Sunday, January 14, 2024

Thứ Hai – Tuần II Thường Niên – Năm B – 15-1-2024

Thu Hai II TN

Mác-cô 2:18-22

18Khi ấy, các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giê-su: “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” 19 Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?  Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. 20 Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó. 21 Chẳng ai lấy vải mới vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. 22 Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư.  Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!”

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay thật thú vị ở câu trả lời của Chúa Giêsu với người đã thắc mắc, một cách ngờ nghệch, về cách hành đạo của các môn đệ Ngài.  Câu trả lời của Chúa Giêsu đã cho họ thấy, thật là kỳ quặc nếu khách ăn chay trong tiệc cưới.  Ở đây Chúa Giêsu gợi ý rằng, sự hiện diện của Ngài với các môn đệ có thể ví như chàng rể trong tiệc cưới.  Tôi nghĩ Ngài muốn nói gì qua sự so sánh này?  Việc ăn chay đóng vai trò gì trong việc thực hành tâm linh hoặc tôn giáo của tôi?  Ưu điểm của nó là gì hoặc có thể là gì?  Chiếc áo rách và bầu da vỡ là những hình ảnh mạnh mẽ cho thấy lời dạy của Chúa Giêsu chắc hẳn phải mới mẻ đối với những môn đệ đầu tiên của ngài.  Có điều gì trong sự giảng dạy của Ngài mà ngày nay vẫn có thể làm tôi ngạc nhiên hoặc bị thách thức?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa, và hình dung những người hỏi Chúa Giêsu.  Câu hỏi ấy, ngày hôm nay hoặc cụ thể trong đời sống hiện  tại của tôi, có thể được trả lời như thế nào?  Trong những giây phút còn lại của giờ cầu nguyện này, tôi muốn nói với Chúa Giêsu về tất cả những gì đã đánh động tôi trong khi suy niệm bài đọc này.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment