế nào? 

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý đến những lời mời gọi thay đổi của Chúa Giêsu đang chờ đợi tôi.  Lưu ý, luôn có sự căng thẳng xung quanh việc giữ lấy những gì là truyền thống lành mạnh và vẫn còn tốt đẹp sâu sắc, đồng thời cũng cởi mở với những cách thể hiện mới nhằm khuyến khích sự phát triển.  Tôi có thể thấy cả hai đức tính này nơi Chúa Giêsu không?  Rượu mới mà Chúa Giêsu muốn tôi uống là gì?  Nó có mùi như thế nào?  Nó có vị như thế nào?  Hãy nhận và nhận nó từ Chúa Giêsu.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, September 4, 2024

Thứ Năm Tuần XXII Thường Niên – Năm B – 5-9-2024 – Lễ Thánh Tê-rê-xa Calcuta

Thu Nam XXII TN

1Cô-rin-tô 3:18-23

18Thưa anh em, đừng ai tự lừa dối mình.  Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật. 19 Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa, như có lời chép rằng: Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng. 20 Lại có lời rằng: Tư tưởng kẻ khôn ngoan, Chúa đều biết cả, thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài. 21 Vậy đừng ai dựa vào phàm nhân mà tự hào.  Vì tất cả đều thuộc về anh em; 22dù là Phao-lô, hay A-pô-lô, hay Kê-pha, dù cả thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh em, 23mà anh em thuộc về Đức Ki-tô, và Đức Ki-tô lại thuộc về Thiên Chúa.

(Trích Thư Cô-rin-tô I, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay, Phao-lô chỉ cho tôi thấy đâu là những giá trị thuộc về Thiên Chúa.  Những giá trị ấy hoàn toàn trái ngược với những giá trị của tôi, những giá trị trần thế.  Cuộc đời của Chúa Giêsu cũng thế, Ngài sống và rao giảng những giá trị trái ngược với những giá trị trần thế, chẳng hạn như: Tám Mối Phúc (Mt 5:1-12).  Tôi còn thấy Chúa Giêsu giảng đối nghịch với những giá trị trần thế ở những chỗ nào nữa trong các Phúc âm?  Đối với Chúa Giêsu, hiền lành là sức mạnh; phục vụ là sự tuyệt vời; nghèo đói là tự do; cái chết là bàn đạp dẫn tới sự sống vĩnh cửu…  Việc thuộc về Đấng Kitô như vậy đó, tôi nghĩ sao?  Tôi có cảm thấy hấp dẫn với những lời rao giảng của Chúa Giêsu nữa không?  Thánh Phaolô khuyến khích tôi tin tưởng vào Thiên Chúa và vào Chúa Kitô hơn bất cứ ai và bất cứ điều gì khác trên thế giới này.  Sự tin tưởng này chỉ có thể phát triển dần dần qua mối tương quan với Chúa Giêsu.  Cầu nguyện mỗi này, nói chuyện thân tình với Chúa Giêsu là phương thế hiệu nghiệm nhất.

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý cách Phaolô kêu gọi người Cô-rin-tô nghĩ khác về cuộc sống.  Hôm nay Phaolô khuyến khích tôi đặt niềm tin nơi Thiên Chúa và Chúa Giêsu như thế nào?  Tôi muốn đáp lại sự khuyến khích đó ra sao?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, September 3, 2024

Thứ Tư Tuần XXII Thường Niên – Năm B – 4-9-2024

Thu Tu XXII TN

Luca 4:38-44

38Khi ấy, Đức Giê-su rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Si-môn.  Bấy giờ, bà mẹ vợ ông Si-môn đang bị sốt nặng.  Họ xin Người chữa bà. 39 Đức Giê-su cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài. 40 Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền, đều đưa tới Người.  Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. 41 Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa!”  Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Ki-tô. 42 Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng.  Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi. 43 Nhưng Người nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” 44 Và Người rao giảng trong các hội đường miền Giu-đê.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Có thể tôi thường nghĩ, Chúa Giêsu chẳng bao giờ từ chối bất cứ ai cần đến Ngài.  Tuy nhiên, không phải khi nào Ngài cũng nhận lời, chẳng hạn như tôi thấy trong bài đọc hôm nay.  Chắc chắn là có rất nhiều người đang cần đến Ngài ở Capernaum.  Người ta đi tìm kiếm Ngài, ngay cả từ sáng sớm khi Ngài đi đến nơi thanh vắng cầu nguyện.  Khi họ đã tìm thấy Ngài, họ muốn giữ Ngài ở lại với họ.  Tuy nhiên, Ngài đã từ chối.  Việc Ngài từ chối không phải vì Capernaum không đáng cho Ngài quan tâm, nhưng vì sứ mạng lớn hơn, nhằm cứu giúp nhiều người hơn.  Chúa Giêsu biết mình là ai và Ngài biết khi nào nhận lời và khi nào từ chối.  Tôi có tìm thấy chính mình ở trong bài đọc hôm nay?  Có khi nào tôi cảm thấy thật sự cần Chúa và tìm kiếm Ngài một cách thật tình và nhiệt tình?  Có khi nào tôi cảm thấy Ngài từ chối sự mong mỏi của tôi và khi nào Ngài đã đáp lại những mong mỏi của tôi?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong giây phút này? 

