Sunday, April 30, 2023

Thứ Hai IV Phục Sinh – Năm A –1-5-2023 – Lễ Thánh Giuse Thợ

Thu Hai IV PS

Cô-lô-xê 3:14-15, 17, 23-24

14Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. 15 Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó.  Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân…17 Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha...23 Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời24 vì biết rằng anh em sẽ nhận được phần thưởng Chúa ban, là gia nghiệp dành cho dân Người.  Đức Ki-tô là Chủ, anh em hãy phục vụ Người.

(Trích Thư Cô-lô-xê, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Ôi bài đọc hôm nay đẹp làm sao!  Trước hết, Thánh Phao-lô khuyên: Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.”  Lòng bác ái là mối dây liên kết tuyệt hảo trong mọi tương quan của cuộc sống, trong gia đình, cộng đoàn, học đường, sở làm, với người thân quen cũng như với người xa lạ, với người đồng đạo cũng như với những người không đồng đạo.  Tôi nhìn vào mọi tương quan trong cuộc sống của tôi, đâu là những mối tương quan đang lỏng lẻo và có nguy cơ đổ vỡ, tôi muốn nói với Chúa về những mối tương quan ấy, những khó khăn và thách đố trong những mối tương quan ấy.  Tôi muốn lấy lời khuyên của Thánh Phao-lô trong bài đọc hôm nay để hàn gắn và chữa lành.  Tôi xin ơn can đảm để dám đi bước trước và dám hành động, nhằm xây dựng chứ không đạp bể.  Làm như thế là tôi đang chọn để bình an của Chúa Kitô điều khiển tâm hồn tôi. 

2.     Kế tiếp, Thánh Phao-lô cũng khuyên tôi cần sống tâm tình biết ơn trong mọi sự và làm hoặc nói bất cứ điều gì, hãy làm và nói nhân danh Chúa Giêsu Kitô.  Điều cần thiết phải nhớ nữa là hãy làm mọi sự như là làm cho Chúa Giêsu Kitô, chứ không phải cho người phàm.  Nếu tôi ý thức được điều này, chắc chắn tôi sẽ làm mọi sự, nói mọi điều khác lắm, đẹp lắm, vui lắm, nhiệt tâm lắm.  Tôi muốn đọc lại thật chậm và nhiều lần bao nhiêu có thể những lời khuyên trên của Thánh Phao-lô, để cho từng lời trên thấm thật sâu vào trong xương tủy tôi, cõi lòng tôi, tâm trí tôi, biến chúng trở thành bản năng trong tôi.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng lời nguyện của Mẹ Tê-rê-xa như sau: Lạy Chúa Giêsu thương mến, xin ban cho chúng con tỏa lan hương thơm của Chúa đến mọi nơi chúng con đi.  Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.  Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.  Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con, để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.  Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa” (Lời Nguyện Rabbouni #68).

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, April 29, 2023

Chúa Nhật IV Phục Sinh – Năm A –30-4-2023 – Chúa Nhật Cầu Cho Ơn Thiên Triệu

CN IV PS

Gioan 10:1-10

1"Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. 2 Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. 3 Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. 4 Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. 5 Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ." 6 Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó.  Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ. 7 Vậy, Đức Giê-su lại nói: "Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. 8 Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. 9 Tôi là cửa.  Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu.  Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. 10 Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ.  Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay rất đẹp.  Chúa Giêsu ví mình như là cửa chuồng chiên.  Chiên nào ra vào cửa ấy sẽ gặp được đồng cỏ.  Người Do-thái ngày xưa có thói quen, mỗi làng có một chuồng chiên chung và mọi gia đình, tối đến, đều lùa chiên vào trong cùng một chuồng ấy và có người canh giữ ban đêm.  Người canh chiên sẽ nằm ngáng ngay cửa chuồng, để bất cứ ai muốn vào chuồng chiên đều phải bước qua người canh chiên ấy, như vậy sẽ đánh thức người canh chiên.  Người canh chiên sẽ biết ai là kẻ trộm và ai là người chăn chiên thật.  Chắc chắn, kẻ trộm sẽ nhảy rào chứ không bao giờ dám đi qua cửa chuồng chiên, khi người canh chiên đang nằm ngáng ngay cửa chuồng.  Trong giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể hình dung, từ trước đến giờ tôi có thật sự đi qua cửa Chúa Giêsu hay tôi thường đi qua những lối khác?  Dấu chỉ để nhận biết tôi có đi qua cửa Chúa Giêsu hay không đó là, tôi tìm thấy đồng cỏ, tìm thấy sức sống.  Tôi có thể nhìn vào chính đời sống của tôi có thật sự tràn đầy sức sống, niềm vui và sự bình an, hay tôi đang sống trong buồn chán, đau khổ, thất vọng, lo sợ và mất bình an?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu, khi Ngài ngày đêm canh giữ để tôi được sống thực sự và sống an toàn?

2.  Chúa Giêsu cũng khẳng định, kẻ trộm đến chỉ muốn giết hại và phá hủy đàn chiên; chỉ có Ngài đến là để cho chiên được sống và sống dồi dào.  Tôi hiểu lời này của Chúa Giêsu như thế nào?  Tôi tin lời này của Chúa Giêsu đến mức nào?  Mỗi ngày tôi có tìm đến với Chúa Giêsu để được sống và sống dồi dào, hay tôi đã tìm đến với ai?  Người ấy có đem cho tôi sự sống đích thực?  Tôi có thể chia sẻ với Chúa Giêsu những nỗ lực tìm kiếm cuộc sống sung mãn của tôi bao lâu nay như thế nào, và để ý Ngài sẽ nói gì về những nỗ lực kiếm tìm ấy.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, April 28, 2023