2.     Bài đọc hôm nay nghe thật sôi động, nhưng cũng có những giây phút tĩnh lặng, khi từ sáng sớm Chúa Giêsu đã đi tìm một nơi thanh vắng để cầu nguyện.  Giờ đây tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần và để ý những phản ứng và cảm xúc trước sự từ chối của Chúa Giêsu với dân chúng.  Tôi có thể học ở Chúa Giêsu cách chối từ một thỉnh cầu ra sao.  Josh Billings, một văn hào Mỹ nói: "Phân nửa những rắc rối trong đời sống này có thể đến từ những đồng ý quá vội vàng, mà không biết từ chối sớm hơn -- Half of the troubles of this life can be traced to saying 'yes' too quickly and not saying 'no' soon enough".  Tôi muốn dành những giây phút còn lại của giờ cầu nguyện để bàn chuyện với Chúa Giêsu, xem khi Ngài từ chối để rồi Ngài dồn sức lực của mình vào đâu.  Khi tôi từ chối lời mời của ai đó là vì tôi muốn dồn sức và thời giờ vào những việc chính đáng và đúng đắn hơn như thế nào?  Tôi bàn chuyện này với Chúa Giêsu.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, September 2, 2024

Thứ Ba Tuần XXII Thường Niên – Năm B – 3-9-2024 – Lễ Thánh Gregory Cả, Giáo Hoàng – Tiến Sĩ Hội Thánh

Thu Ba XXII TN

Luca 4:31-37

31Khi ấy, Đức Giê-su xuống Ca-phác-na-um, một thành miền Ga-li-lê, và ngày sa-bát, Người giảng dạy dân chúng. 32 Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền. 33 Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: 34“Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?  Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” 35 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”  Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. 36 Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: “Lời ấy là thế nào?  Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!” 37 Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một câu chuyện về một người bị thần ô uế ám.  Có những người đọc Phúc âm như là một kịch bản đã được viết sẵn và mọi sự diễn ra trong đó đều là những sắp đặt từ trước.  Đã bao nhiêu lần tôi đọc Phúc âm và thấy Chúa Giêsu đang giảng dạy hoặc đang chữa bệnh và bị quấy rối đầy thách thức từ một người nào đó bị quỷ ám hoặc tức giận Ngài?  Chúa Giêsu không bao giờ bị quấy rầy bởi sự gián đoạn.  Không bao giờ lo lắng.  Không bao giờ bị đánh lừa!  Ngài rất bình tĩnh.  Tôi nghĩ sao về đức tính này ở Chúa Giêsu?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và thử hình dung cách Chúa Giêsu phản ứng trước sự gián đoạn khi Ngài đang giảng dạy.  Có người nói rằng, nếu bạn muốn làm Chúa cười, tại sao không nói cho Ngài biết kế hoạch của bạn!  Hãy tận hưởng sự bình tĩnh không thể lay chuyển của Chúa Giêsu.  Tôi có thể xin Ngài ơn xin bình tĩnh trước mọi biến cố trong cuộc sống, cụ thể một biến cố nào đó đang xảy ra trong ngày sống của tôi hôm nay.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, September 1, 2024

Thứ Hai Tuần XXII Thường Niên – Năm B – 2-9-2024

Thu Hai XXII TN

1 Cô-rin-tô 2:1-5

1Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa. 2 Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá. 3 Vì thế, khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy. 4 Tôi nói, tôi giảng, mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. 5 Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa.

(Trích Thư Cô-rin-tô I, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading) 

Gợi ý cầu nguyện

1. Trong đời sống đức tin, có lẽ đã có những lúc tôi cảm thấy lúng túng và “bí” không biết trả lời như thế nào trước những câu hỏi của những người xung quanh, của những người thân, của những người vô thần, chẳng hạn như: Nếu Thiên Chúa là một Đấng đầy yêu thương, thế tại sao lại có đau khổ?  Tại sao có quá nhiều đau khổ trên thế giới?  Đặc biệt, tại sao lại có quá nhiều người vô tội đau khổ?  Trong lịch sử niềm tin, chắc chắn đã có những câu trả lời rất xác đáng mang tính triết học hoặc thần học cho những bối rối của tôi.  Có khi nào tôi cũng vật lộn với những câu hỏi như vậy?  Thánh Phaolô trong bài đọc hôm nay chống lại bất kỳ câu trả lời nào mang tính dễ dãi hoặc nửa vời.  Thay vào đó, ngài hướng mọi người tới một Thiên Chúa đã chọn làm người trong Chúa Giêsu.  Câu trả lời xác đáng nhất nằm ở nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh.  Ngài là Thiên Chúa đích thực, vô tội, ấy vậy mà bị con người đánh đập, xỉ nhục và giết, chết tất tưởi trên thập giá như một tử tội.  Tôi phản ứng thế nào về điều này?  Liệu Chúa Giêsu có thể là câu trả lời xác đáng nhất cho tôi, mỗi khi tôi lúng túng và vật lội với những câu hỏi trên?  Đây là Thiên Chúa mà Phaolô tin tưởng và tuyên xưng.  Thiên Chúa ấy muốn trả lời cho mọi đau khổ, bất công và sự dữ.  Quyền năng của Thiên Chúa nằm ở chính sự tự hạ để mặc lấy thân phận con người, yếu đuối.

2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa hầu có thể giúp tôi vững tâm trước mọi người thách thức niềm tin của tôi.  Khi tôi xem xét thế giới đau khổ, tôi không cần phải giải quyết tất cả.  Đúng hơn, trong tâm trí tôi, tôi có thể nhìn ngắm Chúa Giêsu trên thập giá, thế là đủ.  Chính thập giá của Chúa Giêsu sẽ cho tôi câu trả lời xác đáng nhất.

Phạm Đức Hạnh, SJ