Thứ Bảy Tuần III Phục Sinh – Năm A –29-4-2023

Thu Bay III PS

Gioan 6:60-70

60Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: "Lời này chướng tai quá!  Ai mà nghe nổi?" 61 Nhưng Đức Giê-su tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: "Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? 62 Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? 63 Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì.  Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống. 64 Nhưng trong anh em có những kẻ không tin."  Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. 65 Người nói tiếp: "Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho." 66 Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa. 67 Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?" 68 Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?  Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. 69 Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa." 70 Đức Giê-su đáp: "Chẳng phải Thầy đã chọn anh em là Nhóm Mười Hai sao?  Thế mà một người trong anh em lại là quỷ!" 71 Người muốn nói về Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt; thật thế, chính y, một môn đệ trong Nhóm Mười Hai, sẽ nộp Người.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay nằm ở phần cuối cùng của Chương Sáu Phúc âm Gioan, một chương dài dành để nói về bài giảng của Chúa Giêsu về bánh hằng sống.  Sau một bài giảng dài như vậy, ở phần cuối cùng của chương này, Gioan cho tôi biết, nhiều người đã bỏ đi vì không thể chấp nhận được những gì Chúa Giêsu giảng, kể cả một số môn đệ.  Có thể nói, hôm nay là một ngày thất bại của Chúa Giêsu.  Giảng hết tâm huyết, với tận cõi lòng của Ngài đến khản cả cổ, thế mà chẳng mấy người tin theo.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể ở trong tâm tình thật buồn này của Chúa Giêsu để hiểu Ngài và đặc biệt để sự thất bại này của Chúa Giêsu nâng đỡ, trước những khó khăn và thất bại của tôi hôm nay.  Chúa Giêsu mà cũng gặp phải thất bại, vậy tôi là ai mà không gặp phải những thất bại trong cuộc sống?  Chúa Giêsu cảm thấy như thế nào khi bị người ta chất vấn, chối từ, và bỏ đi?  Có khi nào tôi đã hết mình giúp đỡ người khác một cách tận tình, nhưng rồi chỉ nhận được sự chối từ, bỏ đi và vô ơn?  Tôi cảm thấy thế nào những lúc ấy?  Tôi nói chuyện với Chúa về những cảm nghĩ tiêu cực lúc ấy, và có thể vẫn còn kéo dài đến hôm nay.

2.     Sau khi bị nhiều người, kể cả nhiều môn đệ bỏ đi, Chúa Giêsu quay qua Nhóm Mười Hai, hỏi: “Còn các con, các con có muốn bỏ Thầy mà đi không?”  Nếu Chúa Giêsu hỏi tôi trong giờ cầu nguyện này câu hỏi này, tôi trả lời Ngài thế nào?  Có khi nào tôi cũng là một trong những người đã từng chất vấn, chối từ, bỏ đi hoặc vô ơn với Thiên Chúa?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu về những lần tôi chối từ Ngài?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, April 27, 2023

Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh – Năm A –28-4-2023

Thu Sau III PS

Công Vụ Tông Đồ 9:1-20

1Ông Sao-lô vẫn còn hằm hằm đe doạ giết các môn đệ Chúa, nên đã tới gặp thượng tế2 xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Đa-mát, để nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giê-ru-sa-lem. 3 Vậy đang khi ông đi đường và đến gần Đa-mát, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. 4 Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: "Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?" 5 Ông nói: "Thưa Ngài, Ngài là ai?"  Người đáp: "Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ. 6 Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì." 7 Những người cùng đi với ông dừng lại, sững sờ: họ nghe có tiếng nói, nhưng không trông thấy ai. 8 Ông Sao-lô từ dưới đất đứng dậy, mắt thì mở nhưng không thấy gì.  Người ta phải cầm tay dắt ông vào Đa-mát. 9 Suốt ba ngày, ông không nhìn thấy, cũng chẳng ăn, chẳng uống. 10 Bấy giờ ở Đa-mát có một môn đệ tên là Kha-na-ni-a.  Trong một thị kiến, Chúa phán với ông: "Kha-na-ni-a!"  Ông thưa: "Dạ, lạy Chúa, con đây." 11 Chúa bảo ông, "Đứng lên, đi tới phố gọi là Phố Thẳng, đến nhà Giu-đa tìm một người tên là Sao-lô quê ở Tác-xô: người ấy đang cầu nguyện12 và thấy một người tên là Kha-na-ni-a đi vào, đặt tay trên mình để làm cho mình lại thấy được." 13 Ông Kha-na-ni-a thưa: "Lạy Chúa, con đã nghe lắm kẻ nói về người ấy, về tất cả những điều ác người ấy đã làm cho dân thánh Chúa tại Giê-ru-sa-lem. 14 Còn ở đây, người ấy được các thượng tế cho quyền bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa." 15 Nhưng Chúa phán với ông: "Cứ đi, vì người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Ít-ra-en. 16 Thật vậy, chính Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất cả những đau khổ người ấy phải chịu vì danh Ta." 17 Ông Kha-na-ni-a liền đi; ông vào nhà, đặt tay trên ông Sao-lô và nói: "Anh Sa-un, Chúa đã sai tôi đến đây, Người là Đức Giê-su, Đấng đã hiện ra với anh trên đường anh tới đây.  Người sai tôi đến để anh lại thấy được và để anh được đầy Thánh Thần." 18 Lập tức có những cái gì như vảy bong ra khỏi mắt ông Sao-lô, và ông lại thấy được.  Ông đứng dậy và chịu phép rửa. 19 Rồi ông ăn và khoẻ lại. 20 rồi lập tức ông bắt đầu rao giảng Đức Giê-su trong các hội đường, rằng Người là Con Thiên Chúa.

(Trích Sách Công Vụ Tông Đồ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một câu chuyện rất nổi tiếng, kể về cuộc đổi đời của Phao-lô, từ một con người rất ghét và tìm đủ mọi cách bắt bớ, tống ngục tất cả những ai tin theo giáo lý của Chúa Giêsu, ông đã trở thành một vị Tông đồ lớn nhất, được đặt ngang hàng với vị Tông đồ niên trưởng trong Giáo hội, Phê-rô.  Điều này thật khó tưởng tượng và vượt mọi trí hiểu của tôi.  Bởi đối với tôi, một người tội lỗi vừa vừa, có thể hy vọng và tin được là một ngày nào đó người ấy sẽ bỏ đường tội lỗi và quay trở về với Thiên Chúa, nhưng đối với một người tội lỗi lớn như Phao-lô, vậy mà Chúa Giêsu lại gọi ông trở thành môn đệ của Ngài; mà không chỉ là một môn đệ, nhưng còn là một Tông đồ lớn nhất trong Giáo hội.  Điều này cho tôi thấy, thánh thiện hay tốt lành chưa hẳn đã hoàn toàn là nỗ lực của tôi, nhưng phần lớn là do Thiên Chúa làm cho tôi thánh thiện và tốt lành.  Đọc lại câu chuyện đổi đời của Phao-lô cho tôi cảm nhận gì?  Tôi có cảm thấy vui và hy vọng hơn không, dù tôi là ai?  Tôi đang thánh thiện ư?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu Phục Sinh trong lúc này?  Tôi tội lỗi lắm ư?  Hãy kể cho Chúa Giêsu Phục Sinh nghe tất cả quá khứ của tôi và để ý Ngài đón nhận tôi như thế nào.  Nên nhớ, không một tội lỗi nào của tôi có thể lớn hơn tình yêu của Thiên Chúa, hay có thể làm cho Ngài không thể yêu tôi.  Như thi sĩ và cũng là kịch sĩ rất nổi tiếng người Ái-nhĩ-lan vào đầu những năm 1890, Oscar Wilde (1854-1900) nói, “Thánh nhân nào cũng có một quá khứ và tội nhân nào cũng có một tương lai – Every saint has a past and every sinner has a future.”  

2.  Tôi có thể đọc lại câu chuyện đổi đời của Phao-lô và nói chuyện với ông trong lúc này.  Tôi có thắc mắc gì về cuộc đời của ông?  Chuyện đổi đời của Phao-lô nghe sao thật dễ dàng, nhưng có thật sự dễ như vậy không?  Một người rất bảo thủ và cố chấp về niềm tin như Phao-lô, ông chỉ thấy tất cả những gì được dạy từ nhỏ là những điều đúng và chân thật mà ông sẽ phải theo suốt đời; ông không chỉ muốn mình ông, nhưng còn muốn tất cả những người khác cũng phải theo và sẵn sàng bỏ tù tất cả những ai có những suy nghĩ và cổ võ những gì đụng chạm và xúc phạm đến niềm tin của ông.  Thế nhưng, Phao-lô đã thay đổi hoàn toàn, sẵn sàng bỏ tất cả những giáo lý ông đã được dạy từ nhỏ như những gì chân thật nhất, để đi theo Chúa Giêsu.  Chắc chắn câu chuyện đổi đời này không dễ chút nào và không thể xảy ra trong một ngày.  Tôi có thể nhìn vào chính cuộc đời của tôi để hiểu rõ Phao-lô hơn.  Một hình ảnh, một câu chuyện hay một lời nói nào đó tôi nghe từ Youtube, Facebook, một đảng phái chính trị, hoặc một người nào đó đã in vào trong đầu tôi từ khi nào, tôi có dễ từ bỏ nó không?  Không dễ chút nào!  Hôm nay và trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn xem lại tất cả những gì tôi đã ôm ấp và được dạy bảo từ hồi còn bé hoặc trong những năm vừa qua, những cái đó có Chúa Giêsu không, có đem lại cho tôi sức sống, hy vọng, yêu thương, lạc quan và bình an không?  Nếu không, tôi cần phải bỏ.  Những cái đó đang dẫn tôi đến gần Chúa Giêsu hay đến gần với anh chị em không?  Nếu không, tôi cần phải bỏ.  Tôi lấy giây phút này để xét mình và làm lại những quyến định mới trong cuộc đời.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, April 26, 2023

Thứ Năm Tuần III Phục Sinh – Năm A –27-4-2023

Thu Nam III PS

Công Vụ Tông Đồ 8:26-40

26Thiên sứ của Chúa nói với ông Phi-líp-phê: "Đứng lên, đi về hướng nam, theo con đường từ Giê-ru-sa-lem xuống Ga-da; con đường này vắng."27 Ông đứng lên đi.  Khi ấy có một viên thái giám người Ê-thi-óp, làm quan lớn trong triều của bà Can-đa-kê, nữ hoàng nước Ê-thi-óp.  Ông này làm tổng quản kho bạc của bà.  Ông đã lên Giê-ru-sa-lem hành hương28 và bấy giờ đang trên đường về.  Ngồi trên xe nhà, ông đọc sách ngôn sứ I-sai-a. 29 Thần Khí nói với ông Phi-líp-phê: "Tiến lên, đuổi kịp xe đó." 30 Ông Phi-líp-phê chạy lại, nghe thấy ông kia đọc sách ngôn sứ I-sai-a, thì hỏi: "Ngài có hiểu điều ngài đọc không?" 31 Ông quan đáp: "Mà làm sao tôi hiểu được, nếu không có người dẫn giải?"  Rồi ông mời ông Phi-líp-phê lên ngồi với mình. 32 Đoạn Kinh Thánh ông đang đọc là đoạn này: Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng mở miệng kêu ca. 33 Bởi Người bị hạ xuống, nên bản án của Người đã được huỷ bỏ.  Dòng dõi Người, ai sẽ kể lại, vì cuộc sống của Người trên trần gian đã bị chấm dứt. 34 Viên thái giám ngỏ lời với ông Phi-líp-phê, "Xin ông cho biết: vị ngôn sứ nói thế về ai?  Về chính mình hay về một ai khác?" 35 Ông Phi-líp-phê lên tiếng, và khởi từ đoạn Kinh Thánh ấy mà loan báo Tin Mừng Đức Giê-su cho ông. 36 Dọc đường, các ông tới một chỗ có nước, viên thái giám mới nói: "Sẵn nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không?" 37 Ông Phi-líp-phê đáp: "Nếu ngài tin hết lòng, thì được."  Viên thái giám thưa: "Tôi tin Đức Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa." 38 Ông truyền dừng xe lại.  Ông Phi-líp-phê và viên thái giám, cả hai cùng xuống chỗ có nước, và ông Phi-líp-phê làm phép rửa cho ông quan. 39 Khi hai ông lên khỏi nước, Thần Khí Chúa đem ông Phi-líp-phê đi mất, và viên thái giám không còn thấy ông nữa.  Nhưng ông tiếp tục cuộc hành trình, lòng đầy hoan hỷ. 40 Còn ông Phi-líp-phê thì người ta gặp thấy ở Át-đốt.  Ông loan báo Tin Mừng cho mọi thành thị ông đi qua, cho tới khi đến Xê-da-rê.

(Trích Sách Công Vụ Tông Đồ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay lại là một trang nhật ký rất đẹp nữa có thể giúp tôi có những giây phút thật đẹp và những cuộc trao đổi rất sâu với Chúa trong giờ phút này.  Trước hết, tôi để ý đến sự nhạy bén của Phi-líp-phê trước sự thúc đẩy của sứ thần Chúa, thúc ông lên đường đi theo hướng nam về Ga-da.  Không ngờ khi lên đường, ông đã gặp viên thái giám đang có những thắc mắc về Kinh Thánh và ông đã giải thích cho viên thái giám hiểu.  Nhờ đó viên thái giám đã nhận được phép rửa.  Phi-líp-phê sẽ chẳng thể nào biết được Chúa nói trong ông, nếu ông không có một tấm lòng yêu mến Chúa và tiếp xúc với Ngài thường xuyên.  Bởi, có một sự thật là, khi yêu người ta thường trở nên rất nhạy bén trước tiếng nói và nhu cầu của người mình yêu, dù đó là một lời nói rất nhỏ, hoặc một việc làm rất nhẹ nhàng và kín đáo của người mình yêu.  Tôi yêu Chúa đến mức nào?  Tôi có nhạy bén trước những gì Chúa vẫn nói trong tôi?  Kinh nghiệm nghe được tiếng Chúa thì thầm trong tôi gần đây nhất là khi nào?  Tôi đáp trả như thế nào trước những tiếng nói ấy?  Tôi muốn ngồi trong thinh lặng để nghe rõ hơn những gì Chúa đang nói với tôi ngay lúc này.

2.     Điểm thứ hai rất đẹp trong trang nhật ký ở bài đọc hôm nay đó là, sau khi Phi-líp-phê được thần khí Chúa cất đi, viên thái giám tiếp tục hành trình mà lòng đầy hoan hỷ vui mừng.  Chi tiết này có thể nhắc tôi đến một chi tiết trong bài đọc của Chúa Nhật III, ba hôm trước, khi hai môn đệ trên đường Emmau gặp Chúa Giêsu Phục Sinh, lòng họ khấp khởi mừng trở về Giê-ru-sa-lem ngay trong đêm tối, báo cho các môn đệ khác biết những gì mà họ đã gặp và nghe từ Chúa Giêsu Phục Sinh.  Dấu hiệu rõ ràng nhất của những người gặp Chúa là họ trở nên một con người mới, mang một sức sống mới, đầy lạc quan, hy vọng và yêu đời và họ không thể ngồi yên nhưng muốn chia sẻ với mọi người về những biến đổi trong họ.  Tôi có thể nhìn vào đời sống của tôi: Sau mỗi lần đi tham dự Thánh lễ, mỗi lần tĩnh tâm, mỗi lần cầu nguyện, tôi có thấy tôi là một con người mới, có đầy sức sống và hy vọng, lạc quan, yêu đời?  Tôi có đứng ngồi không yên vì chỉ muốn chia sẻ với mọi người về những gì Chúa đã làm cho tôi?  Nếu tôi đã gặp được Chúa Giêsu Phục Sinh, tôi muốn nói gì với Ngài trong giây phút này?  Một tâm tình biết ơn chăng?  Nếu tôi chưa gặp Ngài, tại sao vậy?  Tôi hỏi chính mình và mở lòng, xin Chúa Giêsu Phục Sinh cho tôi được gặp Ngài.      

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, April 25, 2023

Thứ Tư Tuần III Phục Sinh – Năm A –26-4-2023

Thu Tu III PS

Công Vụ Tông Đồ 8:1b-8

1bHồi ấy, Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội.  Ngoài các Tông Đồ ra, mọi người đều phải tản mác về các vùng quê miền Giu-đê và Sa-ma-ri. 2 Có mấy người sùng đạo chôn cất ông Tê-pha-nô và khóc thương ông thảm thiết. 3 Còn ông Sao-lô thì cứ phá hoại Hội Thánh: ông đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục. 4 Vậy những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo lời Chúa. 5 Ông Phi-líp-phê xuống một thành miền Sa-ma-ri và rao giảng Đức Ki-tô cho dân cư ở đó. 6 Đám đông một lòng chú ý đến những điều ông Phi-líp-phê giảng, bởi được nghe đồn và được chứng kiến những dấu lạ ông làm. 7 Thật vậy, các thần ô uế vừa kêu lớn tiếng vừa xuất khỏi nhiều người trong số những kẻ bị chúng ám.  Nhiều người tê bại và tàn tật được chữa lành. 8 Trong thành, người ta rất vui mừng.

(Trích Sách Công Vụ Tông Đồ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay tôi được đọc những trang nhật ký truyền giáo của Giáo hội sơ khai.  Tôi được biết các Kitô lúc bấy giờ bị bắt đạo tàn khốc, họ phải trốn chui trốn nhủi, phải chạy ngược xuôi, phải tản mát khắp nơi.  Tôi cảm thấy thật thương vì họ phải gặp bao nhiêu khốn khó vì đức tin.  Nhưng nghĩ một cách tích cực, tôi cảm thấy biết ơn hơn về món quà đức tin mà tôi đang có ngày hôm nay.  Nó đã được trả bằng một giá rất đắt: bằng máu và nước mắt của biết bao nhiêu các Kitô hữu trước tôi.  Nhờ những hy sinh của họ mà hạt giống đức tin được nảy mầm khắp nơi trên thế giới hiện nay, trong đó có tôi là người đang được thừa hưởng.  Tôi đọc lại những dòng nhật ký trên một cách trang trọng, đầy vẻ kính tôn, và tôi xin cho được ơn can đảm sống đức tin giữa lòng đời đầy thử thách hôm nay.  Tôi muốn làm gì và thể hiện niềm tin của tôi như thế nào trong mọi ngày sống của tôi hôm nay?

2.     Những dòng nhật ký truyền giáo trên không chỉ cho tôi thấy đau khổ và nước mắt của các Kitô hữu từ những cuộc bách hại đạo, chúng còn cho tôi thấy lòng trung thành và sự quả cảm của các Kitô hữu.  Họ sẵn sàng bỏ quê cha đất tổ để đi đến một nơi khác, chứ không bỏ Chúa!  Họ sẵn sàng từ bỏ công ăn việc làm, trốn chạy đến một nơi khác để có thể tiếp tục được sống đạo, giữ vững đức tin và rao giảng đức tin!  Nhờ vậy mà Tin Mừng được lan truyền đến mọi nơi, cụ thể là đến tôi ngày hôm nay.  Còn tôi thì sao?  Niềm tin của tôi đang bị những thử thách và bắt bớ nào?  Áp lực của công ăn việc làm, của những đam mê vật chất, của những danh vọng và quyền lực, và của tội lỗi ư?  Tôi có sẵn sàng buông bỏ chúng để chỉ có Chúa mà thôi?  Tôi đã làm gì để giữa những thử thách và cám dỗ ấy, tôi vẫn sống đức tin một cách mạnh mẽ, khôn ngoan và trưởng thành, không nhu nhược đến phải thỏa hiệp, không ấu trĩ đến trở thành mù quáng, không kiêu căng đến mức thành cuồng tín?  Điều quan trọng hơn cả đó là, một đức tin có Chúa Giêsu Phục Sinh, với Chúa Giêsu Phục Sinh, và ở trong Chúa Giêsu Phục Sinh, chứ không phải là một đức tin về Chúa Giêsu Phục Sinh!  Tôi muốn ngồi bên và kể cho Chúa Giêsu Phục Sinh nghe về niềm tin của tôi, cùng về cách sống và thể hiện niềm tin của tôi hôm nay.  Tôi để ý Chúa Giêsu Phục Sinh có phản ứng gì trong câu chuyện của tôi.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Tôi Thầm Tín,” sáng tác của Lm Hoàng Đức, do Lm Nguyễn Sang trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=uckLV-zJXus

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, April 24, 2023

Thứ Ba Tuần III Phục Sinh – Năm A –25-4-2023 – Lễ Thánh Sử Mác-cô

Thu Ba III PS

Mác-cô 16:15-20

15Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao.  Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.” 19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay được trích từ những dòng cuối cùng của Phúc âm Mác-cô, Chương 16.  Phúc âm Mác-cô có hai phần Kết Luận: Kết luận I (16:1-8) và Kết luận II (16:9-20).  Các nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng Kết Luận I là của Thánh Mác-cô, tác giả Tin Mừng này đã viết ra, nhưng Kết Luận II là của một người nào đó đã viết thêm vào sau này, như để bổ sung cho Kết Luận I, hoặc để thay thế cho Kết Luận I đã mất trong một số bản Kinh Thánh cổ.  Trong Kết Luận II bao gồm ba phần: 1) Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với bà Maria Mác-đa-la và hai môn đệ trên đường Emmau, đồng thời với Nhóm Mười Một Tông Đồ (16:9-14); 2) Chúa Giêsu Phục Sinh sai các Tông đồ đi rao giảng và hứa cho họ quyền làm phép lạ (16:15-18), và 3) Chúa Giêsu Phục Sinh lên trời trước mặt các Tông đồ và họ bắt đầu đi rao giảng (16:19-20).  Bài đọc hôm nay nằm trong phần Kết Luận II.

2.     Hôm nay là lễ kính Thánh Mác-cô, vị thánh đã viết ra Phúc âm đầu tiên, trong bốn Phúc âm.  Sứ điệp Chúa Giêsu Phục Sinh nhắn gởi các Tông đồ và mọi Kitô hữu, đó là: hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi!  Thánh Mác-cô đã làm tròn bổn phận đó bằng cách, viết sách Tin Mừng.  Nhờ Sách Tin Mừng Mác-cô, mà các Tin Mừng khác như: Tin Mừng Mát-thêu và Tin Mừng Luca đã được viết ra.  Nhờ Tin Mừng Mác-cô đã được viết ra, mà ngày nay khắp nơi được biết đến Chúa Giêsu.  Quả thực Mác-cô đã để lại cho nhân loại một kho tàng lớn lao và vô giá; đến mức, Thánh Giê-rô-ni-mô nói: “Ai không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Giêsu,” mà nếu không biết Chúa Giêsu, người ấy không xứng gọi mình là Kitô hữu.  Có bao giờ tôi đã đọc hết Tin Mừng Mác-cô?  Nếu chưa, hãy cố gắng đọc, vì Phúc âm này rất ngắn, chỉ gồm 16 chương.  Nếu đã đọc và đặc biệt đã cầu nguyện bằng Phúc âm Mác-cô, tôi biết Chúa Giêsu như thế nào?  Tôi muốn nói chuyện với Chúa Giêsu Phục Sinh trong lúc này và xin Ngài giúp tôi hiểu đúng và hiểu rõ hơn về Ngài.  Đặc biệt, tôi phải làm gì để gọi là thực hành mệnh lệnh của Chúa Giêsu Phục Sinh: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”?  Tôi muốn và sẽ thực hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng như thế nào ngay sau giờ cầu nguyện này?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu Phục Sinh để hiểu rõ hướng đi của Ngài đang dành tôi hôm nay.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, April 23, 2023

Thứ Hai Tuần III Phục Sinh – Năm A –24-4-2023

Thu Hai III PS

Công Vụ Tông Đồ 6:8-15

8Thời đó, ông Tê-pha-nô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân. 9 Có những người thuộc hội đường gọi là hội đường của nhóm nô lệ được giải phóng, gốc Ky-rê-nê và A-lê-xan-ri-a, cùng với một số người gốc Ki-li-ki-a và A-xi-a, đứng lên tranh luận với ông Tê-pha-nô. 10 Nhưng họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông. 11 Bấy giờ, họ mới xui mấy người phao lên rằng: “Chúng tôi đã nghe hắn nói lộng ngôn xúc phạm đến ông Mô-sê và Thiên Chúa.” 12 Họ sách động dân và các kỳ mục cùng kinh sư, rồi ập đến bắt ông và điệu đến Thượng Hội Đồng. 13 Họ đưa mấy người chứng gian ra khai rằng: “Tên này không ngừng nói những lời phạm đến Nơi Thánh và Lề Luật. 14 Vì chúng tôi đã nghe hắn nói rằng Giê-su người Na-da-rét sẽ phá huỷ nơi này và thay đổi những tục lệ mà ông Mô-sê đã truyền lại cho chúng ta.” 15 Toàn thể cử toạ trong Thượng Hội Đồng đều nhìn thẳng vào ông Tê-pha-nô, và họ thấy mặt ông giống như mặt thiên sứ.

(Trích Sách Công Vụ Tông Đồ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một trang nhật ký rất đặc biệt, mô tả về những giờ phút cuối cùng của cuộc đời Phó tế Tê-pha-nô, vị phó tế tiên khởi và cũng là vị tử đạo đầu tiên trong giáo hội, kể từ sau cái chết của Chúa Giêsu.  Tôi đã thấy Tê-pha-nô bị chống đối đến chết.  Ông không chỉ bị một người, nhưng cả một thế lực thù địch chống đối ông cho đến chết.  Điều này nói lên một sự thật trong cuộc sống, đời sống của những người theo Chúa, đời sống của những người công chính sẽ có những lúc rất lẻ loi, đơn độc.  Cuộc đời của họ như bị cả một thế lực thù địch luôn bao quanh, vây hãm mịt mùng.  Có khi nào tôi cũng rơi vào tâm trạng giống Tê-pha-nô?  Có khi nào tôi bị bủa vây tư bề, dường như không lối thoát?  Ai là những người chống đối tôi, người nhà, người ngoài, người thân quen, kẻ xa lạ?  Tôi đã phản ứng như thế nào những lúc đó?  Chúa ở đâu trong những lúc ấy?  Tôi có cảm thấy hoặc dám tin Chúa vẫn ở bên những lúc như thế, hay tôi nghi ngờ, giận ghét và than trách Chúa?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong giây phút này? 

2.     Hình ảnh đơn thân độc mã của Tê-pha-nô, dù bị những thế lực gian ác bủa vây thao túng, ông vẫn đứng vững, vẫn hiện ngang đến nỗi những kẻ ghét ông đã không làm gì được để khống chế tinh thần của ông; khiến cho cuối cùng, họ phải liên minh với nhóm này nhóm kia phao tin, xách động quần chúng để chống đối ông.  Nhật ký các tông đồ ghi lại một chi tiết rất quan trọng trong bài đọc hôm nay, đó là: sở dĩ ông đối đáp rất khôn ngoan là nhờ Thần Khí Chúa ban cho ông, đến nỗi những kẻ chống đối ông cũng nhận thấy mặt giống như mặt thiên sứ.  Như vậy sức mạnh của Tê-pha-nô là do ông biết nương tựa vào Chúa, chỉ một mình Ngài mới làm cho ông khôn ngoan và không hề biết sợ.  Tôi đang đối diện với những khó khăn nào?  Ngay giây phút này, tôi muốn bắt chước Tê-pha-nô chạy đến cùng Chúa, trở về với Chúa để có sức mạnh, sự khôn ngoan, và hướng đi đúng cho những khó khăn của tôi.  Tôi đọc lại bài đọc trên, chiêm ngắm thái độ quả cảm của Tê-pha-nô cho thật kỹ, đồng thời nhẩm đi nhẩm lại một câu nói nào đó về Chúa thật sự đang như thế nào đối với tôi, chẳng hạn như: Chúa là sức mạnh và kiên thuẫn (Tv 28:7-8); Chúa là nguồn mạch sự khôn ngoan (Cn 9:10); Chúa là đèn soi mọi bước chân (Tv 18:28); Chúa là mục tử (Tv 23), hoặc Chúa là đá tảng đời tôi (Tv 18:2), và để câu ấy thấm sâu vào cõi lòng của tôi, giúp tôi có những hướng đi và quyết định đúng cho những khó khăn mà tôi đang đối diện.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, April 22, 2023

Chúa Nhật Tuần III Phục Sinh – Năm A –23-4-2023

 CN III PS

Luca 24:13-35

13Vào ngày thứ nhất trong tuần, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. 14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. 16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17 Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?”  Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. 18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” 19 Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy?” Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét.  Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. 20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en.  Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. 22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc.  Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. 24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.” 25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả!  Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! 26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? 27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. 28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29 Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.”  Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. 32 Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” 33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34 Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.” 35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Có lẽ bài đọc hôm nay là bản văn cổ nhất ghi lại một kiểu sinh hoạt đức tin của các Kitô hữu tiên khởi vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay, đó là Thánh Lễ.  Bản văn ghi nhận câu chuyện Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Em-mau, nghe như một Thánh lễ mà tôi có thể tham dự ở bất kỳ nơi nào trên thế giới hiện nay.  Câu chuyện bao gồm hai phần: Phần đầu, nghe như Phụng Vụ Lời Chúa trong mỗi Thánh lễ ngày nay, khi mà Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ và giải thích Kinh Thánh cho họ; phần hai, nghe như Phụng Vụ Thánh Thể trong mỗi Thánh lễ ngày nay, khi mà Chúa Giêsu bẻ bánh trước mặt hai môn đệ.  Tôi có thể đọc lại câu chuyện trên, hoặc đi lễ hôm nay, và để ý thật kỹ câu chuyện trên được công bố cho cả nhà thờ nghe trong Thánh lễ hôm nay.  Có thể tôi đang có những buồn chán, thất vọng, mất lý do sống, giống như hai môn đệ trên?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu Phục Sinh, xin Ngài giúp tôi vượt qua những giây phút rất khó khăn này.  Tôi để ý Chúa Giêsu Phục Sinh đang ở bên tôi, giảng giải Kinh Thánh cho tôi; sau đó, Ngài dẫn tôi đến bàn tiệc Thánh Thể, và tôi muốn chiêm ngắm thật kỹ những cử chỉ Chúa Giêsu Phục Sinh đang muốn làm cho tôi.  Kể từ nay tôi muốn tham dự Thánh Lễ như thế nào?

2.     Bài đọc hôm nay kết thúc thật có hậu.  Lúc đầu hai môn đệ đang thất vọng, chán nản bỏ về quê, làm lại cuộc đời.  Nhưng sau khi gặp Chúa Giêsu Phục Sinh, họ bỗng trở thành con người mới đầy sinh lực, hy vọng và mạnh mẽ.  Ngay trong đêm tối ấy, họ trở lại Giê-ru-sa-lem để kể cho các bạn nghe họ đã gặp Chúa Giêsu Phục Sinh, những lời Ngài nói, và những việc Ngài làm cho họ như thế nào.  Gặp Chúa là như vậy, được biến đổi trở thành một con người mới, đầy tự do, sức sống, yêu đời và lạc quan.  ĐGH Phan-xi-cô nói: “NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu” (Niềm Vui Tin Mừng #1).  Tôi đi lễ hằng tuần, hoặc đi lễ mỗi ngày, tôi có cảm thấy được biến đổi, hay vẫn buồn chán, thất vọng và bi quan?  Tôi có thể đặt câu hỏi với chính mình, như các môn đệ đã đặt câu hỏi với chính họ: “Tôi là Kitô hữu bao nhiêu năm, đi lễ biết bao nhiêu lần, cầu nguyện biết bao nhiêu giờ, ấy vậy mà lòng tôi sao chẳng bừng cháy lên, đời sống của tôi sao vẫn cứ nguội lạnh?”  Cái gì đã che mắt khiến tôi không nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh bao lâu nay?  Tôi xin Chúa Giêsu Phục Sinh giúp mở mắt tôi.  

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, April 21, 2023

Thứ Bảy Tuần II Phục Sinh – Năm A –22-4-2023

 Thu Bay II PS

Gioan 6:16-21

16Chiều đến, các môn đệ xuống bờ Biển Hồ, 17rồi xuống thuyền đi về phía Ca-phác-na-um bên kia Biển Hồ.  Trời đã tối mà Đức Giê-su chưa đến với các ông. 18 Biển động, vì gió thổi mạnh. 19 Khi đã chèo được chừng năm hoặc sáu cây số, các ông thấy Đức Giê-su đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền.  Các ông hoảng sợ. 20 Nhưng Người bảo các ông: “Thầy đây mà, đừng sợ!” 21 Các ông muốn rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc đó thuyền đã tới bờ, nơi các ông định đến.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là dấu lạ thứ hai trong Chương Sáu của Phúc âm Gioan, Chúa Giêsu đi trên mặt biển.  Câu chuyện này xảy ra ngay sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ nuôi hơn năm ngàn người ăn no nê.  Tôi muốn để ý đến những hình ảnh trong câu chuyện: Biển động vì gió thổi mạnh, con thuyền, các môn đệ chèo thuyền và Chúa Giêsu đi trên mặt biển.  Đây là bài đọc mang nhiều tính biểu tượng.  Chiếc thuyền là hình ảnh của Giáo hội; biển động lớn là những cuộc bách hại đạo; các môn đệ chèo thuyền là hình ảnh những vị lãnh đạo trong Giáo hội đang phải chèo chống vất vả, và Chúa Giêsu hiện đến, nguồn bình an. 

2.  Hai từ “Giáo hội” có thể mang nhiều nghĩa.  Giáo hội có thể hiểu là giáo hội hoàn vũ, cũng có thể là giáo hội địa phương là giáo xứ của tôi; thậm chí, cũng có thể là giáo hội tại gia là gia đình bé nhỏ của tôi.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi muốn cầu nguyện cho giáo hội nào?  Giáo hội nào tôi cảm thấy đang bị sóng đánh mạnh trong lúc này?  Giáo hội nào mà những người đứng đầu đang phải chèo chống rất mệt mỏi trong lúc này?  Chúa ở đâu trong giáo hội ấy?  Tôi cầu xin Chúa Giêsu hiện diện trong giáo hội ấy.  Tôi cầu nguyện để mọi người, giữa lúc đang vất vả chèo chống, vẫn tỉnh táo đủ để thấy sự hiện diện của Chúa Giêsu và nương vào Ngài, chứ không chỉ thấy ma.  Chỉ khi nào có sự hiện diện của Chúa Giêsu, giáo hội ấy mới bình an, mới hết sợ và mới chèo đến bến.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng lời cầu nguyện cho giáo hội như sau: Lạy Chúa Giêsu, xin thương nhìn đến Hội Thánh là đàn chiên của Chúa.  Xin ban cho Hội Thánh sự hiệp nhất và yêu thương, để làm chứng cho Chúa giữa một thế giới đầy chia rẽ.  Xin cho Hội Thánh không ngừng lớn lên như hạt lúa.  Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước, đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.  Ước gì Hội Thánh trở nên men được vùi sâu trong khối bột loài người để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.  Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.  Xin cho Hội Thánh trở nên bàn tiệc của mọi dân nước, nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.  Cuối cùng xin cho chúng con biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời, nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.  Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian, nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.” (Lời Nguyện Rabbouni #61).   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, April 20, 2023

Thứ Sáu Tuần II Phục Sinh – Năm A –21-4-2023 – Lễ Thánh Anselm, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh

Thu Sau II PS

Gioan 6:1-15

1Khi ấy, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a. 2 Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. 3 Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. 4 Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái. 5 Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình.  Người hỏi ông Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” 6 Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. 7 Ông Phi-líp-phê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” 8 Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người: 9“Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” 10 Đức Giê-su nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.”  Chỗ ấy có nhiều cỏ.  Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. 11 Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó.  Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. 12 Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” 13 Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. 14 Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” 15 Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Có lẽ tôi sẽ thắc mắc, tại sao hôm nay mới là Tuần II Phục Sinh, tức là mới đầu Mùa Phục Sinh, các bài đọc phải nói về những câu chuyện phục sinh chứ, trong khi đó Giáo hội lại chọn bài đọc phép lạ hóa bánh ra nhiều, chẳng liên can gì đến phục sinh của Chúa Giêsu?  Có chứ, và có lẽ đây là một sự sắp đặt rất khôn ngoan của Giáo hội.  Bởi nếu đọc toàn bộ Phúc âm Gioan, tôi sẽ thấy sau biến cố Chúa Giêsu làm phép lạ nuôi năm ngàn người ăn no ở phần mở đầu của Chương Sáu, Gioan dành cả phần còn lại, rất dài, của chương này để viết về bài giảng của Chúa Giêsu về bánh hằng sống, mà Giáo hội sẽ dùng để suy niệm trong những ngày sắp tới.  Mà biến cố quan trọng xảy ra trước khi Chúa Giêsu bị bắt trong Tam Nhật Thánh, đó là Thứ Năm Tuần Thánh, Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể, trong đó Ngài nói: “‘Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.’  Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: ‘Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.’" (1 Cor. 11:24-25).  Như vậy, bài đọc hôm nay rất thích hợp để đọc trong Mùa Phục Sinh.  Bởi chính Chúa Giêsu đã dạy và Ngài cũng đã làm giống như những gì Ngài đã dạy, tự hiến mình làm của ăn nuôi sống con người.  Tôi có thể đọc toàn bộ Chương Sáu của Phúc âm Gioan để hiểu chương này gắn liền với biến cố của Thứ Năm Tuần Thánh như thế nào.

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên nhiều lần và để cho từng cử chỉ của Chúa Giêsu làm trước mặt dân chúng, chạm vào cõi lòng tôi.  Tôi để ý những hình ảnh nào, những lời nói nào trong bài đọc khiến tôi chú ý nhiều nhất và mở lòng để cho chúng dẫn tôi vào thật sâu trong tương quan với Chúa Giêsu.  Đặc biệt tôi cảm nghiệm được chính Chúa Giêsu là bánh hằng sống đích thực nuôi dưỡng tôi, mỗi khi tôi cầu nguyện với Lời của Ngài, và mỗi khi tôi lên rước Mình và Máu thánh Ngài, bởi nếu không có Ngài, tôi sẽ không có sự sống đời đời.  Tôi muốn dành giây phút này nói chuyện với Chúa Giêsu Phục Sinh cũng là bánh hằng sống của tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, April 19, 2023

Thứ Năm Tuần II Phục Sinh – Năm A –20-4-2023

Thu Nam II PS

Công Vụ Tông Đồ 5:27-33

27Bấy giờ, viên lãnh binh Đền Thờ cùng các thuộc hạ điệu các Tông Đồ đến giữa Thượng Hội Đồng; vị thượng tế hỏi các ông rằng: 28“Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà các ông đã làm cho Giê-ru-sa-lem ngập đầy giáo lý của các ông, lại còn muốn cho máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi!” 29 Bấy giờ ông Phê-rô và các Tông Đồ khác đáp lại rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm. 30 Đức Giê-su đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy, 31và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Ít-ra-en ơn sám hối và ơn tha tội. 32 Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người.” 33 Nghe vậy, họ giận điên lên và muốn giết các ông.

(Trích Công Vụ Tông Đồ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Những trang nhật ký truyền giáo của các Kitô hữu tiên khởi thật đẹp, thật lạ.  Thật đẹp là vì đời sống của các Kitô hữu tiên khởi rất đẹp; họ luôn một lòng một trí với nhau, kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Phục Sinh và hết lòng phục vụ tha nhân.  Thật lạ là vì các tông đồ là những người thất học, khi Chúa Giêsu bị kết án tử hình, họ sợ chạy toán loạn, sau đó họ sợ nên phải ở trong phòng có cửa đóng then cài cẩn thận; ấy vậy mà sau khi gặp được Chúa Giêsu Phục Sinh, họ tung cửa đi ra rao giảng khắp nơi, dù cho có bị bắt bớ, đánh đập và tù đầy, họ vẫn không sợ.  Họ đứng giữa các hội đường mạnh mẽ rao giảng về Chúa Giêsu Phục Sinh khiến những kẻ có quyền phải sợ, khiến những người học phải nể.  Đời sống chứng nhân mạnh mẽ của họ nói gì với tôi?  Làm thế nào mà họ mạnh mẽ, không sợ hãi vậy?  Có khi nào tôi đã sợ hãi, nhút nhát mà nay tôi mạnh mẽ và can đảm dám làm chứng cho niềm tin?  Nếu mạnh mẽ và can đảm, vậy làm thế nào mà tôi đã trở nên rất mạnh mẽ sống chứng nhân như vậy?  Nếu vẫn nhút nhát và sợ hãi, đời sống đức tin của tôi đang thiếu cái gì?  Tôi muốn nói chuyện với Chúa Giêsu Phục Sinh trong lúc này.

2.     Khi bị hạch sách, Phê-rô và các tông đồ thưa: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm.”  Có khi nào tôi cũng bị bắt bẻ, đàn áp khiến tôi phải chọn lựa, giữa: Chúa và người khác, giữa Chúa và sức mạnh trần thế như tiền bạc, danh vọng, quyền lực?  Tôi đã chọn thế nào những lúc ấy?  Có khi nào tôi đã mạnh dạn chọn Chúa, dù cho có thiệt thân?  Tôi cảm thấy như thế nào sau những lần chọn lựa ấy?  Tôi muốn nói chuyện với Thánh Phê-rô và các tông đồ xem sao.  Tôi đọc lại bài đọc trên để tìm sức mạnh sống đức tin giữa cuộc đời hôm nay.   

Phạm Đức Hạnh, SJ